Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 306)

Thứ hai - 29/08/2016 12:15

Tôi dùng cách này rất có hiệu quả. Cho nên mọi người khi tuổi tác đã lớn, trở nên già, bạn phải thường xuyên nói với chính mình phải trẻ mãi, không nên chịu sự ảnh hưởng bên ngoài, thì bạn sẽ vĩnh viễn không già. Phải khẳng định mỗi một tế bào trên cái thân này đều là sống, thật sự là sống. Nên biết rằng, tất cả vạn vật, tất cả vật chất, động vật, thực vật, khoáng vật đều là sống, đều có thể thấy - nghe - hay - biết, đều có sắc - thanh - hương - vị, đều có tất cả đức tính tốt đẹp như lời của Như Lai đã nói trong Kinh, thảy đều có đủ. Trong vi trần có thế giới, trong thế giới có vi trần, trong vi trần đó lại có thế giới. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói vũ trụ là trùng trùng vô tận, không thể nghĩ bàn. Cho nên bạn phải hiểu, phải khẳng định, bạn phải tùy thuận, không thể chống lại. Bạn mà chống lại thì sẽ có phiền phức. Chống lại là thuận theo ý của bản thân mình, vậy thì tai nạn liền đến.

Trong lần tham gia hội nghị này, tôi sẽ nói với mọi người là sự ổn định hòa bình chẳng có điều gì khác hơn là nền giáo dục của Thánh nhân, chính là dạy cho bạn hiểu được thiên nhiên. Trong “Kinh Bát Nhã” có nói thật tướng của các pháp. Bạn phải hiểu rõ, phải thông suốt, sau đó thì thuận theo tự nhiên, nhất định không thể làm ngược lại. Nếu làm ngược lại thì tai nạn sẽ đến. Tự nhiên chính là hài hòa, tự nhiên là không có xung đột. Kinh điển của Phật đã dạy cho bạn tất cả, thí dụ như điều vừa nói là “Tịnh nghiệp tam phước”. Tịnh nghiệp tam phước là quy luật của tự nhiên, là sự vận hành của tự nhiên. Như Thập Thiện đã nói với bạn, thập thiện là tự nhiên, là đức hạnh vốn có trong tự tánh của bạn. Bạn mà làm trái nghịch với điều này, ngày nay bạn tạo sát, đạo, dâm, nói vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, vậy là bạn đã trái nghịch với tánh đức, trái nghịch với quy luật của tự nhiên, thì tai nạn sẽ đến với bạn, bạn đã tạo nghiệp rồi. Đạo lý này rất sâu, đối với những người sơ học mà nói thì rất khó thể hội được, họ cảm thấy rất là mới lạ nhưng họ không dễ gì tin tưởng. Cho nên, tôi phải dạy cho họ một phương pháp, tôi nói: “Bạn hãy quan sát thân thể của chính chúng ta, thân thể là vũ trụ nhỏ, bên ngoài là vũ trụ lớn, vũ trụ nhỏ và vũ trụ lớn phải hoàn toàn như nhau, là một không phải hai”.

Cha mẹ sanh ra cái thân thể này của chúng ta, đây là tự nhiên. Tại sao vậy? Vì cha mẹ không có xen tạp một chút suy nghĩ ở trong đó, là tự nhiên mà sanh. Nếu như bạn thuận theo tự nhiên thì nhất định thân thể của bạn sẽ được khỏe mạnh sống lâu. Nếu như bạn làm ngược với tự nhiên thì bạn sẽ gặp rắc rối to rồi, bạn sẽ bị bệnh tật, tai nạn sẽ đến với bạn, thậm chí sẽ bị chết sớm.

Tôi xin nêu ra một thí dụ. Hôm nay tôi nói về việc phá hoại sinh thái tự nhiên. Thân thể này của chúng ta là sinh thái tự nhiên. Ngày nay mọi người đều biết, khoa học kỹ thuật phát triển đã phá hoại hoàn cảnh sinh thái của địa cầu, sẽ xảy ra rất nhiều tai nạn. Hiện nay chúng ta biết được tai nạn là do con người gây ra. Thân thể của chúng ta là hoàn cảnh tự nhiên, nếu chúng ta phá hoại thân thể thì cũng như phá hoại địa cầu, cũng sẽ đem đến nhiều tai nạn. Sự phá hoại nghiêm trọng nhất là chỉnh sửa sắc đẹp. Sửa sắc đẹp chính là phá hoại hoàn cảnh tự nhiên. Bạn đi xăm chân mày, cắt mí mắt, hình như là bạn đẹp thêm một chút, nhưng chỉ có vài năm thôi, sẽ làm cho thân thể của bạn sanh ra bệnh, chính là do cái nhân này mà sinh ra. Bạn đã gây ra sai lầm, bạn sẽ chịu đau khổ. Cho nên cái tiệm làm đẹp đó tôi nghĩ nên đổi lại tên là tiệm phá hoại sinh thái tự nhiên.

Lần này tôi ở Úc Châu, Pháp sư Ngộ Thông đã tìm cho tôi một đồng tu, cũng là người học Phật, lên trên núi đến chỗ ở của tôi để nấu cơm giúp tôi, để dọn dẹp xung quanh. Bà ấy ở được ba ngày thì bỏ đi, do nguyên nhân gì vậy? Cái mũi của bà ấy có vấn đề, đau không nói nên lời. Tôi hỏi tại sao có chuyện này vậy? Hai mươi năm trước bà ấy đã đi sửa sắc đẹp, nâng sống mũi. Hiện giờ thì rất đau đớn, bệnh đã phát tác rồi, hai mươi năm sau, bà ấy phải chịu cái quả báo này. Tôi nói, đây chính là do phá hoại hoàn cảnh tự nhiên.

