Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 139)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 139)
Kinh văn: "Lâm thọ chung thời, ngã dữ chư Bồ Tát chúng nghinh hiện kỳ tiền, kinh tu du gian, tức sanh ngã sát, tác A Duy Việt Trí Bồ Tát, bất đắc thị nguyện, bất thủ chánh giác". Đây là nguyện thứ 20, "lâm chung tiếp dẫn nguyện", tôi đã giới thiệu với các bạn hôm qua. Hôm nay chúng ta lại xem tiếp. Ý nghĩa tinh túy nhất trong cái nguyện này của những vị đại đức xưa, chúng ta phải đọc nhiều. Trong "A Di Đà Kinh Viên Trung Sớ" của Đại Sư U Khê có một đoạn nói, chúng sanh Thế giới Ta Bà (chính là chỉ thế giới này của chúng ta), tuy là có thể niệm Phật, thế nhưng phiền não không thể đoạn, hay nói cách khác, phiền não xen tạp chánh niệm, phiền não làm phá hỏng đi chánh niệm của chúng ta. Sự việc này chúng ta không thể không lưu ý, không thể không xem trọng, bởi vì chúng ta biết rõ là cơ hội vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc không dễ gì có được, chân thật là người xưa đã nói "vô lượng kiếp đến nay, hy hữu khó gặp". Chúng ta ngay trong một đời này, được thân người, nghe Phật pháp, đây là việc hy hữu, cho nên chúng ta phải trân trọng cơ hội này, vạn nhất không nên bỏ lỡ đi cơ hội này. Chúng ta luôn quá lơ là. Người bỏ qua cơ hội này thật là quá nhiều, không

Kinh văn:  "Lâm thọ chung thời, ngã dữ chư Bồ Tát chúng nghinh hiện kỳ tiền, kinh tu du gian, tức sanh ngã sát, tác A Duy Việt Trí Bồ Tát, bất đắc thị nguyện, bất thủ chánh giác".

Đây là nguyện thứ 20, "lâm chung tiếp dẫn nguyện", tôi đã giới thiệu với các bạn hôm qua. Hôm nay chúng ta lại xem tiếp. Ý nghĩa tinh túy nhất trong cái nguyện này của những vị đại đức xưa, chúng ta phải đọc nhiều. Trong "A Di Đà Kinh Viên Trung Sớ" của Đại Sư U Khê có một đoạn nói, chúng sanh Thế giới Ta Bà (chính là chỉ thế giới này của chúng ta), tuy là có thể niệm Phật, thế nhưng phiền não không thể đoạn, hay nói cách khác, phiền não xen tạp chánh niệm, phiền não làm phá hỏng đi chánh niệm của chúng ta. Sự việc này chúng ta không thể không lưu ý, không thể không xem trọng, bởi vì chúng ta biết rõ là cơ hội vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc không dễ gì có được, chân thật là người xưa đã nói "vô lượng kiếp đến nay, hy hữu khó gặp". Chúng ta ngay trong một đời này, được thân người, nghe Phật pháp, đây là việc hy hữu, cho nên chúng ta phải trân trọng cơ hội này, vạn nhất không nên bỏ lỡ đi cơ hội này. Chúng ta luôn quá lơ là. Người bỏ qua cơ hội này thật là quá nhiều, không phải nói người thông thường. Người chưa tiếp xúc Phật pháp, hay người không tu pháp môn niệm Phật, chúng ta không cần phải nói tới. Người đã gặp được pháp môn niệm Phật, cũng có tâm muốn cầu vãng sanh, ngày ngày đọc "Kinh Vô Lượng Thọ", đọc "Kinh Di Đà", tại vì sao không thể vãng sanh? Tỷ lệ vãng sanh thật là quá kém. Năm xưa, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường nói: "Một vạn người niệm Phật, chân thật vãng sanh chỉ có hai, ba người". Niệm Phật không thể vãng sanh, chính là để cơ hội quá tốt này bỏ lỡ qua ngay trước mặt, nguyên nhân sai lầm là phiền não không thể khắc phục. Có được cơ hội này không dễ dàng, nhưng mất đi rất dễ dàng. Chúng ta phải làm thế nào để khắc phục phiền não? Thực tế chúng ta không có năng lực. Đại Sư U Khê nói, người khi lúc lâm chung, chánh niệm hiện tiền, tâm không điên đảo, đây không phải là sức mạnh của chính mình, mà hoàn toàn nương vào từ bi cứu tế của A Di Đà Phật. Tuy chính mình không thể được chánh niệm, thế nhưng khi lâm chung chánh niệm hiện tiền, có thể được tâm không điên đảo thì liền vãng sanh. Sự việc này chúng ta có thể may mắn được hay không? Nhất định không được! Những người này làm sao có thể đạt được, chúng ta có suy nghĩ cặn kẽ hay không? Họ tu phước mà được. Tu phước gì vậy? Đoạn ác tu thiện. Điểm này họ chân thật làm đến được, làm được có thành tích, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, cả đời tu phước. Cho nên cổ đức thường hay nói với chúng ta, nhất là các Tổ sư Đại đức trong nhà Phật dạy chúng ta, cả đời tu phước, không nên hưởng phước, để phước báo lưu lại sau cùng khi lâm chung mới hưởng. Khi lâm chung hưởng cái phước gì vậy? Tâm không điên đảo, chánh niệm hiện tiền, đó là phước báo lâm chung.

