Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 168)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 168)
Nợ, người thông minh nhất phải biết thanh toán. Người xưa nói hay: “Trăm năm, ba vạn sáu ngàn ngày”. Một trăm năm có ba vạn sáu ngàn ngày. Quá ngắn ngủi! Mạng sống của chúng ta hầu như đã qua hơn một nửa rồi, người trẻ tuổi cũng đã qua một nửa rồi, cho nên bạn thử nghĩ xem, bạn còn được vui vẻ bao nhiêu ngày? Cho bạn thọ tối đa là 100 năm, bạn vui vẻ cũng chẳng qua là ba vạn sáu ngàn ngày, sau đó thì vô lượng kiếp thống khổ trong ác đạo, vậy thì bạn có sẵn lòng làm không? Bạn có thể từ chỗ này giác ngộ, từ chỗ này quay đầu, bạn đã được cứu rồi. Tại sao không đem những tháng ngày tốt đẹp này mà nghiêm túc niệm Phật, thực hiện lời giáo huấn của Phật Đà đối với chúng ta? Chúng ta làm bạn với chư Phật Bồ Tát, chúng ta tham dự câu lạc bộ của chư Phật Bồ Tát, vậy tốt biết bao, có ý nghĩa biết bao! Chỉ ở một niệm giác mê này, một niệm tỉnh giác, quay đầu là bờ. Sinh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, phước đức quả báo tất cả thọ dụng, cho dù chư Phật Như Lai đồng thanh tuyên thuyết cho chúng ta cũng không thể nói hết, phước báo không thể nói hết. Chúng ta ở trong thời gian ngắn ngủi có thể tranh thủ được. Nhưng mà cần phải đem danh vọng lợi dưỡng thế gian buông xả, bạn mới có

Nợ, người thông minh nhất phải biết thanh toán. Người xưa nói hay: “Trăm năm, ba vạn sáu ngàn ngày”. Một trăm năm có ba vạn sáu ngàn ngày. Quá ngắn ngủi! Mạng sống của chúng ta hầu như đã qua hơn một nửa rồi, người trẻ tuổi cũng đã qua một nửa rồi, cho nên bạn thử nghĩ xem, bạn còn được vui vẻ bao nhiêu ngày? Cho bạn thọ tối đa là 100 năm, bạn vui vẻ cũng chẳng qua là ba vạn sáu ngàn ngày, sau đó thì vô lượng kiếp thống khổ trong ác đạo, vậy thì bạn có sẵn lòng làm không? Bạn có thể từ chỗ này giác ngộ, từ chỗ này quay đầu, bạn đã được cứu rồi. Tại sao không đem những tháng ngày tốt đẹp này mà nghiêm túc niệm Phật, thực hiện lời giáo huấn của Phật Đà đối với chúng ta? Chúng ta làm bạn với chư Phật Bồ Tát, chúng ta tham dự câu lạc bộ của chư Phật Bồ Tát, vậy tốt biết bao, có ý nghĩa biết bao! Chỉ ở một niệm giác mê này, một niệm tỉnh giác, quay đầu là bờ. Sinh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, phước đức quả báo tất cả thọ dụng, cho dù chư Phật Như Lai đồng thanh tuyên thuyết cho chúng ta cũng không thể nói hết, phước báo không thể nói hết. Chúng ta ở trong thời gian ngắn ngủi có thể tranh thủ được. Nhưng mà cần phải đem danh vọng lợi dưỡng thế gian buông xả, bạn mới có thể tranh thủ được. Nếu bạn không buông xả được, vậy bạn thử xem. Thực ra, dù thử nhưng bạn cũng chưa chắc có thể tin được. Mặc dù lúc tin thì thấy: “Ái chà! Đây không phải hiện thực”. Nếu bạn nói hiện thực, nói hiện thực thật sự là đã đánh mất hiện thực rồi.

Xã hội hiện nay, người tu hành chân chánh, người tu hành công phu đắc lực không phải không có. Vẫn có, tuy không nhiều, nhưng chúng ta cũng có thể nhìn thấy. Cư sĩ Hứa Triết của Singapore, các bạn đã thấy bà biểu diễn ngay trên bục này, bà đã 101 tuổi. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên, các bạn mỗi ngày cũng nhìn thấy. Cách thức tu hành của ông thì khác, ông cũng tu rất thành công, tu rất tốt, toàn tâm toàn lực hộ trì chánh pháp.

Hiện nay, ở đông bắc Trung Quốc có vị Pháp sư Thường Tuệ. Lần trước, có vị Pháp sư Minh Tục ở bên đó đến nơi này, đã từng làm cuộc giới thiệu đơn giản với mọi người. Tôi muốn mời bà đến nơi đây để biểu diễn cho các bạn xem. Mời bà đến Niệm Phật đường để niệm Phật. Phương pháp niệm Phật của bà là hoàn toàn học theo Tỳ kheo Kiết Tường Vân trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Phương pháp niệm Phật của Tỳ kheo Kiết Tường Vân là nhiễu Phật, không có ngồi, không có nằm. Đồng tu ở bên đó nói với tôi, bà đã hơn 400 ngày không có ngủ. Bà điện thoại cho tôi, giọng nói tinh thần dồi dào, nghe giống như giọng nói của người mới vài ba chục tuổi vậy. Bà năm nay 65 tuổi rồi. Cư sĩ Thôi nói với tôi, bà đi bộ, lạy Phật nhẹ phơi phới, thật sự là khiến người cảm thấy tiên phong đạo cốt. Bà niệm Phật là “Phật lập tam muội”, cũng gọi là “Ban chu tam muội”, không ngủ, không nghỉ, tuyệt đối không ngồi xuống, đây chính là lấy nhiễu Phật làm chủ, kinh hành. Phương pháp bà dùng là phương pháp này. Cho nên bà đến bên này, chúng tôi xin cho bà được phép ở một tháng hay hai tháng. Đương nhiên tốt nhất là có thể ở bên này được ba tháng, 90 ngày. Bà ở đây niệm Phật 90 ngày, ngày đêm không gián đoạn. Các bạn mỗi người đi giám sát, đương nhiên các bạn không có công phu này, nên thay phiên giám sát xem bà có ngủ hay không, xem bà là thật hay là giả. Sau khi chúng ta thấy rồi khởi phát đạo tâm, bà có thể làm được tại sao ta không thể làm được? Chúng ta mời bà lên bục để giảng khai thị. Tôi nghe người khác nói bà chưa từng đi học, bà không biết chữ. Bà giảng khai thị với mọi người, lời bà nói giống như tôi giảng Kinh vậy. Điều này rất kỳ lạ, để bà đến giảng thử xem. Bà mời tôi đến Trường Xuân một chuyến. Tôi nói, tôi gần đây không có thời gian. Tôi mời bà đến, bà đồng ý, bà nhận lời đến, để bà tổ chức một đoàn nhỏ, đến bên này để niệm Phật. Đây là tu hành công phu đắc lực rồi.

Sao gọi là công phu đắc lực vậy? Một câu Phật hiệu này có thể phục phiền não. Chúng ta ngày nay dụng công như thế nào? Không đắc lực. Sao không đắc lực? