Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 128)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 128)
Kinh văn: "Ngũ giả, thân tâm thanh tịnh, bất nhiễm lợi dưỡng". Tâm thanh tịnh được xếp ở hàng thứ nhất. Cách dạy này, đặc biệt là đối với chúng sanh hiện đại, Phật Đà dạy bảo chúng ta ba cương lĩnh. - Thứ nhất là giác mà không mê. - Thứ hai là chánh mà không tà. - Thứ ba là tịnh mà không nhiễm. Giác thật không dễ dàng, chúng ta không thể giác ngộ, đây là [thuộc về] người thượng thượng căn. Bạn xem trong "Đàn Kinh", Lục Tổ Đại Sư Huệ Năng dạy bảo những người thượng thượng căn, ngay trong một đời của Ngài, Ngài giúp cho những người này thành tựu, trên thực tế thì không nhiều, chỉ có 42 người mà thôi. Họ chân thật khai ngộ, minh tâm kiến tánh, đây là đi từ cửa giác. Đến đời này của chúng ta, Pháp sư Đàm Hư (Tổ sư thời cận đại của Tông Thiên Thai) nói rất hay, chúng ta xem thấy trong trước tác của Ngài, Ngài rất thẳng thắn mà nói, ngay trong một đời, Ngài chưa thấy qua người nào tham thiền khai ngộ, không những không thấy được, mà cũng chưa hề nghe nói qua. Bạn liền biết được sự việc này là khó. Tham thiền được thiền định, Ngài đã thấy qua và cũng được nghe nói qua, nhưng khai ngộ thì không có người nào. Các vị phải nên biết, tu thiền có thể được thiền định, tương lai vãng sanh đến trời

Kinh văn: "Ngũ giả, thân tâm thanh tịnh, bất nhiễm lợi dưỡng".

Tâm thanh tịnh được xếp ở hàng thứ nhất. Cách dạy này, đặc biệt là đối với chúng sanh hiện đại, Phật Đà dạy bảo chúng ta ba cương lĩnh.

- Thứ nhất là giác mà không mê.

- Thứ hai là chánh mà không tà.

- Thứ ba là tịnh mà không nhiễm.

Giác thật không dễ dàng, chúng ta không thể giác ngộ, đây là [thuộc về] người thượng thượng căn. Bạn xem trong "Đàn Kinh", Lục Tổ Đại Sư Huệ Năng dạy bảo những người thượng thượng căn, ngay trong một đời của Ngài, Ngài giúp cho những người này thành tựu, trên thực tế thì không nhiều, chỉ có 42 người mà thôi. Họ chân thật khai ngộ, minh tâm kiến tánh, đây là đi từ cửa giác. Đến đời này của chúng ta, Pháp sư Đàm Hư (Tổ sư thời cận đại của Tông Thiên Thai) nói rất hay, chúng ta xem thấy trong trước tác của Ngài, Ngài rất thẳng thắn mà nói, ngay trong một đời, Ngài chưa thấy qua người nào tham thiền khai ngộ, không những không thấy được, mà cũng chưa hề nghe nói qua. Bạn liền biết được sự việc này là khó. Tham thiền được thiền định, Ngài đã thấy qua và cũng được nghe nói qua, nhưng khai ngộ thì không có người nào. Các vị phải nên biết, tu thiền có thể được thiền định, tương lai vãng sanh đến trời Tứ Thiền, trời Tứ Không, vẫn không ra khỏi ba cõi. Cần phải khai ngộ thì mới hữu dụng, mới có thể liễu sanh tử, ra khỏi luân hồi. Bạn liền nghĩ, pháp môn này thật không dễ dàng, Giáo Hạ gọi là "đại khai viên giải". "Đại khai viên giải", ở vào thời đại này cũng không thấy nhiều.

Pháp sư Viên Anh được xem là rất tuyệt. Ngày trước tôi giảng "Kinh Lăng Nghiêm", đều dùng giảng nghĩa của ông. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ ở Bắc Kinh nói với các học trò của ông, Pháp sư Viên Anh chưa khai ngộ, gần được khai ngộ, đi đến cửa của khai ngộ, chưa bước vào. Học trò của ông đem lời nói này của ông, truyền nói lại cho tôi. Sau khi tôi nghe rồi, tôi gật đầu đồng ý với cách nói của ông. Qua đây có thể biết, khai ngộ không dễ dàng. Cho nên Phật dạy chúng sanh thời Mạt Pháp, tại vì sao đặc biệt thúc đẩy giới thiệu pháp môn Tịnh Độ? Pháp môn Tịnh Độ là tu tâm thanh tịnh. Đại Thừa trên đề Kinh của "Kinh Vô Lượng Thọ", nêu ra cho chúng ta cương lĩnh tu hành là "Thanh Tịnh - Bình Đẳng - Giác", đem tâm thanh tịnh xếp ở hàng thứ nhất. Tâm phải thanh tịnh, việc này là quan trọng. Tâm thanh tịnh đó là hạnh phúc chân thật. Sự thọ dụng này, các vị nghĩ không ra. Tại vì sao nghĩ không ra? Tâm của các vị chưa từng thanh tịnh bao giờ. Tôi có nói thế nào, hình dung ra sao, các vị đều rất khó thể hội. Học Phật, quan trọng nhất là trong lòng không có phiền não, không có lo lắng, không có vướng bận, không có phải quấy, không có nhân ngã, không có được mất, rất tự tại. Trong lòng bạn có những thứ này rồi thì bạn làm sao có thể thanh tịnh? Thân thể của bạn không khỏe, vì sao vậy? Mệt chết rồi! Mệt thì sẽ chết, thanh tịnh thì sẽ không chết. Các vị có nghe nói thanh tịnh mà chết không? Không có! Vì sao mà mệt chết? Tâm mệt chết, trong tâm nhiều phiền não đến như vậy, nhiều lo lắng như vậy, nhiều vướng bận đến như vậy, nhiều phải quấy nhân ngã như vậy, vậy thì còn gì khổ hơn không? Cho nên thân thể bạn không khỏe mạnh, bạn nhiều bệnh, bạn cũng không hiểu được phương pháp trị liệu, bạn đi tìm một số bác sĩ cao minh. Hiện tại bác sĩ có y đức thì ít. Có rất nhiều thanh niên chọn học ngành y, hỏi họ tại vì sao vậy? Vì kiếm tiền! Bạn thấy, kiếm tiền là đệ nhất.