Khi sắp lâm chung, người muốn vãng sanh cần phải chuẩn bị ba điều kiện. Điều kiện thứ nhất chính là đầu óc họ rất rõ ràng, không chút mê hoặc nào. Sự việc này khó, rất không dễ dàng. Chúng ta chính mình có thể bảo đảm tương lai khi chết, khi lâm chung, rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo chăng? Đây là đại phước đức. Có đại phước đức thì có thể có đại nhân duyên, liền sẽ có tăng thượng duyên. Không có đại phước đức, cái nhân duyên này liền không có. Nhân duyên là gì? Khi sắp lâm chung gặp thiện tri thức giúp bạn trợ niệm. Cho nên đối với phàm phu học Phật như chúng ta mà nói, trợ niệm là vô cùng quan trọng. Trợ niệm vào lúc nào? Khi người bệnh trở bệnh nặng, vào lúc nguy cấp, thế nhưng thần trí của họ phải rõ ràng, vào lúc này giúp họ trợ niệm. Sau khi họ dứt hơi rồi, sự trợ niệm này tốt nhất có thể kéo dài 12 giờ đồng hồ, chí ít cũng phải giúp họ trợ niệm 8 giờ đồng hồ, đây là trợ niệm thông thường. Có đồng tu nói với tôi là họ đến Tăng Nghi Quán để trợ niệm. Tôi nói đó không phải trợ niệm, mà đó là đi siêu độ. Khi trợ niệm, người bệnh nhất định phải ở nhà, ở trong nhà của họ mà trợ niệm, họ vãng sanh ở trong bệnh, không thể nào ở Tăng Nghi Quán trợ niệm. Tăng Nghi Quán là siêu độ, đó là Phật sự siêu độ, không phải trợ niệm, chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng. Khi trợ niệm là người bệnh vẫn còn chưa dứt hơi thở, lúc này là thời khắc quan trọng, thiện tri thức ở bên cạnh chăm sóc cho họ, không để họ mất đi chánh niệm. Chánh niệm chính là nhất tâm theo mọi người niệm Phật, một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ. Người khi sắp lâm chung, cả đời họ tạo tác nghiệp thiện ác, vào lúc này thảy đều sẽ hiện tiền, cho nên chúng ta thấy qua rất nhiều người bệnh, diễn biến ra trong lúc bệnh, năm - ba ngày trước lâm chung, hoặc giả là một tuần lễ trước lúc lâm chung sẽ có hiện tượng này. Họ thấy rất nhiều thân bằng quyến thuộc trong nhà. Họ nói, họ thấy người này đến rồi, đang ở ngoài cửa; người kia ở chỗ nào đó, họ nhìn thấy được. Họ nói ra đều là thân bằng quyến thuộc đã chết. Trên "Kinh Địa Tạng" nói rất rõ ràng, đây gọi là âm cảnh hiện tiền, cảnh giới này rất không tốt. Có phải là người thân quyến thuộc của họ không? Không phải! Đó là oan gia trái chủ của họ, biến hiện ra hình dáng thân bằng quyến thuộc đến mê hoặc họ, đến dẫn họ đi. Sau khi dẫn đi thì tính sổ để báo thù. Những việc này trên "Kinh Địa Tạng" đều đã nói. Phàm hễ có hiện tượng này thì thiện hữu ở bên cạnh phải lập tức nhắc nhở họ không nên để ý, không quản đến những người đó, không quan tâm đến những người đó, nhắc nhở họ thành thật niệm Phật. Ý niệm của họ vừa chuyển thì cảnh giới đó của họ liền không còn. Cho nên khai thị khi lâm chung chỉ là những câu nói như vậy. Vào lúc đó không thể đọc Kinh, vì Kinh văn quá dài, càng tụng đầu óc của họ càng loạn, vậy thì đáng lo. Cũng không thể nói những lời gì khác, chỉ có một câu, bất kể họ thấy được ai, bảo họ không nên để ý đến, mà chỉ nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, A Di Đà Phật đến thì theo Ngài đi, không phải A Di Đà Phật, cho dù là Phật Bồ Tát nào cũng không nên để ý đến, không nên quan tâm đến họ. Lâm chung chỉ khai thị mấy câu nói như vậy, hộ trì cho người bệnh, phải hộ trì mấy ngày, chỉ mấy câu nói như vậy, ngày đêm không thể gián đoạn, mỗi giờ mỗi phút nhắc nhở họ, hộ trì chánh niệm của họ. Được vậy thì người này liền có phước báo, có thiện tri thức ở bên cạnh nhắc nhở, cắt đứt vọng niệm của họ, cắt đứt mê hoặc của oan gia trái chủ, giúp đỡ họ đề khởi chánh niệm, theo mọi người cùng nhau niệm Phật. Khi họ không thể niệm, khi thể lực yếu thì họ có thể lắng nghe, hoặc giả chúng ta thấy môi của họ mấp máy, việc này là quan trọng. Sau khi vãng sanh thông thường đều có tướng lạ rất tốt. Tướng lạ này có thể đoán định họ vãng sanh hay không? Không chắc chắn. Ngoài tướng lạ ra, nếu chính họ nói “A Di Đà Phật đến rồi, tôi thấy được A Di Đà Phật, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn tôi”, đó mới là chân thật vãng sanh. Nếu như ngay trong thời gian trợ niệm, họ không hề nói có Phật đến, xem thấy Phật rồi, xem thấy Quán Âm Bồ Tát, vậy thì rất khó nói, thế nhưng chắc chắn không đọa ba đường ác. Cho nên đời sau hưởng phước báo trời người thì vẫn có tướng lạ. Phàm hễ có tướng tốt thì chắc chắn không đọa ba đường ác, tướng đọa ba đường ác không tốt. Trợ niệm nhất định phải kéo dài 12 giờ đồng hồ sau khi họ dứt hơi thở, đây gọi là trợ niệm. Điều kiện cơ bản là chính bản thân họ nhất định phải tu phước, vì không có phước báo, lâm chung thần trí không rõ ràng, không nhận biết thân bằng quyến thuộc, vậy thì rất khó khăn, vô cùng khó khăn. Đối với những trường hợp này chúng ta cũng vẫn phải trợ niệm cho họ, có trợ niệm tốt hơn là không trợ niệm, còn vãng sanh hay không thì thật là khó nói. Thế nhưng cho dù họ đọa vào đường ác, cũng sẽ giảm nhẹ thống khổ cho họ, đây là khẳng định. Cho nên công đức trợ niệm không thể nghĩ bàn. Người có phước báo, vào lúc này nhất định có Phật lực gia trì. Cái nguyện này là từ bi đại nguyện của Phật, cho nên Phật lực gia trì bạn, vào lúc này tâm bạn không điên đảo, gìn giữ chánh niệm, chánh niệm hiện tiền liền được vãng sanh. Đoạn lời nói này của Pháp sư U Khê. Trong "Kinh A Di Đà" của Đại Sư Huyền Trang dịch và ở trong "Kinh Bi Hoa" cũng có cách nói này. Đại Sư Huyền Trang đã dịch "Kinh A Di Đà", giảng gọi là "Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh", cùng Đại Sư La Thập dịch là cùng một nguyên bản. Đại Sư La Thập dịch là dịch ý, Đại Sư Huyền Trang dịch là trực dịch. Hai bổn này hợp lại xem thì ý nghĩa rất rõ ràng, rất tường tận.