Ở Đài Loan có một ngôi sao điện ảnh rất nổi tiếng, một hôm cô ấy gọi điện thoại cho tôi, sức khỏe của cô ấy không tốt. Tôi hỏi cô bị bệnh gì vậy? Cô ấy nói lúc còn trẻ vì thích đẹp, để lộ cái rốn ra bên ngoài, bây giờ trên cơ thể phát bệnh. Đây chính là phá hoại hoàn cảnh tự nhiên. Phải cẩn thận để ý. Cho nên nhìn thấy những cô gái trẻ mặc quần áo để lộ rốn ra bên ngoài, thì tôi nghĩ đến hai mươi năm sau họ sẽ gặp nhiều rắc rối, họ sẽ phải chịu quả báo, do phá hoại hoàn cảnh tự nhiên.

Vẫn còn một điều quan trọng nhất, mọi người không nên sơ suất, đó là chuyện phá thai. Phá thai là phá hoại hoàn cảnh tự nhiên, làm trái với định luật nhân quả. Bạn hãy tỉ mỉ mà điều tra, mà khảo sát, phàm là người đã phá thai thì thân thể không tốt, tinh thần cũng không tốt, gia đình và sự nghiệp của họ cũng không tốt. Bạn hãy điều tra thử thì bạn sẽ hiểu được. Thật khủng khiếp! Làm trái với nhân quả, vậy cái nhân quả đó là gì? Trong Kinh Phật đã nói, con cái đến đầu thai là do bốn thứ duyên: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu chúng đến để báo ân thì đây là đứa con hiếu thảo, bạn giết chúng thì ân biến thành thù, lần sau nó sẽ đến báo thù. Nếu nó đến để báo thù mà bạn lại giết nó thì mối thù càng tăng lên, thật là kinh khủng, tai họa không thể lường được, đời đời kiếp kiếp không thể nào dứt. Bạn nói xem, điều này đáng sợ biết bao. Điều này không những là phá hoại hoàn cảnh tự nhiên mà còn phá hoại định luật nhân quả. Ở đây là tôi ngẫu nhiên nêu lên vài thí dụ để cho bạn hiểu được.

Trước đây lão sư Lý nói với tôi, Ngài nói theo nền y học của Trung Hoa, ở trong “Linh Xu Hoàng Đế Nội Kinh” có nói, thọ mạng của con người, con người giống như một cái máy; nếu biết bảo dưỡng nó, khéo chăm sóc cho nó, không phá hoại nó, có thể hoàn toàn thuận theo tự nhiên thì thọ mạng của con người ít nhất cũng sống đến hai trăm tuổi. Bạn sống không đến hai trăm tuổi là do bạn tự làm hại mình. Hiện nay chúng ta nghĩ thử xem, lời nói này có đạo lý vô cùng. Cho nên điều này không phải do bên ngoài mà do chính mình tự làm hại mình. Đặc biệt là việc học Phật, ở trong Phật pháp có những lý luận rất hay, những phương pháp rất hay, nhưng đáng tiếc là bạn chưa học được. Những lời này quý vị phải nghe cho rõ ràng. Vì sao chưa làm được? Là do sợ bị thiệt thòi, bị lừa gạt. Ta dùng lời chân thật đối xử với người khác thì ta sẽ bị người khác lừa gạt sao? Bạn không biết được, cổ nhân có nói chịu thiệt thòi là phước. Bạn không tin câu nói này. Trước mắt hình như là bị thua thiệt, nhưng sự thật thì phước báo ở phía sau, nhất định là không bị thua thiệt. Cho nên phải thật sự học, thật sự làm, phải thật sự áp dụng lời giáo huấn của Phật, phải học nhận biết hoàn cảnh, học để chuyển đổi hoàn cảnh của chính mình, thật sự là “nếu chuyển được vật thì đồng với Như Lai”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm là thuận theo tự nhiên, chẳng có thay đổi tự nhiên chút nào mà được thành tựu. Cho nên hoàn cảnh thuận theo tự nhiên, không có thêm chút suy nghĩ nào của mình vào trong đó, thì thế giới này chính là Thế giới Cực Lạc, chính là Hoa Tạng Thế giới, gọi là Nhất Chân Pháp Giới. Nếu thêm một chút ý vào thì thế giới này sẽ sanh ra thay đổi, là duy thức sở biến. Thức là gì? Thức chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chỉ cần thêm vọng tưởng phân biệt chấp trước vào thì nó sẽ bị biến đổi, không thêm những thứ này vào thì nó sẽ bình thường. Đối với thân thể mà nói, chỉ cần bạn không thêm ý của mình vào trong thân thể thì cái thân thể này là thân kim cang bất hoại. Tại sao phải thêm vọng tưởng phân biệt chấp trước vào trong đó nhiều như vậy? Tự mình hại chính mình. Bạn thấy trong Kinh có nói, hoàn cảnh tốt đẹp như vậy, nguyên nhân do đâu họ có hoàn cảnh tốt đẹp như vậy? Chẳng có gì khác, họ không có vọng tưởng phân biệt chấp trước.

