Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 159)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 159)
Nguyện thứ ba mươi lăm: “Nhất Sanh Bổ Xứ Nguyện” Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, cứu cánh tất chí, nhất sanh bổ xứ". Nguyện thứ ba mươi lăm và nguyện thứ ba mươi sáu là một chương, là chương thứ mười bảy. Nguyện văn rất rõ ràng: "sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả". Chúng ta phải xem rõ ràng câu nói này, đây là Di Đà Thế Tôn nói với chúng ta, mười phương thế giới tất cả chúng sanh phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, không luận là sanh cõi Thật Báo, hoặc giả là sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thậm chí hạ hạ phẩm vãng sanh đều bao gồm ở ngay trong đó. Trong đây tuyệt nhiên không hề hạn chế nói là thượng phẩm thượng sanh hay là Báo độ vãng sanh, toàn bộ đều khái quát. "Cứu cánh tất chí nhất sanh bổ xứ". Đây là đại nguyện vô cùng hy hữu. Chính bởi vì như vậy mà mười phương tất cả chư Phật Như Lai, không có vị nào mà không tán thán A Di Đà Phật là "quang trung cực tôn, Phật trung chi vương". "Nhất sanh bổ xứ" chính là Bồ Tát Đẳng Giác. Tại vì sao gọi là "bổ xứ"? Họ cư trụ ở nơi địa vị hậu bổ Phật. Cũng giống như Thế giới Ta Bà chúng ta, hiện tại Bồ Tát Di Lặc ở trong trời Đâu Xuất nội viện, tầng trời thứ tư của Dục Giới. Thế

Nguyện thứ ba mươi lăm: “Nhất Sanh Bổ Xứ Nguyện”

Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, cứu cánh tất chí, nhất sanh bổ xứ".

Nguyện thứ ba mươi lăm và nguyện thứ ba mươi sáu là một chương, là chương thứ mười bảy. Nguyện văn rất rõ ràng: "sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả". Chúng ta phải xem rõ ràng câu nói này, đây là Di Đà Thế Tôn nói với chúng ta, mười phương thế giới tất cả chúng sanh phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, không luận là sanh cõi Thật Báo, hoặc giả là sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thậm chí hạ hạ phẩm vãng sanh đều bao gồm ở ngay trong đó. Trong đây tuyệt nhiên không hề hạn chế nói là thượng phẩm thượng sanh hay là Báo độ vãng sanh, toàn bộ đều khái quát.

"Cứu cánh tất chí nhất sanh bổ xứ". Đây là đại nguyện vô cùng hy hữu. Chính bởi vì như vậy mà mười phương tất cả chư Phật Như Lai, không có vị nào mà không tán thán A Di Đà Phật là "quang trung cực tôn, Phật trung chi vương". "Nhất sanh bổ xứ" chính là Bồ Tát Đẳng Giác. Tại vì sao gọi là "bổ xứ"? Họ cư trụ ở nơi địa vị hậu bổ Phật. Cũng giống như Thế giới Ta Bà chúng ta, hiện tại Bồ Tát Di Lặc ở trong trời Đâu Xuất nội viện, tầng trời thứ tư của Dục Giới. Thế Tôn ở trong "Di Lặc Hạ Sanh Kinh" nói với chúng ta, tương lai Bồ Tát đến thế gian này thị hiện thành Phật, thay vào Phật vị của Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư ngay trong đại kiếp này, Di Lặc là vị Phật thứ năm. Hiện tại Ngài vẫn chưa thành Phật, nên chúng ta gọi Ngài là hậu bổ Phật. "Bổ xứ" chính là hậu bổ Phật.