Trong bổn dịch của Ngài Huyền Trang nói: "Lâm mạng chung thời, Vô Lượng Thọ Phật, dữ kỳ vô lượng, Thanh Văn đệ tử, Bồ Tát chúng câu, tiền hậu vi nhiễu, lai trụ kỳ tiền, từ bi gia hữu, linh tâm bất loạn", đặc biệt chú trọng ở hai câu phía sau. A Di Đà Phật từ bi bảo hộ bạn, tâm của bạn sẽ không loạn, cho nên nhất tâm bất loạn, sự việc chính là như vậy. Do đây có thể biết, người học Phật, cho dù học một tông phái nào, một pháp môn nào, điều kiện căn bản là tâm phải thiện, ý niệm phải thiện, hành vi phải thiện. Trồng nhân thiện được quả thiện, quả thiện chính là khi lâm chung thần trí rõ ràng, tín nguyện không suy, Phật lực gia trì. Bạn nói xem, quan trọng đến dường nào! Tất cả đều phải tu dưỡng lúc bình thường thì chúng ta mới chân thật nắm chắc. Người tâm hạnh bất thiện, khi sắp lâm chung, lâm thời ôm chân Phật, vậy không đáng tin. Tất cả đều phải ở lúc bình thường dụng công phu, nhất là hiện tại thế gian tai nạn quá nhiều. Chúng ta nhất định phải có một quan niệm chính xác. Quan niệm này chắc chắn không phải là bi quan, mà là nhận rõ sự thật của hoàn cảnh chúng ta, nhất định không được tham sống sợ chết. Con người làm gì mà không chết? Vấn đề là sau khi chết rồi thì đi đến nơi nào? Nhất định không thể nói sau khi chết rồi thì tất cả đều kết thúc. Lời nói này không chỉ là trong Phật pháp nói đó là sai lầm, mà tất cả tôn giáo đều nói đó là sai lầm.