Ngày trước cặp mắt của Hàn Quán Trưởng không được tốt, đi bác sĩ nhãn khoa khám, danh y của thành phố Đài Bắc, mỗi lần trị cho bà một ít, đã làm cũng sắp gần một năm, vẫn đang không ngừng trị liệu. Có một lần tôi đến Cao Hùng giảng Kinh, bà cùng đi với tôi. Cao Hùng cũng có một bác sĩ rất giỏi, một lần liền trị hết cho bà, do nguyên nhân gì? Danh y kia bảo bà mỗi lần đến để ông ấy thu phí, một lần mà trị hết cho bạn rồi thì không lấy tiền được nữa thì sao? Chúng tôi mới bỗng nhiên hiểu ra, thì ra bác sĩ từ từ trị cho bà, đây là bảo bạn thường hay mang tiền đến cho họ. Hiện tại người chân thật có y đức thì không nhiều, cho nên khi có bệnh, bạn cầu bác sĩ nào là tốt nhất? Tôi xin giới thiệu với các vị, Phật Bồ Tát là tốt nhất, Phật là đại y vương. Cả đời này của tôi, tôi chỉ cầu vị đại y vương này, tôi không cầu bác sĩ của thế gian. Tôi sống đến 73 tuổi, không hề bị bệnh là do nguyên nhân gì vậy? Cầu đại y vương. Đại y vương trị liệu tận gốc cho chúng ta. Tâm thanh tịnh.

Các vị phải nên biết, thân thể của chúng ta tại vì sao hay bị bệnh? Đó chính là do phiền não, lo lắng của chúng ta quá nhiều. Trên Kinh Phật nói: "Cảnh tùy tâm chuyển", "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh". Bởi vì trong tâm bạn có lo lắng nhiều, phiền não nhiều, vướng bận nhiều, phải quấy nhiều, do đó đã đem cả thảy tổ chức tế bào của thân thể này đều đổi hết, phá hỏng hết, cho nên cái thân này mới có bệnh. Nếu như tâm địa của bạn thanh tịnh thì mỗi một tế bào trên thân thể này của bạn, mỗi một tổ chức khí quan đều là bình thường, bình thường thì còn bệnh gì nữa? Cho nên tâm thanh tịnh thì thân thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh của chúng ta cư ngụ liền thanh tịnh. Hoàn cảnh thanh tịnh chính là từ trường tốt. Đây là chân thật. Thông thường người đến nơi này đều cảm nhận sự khác thường, họ đi đến nơi đây, họ cảm thấy rất là thoải mái, rất là an vui, đến rồi vẫn muốn đến, đạo lý chính ngay chỗ này. Hoàn cảnh chung quanh họ liền tốt, đây gọi là "cảnh tùy tâm chuyển". Cho nên tâm thanh tịnh là quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Nếu bạn muốn được thanh tịnh, câu nói "bất nhiễm lợi dưỡng" này bạn phải ghi nhớ. Hưởng thụ của danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần quyết định không tiêm nhiễm. “Không tiêm nhiễm” không phải nói là không cần, đạo lý này phải hiểu. “Không tiêm nhiễm” là nhất định không nên để ở trong lòng, tất cả tùy duyên thì tốt. Tùy duyên thì tự tại, quyết định không phan duyên, hơn nữa đời sống càng đơn giản càng tốt. Thông thường thế gian, người không có trí tuệ thì ngày ngày nghĩ tưởng phải làm thế nào bảo dưỡng thân thể của chính mình, mỗi ngày đi tìm cái gì đó tẩm bổ thân thể, bổ như thế này, bổ như thế kia, kết quả bổ thành một thân bệnh. Đây là thật, không phải là giả. Bệnh của bạn từ đâu mà ra? Bệnh từ miệng mà vào, ngày ngày ăn đồ bổ, ăn ra bệnh. Tư tưởng của bạn không khỏe mạnh thì thân thể của bạn làm sao khỏe mạnh?

Tôi ở nước ngoài giảng Kinh cũng không tệ, pháp duyên rất thù thắng. Có rất nhiều đồng tu hỏi tôi: “Pháp sư à! Ngài dùng phương pháp gì để bổ dưỡng? Tôi thấy thân thể của Ngài rất tốt”. Tôi nói, tôi có bổ phẩm tốt nhất, bổ phẩm gì vậy? Nước từ công ty nước máy Đài Loan. Tôi chỉ uống nước, không có bất cứ thì gì khác, trà lá tôi đều không uống. Vì sao vậy? Pha trà phiền phức, hao phí tinh thần, làm việc này thật là không đáng. Tôi ăn cơm một bữa, rất là đơn giản, không có dinh dưỡng, tôi ăn vào thì rất là khỏe mạnh, các vị xem qua thật là không chịu nổi. Đây là lời chân thật, không phải là giả. Tại vì sao vậy? Các vị phiền não nhiều, vọng tưởng nhiều. Thân thể là một cái máy, mà cái máy đang không ngừng hoạt động, vận động thì phải có năng lượng, năng lượng chính là thức ăn, ăn uống bổ sung năng lượng cho thân thể, để cho thân thể này vận động được tốt hơn, thế nhưng trên thân thể của mỗi một người khác nhau, có máy móc tiêu hao năng lượng, có loại tiết kiệm năng lượng. Thân thể này của tôi là tiết kiệm năng lượng, thân thể của các vị là tiêu hao năng lượng, cho nên các vị cần phải bổ sung lượng lớn, một ngày ba bữa không đủ, còn phải ăn dặm thêm mấy lần. Thế nhưng năng lượng tiêu hao vào chỗ nào vậy? Các vị đều không biết, tôi nói cho các vị nghe, 95% tiêu hao nơi vọng tưởng. Cho nên tâm của bạn càng thanh tịnh thì năng lượng bạn tiêu hao càng ít, bổ sung chút xíu thì đủ dùng rồi. Thế Tôn năm xưa ở đời, trong tăng đoàn nửa ngày ăn một bữa là đủ dùng rồi. Trên Kinh Phật nói với chúng ta, tâm của A La Hán thanh tịnh hơn so với chúng ta nhiều, cho nên một tuần lễ ăn một bữa. Bạn liền biết được, năng lượng của họ tiêu hao rất ít. Bích Chi Phật sức định sâu hơn so với A La Hán, cũng chính là tâm thanh tịnh hơn nhiều, cho nên nửa tháng ăn một bữa. Bích Chi Phật nửa tháng đi khất thực một lần. Các Ngài ăn món gì vậy? Đi khất thực, người ta cho thứ gì thì ăn thứ đó, không hề yêu cầu. Cho nên chúng ta nên biết, mỗi ngày chúng ta ăn nhiều đến như vậy thì chính mình phải sanh tâm hổ thẹn, vọng niệm quá nhiều, đều tiêu hao ở nơi đó. Vọng niệm ít, tâm địa thanh tịnh, đối với lao tâm lao lực đều tiêu hao ít.

Tôi ở Đài Trung, thân cận lão sư Lý mười năm, tôi học theo thầy. Thầy nửa ngày ăn một bữa, cũng gần hơn 50 năm, một ngày ăn một bữa, ăn rất ít. Sức làm việc của thầy so với sức làm việc của năm người thông thường cũng không bằng thầy. Bình thường một người muốn gặp thầy thì phải hẹn trước một tuần, nếu không phải hẹn trước một tuần lễ, lâm thời đến nhất định không tìm được thầy. Thầy làm việc quá bận rộn. Cho nên khi tôi theo thầy, tôi mới biết được sự tiêu hao năng lượng 95% là ở nơi vọng tưởng. Sức làm việc của lão sư Lý tuy là nhiều, nhưng do thầy không có vọng tưởng, cho nên sự tiêu hao năng lượng của thầy ít đến như vậy. Tôi học với thầy, nhưng không cách nào học được. Tôi cũng ăn một bữa, thế nhưng bữa ăn của tôi nhiều hơn so với thầy. Chúng ta ăn bánh mạn đầu nhỏ (một loại bánh bao bột), lão sư Lý một bữa ăn hai cái bánh bao bột, nhưng tôi phải ăn ba cái. Vào lúc đó ở Đài Trung, phí dụng đời sống mỗi ngày của thầy là hai đồng tiền Đài Loan. Các vị phải nên biết, vào lúc đó 40 đồng tiền Đài đổi lấy 1 đồng Mỹ kim, hay nói cách khác, 1 đồng Mỹ kim, lão sư Lý có thể sống được 20 ngày. Tôi thì không cách nào sống đủ, một ngày tôi phải dùng ba đồng Đài, làm thế nào cũng không làm được như Ngài. Đây chính là tâm của chúng ta, cái tâm thanh tịnh này vẫn là không thể so được với Ngài.

