Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 129)

Thứ sáu - 01/08/2014 21:13

Xin chào các vị đồng tu! Lần trước chúng tôi đã giảng đến "Di Lặc sở vấn thập niệm", phía sau còn có hai điều chưa giảng, hôm nay chúng ta lại xem tiếp.

Kinh văn: "Cửu giả, cận ư giác ý, sanh khởi chủng chủng, thiện căn nhân duyên, viễn ly hội náo, tán loạn chi tâm".

Đây là nói đến pháp mười niệm trong "Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh". Bồ Tát nói rồi, có thể đầy đủ mười loại niệm này, quyết định vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Mười niệm tuy là không phải phàm phu chúng ta có thể làm đến được viên mãn, thế nhưng không phải không làm được, chúng ta phải tận tâm tận lực cố gắng mà làm.

Điều thứ chín là "cận ư giác ý". Hai chữ "cận ư" này dùng được rất hay. Chữ "giác ý" ở đây là chỉ Phật Đà. Phật Đà là đại giác viên mãn. Bồ Tát tuy là giác, nhưng khi sánh với Phật thì cự ly còn kém rất xa, thế nhưng luôn phải tiếp cận. Tiếp cận thì chúng ta phải nên học tập.

Phía sau nói hai câu rất hay, nhất là câu sau cùng "sanh khởi chủng chủng thiện căn, nhân duyên", chú trọng ở nơi "nhân duyên". Thiện căn là vô tham, vô sân, vô si. Ba thiện căn này phải dũng mãnh tinh tấn, Bồ Tát thiện căn. Cái gì là nhân duyên? Nhân duyên, nhất định phải viễn ly nơi phồn hoa náo nhiệt. Ly, không chỉ là bảo thân chúng ta ly, thân tuy đã ly rồi, ở trong núi để tu hành, thế nhưng tâm thì không ly, tâm vẫn thường hay nghĩ đến thế gian, rất nhiều những việc náo nhiệt, vậy thì không ích gì. Hiện tại khoa học kỹ thuật phát triển, trong núi sâu cũng có mắc lấy truyền hình. Chỉ cần có truyền hình, chỉ cần có phát thanh thì không thể ly. Do đây có thể biết, nếu như ở trong đô thị, họ không xem báo chí, không nghe phát thanh, không xem truyền hình thì họ chân thật đã ly rồi. Chúng ta phải hiểu được chân tướng sự thật này. Tại vì sao vậy? Những thứ này nhiễu loạn tâm thanh tịnh của chúng ta. Một số ngoại duyên này đều là giúp chúng ta sanh tham sân si.

Xã hội hiện đại chú trọng đến cái gì? Khích lệ mọi người tiêu xài cũng chính là khích lệ mọi người tham sân si. Đây là chính sách kinh tế của nhiều quốc gia tiên tiến chọn lấy. Nếu bạn không tham, không sân, không si thì họ không thể kiếm tiền. Người học đạo chúng ta, nếu như vậy mà đi theo thì không tham, không sân, không si, thiện căn tinh tấn sẽ vĩnh viễn không thể sanh khởi. Các vị thử nghĩ xem có đúng hay không? Cho nên sự việc này rất phiền phức, chân thật học Phật thì lại có mâu thuẫn với chính sách kinh tế của quốc gia. Rốt cuộc thì phải làm sao? Tất nhiên người học Phật trong xã hội là thiểu số, người không học Phật là đa số. Ngay trong số người học Phật, người giả học Phật thì lại chiếm đa số, người chân thật học Phật thì rất ít. Các vị thử hỏi thăm lẫn nhau, có mấy người mỗi ngày không xem báo chí, không xem truyền hình? Cho nên tôi nghĩ, tuyệt nhiên không trái phạm đối với chính sách kinh tế của quốc gia. Thế nhưng vấn đề chính là chúng ta có phải chân thật quyết tâm muốn cầu sanh Thế giới Cực Lạc hay không? Nếu như chân thật muốn vãng sanh, muốn sanh Thế giới Cực Lạc, muốn ở ngay trong đời này thấy A Di Đà Phật thì bạn nhất định phải y giáo phụng hành. Chính sách quốc gia chúng ta quyết định không trái phạm, thế nhưng chúng ta chính mình nhất định phải đoạn tham sân si mạn, nhất định phải học tiết kiệm giản dị, trải qua đời sống đơn giản nhất, có như vậy mới có thể "cận ư giác ý". Nếu không mà nói, tuy học Phật, nhưng vẫn cứ mê tà nhiễm. Đây là sự thật. Có mấy người từ mê tà nhiễm chân thật hồi đầu, nương vào “giác - chánh - tịnh”? Đích thực là không nhiều. Chẳng trách lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ngày trước thường nói: "Một vạn người niệm Phật, chân thật vãng sanh chỉ có hai - ba người". Đây là nói người chuyên tu Tịnh Độ, người không tu thì càng không cần phải nói. Chân thật tu Tịnh Độ thì phải chuyển "mê - tà - nhiễm" thành “giác - chánh - tịnh”, vậy mới có thể được vãng sanh. Đoạn này chính là nói cái ý này. Thế nhưng chính mình phải thử nghĩ xem, vô lượng kiếp đến nay, tập khí "mê - tà - nhiễm" quá sâu quá nặng. Chúng ta cũng biết mười ác là nhất định không thể làm, thế nhưng ở ngay trong cuộc sống thường ngày, hữu ý hay vô ý, ý niệm của mười ác thường hay khởi hiện hành, sự việc của mười ác vẫn thường hay làm, làm rồi lại hối hận, hối hận rồi lại làm tiếp, chẳng phải là làm những việc này hay sao? Làm rồi mà có thể hối hận thì vẫn xem là không tệ, còn có một chút lương tâm. Làm rồi mà không biết được hối hận, nghiệp chướng đó quá sâu quá nặng. Cho nên chân thật có thể hồi đầu thì thật không dễ dàng.