Con người có đời trước, có đời sau. Ở trên Kinh Phật nói được rõ ràng: "Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị", ta đời trước làm những gì thì ngay đời này ta trải qua. Đây là quả báo. Có quả ắt có nhân. "Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị", muốn biết quả báo đời sau của ta ra sao thì ngay đời này xem tư tưởng, ngôn, hạnh của chúng ta. Đây là tạo tác. Tạo nhân thì đời sau chịu quả báo. Cho nên chân thật là người thông minh, chân thật là người có trí tuệ, biết được nhân sanh ngắn ngủi, nhất định phải nắm lấy cơ duyên làm việc tốt. Đây là người thông minh đệ nhất thế gian. Làm việc tốt thì tương lai có quả báo tốt. Không cần nói quả báo quá cao, chúng ta sanh đến trời Dục Giới, sanh đến trời Đao Lợi, đây không cao, một ngày của trời Đao Lợi bằng một trăm năm ở nhân gian chúng ta, thọ mạng là một ngàn tuổi. Bạn nói xem, phước báo đó, nhân gian chúng ta làm sao bì được? Nhân gian sống 100 tuổi là hết mức, trời Đao Lợi chỉ mới một ngày. Càng hướng lên trên phước báo càng lớn. Cho nên mục tiêu của tất cả tôn giáo đều là lên trời, điều này là có đạo lý. Chúng ta tại sao không ở ngay trong mấy mươi năm ngắn ngủi này, tranh thủ cơ hội sanh thiên?

Người càng thông minh, vậy còn cần phải có duyên phận. Nhân duyên thù thắng hy hữu không gì bằng là gặp được pháp môn Tịnh Độ Phật dạy. Việc này rất khó được. Cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thọ mạng dài, không cách gì tính đếm được, cho nên gọi là Vô Lượng Thọ. Có người hoài nghi là Vô Lượng Thọ của Thế giới Tây Phương Cực Lạc vẫn là có lượng, có lượng thì phải làm sao? Không muốn đi nữa. Xin nói với các bạn, khi vãng sanh thì có lượng, vì sao vậy? Bạn sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư, cõi Phương Tiện Hữu Dư là có lượng, đến khi bạn nâng cấp đến cõi Thật Báo Trang Nghiêm thì chân thật là vô lượng. Cõi Đồng Cư, cõi Phương Tiện là vô lượng của hữu lượng, cõi Thật Báo là vô lượng của vô lượng. Cõi Thật Báo, trong Đại Thừa nói rất nhiều, bạn chứng được báo thân rồi, báo thân thì hữu thỉ vô chung. Trong cõi Đồng Cư, trong cõi Phương Tiện, cái thân này có thỉ có chung, thế nhưng trong cõi Thật Báo thì có thỉ vô chung. Nếu như bạn không thích cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Phương Tiện Hữu Dư vẫn là có thỉ có chung, vậy bạn cầu cõi Thật Báo thì tốt, bạn cần phải gắng sức dụng công. Cõi Thật Báo phải niệm đến lý nhất tâm bất loạn. Cho nên có rất nhiều người, ngay đến tình hình trong cõi Tịnh Độ không hề làm cho rõ ràng, không hề làm cho tường tận, ở nơi đó hoài nghi, mà nghi là chướng ngại lớn nhất của Bồ Tát, vậy làm sao có thể thành tựu? Chân thật phải làm cho rõ ràng.