Lần này tôi ở thành phố Okayama của Nhật Bản, địa phương này đã bốn trăm năm không có tai nạn, hiện nay người ta ra khỏi nhà đều không cần phải khóa cửa. Nguyên nhân do đâu? Vì người dân ở địa phương đó tâm địa thuần hậu, hiền lương. Nếu chúng ta không biết đường đi, khi hỏi đường đi, họ liền dẫn chúng ta đi đến nơi. Vẫn còn những người tốt như thế. Ở những địa phương khác thì tìm không thấy, ở nơi này thì vẫn còn, thật là hiếm có. Cho nên người ở địa phương đó tốt chẳng có gì khác là do lòng người hiền lương, hoàn cảnh cuộc sống của họ là sự cộng nghiệp tốt. Chúng ta đọc sách xưa, ở trong “Lữ Thị Xuân Thu” có nói câu: “Phàm làm việc gì, trước tiên hãy trị thân”. Chữ trị này chính là điều hòa. Thân thành thì thiên hạ thành, thân trị thì thiên hạ trị, sống vì mọi người, không phải mọi người vì mình.

Ngày nay chúng tôi mở cuộc hội nghị Liên Hiệp Quốc này là vì mọi người, vì mọi người chứ không phải mọi người vì bản thân mình. Những lời nói này chỉ có trong sách xưa, người ngoại quốc không có cách nói này. Bản thân chúng ta, tâm thanh tịnh thì thế giới sẽ thanh tịnh, tâm thiện lương thì thế giới sẽ thiện lương. Nói tóm lại, phải đem hết thảy tất cả ý niệm bất thiện mà hóa giải.

Năm nay, vừa mới vào ngày đầu năm, chúng ta đã nghe nhiều nơi trên thế giới đã có dịch bệnh. Tôi thấy trên báo chí đăng tin dịch cúm gia cầm, rất nhiều địa phương đã đem chim thú giết đi, nghe nói đã giết chết mấy trăm ngàn con. Việc này không thể được. Việc này đã tạo nghiệp quá nặng. Một con gà, một động vật là một mạng sống, chúng không may mắc phải bệnh cúm, các bạn không giúp đỡ chữa trị cho chúng mà còn đem chúng đi giết, vậy thì loài người mắc bệnh cúm thì có phải đem họ đi giết hết hay không? Đây không phải là cách giải quyết. Cách giải quyết là phải giúp chúng đỡ chúng chữa trị.

Thế nhưng hiện nay con người sùng bái người phương tây, không tin vào phương pháp xưa của Trung Quốc. Phương pháp xưa của Trung Quốc vô cùng kỳ diệu, dịch bệnh, dịch cúm gà này, thêm một ít thuốc vào trong thức ăn dành cho gà, chúng ăn thì sẽ khỏi bệnh. Thảo dược giá thành rẻ. Làm sao mà bạn lại giết nó đi? Càng giết thì càng nhiều, tại sao vậy? Vì độc tố tham, sân, si, độc tố của sự sân hận đó bộc phát ra ngoài, sau khi độc tố này phát ra ngoài thì dịch bệnh càng ngày càng nghiêm trọng, ở thế gian này tìm không ra loại dược liệu có thể chữa trị. Tại sao lại có hiện tượng này vậy? Là do con người không biết, con người ngu si, con người tạo nghiệp, cho nên phải gánh chịu cái quả báo này.

Hôm nay chúng tôi đã giảng đến phẩm “Đức Phong Hoa Vũ” của Thế giới Tây Phương, chúng tôi có cảm giác rất sâu sắc hoàn cảnh hiện nay chúng ta đang trú ngụ. Trong Kinh điển đã nói đều là thuận theo tự nhiên. Sự giáo dục của cổ Thánh tiên Hiền gọi chung là giáo dục đạo đức, thói quen của người Trung Hoa thì gọi là giáo dục luân lý đạo đức, đó là hoàn cảnh thuận theo quy luật của tự nhiên. Quy luật của tự nhiên gọi là đạo, thuận theo thì gọi là đức. Bạn có thể thuận theo tất cả thì sẽ tốt đẹp, hoàn toàn giống như trong Kinh Phật đã nói. Phong là gió đức, vũ là mưa hoa. Ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc sáu trần đều làm Phật sự. Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Phật sự là gì? Là giúp cho chúng sanh giác ngộ. Không thể nghĩ bàn.

Kinh văn: “Kỳ Phật quốc độ”.

Chữ Phật này là A Di Đà Phật. Hoàn cảnh cư ngụ của A Di Đà Phật, hoàn cảnh dạy học.

“Mỗi ư thực thời”, đây là thí dụ. Những người ở nơi đó họ có cần ăn uống không? Chúng ta biết ở Thế giới Ta Bà, cõi trời Vô Sắc Giới thì việc ăn uống chẳng còn nữa, cõi trời Dục Giới thì có, trong cõi trời Sắc Giới thì không có. Ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thùy; chư thiên cõi trời Sắc Giới thì không có năm điều này. Năm thứ này là phiền não, có những ý niệm này thì bạn sanh vào cõi Dục Giới, những ý niệm này mà đoạn hết thì bạn sẽ ra khỏi cõi Dục Giới. Chư thiên trong cõi Sắc Giới đều đã đoạn hết năm cái này, huống hồ là ở Thế giới Cực Lạc. Cho nên từ “thực thời” ở chỗ này nên hiểu nó có nghĩa là biểu pháp, đó chính là nói có thời gian nhất định. Ăn cơm có thời gian nhất định, một ngày ba bữa. Hay nói cách khác, một ngày ăn ba lần.