Tại vì sao chúng ta không thể quay đầu? Chúng ta phải đi tìm nguyên nhân này. Quay đầu lại thì "cận ư giác ý", không thể quay đầu thì "cận ư nhiễm ý". Chúng ta trải qua mấy mươi năm học tập này, sâu sắc thể hội được tầm quan trọng của giáo dục. Nếu không có người dạy thì bạn làm sao biết quay đầu? Tuy chúng ta cũng đang học, nhưng thời gian học không đủ. Mọi người chúng ta cùng nhau học tập cũng được không ít năm, tại vì sao vẫn cứ không thể quay đầu? Vì thời gian học quá ít. Mỗi ngày đến nơi đây để nghe Kinh, một tuần lễ bạn mới học mười mấy giờ đồng hồ. Khi nào không nghe Kinh thì bạn tùy thuận phiền não tập khí vọng tưởng. Chúng ta tỉ mỉ mà nghĩ tưởng, thời gian tùy thuận vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì dài, thời gian tùy theo giáo huấn của Phật Đà thì quá ít, cho nên không cách gì quay đầu. Chúng ta lại nghĩ đến người xưa, đem sự việc này dễ dàng nghĩ được thông, nghĩ thấu suốt. Người xưa, thời gian tiếp nhận huân tập Phật pháp dài. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời, mỗi ngày giảng Kinh 8 giờ. Nếu Thế Tôn Ngài không giảng kinh thì mọi người cùng nhau nghiên cứu thảo luận, mỗi ngày 8 giờ đồng hồ, 49 năm không gián đoạn. Làm sao biết được Ngài giảng Kinh 8 giờ mỗi ngày? Trên Kinh thường nói: "Nhị thời giảng Kinh". Ấn Độ vào thời xưa, đem ngày đêm phân thành sáu thời, ngày ba thời, đêm ba thời. Vậy hai thời giảng Kinh, chẳng phải là 8 giờ của hiện tại hay sao? Hiện tại chúng ta đem một ngày đêm phân thành 24 giờ, vào lúc đó phân thành sáu thời. Nếu không giảng Kinh thì là tư duy tu, cho nên cái họ nghĩ, cái họ nói, cái họ làm, đều là "cận ư giác ý". Ngày ngày nghĩ đến giáo huấn của Phật, y giáo phụng hành, thời gian dài như vậy, cho nên mới có thể chuyển đổi. Chúng ta xem thấy tình hình trước mắt, sâu sắc thể hội giảng Kinh là quan trọng. Tu hành, cho dù là niệm Phật, tại vì sao có thể thoái chuyển? Vì nghe kinh quá ít, không giác ngộ, cho nên niệm Phật sẽ thoái chuyển, niệm Phật vẫn còn nghĩ tưởng xằng bậy, niệm một thời gian thì lại đi học pháp môn khác. Đây đều là do nghe kinh quá ít.

Sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, đạo tràng từ trước cũng là ngày ngày giảng Kinh, cho nên đạo tràng chính là trường học, bốn chúng đồng tu đến đạo tràng chính là đi học, thân cận thiện tri thức, là trường học, không phải làm những nghi thức tôn giáo này. Thế nhưng hiện tại Phật giáo của chúng ta không phải như vậy. Phật giáo hiện tại, gần như toàn bộ thảy đều là làm nghi thức tôn giáo. Đây là đem giáo dục của Phật Đà biến thành tôn giáo. Tôn giáo chú trọng nghi thức, Phật pháp không chú trọng nghi thức, mà chú trọng giáo học. Nghi thức là một bộ phận lễ tiết của Phật giáo. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng bản chất của Phật pháp. Phương thức tu hành tuy là rất nhiều, nhưng nguyên tắc chỉ có một, đó chính là làm một cuộc thay đổi mà thôi. Vô lượng pháp môn không ngoài nguyên tắc này. Chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh, đây là mục tiêu giáo học của Phật pháp. Chúng ta có chuyển hay không? Sự việc này, ngày ngày phải chuyển, niệm niệm đều phải chuyển, vậy mới có thể chuyển đổi được. Nếu như quên mất đi mục tiêu trung tâm này thì cho dù có học được nhiều pháp môn hơn, học được thời gian nhiều hơn cũng không thể chuyển, vì đây chính là học suông, không luận tu học pháp môn nào, pháp môn niệm Phật tuy nói là đạo dễ hành, có thể chuyển phàm thành thánh. Cho nên chúng ta niệm Phật, nếu không làm được sự chuyển đổi thì cũng không thể vãng sanh.

Khi "Tịnh Tông Học Hội" thành lập, chúng ta viết ra một duyên khởi. Trong duyên khởi nêu ra năm khóa mục tu học, chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày làm việc thù đáp qua lại đều phải tuân thủ, biết được chính mình phải nên làm như thế nào. Trọng tâm giáo học của Phật pháp chính là "hiếu thân tôn sư". Trong “Tam Phước”, vừa mở đầu là "hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng". Hai câu này làm được tròn đầy viên mãn thì liền thành Phật. Bao gồm tất cả Kinh luận mà Thế Tôn đã nói trong 49 năm, không rời khỏi đề mục này. Nếu như có người hỏi bạn “Phật pháp là gì?” thì xin thưa, đó là "hiếu thân, tôn sư". Chúng ta học Phật, nhưng đem cương lĩnh trung tâm giáo học của Phật quên hết sạch trơn, tu học tất cả pháp môn, dường như là không liên quan gì với việc này, bạn làm sao có thể thành tựu?

Làm thế nào mới hiếu thân tôn sư? "Từ tâm bất sát, tu mười nghiệp thiện", đây là hiếu thân tôn sư. "Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi" là hiếu thân tôn sư. "Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả" đều là hiếu thân tôn sư. Thậm chí nói đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều thực tiễn hiếu thân tôn sư. Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn một phẩm vô minh chưa phá hết, hiếu đạo vẫn chưa viên mãn, còn khuyết một phần; tôn sư trọng đạo cũng thiếu một phần, chưa đạt đến viên mãn. Đến Như Lai quả địa thì hiếu thân tôn sư mới làm đến được viên mãn một trăm phần trăm. Các vị hiểu rõ đạo lý này thì mới biết được Phật pháp không thể không học, Phật pháp có quan hệ rất mật thiết với chúng ta.

Trên Kinh luận, bạn nói xem, có bao nhiêu? Các vị đọc Kinh không được nhiều, "Kinh Vô Lượng Thọ", bạn đã đọc qua rồi, "Kinh Địa Tạng" đọc qua rồi, "Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh" cũng đọc qua rồi, đều giảng qua ở nơi đây. Phật giáo huấn ở trong những kinh này, chúng ta đã làm được mấy điều? Cho nên đặc biệt vì đồng tu Tịnh Tông chúng ta, chọn kinh văn để đọc thời khóa sớm tối, khóa sớm chọn đọc 48 nguyện, mục đích là hy vọng chúng ta nương theo 48 nguyện này mà phát tâm. Bốn mươi tám nguyện này là tâm nguyện của A Di Đà Phật. Chúng ta sau khi đọc rồi thì phải phát ra tâm nguyện giống như A Di Đà Phật. Buổi tối chọn đọc "Kinh Vô Lượng Thọ", từ phẩm 32 đến phẩm 37. Đoạn Kinh văn lớn này nói gì? Năm giới mười thiện. Chúng ta phải làm được, quyết định không thể trái phạm, cho dù là làm việc tốt, việc thiện cũng không thể trái ngược; luôn phải hiểu được chừng mực, phương tiện khéo léo, phải đầy đủ trí tuệ. Khảo lượng của trí tuệ phải nghĩ đến sự ảnh hưởng, đối với sự ảnh hưởng trước mắt và sự ảnh hưởng đối với tương lai đều phải nghĩ đến. Nếu như sự ảnh hưởng này là thiện thì có thể làm, sự ảnh hưởng là bất thiện thì quyết định không thể làm, nhất là Phật nói, hiện tại bạn làm như vậy là việc tốt, thế nhưng tương lai sẽ không tốt, vậy thì việc này không thể làm. Những thí dụ này, các vị đọc qua “Liễu Phàm Tứ Huấn”, lý sự trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” đều có nói đến rất nhiều. Cho nên nhất định phải chú ý đến sự ảnh hưởng.

Cổ thánh tiên hiền trước đây thâm minh thử lý, cho nên không xem trọng đối với khoa học kỹ thuật. Không phải chúng ta không thông minh, các vị phải nên biết, có rất nhiều phát minh ra, mọi người đều biết kim chỉ nam, thuốc súng, những thứ này đều do người xưa chúng ta phát minh ra, thế nhưng không diễn biến thành vũ khí giết người (đây là trí tuệ của chúng ta), nhưng khi truyền đến nước ngoài thì lập tức bị biến chất. Chúng ta đọc được ở trên lịch sử, thời đại của Vương Mãng đã có người phát minh phi hành (hiện tại gọi là máy dù lượn), đã có người muốn học bay, thế nhưng cái thứ này không truyền lại. Thời đại Tam Quốc, các vị đều biết rõ ràng, Gia Cát Lượng phát minh cơ khí hóa vận chuyển, trâu cây ngựa nước. Sau khi Gia Cát Lượng chết rồi thì hủy mất hoàn toàn kỹ thuật này, không lưu lại đời sau. Không phải ông bỏn xẻn, ông biết được những khoa học này nếu như phát triển tiếp tục thì thế giới sớm ngày hủy diệt. Khoa học kỹ thuật của chúng ta, nếu như từ 5.000 năm trước đã bắt đầu phát triển thì địa cầu này không còn, đã sớm bị hủy diệt rồi. Vậy bạn mới có thể lý giải, cổ thánh tiên hiền chúng ta, các Ngài đã nghĩ đến, ngay lúc đó có chút tiện lợi, diễn biến về sau sẽ sanh ra rất nhiều tác dụng phụ, thế là liền xả bỏ hết. Nếu như Einstein có tiếp nhận qua giáo dục của thánh hiền, ông nhất định sẽ không công bố ra lý luận của đạn nguyên tử, tuy ông biết được nhưng ông cũng sẽ không nói. Văn hóa Trung Quốc và văn hóa phương tây khác nhau ở chỗ này.

Phật càng thông minh hơn, điều gì cũng biết. Những nguyên lý khoa học cận đại này, trong Phật Kinh thảy đều có nói đến, thực tế mà nói, cao minh hơn nhiều so với những gì họ đã nói. Đây là có trách nhiệm đối với xã hội, có trách nhiệm đối với lịch sử, có trách nhiệm đối với hạnh phúc của tất cả chúng sanh. Đây là Phật pháp, quyết định không có nói vì chính mình. Vì chính mình, tự tư tự lợi là phàm phu, không có thứ nào không tạo nghiệp. Trên Kinh Địa Tạng nói: "Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm thảy đều là tội". Trong lời nói này, khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi. Người giác ngộ, khởi tâm động niệm đều là vì tất cả chúng sanh, đời sống đều là tất cả chúng sanh. Ta sống ở thế gian này, vì chúng sanh phục vụ, không phải vì chính mình. Mặc áo ăn cơm đều là vì chúng sanh, đọc sách vì chúng sanh, làm việc vì chúng sanh, mọi thứ đều là vì chúng sanh phục vụ, vì chúng sanh tạo phước, đây chính là người giác ngộ, đây chính là "cận ư giác ý". Mỗi niệm vì chúng sanh, mỗi niệm vì xã hội thì "sanh khởi chủng chủng thiện căn nhân duyên". Mỗi niệm vì chính mình, đó chính là tạo tác tất cả căn nguyên của ác nghiệp. Khác biệt chính ngay chỗ này. Nếu như chúng ta đem ý niệm chuyển đổi lại, vì chúng sanh, vì xã hội, không nên vì chính mình thì tiền đồ của bạn là một mảng sáng lạn. Cái ý niệm này sanh trí tuệ. Người mà mỗi niệm vì chính mình thì tâm đó là mê hoặc điên đảo, cái tâm đó sanh tham sân si, không sanh trí tuệ, cho nên nhất định phải đem ý niệm chuyển đổi lại.