Trong Kinh văn chúng ta phải đặc biệt xem trọng chữ "nhất sanh". Trong Đại Thừa Kinh luận Phật thường nói, một người tu hành, muốn tu đến địa vị này không phải là một việc dễ dàng. Các đồng tu đều biết, Bồ Tát tu hành thành Phật thì phải trải qua ba đại A Tăng Kỳ kiếp. Ba đại A Tăng Kỳ kiếp, các vị nghĩ xem, đó là bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp? Thế nhưng, đây là ba đại A Tăng Kỳ kiếp. Trên "Kinh Hoa Nghiêm" chúng ta đã đọc qua, ba đại A Tăng Kỳ kiếp là tính từ Bồ Tát Viên Giáo Sơ Trụ, hay nói cách khác, khi nào bạn chứng được Viên Giáo Sơ Trụ thì bắt đầu tính từ ngày đó, trước khi chưa chứng được Viên Giáo Sơ Trụ thì không tính. Nếu như đem thời gian học Phật của chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay tính chung lại, đó là vô lượng kiếp, không phải ba đại A Tăng Kỳ kiếp. Phải trải qua thời gian dài đến như vậy mới có thể đến được địa vị này, bạn liền biết được việc này vô cùng khó khăn, không dễ dàng chút nào. Thế nhưng, nếu như một người chân thật phát nguyện vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, cái khó này liền biến thành dễ dàng, rất dễ dàng liền có thể chứng đắc, ngay trong một đời liền thành tựu. Thế giới của chư Phật khác phải tu hành nhiều kiếp, còn Thế giới Tây Phương thì một đời liền thành tựu, chúng ta có tin hay không? Pháp môn này, tất cả chư Phật đều nói là "nan tín chi pháp", thế nhưng nó rất dễ dàng tu học, khó tin nhưng dễ hành.

Chúng ta phải tu hành như thế nào để ngay trong một đời này mới có thể chắc chắn được sanh Tịnh Độ, đây là việc mà mỗi một vị đồng tu chúng ta vô cùng quan tâm. Những Tổ sư Đại đức xưa nay dạy bảo chúng ta, tu học pháp môn này chỉ cần đầy đủ ba điều kiện: chân tín, thiết nguyện, y giáo phụng hành, đầy đủ ba điều kiện Tín-Nguyện-Hạnh này thì thành tựu. Ba điều kiện này làm thế nào kiến lập? Đều ở trên bộ Kinh này. Chúng ta đối với bộ Kinh này có lòng tin hay không, có phải là có được trình độ lý giải tương đối hay không, đây là điều kiện trước tiên. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư sau khi hội tập xong quyển Kinh này, thực tế mà nói, Ngài cũng là chư Phật Như Lai thị hiện. Công việc hội tập thật không dễ dàng, cho dù là quá khứ cư sĩ Vương Long Thư, cư sĩ Ngụy Mặc Thâm đều không phải là nhân vật phổ thông, người thông thường chắc chắn không thể làm ra được. Nếu bạn không tin thì bạn chính mình có thể thử nghiệm xem, hiện tại đều có đủ năm loại nguyên bản dịch, bạn đi thử nghiệm xem, bạn có thể hội tập xong được một quyển hay không?

Tại vì sao cần phải hội tập? Đạo lý này chúng ta cần phải hiểu. Thế Tôn năm xưa ở đời, bộ Kinh này là nhiều lần tuyên giảng, không giống như các Kinh khác. Các Kinh khác thì Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời chỉ giảng một lần, không hề giảng lại lần thứ hai, chỉ riêng bộ Kinh này giảng qua rất nhiều lần. Hiện tại, chúng ta từ trong năm loại nguyên bản dịch này mà tỉ mỉ quán sát, khẳng định Thế Tôn giảng qua ba lần. Thế nhưng có bảy loại bổn dịch khi xưa đã bị thất lạc rồi. Nếu như bảy loại bản dịch này mà còn, chúng ta có thể khẳng định, Phật một đời không chỉ giảng Kinh này ba lần, có thể là năm lần, có thể là bảy lần, không nhất định. Phật đã nhiều lần tuyên giảng, ý nghĩa này sẽ không như nhau, vì nếu như không phải vô cùng quan trọng thì Phật sẽ không giảng nhiều lần như vậy. Chẳng trách Đại sư Thiện Đạo (trong truyện ký có ghi chép Đại sư Thiện Đạo là hóa thân của A Di Đà Phật, cho nên người xưa đã từng nói, lời của Đại sư Thiện Đạo nói chính là lời của A Di Đà Phật nói) Ngài nói ra hai câu danh ngôn: "Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải". Ý nghĩa của hai câu nói này là mười phương ba đời tất cả Như Lai dùng thân phận của Phật ứng hóa ở thế gian là để giảng cho mọi người nghe "Kinh Vô Lượng Thọ" ("Kinh Vô Lượng Thọ" là bổn nguyện hải của A Di Đà Phật), chính vì sự việc này mà đến. Đã là vì sự việc này mà đến thì Thế Tôn cả đời giảng một bộ Kinh này thì đủ rồi, tại vì sao lại giảng nhiều Kinh đến như vậy? Từ trên hình thức giảng Kinh của Ngài, chúng ta có thể thể hội, bộ Kinh này giảng qua nhiều lần, các Kinh khác là ứng cơ nói pháp, do căn tánh của chúng sanh không như nhau, cho nên Phật phải nói nhiều loại pháp, là vì lợi ích chúng sanh đương thời.