Thế giới Cực Lạc cùng các cõi khác của chư Phật không như nhau. Các cõi nước chư Phật khác, cõi Đồng Cư, cõi Phương Tiện đích thực thọ mạng là có lượng. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bốn độ là bình đẳng, bốn độ là đồng thời tồn tại, bốn độ là không có chướng ngại. Đây là siêu thắng không gì bằng của Tây Phương Tịnh Độ, siêu việt cõi nước chư Phật. Không làm cho rõ ràng, không làm cho tường tận, tùy tiện nghị luận, phá hoại lòng tin của người khác, lỗi lầm này sẽ rất nặng. Người xưa thường nói: "Thà làm động nước trăm sông, chứ không làm động tâm người tu niệm". Bạn phá hoại đi tín tâm của một người chân thật muốn cầu sanh Tịnh Độ, vậy còn gì bằng không? Đây là đoạn pháp thân huệ mạng của người khác, lỗi lầm này rất sâu rất nặng. Chúng ta chỉ xem hiện tiền, có rất nhiều đạo tràng niệm Phật, các đồng tu niệm Phật vãng sanh đã làm kiến chứng cho chúng ta, làm chứng minh cho chúng ta niệm Phật vãng sanh là thật, không phải giả. Mấy năm gần đây, ở Cư Sĩ Lâm Singapore, những lão đồng tu vãng sanh, chúng ta đều thấy được tướng lạ, rất nhiều người biết trước giờ ra đi, trong số đó có rất nhiều người tiếp nhận đề nghị của cư sĩ Lý Mộc Nguyên, nói với họ vào lúc nào thì vãng sanh, họ liền chọn lấy thời điểm đó. Loại công phu này không phải là ngẫu nhiên. Những lão Bồ Tát này vãng sanh, nói với cư sĩ Lý Mộc Nguyên, sau khi họ đi rồi, hậu sự nhờ ông lo liệu. Mộc Nguyên liền nói với họ: “Vào lúc đó tôi phải đi ra nước ngoài tham học, vậy bà nhất định phải vãng sanh trước khi tôi đi, không làm lỡ hành trình của tôi”. Họ liền chọn ngày vãng sanh vào trước mấy ngày hành trình của ông, có nhiều vị thật có bản lĩnh này. Đây không phải giả, việc này chúng ta ở nơi đây chính mắt xem thấy.

Điều kiện vãng sanh, trên Kinh nói được rất rõ ràng là “Tín-Nguyện-Hạnh”, chân tín thiết nguyện, nỗ lực mà niệm Phật. Thế nào gọi là nỗ lực? Vạn duyên buông xả mới gọi là nỗ lực. Một mặt niệm Phật, một mặt vẫn còn rất nhiều vướng bận trong lòng, vậy không phải là nỗ lực. Nỗ lực là thảy đều buông xả. Thảy đều buông xả rồi, có chướng ngại công việc không? Không chướng ngại công việc. Công việc vẫn làm bình thường, nhưng quyết không để ở trong tâm, cho nên công việc cũng có thể làm được rất tốt, làm rất nỗ lực, rất có trách nhiệm. Sau khi làm xong, trong tâm chỉ là A Di Đà Phật, sẽ không đem những sự việc này để vào trong tâm, biến thành vọng tưởng, biến thành tạp niệm, biến thành chướng ngại, cho nên xen tạp chính là chướng ngại. Xen tạp không phải nói khi bạn niệm Phật xen tạp ý niệm, mà khi không niệm Phật, những sự việc vướng bận trong lòng một đống thì vẫn là xen tạp, tâm của bạn không thanh tịnh. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Cho nên nhất định phải ở ngay trong cuộc sống thường ngày, trong công việc, trong giao tiếp qua lại, không đem những việc lặt vặt này để ở trong tâm, việc gì cũng làm, không có chướng ngại. Trên "Kinh Hoa Nghiêm" nói “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”. Muốn làm đến được vô ngại, không để ở trong tâm thì vô ngại, để ở trong tâm thì chướng ngại, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, chỉ có Thế giới Cực Lạc, chỉ có những lời giáo huấn trên Kinh điển dạy cho chúng ta, chúng ta y giáo phụng hành. Sự việc này, việc của người nào người đó làm. Bạn chân thật làm, người khác có chướng ngại bạn được hay không? Không thể chướng ngại được, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Không hề có việc người khác chướng ngại chúng ta. Tâm của bạn phan duyên cảnh giới bên ngoài, cảnh giới bên ngoài mới có thể chướng ngại bạn. Tâm của bạn không phan duyên ngoại cảnh, đối với tất cả ngoại cảnh tùy duyên mà không phan duyên, cảnh giới bên ngoài không có chướng ngại đối với bạn. Cho nên sự việc này, chướng ngại là ở chính mình, không thể trách cảnh giới bên ngoài. Chúng ta nhất định phải hiểu được. Người nào có thể được Bồ Tát, A Di Đà Phật từ bi bảo hộ, khiến tâm không loạn, chúng ta phải nghĩ xem, sau đó bạn liền biết được làm thế nào mà cầu.

"Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói". Ý nghĩa này rất sâu, rất rộng. Phàm phu chúng ta, đa số người có nghiệp chướng tập khí quá nặng, khởi tâm động niệm đều là phiền não làm chủ, ngã kiến đang làm chủ, cách nghĩ của ta, cái thấy của ta, sự việc này liền phiền phức. Cứ tùy thuận vọng tưởng chấp trước của chính mình, vậy làm sao có thể thành công? Phải biết tính nghiêm trọng của sự việc này. Các đồng tu chúng ta, mỗi một người đều là vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp đều đã từng học Phật, đều đã từng tu học qua pháp môn này. Vô lượng kiếp đến ngày nay vẫn là như thế này, tâm bệnh rốt cuộc sanh ra là ở chỗ nào? Sanh ra là ở ý niệm của cái "ta" quá mạnh. Ngay đời này của chúng ta vẫn là phạm phải cái tâm bệnh này, ở mọi lúc mọi nơi, ngay trong tất cả cảnh duyên, vẫn là ta làm chủ, ta đứng đầu, chưa từng đem cái ta buông xả. Đây là một đại chướng ngại. Người chánh niệm hiện tiền, chỉ có A Di Đà Phật, không có ta. Ngày ngày niệm A Di Đà Phật, đem “ta” đổi thành “A Di Đà Phật”, con người này thành công. Ngã kiến được phá, ngã chấp tan nhạt thì mới có thể cảm ứng tương thông.

Người niệm Phật tâm địa từ bi, rộng kết thiện duyên với tất cả chúng sanh, tùy phận tùy sức. Khi không có sức lực thì hoan hỉ tán thán, đó chính là kết pháp duyên. Khi có năng lực phải tùy phận tùy sức, thành tựu việc tốt cho người. Người ta làm một việc tốt, việc tốt này lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, chúng ta có tiền, dùng tài vật giúp đỡ họ; không có tiền, chúng ta có thời gian, chúng ta đi làm nghĩa công, dùng sức lực của mình giúp đỡ họ, nếu tuổi tác lớn rồi, làm nghĩa công không nổi thì hoan hỉ tán thán, dùng thiện niệm giúp đỡ họ, khen ngợi họ, khích lệ họ. Đây đều là hành thiện, đây đều là làm việc tốt, cùng đại chúng kết pháp duyên. Tại vì sao phải làm như vậy? Khi vãng sanh, khi A Di Đà Phật đến nghinh tiếp, bạn sẽ xem thấy rất nhiều Phật, rất nhiều Bồ Tát, rất nhiều Thanh Văn, tại vì sao có nhiều đến như vậy? Do bạn đã kết được rất nhiều duyên. Nếu bạn không chịu kết duyên với người, khi lâm chung chỉ thấy được A Di Đà Phật, người cùng đến với A Di Đà Phật không nhiều, chỉ mấy người, không phải rất nhiều rất nhiều, cho nên bình thường không kết thiện duyên với người khác thì sao được? Về việc kết duyên, lúc trước lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường hay căn dặn học trò, pháp duyên của thầy rất thù thắng, thầy thường hay dạy bảo chúng ta rộng kết thiện duyên, mỗi giờ mỗi phút đừng quên.

Trong "Kinh Bi Hoa" nói: "Lâm chung chi thời, ngã đương dữ đại chúng vi nhiễu, hiện kỳ nhân tiền, kỳ nhân kiến ngã, tức ư ngã tiền, đắc tâm hoan hỉ, dĩ kiến ngã cố, ly chư chướng ngại, tức tiện xả thân, lai sanh ngã giới". Những câu Kinh văn này làm chứng minh rất có lực cho chúng ta. Người khi sắp lâm chung, tâm không điên đảo, chánh niệm hiện tiền, đích thực là A Di Đà Phật oai thần gia trì. Đây là bổn nguyện của A Di Đà Phật. Cho nên người khi lâm chung, nhất định không được sợ chết, vào lúc này mà tham sống sợ chết thì đáng lo. Chúng ta người học Phật trong thường ngày phải tạo thành một thói quen. Đại đức xưa dạy chúng ta phương pháp này tốt, chúng ta mỗi ngày khi nằm trên giường ngủ, liền nghĩ A Di Đà Phật đến tiếp dẫn ta. Ngày ngày nghĩ như vậy thì khi đến lúc lâm chung quả nhiên nghĩ được, A Di Đà Phật đến thật, nghĩ được nhiều năm như vậy, cuối cùng cũng nghĩ ra được Ngài, trong lòng bạn sẽ không khiếp không sợ. Bình thường không có ý nguyện này, lúc đó A Di Đà Phật đến rồi thì lo sợ “ta sắp phải chết rồi!”, vậy thì không thể được. Khi vọng tưởng này vừa khởi lên thì A Di Đà Phật liền đi, bạn liền đọa lạc. Bình thường phải thường hay nghĩ, buổi tối vừa đi ngủ thì giống như chờ chết vậy, cho nên không sợ chết. Niệm Phật đường nhỏ của Đại Sư Ấn Quang, ngay giữa chỉ treo một chữ “Chết”. Đại Sư Ngài viết, có thể thấy được Ngài không sợ chết, mỗi ngày Ngài thường nghĩ “chết”. Thực tế mà nói, Đại Sư Ngài là Bồ Tát Đại Thế Chí của Thế giới Tây Phương tái sanh, hà tất phải làm ra cách làm như vậy? Ngài không phải phàm phu, khai thị của Ngài là dạy bảo chúng sanh thời kỳ Mạt Pháp, Ngài là thị hiện dạy chúng ta, ngày ngày nghĩ tưởng “ta sắp chết rồi” thì thế duyên tự nhiên liền tan nhạt, liền buông xả, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần không còn nghĩ ngợi, phải quấy nhân ngã cũng không còn tính toán, còn có gì hay để mà tính toán? Đây là một phương pháp rất tốt, mỗi giờ mỗi phút nhắc nhở chánh niệm của chính mình. Tổ sư dạy chúng ta phương pháp dụng ý rất sâu, biện pháp tốt nhất, chúng ta cũng phải biết học tập.