Phải chân thật chuyển đổi lại, cần phải hoan hỉ mà trải qua đời sống thanh đạm. Câu nói này, người hiện tại rất khó lý giải, rất khó tiếp nhận. Đây là do chúng ta học tập không đủ độ sâu. Nếu như học tập có độ sâu nhất định, bạn liền biết được đời sống đơn giản chính là đời sống hạnh phúc nhất. Trong đời sống xa xỉ không có hạnh phúc, bạn phải bỏ ra giá trị quá lớn. Bạn tỉ mỉ mà dò xét, được không bằng mất, có được thì quá ít, bỏ ra thì quá nhiều. Bỏ ra cái gì? Lo lắng, hiện tại chúng ta gọi là áp lực của tinh thần, áp lực của vật chất. Đời sống đơn giản thì thân tâm tự tại, trong tâm bạn không có lo lắng, không có vọng tưởng, không có vướng bận. Thật tự tại! Tâm thanh tịnh thì thân thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh cũng thanh tịnh, đó là cảnh tùy tâm chuyển. Cho nên chúng ta nhất định phải học.

Một điều sau cùng là "chánh niệm quán Phật, trừ khứ chư căn". Câu nói này chính là Pháp Tướng Tông đã nói "chuyển thức thành trí". Đại Sư Giao Quang đã nói "xả thức dụng căn" ở trong "Lăng Nghiêm Chánh Mạch". Sự dụng căn đó, chỗ này nói phải "trừ khứ chư căn". Sự dùng căn đó của Ngài là dùng tánh ở trong căn. Trừ khứ là trừ đi thức ở trong căn. Cho nên cách nói này tuyệt nhiên không có mâu thuẫn. Nếu như bạn đọc “Lăng Nghiêm”, trong "Lăng Nghiêm" nói phải dùng căn, còn chỗ này nói phải đem căn bỏ đi, vậy thì rốt cuộc là dùng căn tốt hay trừ bỏ đi thì tốt? Vấn đề liền xảy ra rồi. Ý nghĩa không như nhau, một cái là dùng tánh trong căn, giống như Đại Sư Giao Quang dạy chúng ta, chúng ta thấy là dùng thấy của tánh thấy. Tánh thấy là tánh của nhãn căn. Cái này nếu như trừ đi, trừ là không nên dùng nhãn thức mà thấy, vì sao vậy? Thức có phân biệt, có chấp trước, có vọng tưởng. Trong tánh không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Bạn hiểu rõ đạo lý này thì rất dễ dàng biện biệt. Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, chỉ cần lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chính là xả thức dùng căn, chính là chỗ này nói "trừ khứ chư căn". Sau khi trừ khứ chư căn, câu thứ nhất tự nhiên liền hoàn thành rồi.