Các pháp môn không như nhau. Pháp môn này là phổ độ tất cả chúng sanh, không luận là căn tánh thế nào, pháp này là bình đẳng được độ. Khi giảng qua đề Kinh, chúng tôi đã nói qua với các vị, đây là pháp bình đẳng, bình đẳng độ thoát tất cả chúng sanh căn tánh khác nhau, khiến tất cả chúng sanh ở ngay trong một đời bình đẳng thành Phật. Một đời bổ xứ là bình đẳng thành Phật. Lời của Đại sư Thiện Đạo nói không hề sai. Bởi vì Phật nhiều lần tuyên giảng, bộ Kinh này cũng là nhiều lần lưu thông đến Trung Quốc, những pháp sư, Đại đức đến Trung Quốc, mang những bổn Kinh không như nhau, không phải một lần giảng, cho nên trải qua nhiều lần phiên dịch, thế là bổn dịch không như nhau. Hơn nữa, trong bổn dịch vào ra rất lớn, chứng minh nó không phải là cùng một quyển, không phải cùng một lần giảng, không giống như các Kinh khác. Thí dụ "Kinh Kim Cang", ở Trung Quốc có sáu loại bản dịch, thế nhưng chúng ta tỉ mỉ quán sát, đều gần giống nhau, không có vào ra quá lớn. Thế là chúng ta khẳng định, bổn gốc của nó chỉ là một bổn, người phiên dịch thì không giống nhau, cho nên văn tự phiên dịch có vào ra, nội dung thì không khác nhau, không như "Kinh Vô Lượng Thọ", khác nhau bên trong rất lớn, cho nên đích thực là cần thiết phải có hội tập.

Cư sĩ Vương Long Thư nhà Tống hội tập lần thứ nhất, bổn hội tập này được để vào trong “Đại Tạng Kinh”. Đại sư Liên Trì chú "A Di Đà Kinh", việc này các vị đều biết. "A Di Đà Kinh Sớ Sao" số lượng rất lớn, trong đó dẫn dụng Kinh văn của "Kinh Vô Lượng Thọ", hơn phân nửa trở lên là dẫn dụng bổn hội tập của Vương Long Thư. Đây là nói rõ Đại sư Liên Trì khẳng định bổn hội tập, Ngài không phản đối, vì nếu Ngài phản đối thì Ngài sẽ không dẫn dụng văn tự của bổn hội tập, mà phải nên dẫn dụng Kinh văn của năm loại nguyên bản dịch. Cho nên, lão cư sĩ Hạ Liên Cư rốt cuộc là người như thế nào, thị hiện ở thế gian này của chúng ta? Mắt thịt phàm phu chúng ta không biết, chắc chắn Ngài không phải là người thông thường. Hiện tại "Kinh Vô Lượng Thọ" tổng cộng có chín bổn dịch, chúng ta thảy đều in ra, các vị đều có thể xem được. Trong chín quyển nguyên bản này, quyển này rất dễ đọc, văn từ ưu mỹ, sâu cạn dễ hiểu, không giảng giải, đại khái ý nghĩa bạn cũng có thể xem hiểu được, có thể khiến tất cả chúng sanh xem thấy quyển này sanh tâm hoan hỉ, mục đích này liền đạt đến rồi. Đây là một nguyên tắc hoằng truyền Phật pháp cao nhất, khế cơ. Nếu như bổn phiên dịch này làm cho tất cả chúng sanh xem thấy không thể sanh tâm hoan hỉ thì sức nhiếp thọ liền sẽ yếu kém. Nhất định phải khiến cho tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỉ, nhằm vào Thời kỳ Mạt Pháp, cũng chính là nhằm vào người hiện đại chúng ta, cho đến về sau các đồng tu tu học Phật pháp. Quyển này so với tám quyển khác đích thực là tốt.