Chúng ta chú ý xem câu Kinh văn: Tự nhiên đức phong từ khởi, rất là tự nhiên, không phải là do ý niệm của con người, không phải do vọng tưởng phân biệt chấp trước của con người, mà là do tự nhiên. Nếu thêm vào đó vọng tưởng phân biệt chấp trước thì không phải là tự nhiên, sẽ phá hoại tự nhiên.

“Xuy chư la võng, cập chúng bảo thọ, xuất vi diệu âm”. Cái vi diệu âm này biết thuyết pháp. Trong “Kinh A Di Đà” nói tổng cương lĩnh: “Ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ Đề phần, bát chánh đạo phần”; ở chỗ này nói là “khổ, không, vô thường, vô ngã”. Trong “Kinh A Di Đà” là nói đại cương, còn ở đây thì nói tương đối tỉ mỉ. Câu này là hiện tượng khổ đế ở trong Tứ Thánh Đế, cho nên những điều đã nói hoàn toàn tương ưng với “Kinh A Di Đà”.

Trong đoạn Kinh văn này, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có chú giải rất nhiều, chú giải rất rõ ràng, minh bạch, chư vị đồng tu học “Kinh Vô Lượng Thọ” có thể lấy làm tham khảo. Ngài nói, chỗ này nói “phong” ở thế gian này của chúng ta không có cách nào để hình dung. Đại đức xưa gọi là “chúng phong trung tinh”. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” thì Phật nói: “Như Lai tạng trung, tánh phong chân không, tánh không chân phong, thanh tịnh bổn nhiên, chu biến pháp giới”. Đây là chân phong của tánh đức, cho nên mới gọi là phong trung chi tinh. Dùng phương pháp khoa học hiện nay để giải thích, gió là động. Cho nên Phật nói với chúng ta về sắc, sắc chính là vật chất. Vật chất có bốn đặc tính. Đặc tính này là gì? Là đất, nước, lửa, gió. Hạt vi trần nhỏ nhất cũng đều có đủ bốn hiện tượng này. Đất là nói đến vật chất, tuy là nó rất nhỏ, mắt thường của chúng ta không nhìn thấy được, dùng kính hiển vi có độ phóng đại lớn thì có thể phát hiện ra. Nó là vật chất, nó có hình tướng, có thể. Cái thể này rất nhỏ. Dùng đất đại biểu, nó có hình tướng, nó là một vật thể. Thủy đại, chúng ta thông thường nói nó có độ ẩm, độ ẩm chính là thủy đại. Nó có hỏa đại. Hỏa là đại biểu cho độ ấm. Hiện nay trong khoa học nói nó có thể dẫn điện, nó dẫn điện âm, dẫn điện dương. Điện âm chính là nước. Điện dương chính là lửa. Ngoài ra nó còn có gió. Gió là đại biểu cho động, nó không phải là đứng yên, cho nên nó là động. Vật chất có bốn hiện tượng là đất, nước, lửa, gió là nói cái ý nghĩa này. Bất kỳ vật chất nào, chỉ cần là vật chất thì nhất định có bốn đặc tính này, bốn hiện tượng này. Ở chỗ này nói chính là tác dụng của tự tánh. Tác dụng của tự tánh nhất định là nó phải động. Nó không động thì nó sẽ không hiện tướng. Bạn xem ở trong Kinh có nói, tất cả pháp là do duy tâm sở hiện. Tâm làm sao mà biết hiện? Tâm nhất định phải động thì nó mới hiện tướng. Cái động này là gió động, nó không động thì không hiện tướng. Tuy là có động, nhưng mà nó không có phân biệt, không có chấp trước. Phân biệt, chấp trước là thức. Cho nên không có phân biệt chấp trước, cái động này hiện tướng, đây là Nhất Chân Pháp Giới, là Thế giới Hoa Tạng, là Thế giới Cực Lạc. Hiện nay chúng ta ở đây nhìn thấy hết thảy tất cả các hiện tượng chính là duy tâm sở hiện, bên trong không có duy thức sở biến. Nếu thêm vào đó vọng tưởng, chấp trước thì đây chính là thức, sẽ làm cho hiện tượng này chuyển biến thành mười pháp giới, biến thành sáu nẻo, biến thành ba đường. Cho nên Phật mới nói mười pháp giới y chánh trang nghiêm là từ tâm tưởng sanh. Tâm tưởng này chính là thức biến. Hiện nay chúng ta nói tâm tưởng là vọng tưởng phân biệt chấp trước. Chỉ cần bạn có vọng tưởng phân biệt chấp trước thì cái Nhất Chân này liền thay đổi. Thật sự là giống với ý nghĩa thí nghiệm sự kết tinh của nước. Cho nên sự kết tinh của nước không có thêm vào một ý nghĩ nào, không có bất kỳ ý nghĩ nào, thì nước rất là đẹp. Điều này họ chưa làm qua thí nghiệm. Không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, tôi tin rằng nước kết tinh là đẹp nhất. Bạn khởi lên cái tâm yêu thương thì nó sẽ hiện ra cái hoa rất là đẹp, đó là thức biến, không phải là tâm hiện. Đương nhiên tâm hiện thì họ chưa làm được. Tại sao vậy? Vì họ chưa có sự công phu này. Suốt cả ngày đều là vọng niệm, niệm trước diệt, niệm sau sanh, họ là phàm phu. Cho nên muốn thí nghiệm nó là thật, bổn lai diện mục của nó thì phải đi tìm người có công phu thiền định thật sâu, người thật sự đắc thiền định, đối với tất cả pháp không khởi tâm động niệm, họ làm thí nghiệm này mới có thể thí nghiệm có kết quả. Bạn tìm không ra những người như thế này, cho nên bạn sẽ không nhìn thấy được hiện tượng này. Chúng ta biết được đạo lý này, khẳng định là nó sẽ có hiện tượng tốt đẹp nhất, sự kết tinh tốt đẹp nhất. Hiện nay chúng ta chưa thể phát hiện được. Cái mà chúng ta đã phát hiện đều là sự biến tướng. Khoa học dù phát triển như thế nào vẫn còn kém hơn so với Phật pháp một bậc. Điều này chúng ta phải có lòng tin. Cho nên các nhà khoa học nếu như đọc “Kinh Lăng Nghiêm” thì rất là tuyệt vời, trí huệ thật sự sẽ tăng trưởng, mới có thể phát hiện được điều bí mật của vũ trụ.