Đời sống càng đơn giản càng tự tại, đó gọi là phước báo chân thật. Phước báo không phải có địa vị, không phải có tiền của, mà phước báo là đối với thế xuất thế gian, thông đạt tường tận chân tướng của người và sự vật, đời sống đơn giản, tùy duyên an vui, đây gọi là thật tự tại, đây là phước báo chân thật. Người thế gian không biết điều này. Trong lòng không có vướng bận, không có lo buồn, thân không có lão khổ, đây mới là phước báo chân thật. Cho nên câu nói "bất nhiễm lợi dưỡng", đặc biệt là các đồng tu xuất gia phải cố gắng ghi nhớ. Vừa nếm được lợi dưỡng thì bạn liền đọa lạc, hay nói cách khác, ba đường liền có phần. Quyết định không nên tiêm nhiễm, định huệ của bạn thành tựu, có thể tùy duyên, nhưng trong tùy duyên quyết định không tiêm nhiễm. Đại đức tông môn thường nói "bách hoa tùng trung quá, phiến diệp bất triêm thân", chính là đạo lý này. Đó là tùy duyên.

Kinh văn: "Lục giả, phát nhất thiết chủng trí tâm, nhật nhật thường niệm, vô hữu phế vong".

"Nhất thiết chủng trí" là trí tuệ chân thật trên quả địa Như Lai. Chúng ta học Phật, mong cầu chính là sự việc này, tiếng Phạn gọi là "A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề", cũng dịch thành "Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác". Từ trên trí tuệ mà nói, có ba loại.

Loại thứ nhất gọi là Nhất Thiết Trí. A La Hán chứng được. Chứng được Nhất Thiết Trí thì gọi là chánh giác.

Loại thứ hai gọi là Đạo Chủng Trí. Đạo là vũ trụ nhân sanh tất cả vạn vật. Chủng là nhân duyên quả báo của nó. Rất nhiều, vô số hình tướng chủng loại khác nhau, vô lượng vô biên, loại trí tuệ này nếu thành tựu thì gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác, chính là Bồ Tát sở chứng.

Loại sau cùng là "Nhất Thiết Chủng Trí". Nhất Thiết Chủng Trí là chứng được viên mãn trên Như Lai quả địa. Nhất thiết chính là A La Hán chứng được Nhất Thiết Trí. Chủng Trí chính là Bồ Tát sở chứng.

A La Hán chứng được Nhất Thiết Trí là chấp không, chỉ biết được lý thể tánh của tất cả vạn pháp, vạn pháp giai không. Đó là A La Hán hiểu được, cho nên họ không còn chấp trước đối với tất cả vạn pháp, họ thảy đều buông xả. Thế nhưng tất cả vạn pháp này rốt cuộc làm sao phát sanh ra? Người hiện tại nói vũ trụ từ nơi đâu mà sanh ra? Sinh mạng từ nơi đâu mà có? Diễn biến ra thế nào? Có rất nhiều nhà khoa học, nhà triết học đều đang dò tìm, nhưng đến ngày nay vẫn không có đáp án. Trong lý luận tiến hóa nói, người là do loài vượn tiến hóa ra. Lời nói này chúng ta đã nghe qua, nhưng bạn có tin tưởng hay không? Tại vì sao ta không tin tưởng? Bởi vì tôi xem thấy ở bên ao Xúc Thủy còn có rất nhiều loại khỉ nhỏ, tại vì sao nó không thể biến thành người? Cũng không thể nói một bộ phận khỉ này biến thành người, một bộ phận khỉ kia vẫn làm khỉ, vậy thì nói không thông. Kỳ thực, những sự việc này đều nói trong Kinh Phật, rất đáng tiếc là những nhà khoa học, nhà triết học không có duyên phận đọc Kinh Phật. Đây là vấn đề của duyên phận. Nếu như những người này gặp được Phật pháp, họ rất thông minh, họ lý giải, khế nhập đối với Phật pháp thì chắc chắn vượt qua chúng ta. Đáng tiếc là họ không có cơ hội, không có cơ duyên. Phật giảng rất thấu triệt đối với vấn đề này, đây là trí tuệ chân thật. Cho nên, A La Hán biết được bản thể của vũ trụ nhân sanh, Bồ Tát biết được tất cả hiện tượng của vũ trụ, biết được hiện tượng này do đâu mà sanh ra, diễn biến thế nào. A La Hán thì biết được thể, nhưng không biết được sự biến hóa của nó. Bồ Tát thì biết được những sự biến hóa này, cái thể này không thể tương ưng. Thảy đều được tường tận, đều tương ưng, đó là trí tuệ của Phật. Trí tuệ cứu cánh viên mãn gọi là Nhất Thiết Chủng Trí.

Chúng ta học Phật, không học thứ khác, chuyên môn cầu "nhật nhật thường niệm". Cho nên, học Phật không phải là cầu Phật Bồ Tát bảo hộ bạn thăng quan phát tài, bảo hộ bạn sống lâu trăm tuổi. Thảy đều sai! Nếu như trí tuệ chân thật khai mở rồi, sống lâu trăm tuổi thì quá ngắn. Bạn chân thật chứng được vô lượng thọ, tôi xin nói với bạn, sanh tử là giả, không phải là thật. Cho nên đồng tu khế nhập đối với Phật pháp đều có thể biết được, chết là việc thế nào vậy? Đổi một cái thân thể, đổi một cảnh giới. Chỉ cần bạn biết đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức, bạn đổi cảnh giới càng ngày càng thù thắng. Sự việc chính là như vậy.