Lúc đó, tôi vừa gặp được quyển này liền sanh tâm đại hoan hỉ, việc chưa từng có. Chúng ta đối với quyển này có thể sanh khởi tín tâm kiên định hay không, có thể phát nguyện trọn đời thọ trì hay không, đây là điều kiện tiên quyết. Học tập pháp môn Tịnh Độ, chúng ta lấy quyển này làm nền tảng, cầu thâm giải nghĩa thú, vào sâu Kinh tạng; lấy tám quyển khác làm bổ trợ, giúp đỡ chúng ta thâm nhập. Tại vì sao chọn quyển này làm quyển gốc? Vì quyển này là tập đại thành của năm loại nguyên bản dịch, lời gọn ý hay. Hạ lão cư sĩ năm xưa phải mất ba năm mới hội tập thành quyển gốc này, về sau dùng thời gian bảy năm không ngừng đính chính, tổng cộng thời gian là mười năm mới hoàn thành quyển này. Thực tế mà nói, đây là thị hiện cho chúng ta xem, dạy bảo hậu học để chúng ta đối với quyển này sanh tín tâm, y giáo phụng hành, ngay trong một đời này phải chắc chắn vãng sanh.

Trong chương “Tam Bối Vãng Sanh” nói ra cho chúng ta điều kiện thấp nhất, chúng ta nhất định phải làm đến được, không thể nói “tin rồi” thì được. Chữ "Tín" này có rất nhiều người giải thích, thế nhưng ý nghĩa của chữ này rất sâu, chúng ta vạn nhất không nên hiểu lầm. "Tôi đã tin Phật rồi", cái quan niệm sai lầm này rất nhiều người đều có, có thể chúng ta chính mình cũng phạm phải sai lầm này, cho rằng chính mình tin rồi, Tín-Nguyện-Hạnh đều đầy đủ rồi. Ở trong niệm Phật đường này của chúng ta, các vị có cơ hội ngày ngày đọc Kinh, nghe Kinh, cũng đang ở niệm Phật đường niệm Phật, há chẳng phải là Tín-Nguyện-Hạnh ba tư lương đều đầy đủ rồi hay sao? Niệm Phật đường của chúng ta có thể bảo đảm mỗi mỗi đều vãng sanh, không sót người nào hay không? Nếu như không thể bảo đảm thì Tín-Nguyện-Hạnh này chẳng phải có vấn đề rồi sao? Chân thật là như vậy!

Năm xưa, sau khi tôi xuất gia thọ giới. Chiếu theo quy củ, sau khi thọ giới xong thì phải đi bái tạ lão sư. Thầy của tôi là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, ở Đài Trung. Tôi đến gặp thầy. Thầy vừa nhìn thấy tôi, liền từ xa mà chỉ nói: "Ông phải tin Phật!". Vào lúc đó tôi đã học Phật chín năm, xuất gia hai năm, dạy Phật học viện cũng đã được hai năm, đã thọ đại giới rồi, vừa gặp mặt, thầy chỉ vào tôi mà nói "ông phải tin Phật!". Bạn nói xem, người khác nghe qua chẳng cảm thấy kỳ lạ hay sao? Sau đó thầy bảo tôi ngồi xuống, giải thích cho tôi hai chữ "tin Phật" là không dễ dàng. Thầy nói được rất hay: “Có rất nhiều lão hòa thượng xuất gia, sống hết một đời cũng không tin Phật”. Không tin Phật thì làm sao xuất gia? Chúng ta hiểu sai đi hai chữ tin Phật này. Lão sư Ngài đem hai chữ tin Phật này định ở một câu nói mà Thế Tôn thường hay nói: "Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói". Bạn đem câu nói này chân thật có thể làm được, thực tiễn, bạn mới có thể được gọi là tin Phật. Tiêu chuẩn này thì cao.