Cái động này là tự nhiên, năng lượng của cái động này sẽ biến thành vật chất. Trong pháp tướng tông có nói kiến phần và tướng phần, từ trong tự chứng phần biến hiện ra kiến phần. Đây chính là động, do động mà biến thành tướng phần. Cái tướng này trong Kinh Đại Thừa gọi là pháp tánh độ. Thế giới Tây Phương Cực Lạc và Thế giới Hoa Tạng đều gọi là pháp tánh độ. Tại sao vậy? Vì ở bên trong của nó không có khởi tác dụng của thức. Sự mê càng sâu thì sẽ biến thành thức. Sau khi biến thành thức mới hiện ra y chánh trang nghiêm của mười pháp giới. Y chánh trang nghiêm của mười pháp giới không như nhau, hoàn toàn là xem bạn đối với tự tánh mê cạn hay sâu. Nếu mê cạn thì cảnh giới hiện ra tương đối gần với Nhất Chân Pháp Giới. Nếu mê quá sâu thì khoảng cách rất lớn. Trên thực tế chính là đạo lý này. Tánh đức, giống như trong “Kinh Hoa Nghiêm” có nói: “Một là tất cả, tất cả là một”. Cho dù hiện nay chúng ta đang mê, khi chúng ta mê, nhìn thấy một hạt vi trần (hạt vi trần này quá nhỏ, chúng ta rất khó nói), chúng ta nhìn thấy một hạt cát, nhìn thấy một hòn đá nhỏ, nhìn thấy một giọt nước, không nên cho rằng những thứ này rất bình thường. Một giọt nước này, một hạt cát này có đầy đủ tánh đức viên mãn, có đầy đủ pháp giới viên mãn. Vô lượng trí huệ của chư Phật Như Lai, pháp thân thanh tịnh các Ngài đều có đầy đủ viên mãn. Phải hiểu thấu đáo đạo lý này, tin sâu không hoài nghi lời giáo huấn của Phật, chỉ cần chúng ta chăm chỉ làm, chăm chỉ thực hiện thì bạn sẽ được thọ dụng.

Từ chỗ La Võng, Bảo Thọ, đây là trong “Kinh A Di Đà” chúng ta thường tụng đến thuộc lòng, rất là tự nhiên phát ra âm thanh vi diệu. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ rất hiếm có, ở trong đoạn chú giải này Ngài nói: “Phong cổ diệu âm”. Phong là cổ động. “Đức phong từ động, bảo thọ bảo võng”. Trong cái âm thanh này, bạn hãy nghe một cách kỹ càng, trong âm thanh đó diễn thuyết pháp âm vi diệu khổ không, vô thường, vô ngã, Ba La Mật v.v.... Trong âm thanh này, tùy theo công phu tu học của mỗi người khác nhau, bạn đã nghe được, đã thấy được và đã thể hội được cũng đều khác nhau. Đạo lý này không khó hiểu. Trong Kinh luận Đại Thừa có nói rất nhiều. Nói đến chỗ này, chỉ có trong giáo lý Đại Thừa của nhà Phật mới thật sự đem chân tướng của vũ trụ, danh từ ở trong Phật học gọi là chư pháp thật tướng. “Chư pháp” là tất cả pháp thế xuất thế gian. “Thật tướng” chính là tướng chân thật. Phật nói với chúng ta vũ trụ là một chứ không phải hai, cũng giống như thân thể con người của chúng ta vậy, thân là một chứ không phải hai. Thân này của chúng ta giống như vũ trụ vậy. Còn hiện nay chúng ta giống cái gì? Hiện nay chúng ta là một tế bào ở trên thân, là một sợi lông trên thân. Chúng ta chỉ biết cái tế bào này mà không biết những tế bào khác trên thân của chúng ta cùng với chúng ta có mối quan hệ gì. Phật Bồ Tát thì hiểu rõ cái chân tướng này, hiểu được toàn vũ trụ là một thể, bao gồm tận hư không. Hư không cũng là tự tánh biến hiện, không phải là thật.