"Chánh niệm quán Phật". "Chánh niệm" là gì vậy? Không có tà niệm, cho nên không phải họ vô niệm, mà là họ không có tà niệm, chính là chánh niệm. Cái gì là tà niệm? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là tà niệm. Nhất định không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là chánh niệm. Trong tông môn chúng ta thường hay xem thấy câu: "Chánh niệm vô niệm", [tức là] trong chánh niệm không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chánh niệm thì quán Phật, cảnh giới của Phật liền hiện tiền. "Quán Phật" là không phải bảo bạn một ngày từ sớm đến tối thấy tượng Phật. Quán Phật là ý nghĩa gì vậy? Cũng giống như trong Đại Kinh, Phật đã nói: "Đại địa chúng sanh, vốn dĩ thành Phật". Bạn xem thấy tất cả chúng sanh hữu tình đều là chư Phật Như Lai thì chánh niệm của bạn liền hiện tiền. Nếu bạn xem thấy những chúng sanh này là phàm phu, họ đang tạo nghiệp, đó là bạn tà niệm quán thế gian, bạn không phải chánh niệm. Cho nên, mắt của Phật xem thấy tất cả chúng sanh là chư Phật Như Lai, phàm phu xem thấy chư Phật Bồ Tát đều là phàm phu. Các vị nghĩ xem, chỗ này chẳng phải là nói "cảnh tùy tâm chuyển" hay sao?

Chánh niệm là chân tâm. Chân tâm xem thấy cảnh giới bên ngoài thì thấy được chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Chân tướng chính là cảnh giới Phật, chân tướng chính là tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo, trên "Kinh Hoa Nghiêm" nói "tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí" (viên là viên mãn, chủng trí là cảnh giới của Phật). Cho nên chúng ta phải huấn luyện, lúc nào xem thấy tất cả chúng sanh đều là Phật, ta tỉ mỉ mà xem, “tôi thấy anh giống như một vị Phật”, thì ta liền thành Phật; “tôi thấy anh không giống Phật”, thì ta là phàm phu; “tôi thấy anh giống như vị Bồ Tát”, thì ta thành Bồ Tát. Cảnh tùy tâm chuyển! Cho nên cái mười niệm này, trong "Tông Yếu" nói: "Như thị thập niệm, ký phi phàm phu sở năng, đương tri sơ địa dĩ thượng Bồ Tát, nãi năng cụ túc thập niệm". Sơ địa chỗ này là nói Biệt Giáo. Biệt Giáo Sơ Địa bằng với Viên Giáo Sơ Trụ, hay nói cách khác, Pháp Thân Đại Sĩ, người phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân mới có thể chân thật đầy đủ. Vậy thì chúng ta không thể, chúng ta phải học. Mười điều này, mỗi một điều đều phải học.

Trong điều thứ nhất, chúng ta phải học tập, đó là nhất định không được tự khen mình, chê người. Chính mình khen ngợi chính mình, tán thán chính mình, hạ thấp người khác là nhất định không nên. Đây là tâm bệnh mà chúng ta rất dễ phạm. Chúng ta niệm Phật, đây là chánh pháp, pháp này của chúng ta tốt, pháp của bạn thì không được. Hữu ý hay vô ý, chúng ta đều sẽ nói ra, chưa từng biết tán thán người khác, pháp này của tôi tốt, pháp của bạn đó cũng rất tuyệt, pháp của bạn cũng rất tốt. Đây là thật, không phải giả. Chỉ cần chuyên tu, chuyên tinh thì đều tốt. Trên “Kinh Kim Cang” nói rất hay: "Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp". Không chỉ tông phái của nhà Phật là pháp môn bình đẳng, không có cao thấp, mà mở rộng ra cùng các tôn giáo khác cũng là bình đẳng, cũng không có cao thấp, cho đến tất cả pháp thế gian đều là bình đẳng, không có cao thấp, nhưng có thể thành tựu hay không thì chính là "một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu".

Tại vì sao không có cao thấp? Mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều là duy tâm sở hiện, làm gì có cao thấp? Ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm, một tâm biến hiện là chân tâm, cho nên pháp là bình đẳng, mỗi pháp đều là đệ nhất, ở trong Phật pháp không tìm được đệ nhị. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Cho nên đối với tất cả các pháp, phải sanh tâm tôn trọng, chính mình phải khiêm tốn, phải nhường nhịn, phải khiêm hạ. Khổng Lão Phu Tử dạy bảo chúng ta như vậy, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là dạy chúng ta như vậy. Việc này nhất định không sai.

Tự khen mình chê người, tuy trong Phạm Võng Giới không phải liệt vào giới điều tối trọng, thế nhưng trong Du Già Giới Bổn thì liệt vào trọng giới. Chúng ta phải hiểu, là đệ tử Phật chân thật thì không luận làm bất cứ việc gì, quyết không trái phạm giáo huấn của Phật Đà. Thời kỳ làm học trò, không được rời khỏi lão sư. Không luận làm bất cứ việc gì đều phải bẩm bạch lão sư, lão sư mới có thể dạy bạn. Nếu như là mọi việc đều che giấu lão sư, lão sư không cách gì dạy bạn. Cho nên chúng ta đều là học trò, theo một lão sư, thành tựu của chúng ta chính là Đại Sư Ấn Quang đã nói: “Một phần thành kính đối với lão sư thì có một phần thành tựu, mười phần thành kính thì có mười phần thành tựu”.