Ý nghĩa của "thọ trì” là gì? Đạo lý trên Kinh điển Phật nói bạn hiểu rồi, tiếp nhận rồi. Phật nói ra phương pháp tu hành, bạn cũng hiểu rõ rồi. Phật nói ra cảnh giới của mỗi một giai đoạn, cảnh giới của Thanh Văn, cảnh giới của Duyên Giác, cảnh giới của Bồ Tát, Bồ Tát Tín Vị "trụ hành hướng địa", bạn thảy đều tường tận, đều rõ ràng, thật làm. Cho nên, chữ "thọ" này đều bao gồm ba chữ Tín-Nguyện-Hạnh ở trong đó. Đây mới gọi là thọ.

"Trì" là vĩnh viễn gìn giữ, không thể nào lìa khỏi, ngày ngày phải làm, mỗi giờ phải làm, mỗi niệm phải làm, đây mới gọi là "trì". Thọ trì thật không dễ dàng. Nếu không làm được thọ trì thì bạn không có tín, cái tín đó là giả, tín không có gốc. Trong "ngũ căn ngũ lực", cái tín đó phải có gốc. Có gốc thì cái tín này mới có thể sanh ra sức mạnh. Cái tín này của chúng ta như thế nào? Người xưa thí dụ, giống như lục bình trôi trên nước, không có gốc, theo dòng nước chảy, cái tin này của chúng ta là tin pháp, cho nên không thể thành tựu. Nguyện của chúng ta cũng tuyệt nhiên không chân thật khẩn thiết. Vì sao vậy? Không chịu nổi sự mê hoặc của cảnh giới bên ngoài. Lão sư khổ cực đem quyển này truyền cho tôi. Bên ngoài có người nói quyển này không đáng tin, là do cư sĩ hội tập, nhất định phải đọc nguyên bản. Chúng ta nghe qua mấy câu nói này thì tâm lập tức liền động rồi. Bạn xem, tín không còn, nguyện cũng không còn luôn. Đây là khảo nghiệm. Rốt cuộc là bạn có lòng tin hay không, có nguyện tâm hay không, có y giáo phụng hành hay không, tín tâm từ chỗ này mà kiến lập. Quả nhiên bạn có chân tín thiết nguyện, cái tín nguyện này chắc chắn sẽ không dao động, cái tín nguyện này có căn có lực, có thể sanh hoa trái Bồ Đề, như vậy cả đời chúng ta mới có thành tựu. Nếu bạn tùy theo dòng nước thì ngay trong một đời này chắc chắn không có thành tựu, không chỉ là đạo nghiệp của xuất thế gian, mà học nghiệp của thế gian cũng không thể thành tựu.

"Thọ trì" là nói tự lợi, "đọc tụng" là tự lợi lợi tha. Đọc tụng là ôn cũ mà biết mới. Kinh này ngày ngày phải đọc. Mỗi ngày đọc một lần chính là tiếp nhận Thế Tôn Di Đà, tất cả chư Phật Như Lai đích thân giáo huấn. Phía trước đã nói qua với các vị, Kinh này đọc qua một lần thì mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai quán đảnh cho bạn một lần, mỗi ngày bạn đọc qua hai lần thì nhận qua hai lần quán đảnh. Bộ Kinh này không chỉ là có tông có giáo, hơn nữa là hiển mật viên dung, hàm chứa tất cả Kinh pháp mà Thế Tôn đã nói ra trong 49 năm, đều không lìa khỏi quyển này. Việc này ở phía trước đã từng tỉ mỉ nói qua với các bạn rồi, bạn phải đầy đủ tín tâm. Đọc tụng là tự lợi lợi tha. Thường hay đọc, y theo phương pháp này mà đọc thì bạn sẽ khai ngộ, cho nên đọc Kinh là Giới-Định-Huệ tam học một lần đầy đủ. Mỗi khi đọc qua một lần thì có chỗ ngộ một lần. Tích tiểu ngộ liền thành đại ngộ, tích đại ngộ thì thành đại triệt đại ngộ.