Không gian và thời gian ở trong “Bách Pháp Minh Môn Luận” xếp vào trong bất tương ưng hành pháp. Hai mươi bốn điều bất tương ưng hành pháp, trong đó có “phương phần”. “Phương” chính là không gian. “Thời phần”, thời chính là thời gian. Cái gọi là bất tương ưng hành pháp, dùng danh từ hiện nay mà nói, chính là khái niệm trừu tượng, không phải là thật. Các nhà khoa học hiện nay từ trên lý luận mà suy đoán ra, lý luận này là căn cứ vào số học mà suy đoán, nhưng hiện nay vẫn chưa có phát hiện ra. Họ nói không gian không phải là thật, dưới một điều kiện nào đó thì không gian không còn nữa. Không còn nữa là cảnh giới gì? Là không có xa gần, thời gian dưới một điều kiện nào đó thì thời gian cũng không còn. Thời gian không còn nữa chính là không có trước sau, bạn sẽ biết được bao nhiêu năm về trước, mấy chục ngàn năm trước, mấy trăm ngàn năm trước, vô lượng kiếp trước ở ngay trước mắt; hoặc là bao nhiêu năm về sau, mấy chục ngàn năm sau, ức vạn năm sau cũng ở ngay trước mắt. Thời gian không còn nữa, không gian không còn nữa, vậy thì Thế giới Cực Lạc ở đâu? Thế giới Cực Lạc ở ngay trước mắt chúng ta. Các nhà khoa học đã chứng minh, thời gian và không gian xác thực là không phải thật, nhưng ở dưới một điều kiện nào đó. Cái điều kiện này thì họ không có cách nào tìm ra được, ở trong Phật pháp thì có.

Phật pháp dùng cách gì để nhìn ra chân tướng sự thật? Là dùng thiền định. Cho nên tổng cương lĩnh tu hành của nhà Phật chính là thiền định. Tám mươi bốn ngàn pháp môn là tám mươi bốn ngàn cách tu thiền định. Chúng ta niệm Phật cũng là tu thiền định. Hay nói cách khác, ý nghĩa thật sự của thiền định chính là buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Do đây mới biết, thời gian và không gian, tất cả vạn sự vạn vật từ đâu mà có? Thật sự, lời Phật nói không sai, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Chỉ cần bạn dừng lại tâm tưởng thì sẽ không có, hết thảy tất cả vạn pháp sẽ không còn nữa, thời gian và không gian cũng không còn nữa. Do vọng tưởng mà sanh ra. Câu nói này đã nói tường tận chân tướng sự thật của vũ trụ. Chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội, phải chứng được cảnh giới này. Cảnh giới này chính là Nhất Chân Pháp Giới. Cảnh giới này chính là chư Phật, Như Lai, là cảnh giới của Pháp Thân Bồ Tát, các Ngài đã thọ dụng. Không có gì khác, buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bạn sẽ được chứng đắc, bạn sẽ khế nhập. Cảnh giới này ở đâu? Ở ngay trước mắt. Cũng giống như một ly nước vậy, lìa bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bản lai diện mục hiện tiền, đó chính là Nhất Chân Pháp Giới. Chúng ta vẫn cứ khởi tâm động niệm, vẫn còn vọng tưởng chấp trước, thì đem cái ly nước này biến đổi thành sự kết tinh đủ các hình dạng không như nhau. Sự kết tinh này đang thay đổi trong từng sát na. Tiến sĩ Giang Bổn Thắng đã thí nghiệm ra, với đồ án theo dõi nước thay đổi sự kết tinh trong mười năm, không có cái nào giống nhau. Tại sao không có cái nào giống nhau vậy? Vì niệm trước và niệm sau của chúng ta không giống nhau thì làm sao mà sự kết tinh giống nhau được. Từ trước đến giờ chưa thấy qua các đồ án giống nhau, tương tự thì có, tuyệt đối không có sự giống nhau hoàn toàn. Đạo lý là ở chỗ này. Thật sự trong Kinh Đại Thừa có nói rất rõ ràng, rất minh bạch.

Cho nên ở trong Kinh luận nói, tướng của nam nữ khác nhau, đều là hư vọng không thật, cho nên gọi là khổ, không, vô thường. Trong “Vãng Sanh Luận” có nói hai câu rất hay: “Tiếng phạm âm sâu xa, vi diệu nghe mười phương”. Phạm âm là gì? Phạm âm, nghiêm khắc mà nói, chính là trong Như Lai tạng, tánh âm chân không, chân không tánh âm. Pháp tánh thì động, chấn động. Tôi vừa nói qua, chấn động thì biến thành vật chất. Vật chất nhất định là có sắc, thanh, hương, vị, đây là tánh đức. “Thanh” trong Kinh nói chính là phản ứng. Ngày nay chúng ta có thể hiểu được cái ý này của Phật, nhưng cái thanh này trước đến giờ chúng ta chưa có nghe qua. Tại sao vậy? Vì cảnh giới của chính chúng ta chưa đạt đến, cũng chính là nói tâm của chúng ta chưa đủ thanh tịnh. Tâm thanh tịnh không phải mới vừa tu thì được viên mãn (điều này không thể có được), mà là từng bước từng bước mới được nâng cao. Hay nói cách khác, vọng tưởng phân biệt chấp trước chúng ta phải dần dần buông bỏ. Đây chính là công phu chân thật. Nhất định là mỗi năm mỗi nhẹ đi, mỗi tháng mỗi nhẹ đi. Từ chỗ nào có thể nhận thấy được? Xin nói với quý vị, rất là rõ ràng, từ tướng mạo của bạn, từ thể chất của bạn, từ hoàn cảnh cuộc sống của bạn có thể nhìn ra được. Quả nhiên phiền não của bạn mỗi năm mỗi nhẹ đi, tướng mạo của bạn mỗi năm mỗi tốt hơn, sức khỏe của bạn mỗi năm mỗi tốt hơn. Tại sao vậy? Vì sức khỏe không tốt là phiền não. Phiền não của bạn mỗi năm mỗi ít đi, điều này là tốt. Sự khỏe mạnh này là do trí huệ của bạn mỗi năm mỗi tăng trưởng. Cho nên từ cái tướng mạo của bạn, từ thể chất của bạn, từ hoàn cảnh cuộc sống của bạn, bạn nên tỉ mỉ mà quan sát, nơi cư trú của bạn, hết thảy hoàn cảnh đều thay đổi tốt đẹp, đất đai nơi cư trú đều thay đổi tốt hơn. Cây cỏ hoa lá đều thay đổi tốt đẹp, chim muôn, thú vật ở nơi cư trú thảy đều thay đổi tốt đẹp. Thậm chí ảnh hưởng đến khí hậu cũng thay đổi tốt đẹp. Cảnh giới này không thể nghĩ bàn. Bạn phải thật sự làm, hy vọng có thể làm được mỗi tháng mỗi tốt đẹp hơn, thì bạn sẽ nắm chắc phần vãng sanh, thì bạn đã có đầy đủ niềm tin, mỗi ngày một tốt hơn. Vậy là chúng ta chưa làm được. Đó là Pháp Thân Bồ Tát, chúng ta chưa đạt được cảnh giới của Pháp Thân Bồ Tát, chúng ta chưa làm được. Chúng ta có thể làm được từng tháng một, vậy là tiến bộ rất nhiều rồi. Đây là chân thật học Phật, lợi ích công đức thù thắng vô cùng, thật sự là tự thọ dụng.

Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có nói đến “vi diệu”, Ngài cũng y theo trong Kinh luận của cổ Đại đức đã nói: “Xuất hữu nhi hữu khiếu vi”. Xuất hữu là gì? Hữu có ba loại là: Dục giới hữu, sắc giới hữu, vô sắc giới hữu. Xuất hữu chính là ra khỏi tam giới. Ở trong Kinh Phật có nói với chúng ta, những người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có lòng ham muốn, không có dục. Cái dục này chính là tài, sắc, danh, thực, thùy; chúng tôi thường nói là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn, họ hoàn toàn không có. Những thứ này phải nên bỏ. Những thứ này sẽ tạo ra sáu nẻo luân hồi, khiến cho chúng ta không có cách nào ra khỏi sáu nẻo. Ngày nay chúng ta giác ngộ, nhất định phải xả. Xả thì mới được tự tại. Cho nên nó không phải là Dục giới. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đây là chúng ta nói Phàm Thánh Đồng Cư độ, chúng ta đới nghiệp vãng sanh, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì những thứ này sẽ không còn. Ở nơi đây, chúng ta dùng một câu Phật hiệu để chế phục vọng niệm, đè nó xuống. Đây là đới nghiệp vãng sanh, Phật đến tiếp dẫn bạn sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Phật tiếp dẫn bạn thì trước tiên sẽ phóng quang chiếu bạn. Phật quang vừa chiếu thì làm cho công phu của bạn nâng lên gấp bội. Như chúng ta có thể chế phục được, trong lúc chế phục, Phật quang vừa chiếu thì được sự nhất tâm bất loạn. Nếu như bạn được sự nhất tâm, Phật quang vừa chiếu thì liền trở thành lý nhất tâm. Cho nên sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì mười sáu chữ này không còn nữa; tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn đều không còn nữa. Hiện nay chúng ta ở cõi này, xem mười sáu chữ này càng nhẹ càng tốt, thì bạn sẽ nắm chắc việc vãng sanh.

Thế nhưng Thế giới Tây Phương Cực Lạc xác thực là có đất đai, giống như ở nơi này của chúng ta, nó là tinh cầu, là địa cư, nó không phải là Sắc Giới (Sắc giới không phải sống ở trên mặt đất). Nó có sắc, thật sự có thanh. Có sắc, nên nó cũng không phải là Vô Sắc Giới. Đây là nói về Tịnh Độ, Phàm Thánh Đồng Cư độ của Thế giới Tây Phương, dùng tam giới của chúng ta để mà nói thì không thông, cho nên gọi là “xuất hữu”, siêu việt tam hữu. Siêu việt tam hữu nó lại có hữu, nó có sắc thân, nó có địa cư, cuối cùng là sự việc như thế nào? Đại đức xưa có nói, hữu của Tịnh Độ là y nhất thừa nguyện hải mà có. Nhất thừa nguyện hải chính là bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, y theo bổn nguyện của A Di Đà Phật mà có. Điều này thật sự không thể nghĩ bàn. Cho nên A Di Đà Phật đích thực là vĩ đại, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta trong bổn Kinh tán thán Ngài là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, tán thán đến chỗ cùng cực. Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán chính là tán thán đại biểu cho mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai. Điều này thật tuyệt vời. Đây là nói ý nghĩa của chữ “vi”.

Tiếp theo là nói chữ “diệu”. Chữ diệu này thật sự là diệu, diệu không thể nghĩ bàn. Ý nghĩa của diệu là gì? Chính là thấy sắc, nghe tiếng, nó có thể giúp bạn khai ngộ, đó gọi là diệu. Đây chính là trong Tịnh Tông thường gọi là lục trần thuyết pháp. Thấy sắc, nghe tiếng, bất luận là nghịch cảnh hay thuận cảnh, thiện duyên hay ác duyên, cả thảy đều giúp cho bạn khai ngộ. Đây là diệu.