Gần đây Cư Sĩ Lâm chúng ta có không ít người đi làm Phật, có ba, bốn vị. Tôi nghe nói, lão cư sĩ Trần Quang Biệt cũng là một trong những người đó. Người ta trước đó hai tháng liền biết được mùng 7 tháng 8 hôm đó ra đi. Đây là hiện tượng bình thường. Người ở trước ông, ở bên đây chúng ta có một vị cũng là họ Lý, cư sĩ Lý, một vị lão thái thái 62 tuổi (bà nhỏ hơn tôi 10 tuổi). Bà hẹn với cư sĩ Lý Mộc Nguyên ngày giờ vãng sanh. Cư sĩ Lý bảo bà phải mau vãng sanh, tôi mới lo hậu sự cho bà được. Bà nói: “Vậy được!”. Bà có thể vãng sanh sớm hơn hay có thể lùi về sau, tự tại. Những việc này đều là chính mắt chúng ta xem thấy. Cho nên đồng tu nơi đây chúng ta, niệm Phật đường, giảng đường, tín tâm kiên định. Chính mắt bạn xem thấy, chính tai bạn nghe được, hoàn toàn tương ưng với cảnh giới phương pháp lý luận trên Kinh đã nói. Kinh của Phật không phải là giả.

Khoa học gia hiện tại khẳng định không gian là đa chiều, cho nên gọi là ba độ không gian, bốn độ không gian. Từ trên lý luận mà nói, mãi đến không gian vô hạn độ, trên thực tế mà nói, khoa học gia chứng thật, đích thực là có 11 độ không gian đang tồn tại, thế nhưng họ không biết được làm thế nào để đột phá. Sự phát hiện này cùng với trên Phật Kinh đã nói hoàn toàn là giống nhau, trong Phật Kinh thì không gọi là không gian, mà gọi là pháp giới. Trên Kinh gọi là pháp giới, chính là khoa học gia ngày nay gọi là không gian, họ không có cách gì để đột phá, không biết được không gian do đâu mà hình thành, không gian đa chiều từ đâu mà có. Phật biết được, Phật nói: "Pháp giới vốn dĩ là nhất chân". Tại vì sao pháp giới nhất chân có thể biến thành pháp giới đa chiều như vậy? Bởi vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sanh mà biến hiện ra. Do đây có thể biết, chỉ cần bạn đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đoạn dứt thì bao gồm tất cả giới hạn của không gian khác nhau hoàn toàn đều hóa giải được, hay nói cách khác, giới hạn của mắt bạn đã khác nhau rồi, bạn có thể xem thấy đời sống của thiên nhân, bạn có thể xem thấy đời sống của ngạ quỷ, bạn có thể xem thấy đời sống của địa ngục, cũng có thể xem thấy đời sống của chư Phật Bồ Tát mười phương pháp giới. Không gian đời sống của chúng ta bỗng chốc liền rộng lớn, bạn nói xem, thật tự tại. Nhà Phật dùng phương pháp gì để đột phá thời không? Dùng thiền định. Đây là tâm thanh tịnh. Tâm càng thanh tịnh thì tầng thứ mà bạn đột phá càng lớn, không gian đời sống của bạn sẽ càng lớn. Những người vãng sanh này, hiện tại họ đang ở đâu, tình hình đời sống của họ hiện tại, bạn thảy đều thấy được, thảy đều tường tận. Người thế gian tham sống sợ chết, không hiểu rõ tình hình chân thật. Tham sống sợ chết là việc rất đáng lo ngại. Vì sao vậy? Chỉ cần có cái ý niệm này, tương lai đời sau họ chuyển biến, tình hình đời sống sẽ kém xa với đời sống thực tại. Đó là đời sau không bằng đời trước. Các vị đều biết, con người sau khi chết rồi, phần nhiều thân thể đều cứng đơ, thế nhưng người niệm Phật, khi ra đi thân thể mềm mại. Việc này người thông thường xem thấy rất hi hữu, tướng lạ hi hữu. Năm trước Hàn Quán Trưởng vãng sanh, phước báo của bà lớn, hơn 100 người niệm Phật cho bà suốt 49 ngày. Việc này ở Đài Loan là hi hữu, pháp sư vãng sanh cũng không hơn được bà. Bà có một băng ghi hình, mọi người xem qua thì biết. Khi bà ra đi, hai lần thấy được A Di Đà Phật, một lần thấy được Liên Trì Hải Hội, bà đã nói với tôi. Sau khi đi rồi, ở trong y viện chúng tôi đã trợ niệm cho bà 14 giờ đồng hồ. Di linh về thư viện, một tuần lễ mới nhập liệm, mới đậy quan tài. Ngay trong một tuần lễ này, thân thể của bà đều mềm mại, khuôn mặt sáng hồng, cũng giống như là đang ngủ vậy, hoàn toàn không có hóa trang. Hai tuần lễ sau mới hỏa thiêu. Bên trong khu vực hỏa táng là một mảng an lành. Bình thường người đi vào nơi đó, luôn cảm thấy u ám, rợn cả da gà, thế nhưng hôm hỏa táng Hàn Quán Trưởng, đi đến lò hỏa táng, không có người nào mà không sanh tâm hoan hỉ, một chút lo sợ cũng không có. Chư Phật Bồ Tát hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ. Những sự việc này, những đồng tu từ Đài Loan đến, đích thân thể nghiệm, chính mắt xem thấy. Đây là quả báo mà bà đã hộ trì chánh pháp 30 năm, kiết tường thù thắng không gì bằng. Bà đi đến cõi Phật. Bà vãng sanh ngày 5 tháng 3. Đầu năm nay, ngày 5 tháng 3, chúng ta ở nơi đây tổ chức kỷ niệm hai năm ngày mất của bà, có đồng tu nhìn thấy bà đang ngồi ở bên đây với chúng ta, bên cạnh còn dẫn theo vài người. Có đồng tu cũng thường hay thấy được bà ở đạo tràng này chúng ta hộ trì Phật pháp. Bà đổi lấy một thân thể khác. Chúng ta không thấy được bà, bà thấy được chúng ta, thường hay hộ pháp ở đạo tràng này. Đạo tràng này chúng ta có chướng ngại gì, bà cũng sẽ thông báo trước cho chúng ta, đến an ủi chúng ta, nói đạo tràng này có Phật Bồ Tát hộ niệm, ma chướng nho nhỏ không đáng lo, qua vài ngày thì hết thôi. Đây đều là chân tướng sự thật, không phải là giả. Chân thật có trí tuệ, bất cứ vấn đề gì cũng đều có thể giải quyết. Cho nên chúng ta phải thường niệm trí tuệ.