Khi đọc tụng, mỗi câu mỗi chữ phải rõ ràng phân minh. Không thể vì muốn nhanh, muốn được nhiều biến số mà đọc một cách mơ hồ không rõ, vậy thì không thể được. Cách đọc này nhiều nhất là tự lợi. Phải biết, trong lúc đọc tụng phải có cái tâm lợi ích chúng sanh. Người xưa đọc sách rất cẩn trọng, đầy đủ chân thành cung kính, nhất tâm chuyên chú, không giống như chúng ta hiện tại đọc sách. Bạn xem, Huệ Năng bán cũi, đi ngang qua cửa sổ, nghe được bên trong có người đọc "Kinh Kim Cang", người này nhất định đọc được câu chữ rõ ràng (Ngài không có đi học, nếu bạn đọc quá nhanh, đọc quá mơ hồ thì Ngài sẽ không nghe được rõ ràng, nhất định phải đọc được từng câu từng chữ rõ ràng), Ngài tỉ mỉ nghe qua, Ngài ở bên ngoài nghe qua liền khai ngộ. Vậy chúng ta ở nơi đây đọc Kinh, có người nghe được hay không vậy? Khẳng định có, không phải đọc cho chính mình nghe hay là đọc cho người khác nghe, không có người nghe thì có quỷ thần đang nghe.

Tôi nghĩ có một số đồng tu có một ít cảm ứng nhỏ. Bạn nhất tâm chuyên chú khi đang đọc Kinh, bỗng nhiên nghe được mùi hương, hoặc là đàn hương hoặc là hương lạ, trước giờ chưa từng nghe qua loại hương này, mùi hương rất nồng, thời gian rất dài. Loại cảm ứng này có rất nhiều người có. Khi tôi mới bắt đầu học Phật cũng có rất nhiều lần. Tôi không biết đó là việc gì. Về sau thân cận Pháp sư Sám Vân, Pháp sư Sám Vân hỏi tôi: “Ngay trong quá trình học Phật, thầy có cảm ứng gì hay không?”. Tôi liền đem việc này nói với Ngài, bởi vì tôi rất nhiều lần gặp được. Ngài nói với tôi: "Loại cảm ứng này thông thường đều là có thiên long thiện thần đi ngang qua chỗ này, xem thấy thầy ở nơi đó đọc Kinh, họ dừng lại ở nơi đó một lát, chắp tay cung kính, họ đang chí kính. Trên người thiên nhân có mùi thơm, mắt thịt chúng ta tuy là không nhìn thấy được, mùi hương này thì có thể ngửi được, là loại cảm ứng này!". Chúng ta liền biết được, chúng ta đang đọc Kinh thường hay có quỷ thần ở bên cạnh, họ nhìn thấy được, họ nghe được, cung kính tán thán, chắp tay chí kính. Cho nên, bạn đọc tụng thì không thể lơ là, nhất định phải cung cung kính kính mà đọc.

Câu "Vì người diễn nói" là hoàn toàn thực tiễn rồi, là đem thọ trì của bạn, đem đọc tụng của bạn thực tiễn vào ngay trong đời sống, bạn phải làm được. "Diễn" là biểu diễn. Lúc nào thì biểu diễn? Một đời một kiếp này, mỗi giờ mỗi phút đều đang biểu diễn, làm ra một tấm gương tốt cho người xem. Giáo huấn của Phật trong Kinh, chúng ta rất nỗ lực làm cho tất cả chúng sanh xem, đây chính là diễn.