Xin nói thêm với quý vị, Thế giới Cực Lạc diệu, cõi này của chúng ta cũng diệu, không khác với cõi Cực Lạc Thế giới. Vấn đề là ở chỗ nào? Chính là lời trong Thiền tông thường hay nói: “Bạn đã lãnh hội chưa? Bạn biết hay chưa?”. Nếu như bạn đã biết, thì cõi này cùng với Cực Lạc không khác nhau. Cho nên bạn xem trong “Tam Thời Hệ Niệm” của Trung Phong Thiền Sư, trong những lời khai thị có nói: “Tâm ta tức là Di Đà, Di Đà chính là tâm ta”, “cõi này chính là Cực Lạc, Cực Lạc chính là cõi này”. Thiền sư Trung Phong là người đã chứng đạo, không phải là người thông thường. Người thông thường không thể nói được những lời này. Nếu như Ngài không nhập cảnh giới này thì sẽ không nói được những lời như vậy. Cho nên tôi khẳng định Đại Sư Trung Phong Ngài đã làm được hai chữ “vi diệu” này. Làm được hai chữ “vi diệu” này chính là bình thường trong các buổi giảng tôi với quý vị là chuyển cảnh giới. Bạn có thể chuyển được cảnh giới, bạn có thể chuyển được cảnh giới thì không bị cảnh giới chuyển. Bất luận là ở cảnh giới nào cũng đều là đạo tràng tốt, bất luận là hạng người nào cũng đều là thiện tri thức. Bạn có thể học được như vậy thì cuộc đời này của bạn khẳng định sẽ thành tựu viên mãn. Làm sao mà biết được? Thiện Tài Đồng Tử đã thành tựu giống như vậy. Bạn có thể học Thiện Tài Đồng Tử thì làm sao mà không thành tựu được chứ? Trong suy nghĩ của Thiện Tài Đồng Tử, hết thảy tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai, đều là hóa thân của Pháp Thân Bồ Tát, hết thảy đều là đến dạy cho ta. Ngài một đời thành tựu.

Ngày nay, sự chướng ngại lớn nhất của chúng ta, sự phiền phức lớn nhất của chúng ta là gì? Những người khác đều là chúng sanh, là ta mạnh hơn những người khác, người khác thì không bằng ta. Vậy là tiêu rồi, tất cả đều xong rồi. Trong đời này của bạn, bất luận là dụng công như thế nào, ngày đêm không ngừng nghỉ thì bạn cũng không thể thành tựu. Ý nghĩ này của bạn là tâm luân hồi, có dụng công như thế nào đi nữa cũng là tạo nghiệp luân hồi, làm sao mà có được thành tựu? Bạn nên thay đổi tâm. Không phải là đi phẫu thuật thay đổi tâm (đó là phá hoại hoàn cảnh tự nhiên), mà là thay đổi trong tâm, là thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của bạn, thì mới có thể thành tựu.

Đại Sư Ngẫu Ích trong “Tông Luận” có nói hai câu phải thường nhớ, phải thật sự thể hội, đó là “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại nơi tâm”. Câu nói này rất là quan trọng. Sau khi thật sự hiểu được rồi thì tâm thanh tịnh của bạn sẽ hiện tiền, tánh bình đẳng cũng hiện tiền. Bạn có thể buông bỏ được vọng tưởng phân biệt chấp trước, Thế giới Cực Lạc sẽ hiện tiền, Thế Giới Hoa Tạng cũng sẽ hiện tiền. Trong tâm của bạn sẽ nhìn thấy được, không có người nào mà không phải là Bồ Tát tái lai, không có người nào mà không phải là hóa thân của Như Lai, chỉ có một mình ta là phàm phu. Cho nên ta đã sai rồi, ta đúng cũng là sai, cả thảy mọi người đều đúng. Tại sao vậy? Vì mọi người đều là hóa thân của Phật Bồ Tát. Cái niệm này mà chuyển trở lại thì được đại thọ dụng, thì công phu của bạn thật sự sẽ không thoái chuyển. Phàm phu trong một đời thành tựu thì phải học Thiện Tài Đồng Tử. Thiện Tài Đồng Tử là cách nghĩ này, Thiện Tài Đồng Tử chính là quan niệm này. Cho nên quý vị phải biết, năm mươi ba tham học là gì? Năm mươi ba tham học chính là từ sáng sớm thức dậy đến buổi tối đi ngủ, trong một ngày bạn đã tiếp xúc với tất cả người, sự, vật đó chính là năm mươi ba vị thiện tri thức. Năm mươi ba là năm mươi ba loại. Trong tâm của Ngài đều là thiện tri thức, toàn là Pháp Thân Bồ Tát, toàn là Như Lai thị hiện. Cho nên người ta một đời thành tựu, cũng chính là bất kỳ lúc nào bạn nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là Phật thì bạn đã thành Phật rồi. Nếu bạn nhìn thấy tất cả chúng sanh chưa thành Phật thì bạn vẫn là phàm phu. Đạo lý là ở chỗ này.

Tôi học Phật đến nay là đã năm mươi ba năm, giảng Kinh trên giảng đài là bốn mươi sáu năm, những điều tôi đã học thì chẳng giữ lại chút nào, tôi hoàn toàn đem ra cúng dường mọi người, mong muốn các bạn học được tốt hơn tôi, thù thắng hơn tôi. Học được giống như tôi thì bạn rất bình thường, bạn không học được điều gì. Bạn phải học giỏi hơn tôi thì bạn mới thật sự học được. Tại sao vậy? Năm xưa, khi tôi học Kinh giáo với lão sư của tôi, thầy không có giảng rõ ràng. Thầy mà giảng rõ ràng như vậy thì cảnh giới ngày nay của tôi không phải là cảnh giới này. Đây là sự thật.

Bây giờ thời gian đã hết, buổi tối hôm nay xin giảng đến đây.

A Di Đà Phật!

 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 306)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 283


Hôm nayHôm nay : 60239

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1529867

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43774011

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.