Trong "Lục Tổ Đàn Kinh" của Thiền tông, khi vừa mở ra, Lục Tổ dạy mọi người điều gì? Dạy đại chúng mọi người "tổng niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa". Cho nên Thiền tông của Trung Quốc, Ngài học trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật Đa trong Lục độ, không phải thiền định Ba La Mật. Chỗ này chúng ta nhất định phải làm cho rõ ràng. Thiền tông là tu Bát Nhã Ba La Mật, chính là "thường niệm Bát Nhã Ba La Mật Đa", chính là "phát Nhất Thiết Chủng Trí Tâm". Chúng ta có cần đi cải niệm Bát Nhã Ba La Mật Đa hay không? Không cần thiết! Chúng ta niệm một câu "Nam Mô A Di Đà Phật" thì cũng là niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, cũng là niệm Nhất Thiết Chủng Trí. Điểm này các vị phải nên biết. Danh hiệu “A Di Đà Phật” là dịch âm từ tiếng Phạn, Ấn Độ, ý nghĩa là vô lượng giác. A dịch là “vô”, Di Đà dịch là “lượng”, Phật dịch là “trí tuệ”, là “giác ngộ”. Bạn thử nghĩ xem, chẳng phải mỗi ngày chúng ta niệm vô lượng giác, vô lượng trí tuệ, chẳng phải là Nhất Thiết Chủng Trí hay sao? Phía trước lại thêm vào hai chữ "Nam Mô". Nam Mô cũng là tiếng Ấn Độ, ý nghĩa là cung kính, ý nghĩa là quy y. Cung kính quy y vô lượng trí tuệ, vô lượng giác, nếu chúng ta đem câu “Nam Mô A Di Đà Phật” phiên dịch ra hết thì chính là cái ý này. Cho nên niệm một câu Phật hiệu là mỗi giờ mỗi phút nhắc nhở chính mình, một câu Phật hiệu này mười phương ba đời tất cả chư Phật đều niệm, tất cả Bồ Tát đều niệm, không có ai không niệm. Chúng ta niệm A Di Đà Phật, liền có thể đạt được oai thần gia trì của tất cả chư Phật. Chúng ta sanh ra, cộng hưởng với tất cả chư Phật Bồ Tát, cái sức mạnh này bao lớn? Cho nên thế gian ngay trong tất cả kiết tường, kiết tường tốt nhất là niệm A Di Đà Phật. Trong nhà thờ cúng A Di Đà Phật, mười phương pháp giới (ngày nay chúng ta nói chúng sanh trong vô lượng không gian duy thứ khác nhau) nghe được Phật hiệu của A Di Đà Phật, đều chắp tay hoan hỉ tán thán và lễ kính. Điều này chúng ta phải tường tận. Cho nên "nhật nhật thường niệm, vô hữu phế vong", không nên quên mất.

Kinh văn: "Thất giả, ư nhất thiết chúng sanh, khởi tôn trọng tâm, trừ ngã mạn ý, khiêm hạ ngôn thuyết".