Thành kính biểu hiện ở nơi nào? Quyết định không che giấu đối với lão sư; làm việc tốt phải báo cáo lão sư, làm việc xấu cũng phải báo cáo lão sư. Lão sư hoàn toàn hiểu rõ đối với bạn thì mới có thể chỉ đạo bạn. Nếu bạn có chỗ che giấu, che giấu một phần thì họ không thể chỉ đạo bạn, hay nói cách khác, bạn học tập với họ, cái mà bạn học được liền có hạn. Tôi có thể ở nơi lão sư có được chút gì đó, thành thật mà nói, chính là tôi không giống như các học trò khác của ông, tôi không có chút nào che giấu đối với lão sư, chủ ý xấu, muốn làm việc xấu, cũng phải báo cáo với lão sư, nói rõ tôi tại vì sao phải làm cách làm này, lão sư nghe qua, xem có được không. Vậy mới được, vậy mới giống một học trò. Cho nên tôi thân cận mấy vị lão sư, lão sư thương yêu tôi đến như vậy, do nguyên nhân gì? Không hề che giấu. Nhất định không lừa dối thì chúng ta mới có thể được lợi ích. Chúng ta đối với Phật Bồ Tát càng là như vậy. Không nên cho rằng Phật Bồ Tát không có, việc ta làm các Ngài không biết. Bạn đọc qua bộ kinh này, nếu như bạn chân thật đọc được thì sẽ có tâm đắc, rợn cả lông tóc, không thể nói là A Di Đà Phật, Quan Âm Bồ Tát, không nói các Ngài, mỗi một người sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là người hạ phẩm hạ sanh, sanh đến Thế giới Cực Lạc đều có thiên nhãn thông suốt, thiên nhĩ không chướng ngại, tha tâm thông trùm khắp, cho nên khởi tâm động niệm của chúng ta, hành vi việc làm, họ thảy đều xem thấy, đều nghe được, đều biết được, bạn giấu được ai? Người vãng sanh Thế giới Cực Lạc không biết nhiều đến bao nhiêu, không thể tính đếm, khởi tâm động niệm của chúng ta, họ đều xem thấy, thảy đều nghe được, đều biết được. Nếu như quả nhiên bạn hiểu rõ được sự việc này, làm sao mà không rợn cả lông tóc chứ? Thật đáng lo! Nếu bạn cho rằng chính mình làm việc không có người nào biết, đây là tự gạt mình gạt người. Đừng nói là Phật Bồ Tát, mà quỷ thần đều biết được rõ ràng. Cư sĩ Tề Tố Bình đã nói với các vị những việc của Thiên Mục Sơn, các vị đều nghe qua. Nếu bạn không phải là người chân thật tu hành thì quỷ thần cũng xem thường bạn. Đạo tràng này của chúng ta có nhiều quỷ thần. Rất nhiều đồng tu đều biết, lão Lâm trưởng, oan gia trái chủ của cư sĩ Trần Quang Biệt, chẳng phải đã nhập vào thân đồng tu nơi đây, yêu cầu quy y, yêu cầu nghe Kinh sao? Không phải tôi đã nói qua với các vị nhiều lần sao? Quỷ thần rất nhiều. Họ còn nói, giảng đường, niệm Phật đường có Phật Bồ Tát, những quỷ thần này e sợ, không dám tiếp cận, cho nên họ yêu cầu được đến lầu hai để nghe Kinh. Ở lầu hai trai đường, mở máy truyền hình ra, họ ở nơi đó nghe. Sự việc này, đồng tu các vị đều biết. Ngày ngày chúng ta cùng ở chung với quỷ thần. Số lượng quỷ thần nhiều hơn so với chúng ta. Chúng ta ở đây có mấy trăm người, nhưng họ thì có đến mấy ngàn người, chúng ta có thể giấu được ai? Cho nên tâm của chúng ta phải chánh, tâm phải lương thiện. Chúng ta thường nói duy nhất thiện tâm, duy nhất thiện ý, duy nhất thiện hạnh. Tâm - ý - hạnh đều thiện, niệm Phật nhất định vãng sanh. Hơn nữa, bạn nhất định được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, thế gian tuy là tai nạn rất nhiều, bạn sẽ không bị tai nạn. Chúng ta xem thấy rồi, nghe được rồi, còn có thể không cảnh giác hay sao? Chỉ cần tâm thiện, hạnh thiện của bạn, tự nhiên liền có thần hộ pháp hộ trì bạn, tất cả tự nhiên tốt đẹp, tất cả tự nhiên như ý.