Chư Phật Như Lai giáo hóa chúng sanh, phương thức thông thường, mọi người ở trong Kinh luận xem thấy gọi là "tam chuyển pháp luân". Trong tam chuyển, cái thứ nhất là "thị". Thị là thị hiện, làm ra tấm gương cho họ xem, để sáu căn của họ tiếp xúc hình tượng của bạn, họ có cảm xúc có cảm ngộ, thế là họ thỉnh giáo với bạn. Họ thỉnh giáo với bạn, bạn liền sẽ giải thích với họ, vậy mới nói pháp. Trước diễn sau nói. Không phải trước nói sau diễn, mà phải diễn trước rồi nói sau. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời thị hiện ra "tám tướng thành đạo". Ngài biểu diễn trước, sau đó lại giải thích cho bạn, mới nói với bạn, sau cùng là "tác chứng", để bạn một lòng một dạ chân thật tin tưởng. Ý nghĩa của "tác chứng" là gì? Hiện tại gọi là chiêu bài. Chúng ta học Phật rồi, chúng ta hiểu hay không hiểu? Bốn chúng đệ tử là chiêu bài của Phật giáo hóa chúng sanh. Giáo hóa của Phật muốn chúng ta đi biểu diễn, muốn chúng ta đi thực hiện. Nếu chúng ta không thể thực tiễn, không thể biểu hiện thì chúng ta chính là tội nhân của Thế Tôn.

Phật dạy chúng ta phải hiếu thân, chúng ta có làm được hay không? Phải làm ra tấm gương hiếu thuận cho đại chúng xã hội xem. Đại chúng xã hội hiện tại không nói hiếu đạo, chúng ta phải làm ra cho người xem, để người cảm ngộ, để người đi thể sát. Người hiện tại không tôn kính lão sư, không tôn kính trưởng bối; chúng ta phải làm ra tấm gương cho người xem. Chúng ta xem qua đại chúng xã hội hiện tại có những loại bệnh gì? Chúng ta thấy ra được, đều là làm trái ngược đạo hạnh. Người thế gian vọng ngữ, chúng ta không vọng ngữ; người thế gian hai lời, chúng ta học không hai lời; người thế gian có tham-sân-si-mạn, chúng ta thị hiện vô tham, vô sân, vô si. Đây chính là thực tiễn giáo học của Phật Đà, là thực tiễn ở trên thân của chúng ta. Hình tượng của Phật Bồ Tát không thể thực tiễn, vậy bốn chúng đệ tử học Phật của chúng ta, không luận tại gia xuất gia, chúng ta phải hiểu được thực tiễn, vậy mới là đệ tử chân thật của Như Lai. Người thế gian thiếu kém lòng tin, chúng ta biểu hiện ra đầy đủ tín tâm. Người thế gian nguyện tâm không kiên định, thường hay dao động; chúng ta biểu hiện nguyện tâm kiên định không thay đổi. Người thế gian học Phật không thể thực tiễn, chúng ta phải biểu hiện đem giáo huấn của Phật Đà mỗi câu đều thực hiện. Đây mới gọi là đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh ba tư lương, sau đó nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, không ai mà không thành tựu.

Nguyện thứ ba mươi lăm nói với chúng ta thành tựu của vãng sanh, đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc một đời, không cần đời thứ hai, ngay trong một đời liền chứng được Bồ Tát Bổ Xứ. Đây là trong mười phương thế giới đều không có. Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong tất cả Kinh luận khác cũng không có cách nói này, chỉ riêng Tây Phương Tịnh Độ cùng chư Phật Tịnh Độ không như nhau. Cái gọi là "Bát Địa Phàm Phu", một phẩm phiền não đều chưa đoạn, tu học pháp môn này vãng sanh Tịnh Độ, ngay trong một đời liền có thể thành tựu. Nhất sanh bổ xứ chính là viên mãn thành Phật. Bốn mươi mốt phẩm vô minh phá hết rồi. Hy hữu khó gặp! Chúng ta phải khẳng định, cũng là chính mình may mắn ngay đời này được thân người, nghe Phật pháp, có thể gặp được pháp môn hy hữu khó gặp này. Pháp môn một đời viên mãn thành tựu, nhất sanh bổ xứ là viên mãn thành tựu, không phải thành tựu thông thường. Pháp môn này viên đốn đến cùng tột. Ngay đến Đại Sư Khuy Cơ, Pháp Tướng tông cũng có cách nói này. Đại sư Khuy Cơ ở trong "Di Đà Kinh Thông Tán Sớ" cũng cực tán pháp môn này là "viên đốn chí cực".