Lời nói này chân thật dường như là nói với chúng ta. Vì sao vậy? Chúng ta đích thực phạm phải tâm bệnh này. Tất cả chúng sanh không phân nam nữ già trẻ, không phân hiền ngu sang hèn, không phân chủng tộc, không phân màu da, không phân tôn giáo tín ngưỡng, một mực bình đẳng, tâm tôn trọng. Chúng ta phải học tập. Đây chính là nguyện thứ nhất trong mười đại nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền: "Lễ kính chư Phật". Tại vì sao phải tu điều này? Vì "trừ ngã mạn ý". Chúng sanh nào mà không cống cao ngã mạn? Cống cao ngã mạn là đại phiền não. Trong sáu điều phiền não căn bản nó xếp ở hàng thứ tư. Sáu cái căn bản phiền não là tham sân si, thứ tư là mạn. Phiền não này của bạn, nếu không tiêu trừ thì bạn đọc tụng không thể khai ngộ. Vì sao vậy? Cửa ngộ đã bị nó đóng bít rồi, bạn tu hành không thể nâng cao cảnh giới, bạn mới biết được chướng ngại này bao nhiêu lớn! Nho và Phật đều rất xem trọng vấn đề này. Nhà Nho dạy người, các vị đọc trong "Lễ Ký", chính ngay chương thứ nhất, dạy bạn rõ ràng là "ngạo bất khả trưởng". Nhà Nho nói pháp thế gian, không nói pháp xuất thế gian, cho nên nói cái ngạo mạn này của bạn không nên để tăng trưởng thêm, ý nghĩa chính là như vậy. Nhà Phật là dạy bạn phải ra khỏi ba cõi, phải đột phá không gian này, hay nói cách khác, ngạo mạn là chướng ngại nghiêm trọng, cần phải đem nó đoạn dứt. Nếu bạn không đoạn phiền não thì bạn không cách gì siêu việt sáu cõi luân hồi; không những không thể siêu việt sáu cõi luân hồi, mà cõi trời Sắc Giới bạn cũng không có phần. Các vị xem qua Kinh điển Đại Thừa, Phật đã nói, người sanh trời Sắc Giới thì phiền não “mạn” này không có. Hay nói cách khác, tâm ngạo mạn vẫn có, cho dù tu hành tốt hơn, nếu như bạn sanh thiên, cũng chỉ có thể sanh đến trời Dục Giới. Do đây có thể biết, tâm ngạo mạn chướng ngại thiền định, bạn tu thiền định không thành công. Chúng ta xem thấy một số người tu thiền định, người thông thường đều nói người này thiền định rất cao, có công phu, có thần thông, nhưng tôi lại nghe được vị thiền sư này tính tình nóng vội, hở ra thì mắng người. Tôi nghe qua thì biết xong rồi, tôi không đi thăm ông. Vì sao vậy? Vì tôi hiểu rõ cái công phu thiền định đó, nhiều nhất là thiền định của Dục Giới thì hết mức rồi, không phải thiền định chân thật. Nếu như ông được sơ thiền thì tuyệt đối không hề có nóng vội, nhất định hòa ái dễ gần, xem thấy bạn làm sai cũng sẽ không nổi tức giận. Tại vì sao sẽ không nổi tức giận? Vì nổi tức giận cũng không ích gì, vậy nổi giận làm gì? Sau khi khởi tức giận mà bạn lập tức có thể thay đổi tự làm mới, bạn lập tức giác ngộ, vậy thì nên khởi tức giận, khởi tức giận là đúng. Nếu khi khởi lên rồi, bạn không thể thay đổi, không thể tự làm mới, người ta vẫn còn ôm hận trong lòng, vậy thì bạn khởi tức giận là sai rồi. Không nên khởi! Bồ Tát khởi tức giận là phương thức giáo hóa chúng sanh, không phải chân thật. Thật có tâm sân hận thì họ là phàm phu, họ làm gì là người tu hành? Không phải thật khởi tâm sân hận, không phải chân thật có tâm ngạo mạn, họ có thể dùng loại phương pháp này làm thành phương thức giáo hóa chúng sanh. Nếu phương thức này dùng được rất thỏa đáng thì chân thật nhận được hiệu quả. Nếu dùng không được thỏa đáng, vậy thì bạn hoàn toàn sai. Căn bản là không hiểu được quán cơ, cho nên ứng cơ thí giáo. Đối với tất cả chúng sanh, nhất định phải sanh tâm tôn trọng. Chúng sanh tạo tác tội nghiệp, chúng ta cũng không thể khinh mạn họ, cũng phải tôn trọng họ, ngạ quỷ, địa ngục, yêu ma quỷ quái đều phải tôn trọng, thậm chí người hủy báng chúng ta, nhục mạ chúng ta, hãm hại chúng ta, chúng ta vẫn là khởi tâm tôn trọng đối với họ. Tại sao vậy? Bởi vì họ vô tri, họ mới làm việc sai. Nếu như họ tiếp nhận được giáo dục tốt, họ có trí tuệ, họ là người tốt, họ không phải người xấu. Người xấu, tại vì sao mà xấu? Bởi vì họ không tiếp nhận qua giáo dục. Việc này phải nên tha thứ. Huống hồ Phật nói với chúng ta: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", "tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật", vậy làm sao có thể không tôn kính? Cho nên lễ kính chư Phật, nếu bạn không hiểu được đạo lý này thì bạn sẽ không làm. Bạn hiểu rõ được đạo lý này, bạn tự nhiên liền sẽ làm. Ngày nay các vị học rồi, thường hay giảng, nhưng các vị vẫn không làm được. Đây chính là tôi vừa rồi đã nói, biến số nghe chưa đủ. Tôi có thể làm được một ít, biến số mà tôi nghe nhiều hơn so với các vị, không có nguyên nhân gì khác. Cho nên Kinh ngày ngày giảng, ngày ngày đọc, quả nhiên như vậy không hề nới lỏng. Đọc qua mười năm, giảng qua mười năm thì ý niệm của bạn tự nhiên chuyển đổi lại, tự nhiên liền sẽ thực tiễn ngay trong cuộc sống. Nếu không thể thực tiễn ngay trong cuộc sống, đều là do huân tập biến số không đủ, các vị ở ngay trong cuộc sống thường ngày vẫn là tùy thuận phiền não, vẫn là tùy thuận tập khí. Việc này khó trách. Do đó các vị đồng tu học Kinh giáo, thời gian huân tập so với thính chúng thông thường nhất định phải dài hơn rất nhiều lần, thế nhưng vẫn cứ không thể thực tiễn ở ngay trong cuộc sống. Vậy mới biết tập khí nghiệp chướng sâu nặng, chân thật khiến người khiếp sợ. Cho nên chính mình phải biết, phải giác ngộ, phải chăm chỉ nỗ lực, phấn đấu hồi đầu. Bạn vừa hồi đầu thì bạn liền được đại tự tại, phiền não của bạn liền nhẹ, trí tuệ liền thêm lớn.