Phía sau "Kinh Bi Hoa" có một đoạn văn, khi so sánh còn sâu hơn một chút. Đoạn văn này chúng ta không xem thấy ở trong Tịnh Độ ba Kinh, đây là A Di Đà Phật nói. Ngài nói: "Ngã ư nhĩ thời, nhập vô ế Tam Muội". Chữ “ế” này là chướng ngại. Vô ế Tam Muội chính là vô ngại Tam Muội. "Dĩ Tam Muội lực cố, tại ư kỳ tiền, nhi vi thuyết pháp, dĩ văn pháp cố, tầm đắc đoạn trừ, nhất thiết khổ não, tâm đại hoan hỉ, kỳ tâm hoan hỉ cố, đắc bảo chân Tam Muội, dĩ Tam Muội lực cố, linh tâm đắc niệm, cập vô sanh nhẫn, mạng chung chi hậu, tất sanh ngã giới". Đoạn Kinh văn này có thể lấy làm bổ sung cho cái nguyện này của chúng ta. Đây là nói rõ Phật lực cùng nguyện lực của người vãng sanh, Phật là nguyện đến tiếp dẫn, chúng ta là cầu nguyện vãng sanh, đại dụng của hai loại nguyện lực này. Tam Muội là thiền định sâu thẳm. Trên Như Lai quả địa, định huệ của họ đều là không có chướng ngại, trên "Kinh Hoa Nghiêm" gọi là pháp giới bốn vô ngại. Bốn loại này là "lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại". Cho nên Phật hiện tại ở ngay trước mặt chúng sanh, vì người cầu vãng sanh nói pháp, khuyến khích họ, khích lệ họ, công phu của họ thành thục rồi, vĩnh thoát luân hồi, dặn bảo họ, những Bồ Tát Thanh Văn đại chúng cùng đến với Phật, dị khẩu đồng âm dặn bảo họ. Vào lúc này, nguyện vọng cầu sanh của họ đạt được, đương nhiên là tâm khai ý giải, nghiệp chướng phiền não tập khí bỗng chốc liền đoạn, cho nên họ được Bảo Chân Tam Muội. Đây là nói người vãng sanh. Bảo Chân Tam Muội cũng có cạn sâu khác biệt không đồng, cho nên vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, quả báo có bốn độ ba bậc chín phẩm khác biệt. Thế nhưng đều có thể được Tam Bất Thoái, đều có thể được Vô sanh nhẫn. Việc này thật là bất khả tư nghì. Đây là quả báo mà những người tu học Đại Thừa khác mong cầu mà cầu không được. Niệm bất thoái chính là trên Kinh nói A Duy Việt Trí, trong "Kinh Di Đà" gọi là A Bệ Bạt Trí, đây là cách dịch khác nhau, nó là một sự việc, một cảnh giới. A Bệ Bạt Trí là dịch thành bất thoái chuyển. Phật ở trên Kinh nói với chúng ta, không thoái chuyển có ba loại. Trong "Di Đà Yếu Giải", Đại Sư Ngẫu Ích nói:

Loại thứ nhất là "Vị Bất Thoái", vào dòng thánh, không đọa phàm phu. Đây là chỉ sơ quả Tiểu Thừa. Bồ Tát Sơ Tín Vị Đại Thừa Viên Giáo, cái vị thứ này rất thấp, kiến tư phiền não 88 phẩm kiến hoặc đoạn tận, vậy chứng được Tiểu Thừa Tu Đà Hoàn. Ở Đại Thừa Viên Giáo Sơ Tín Bồ Tát, Bồ Tát Sơ Tín Vị trí tuệ cao hơn nhiều so với Tu Đà Hoàn, cao minh hơn nhiều, nói đoạn phiền não thì bằng nhau, nhưng trí tuệ không như nhau. Hai loại đức này gọi là trí đức cùng đoạn đức; đoạn đức thì bằng nhau, trí đức không như nhau. Do đây có thể biết, chúng ta tu hành vô lượng kiếp, trước giờ chưa từng chứng được quả vị này, cũng chính là nói vô lượng kiếp đến nay, trước giờ chúng ta đều không có biện pháp, đem 88 phẩm kiến hoặc đoạn tận, cho nên mới rơi vào mức này của ngày nay. Cũng giống như đi học ở trường học vậy, cũng rất dụng công, giống như ngày ngày đi học, mỗi lần đi thi đều không đủ điểm, trước giờ chưa từng thi đạt, vậy thì không còn cách nào. Chúng ta tu học vô lượng kiếp, vô lượng kiếp tham gia thi cử, nhưng trước giờ chưa từng thi đạt, cho nên ngay đến tiểu học năm thứ nhất cũng không vượt qua, trước sau vẫn ở trường mầm non. Chúng ta làm là làm điều này, ngay đời này gặp được pháp môn này, chúng ta phải cầu Phật lực A Di Đà Phật gia trì, giúp đỡ chúng ta, khiến chúng ta có thể chân thật thoát ly khổ ải.

Nếu như chân thật đem 88 phẩm kiến hoặc đoạn tận, bạn liền chứng được vị bất thoái, cái vị này là thánh vị, có rời khỏi luân hồi hay không? Không có, vẫn ở sáu cõi. Thế nhưng người này thì không luân hồi, chỉ có trời người hai cõi, quyết không đọa ba đường ác, bảo đảm không đọa ba đường ác. Hơn nữa, hai cõi trời người còn có kỳ hạn, nhiều nhất là thiên thượng nhân gian qua lại bảy lần, họ liền ra khỏi tam giới, thông thường gọi là chứng quả A La Hán. Đại Thừa Bồ Tát là Bồ Tát Thất Tín Vị. Thất Tín Vị Bồ Tát bằng với Bích Chi Phật, A La Hán Tiểu Thừa, siêu việt sáu cõi luân hồi, cho nên họ có kỳ hạn, họ sẽ không đọa lạc phàm phu, không còn đọa vào ba đường ác nữa.

Loại thứ hai là "Hạnh Bất Thoái", hằng độ sanh, không đọa Nhị thừa địa. Đây là Bồ Tát sẽ không thoái chuyển đến Tiểu Thừa. Độ chúng sanh, Bồ Tát độ chúng sanh không dễ dàng, Bồ Tát phải có tín nguyện kiên cố, tu học Lục độ. Trong Lục độ, từ trên sự mà nói, bố thí và nhẫn nhục là quan trọng nhất. Tại vì sao Bồ Tát có thể thoái chuyển đi làm Tiểu Thừa? Vì không thể nhẫn. Bạn phát tâm tốt, có thiện ý giúp đỡ người khác, người ta hồi đáp lại bạn là gì? Đem bạn xem thành người ác. Bạn muốn giúp cho họ, trước tiên họ đánh dấu hỏi là bạn có ý đồ gì, bạn muốn làm với cái ý gì? Không những họ không tiếp nhận, mà họ còn muốn nhục mạ bạn, ức hiếp bạn, hãm hại bạn, vậy Bồ Tát làm sao có thể không thoái tâm? Vừa thoái tâm thì liền rơi vào trong Nhị thừa. Cho nên có thể kiên trì là Hạnh Bất Thoái. Bồ Tát nhận biết rõ ràng đối với chân tướng của vũ nhân sanh, nhận thức thấu triệt, biết được một số chúng sanh khổ nạn này đã từ vô lượng kiếp đến nay mê hoặc điên đảo, ngay trong một đời này rất là bất hạnh, rất đáng thương. Bất hạnh ở chỗ nào vậy? "Kinh Vô Lượng Thọ", Phật nói được rất rõ ràng: "Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả". Cha mẹ của họ, trưởng bối của họ, họ gặp được những lão sư này, không hề dạy bảo họ được tốt, chính mình lại không chịu cố gắng học tập, họ làm sao hiểu được đạo lý này? Đạo lý gì vậy? Tốt - xấu! Ngay đến tốt - xấu họ cũng không hiểu, bạn còn có thể trách họ sao?

Sau cùng Phật nói "thù vô quái tha", vậy thì bạn không thể nào trách cứ họ được, Bồ Tát mới có thể không thoái tâm, có ác ý như thế nào đối với Bồ Tát, Bồ Tát vẫn là không thoái tâm. Đây mới gọi là Hạnh Bất Thoái.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 139)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