Đoạn này, chúng ta chỉ giới thiệu đến đây. Phía sau chúng ta phải thảo luận về "thập niệm" này, cuối cùng phải chọn lấy cách nói nào.

Chúng ta học Phật, then chốt nhất chính là tin tưởng lão sư. Nếu như mất niềm tin đối với lão sư, trên Kinh nói: "Thính tín dư giáo", chính là người khác dạy bảo. Sự việc này thì khó. Lão sư của chúng ta là ai? Không phải tôi, tôi không dám làm lão sư. Lão sư của chúng ta là A Di Đà Phật. A Di Đà Phật ở đâu? "Kinh Vô Lượng Thọ" chính là A Di Đà Phật. Chúng ta nhất định phải tin tưởng "Kinh Vô Lượng Thọ", nhất định phải tin tưởng A Di Đà Phật. Thế nhưng hiện tại lại có vấn đề. Chúng ta đọc "Kinh Vô Lượng Thọ", là bổn hội tập của cư sĩ Hạ Liên Cư, cho nên có rất nhiều người đề xuất ý kiến phản đối đây không phải là nguyên bản dịch, bản này không đáng tin, bản này nhất định không thể tin tưởng. Vậy phải làm sao? Vậy thì đành phải đi đọc năm loại nguyên bản dịch. Nếu như bạn nghe người ta nói như vậy, bạn mất đi lòng tin đối với bản hội tập này, bạn đi đọc năm loại nguyên bản dịch. Thế nhưng tôi có lòng tin đối với bổn hội tập này. Tại vì sao tôi có lòng tin? Lão sư Lý đích thân truyền cho tôi. Hơn nữa, đối với xã hội đại chúng thông thường phản đối bổn này, thầy cũng đã từng nói qua với tôi, khi giao bổn này cho tôi. Thầy nói với tôi: “Tạm thời cất vào”. Tôi hỏi: “Vì sao vậy?”. Vào lúc đó tôi rất muốn giảng giải bộ Kinh này, hoằng dương bộ Kinh này. Thầy nói: “Không được! Tuổi tác của anh quá nhỏ, quá trình học Phật của anh quá ít. Nếu có một số lão pháp sư, cư sĩ, đại đức đến phản đối, ông sẽ không chịu nổi”. Tôi hỏi: “Vậy phải làm sao?”. Thầy nói: “Cất vào đi, chờ đợi cơ duyên”. Tôi đã cất hết mấy mươi năm, đợi đến khi lão sư vãng sanh, trong lúc tôi thanh lý sách cũ, lại xem thấy được quyển này. Lão sư đã qua đời rồi, tuy là không thể hoằng dương quyển Kinh này, nhưng chí ít cũng đem quyển này in ra, cho nên tôi liền in mười ngàn bộ tặng cho, để kỷ niệm lão sư, bởi vì quyển này của lão sư, rất nhiều người chưa xem thấy mi chú của Ngài. Quyển này sau khi tán ra, rất nhiều người xem thấy, sanh tâm hoan hỉ, đến mời tôi giảng. Duyên này đại khái như vậy mà chín muồi. Vậy là tôi bắt đầu giảng, giảng rồi, quả nhiên không hề sai, pháp duyên thù thắng không gì bằng. Ngay trong đời này của tôi, tôi giảng qua rất nhiều Kinh luận, pháp duyên thù thắng nhất là giảng "Kinh Vô Lượng Thọ", thính chúng nhiều nhất, đạt được hoan hỉ của đại chúng. Duyên chín muồi rồi! Lão sư Lý đem quyển này giao cho tôi. Tôi tin sâu, không nghi đối với ông.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 129)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 202


Hôm nayHôm nay : 51590

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1465568

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43709712

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.