Vào thời xưa, Tịnh Tông chúng ta có một vị Đại đức, đó là Pháp sư Đàm Loan. Ngài chú giải "Vãng Sanh Luận". Ngài nói: "Bồ Tát Thế Giới Cực Lạc cùng Bồ Tát thế giới phương khác không giống nhau, không phải là từng giai cấp từng giai cấp như vậy mà nâng lên trên cao". Bồ Tát thế giới phương khác, cũng giống như trong "Hoa Nghiêm" chúng ta cũng có thể xem thấy, giống như đi học vậy, từ Sơ Trụ nâng cấp lên đến Nhị Trụ, Tam Trụ, Thập Trụ lại nâng lên đến Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, từng cấp từng cấp hướng lên mà tu. Thế giới Cực Lạc không phải như vậy, nó không phải là thứ lớp, nó là viên dung, đốn thành bổ xứ. Đây là pháp môn không thể nghĩ bàn. "Hoa Nghiêm" là Viên giáo. Kinh này viên đến cùng tột, viên ở trong viên, đốn ở trong đốn, viên giải, viên tu, viên chứng, nhất địa chính là tất cả địa, tất cả địa chính là nhất địa. Đây là hoằng nguyện sâu cạn không thể nghĩ bàn của Di Đà, chân thật gọi là "chỉ Phật với Phật mới có thể cứu cánh". Bồ Tát Đẳng Giác, người xưa nói cũng giống như cách một bức lưới mà nhìn trăng, không thể nào triệt để tường tận. Chúng ta đọc qua nguyện này, phải nên phát đại tâm, nhất định phải cầu sanh Tịnh Độ, nhất định không nên cô phụ nhân duyên hy hữu của đời này.

********************************

Nguyện thứ ba mươi sáu: “Giáo Hóa Tùy Duyên Nguyện”

Kinh văn: "Trừ kỳ bổn nguyện, vi chúng sanh cố, bị hoằng thệ khải, giáo hóa nhất thiết hữu tình, giai phát tín tâm, tu bồ đề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sanh tha phương thế giới, vĩnh ly ác thú, hoặc nhạo thuyết pháp, hoặc nhạo thính pháp, hoặc hiện thần túc, tùy ý tu tập, vô bất viên mãn. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác". 

Câu sau cùng: "Nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác" là tổng kết của hai nguyện. Đây cũng là hoằng nguyện không thể nghĩ bàn. Chúng sanh nguyện lực không giống nhau. Có một số người có tâm từ bi rất nặng, họ đến hỏi tôi: “Pháp sư! Chúng sanh thế giới Ta Bà quá khổ, nếu như chúng ta đều đến Thế giới Cực Lạc rồi, những chúng sanh khổ nạn này ai độ họ?”. Cái tâm của họ rất là tốt, nguyện tâm của họ rất lớn, không nhẫn tâm xem thấy chúng sanh chịu khổ, thế là họ phát nguyện: "Tôi đời đời kiếp kiếp đều muốn làm pháp sư, tôi đến hoằng pháp lợi sanh, rộng độ chúng sanh". Cái nguyện này không tệ, rất đáng được tán thán. Thế nhưng, vấn đề bạn đời đời kiếp kiếp có thể được thân người hay không? Bạn được thân người, có thể có đủ duyên phận xuất gia để hoằng pháp lợi sanh hay không? Sự việc này thì khó. Trên Kinh Phật nói với chúng ta: "Thân người khó được, Phật pháp khó nghe". Điều kiện được thân người là phải đầy đủ thượng phẩm năm giới mười thiện, bạn có thể làm được hay không?

Vào đầu năm dân quốc, Đại Sư Ấn Quang Ngài đã biết động loạn của xã hội ngày nay, tai nạn triền miên, thế gian này sẽ có tai nạn lớn giáng xuống, dùng Phật pháp để cứu độ tất cả chúng sanh thì không còn kịp rồi. Có phải là Phật pháp không linh? Không phải vậy! Phật pháp thật có hiệu quả, Phật pháp thật linh. Vậy tại vì sao không dùng Phật pháp? Không có người tin tưởng Phật pháp, mọi người đều không bằng lòng tiếp nhận Phật pháp.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 159)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