"Khiên hạ ngôn thuyết", đối nhân tiếp vật phải khiêm tốn, phải khiêm hạ. Chỗ này rất có đạo lý. Chúng ta xem trên "Kinh Hoa Nghiêm", có một vị Phật Bồ Tát nào cống cao ngã mạn không? Không xem thấy một người nào. Chúng ta xem thấy mỗi một vị Phật Bồ Tát đều rất là khiêm tốn, đều tôn trọng người khác, tập khí cống cao ngã mạn hoàn toàn tiêu mất. Việc này chúng ta phải nên học tập.

Kinh văn: "Bát giả, ư thế đàm thoại, bất sanh vị trước".

Nói chuyện với người thế gian, "bất sanh vị trước". Câu nói này rất quan trọng. "Vị trước" là gì? Dùng lời thiếu tế nhị hiện nay mà nói là "ưa thích", nghe được lời nói của người khác, trong lòng ưa thích, trong lòng chấp trước, vậy là sai rồi. Không chỉ nói chuyện phiếm thông thường, không nên chấp trước, không được để ở trong lòng, đây chính là "không sanh vị trước", cũng chính là chúng ta thường nói không phân biệt, không chấp trước, tất cả tùy hỉ, quyết không để ở trong lòng. Không chỉ là sự việc này, vì tất cả chúng sanh giảng Kinh nói pháp cũng không sanh vị trước, tâm của bạn mới thật thanh tịnh, nhà Phật gọi là "tam luân thể không", loại người này mới thường sanh trí tuệ. Nếu có chút chấp trước nào, liền biến thành tình kiến, liền biến thành tình thức, rơi vào trong ý thức. Vào lúc đó bạn sanh phiền não, không sanh trí tuệ. Các vị hiện tại ở ngay trong quá trình học tập phải nên thể hội được. Tuy là mỗi ngày đang nghiên cứu Kinh điển, mỗi ngày đang ở trên đài giảng Kinh, vẫn là thường sanh phiền não, vẫn là không sanh trí tuệ, do nguyên nhân gì vậy? Bạn sanh vị trước với tất cả pháp. Trên Kinh nói rất hay, chúng ta chân thật có thể nói là đạt đến "thâm giải nghĩa thú", "y giáo phụng hành" thì tự nhiên chúng ta liền sẽ sanh ra pháp hỉ, pháp hỉ tràn đầy, ở trong đây có niềm vui. Người xưa nói, đọc sách an vui, đọc Kinh Phật càng an vui, thế gian bất cứ an vui nào cũng không sánh được an vui khi đọc Kinh Phật. Vui là thuật dưỡng sinh tối thượng thừa. Bạn thấy, người thế gian chẳng phải thường nói "người gặp việc vui tinh thần phấn chấn" sao? Gặp được việc vui, những việc phấn khởi đặc biệt có tinh thần. Nếu bạn khế nhập Phật pháp, thâm giải nghĩa thú thì tinh thần của bạn an vui, vĩnh viễn không bị đoạn mất, vĩnh viễn không thể bị mất đi. Sau đó bạn mới biết, tại vì sao chúng ta phải học Phật. Trong Phật có đại an vui, vì an vui mà đến học Phật. Tôi là vì duyên cớ này mới vào cửa Phật. Việc này là năm xưa tiên sinh Phương Đông Mỹ đã đem Phật pháp giới thiệu cho tôi, nói với tôi: "Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của nhân sanh". Tôi bị câu nói này của ông kéo vào. Tại vì sao tôi phải học Phật? Tôi muốn cầu hưởng thụ cao nhất của nhân sanh. Phương tiên sinh giới thiệu cho tôi, tôi ngay đời này chứng thật. Đối với ân đức của lão sư mỗi niệm tôi không quên, không phải nhờ sự chỉ dẫn của Ngài, không phải nhờ sự giới thiệu của Ngài thì tôi làm sao có được một đời an vui như thế này, một đời hạnh phúc như thế này? Cho nên ân đức của lão sư khó quên.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.

 A Di Đà Phật!

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 128)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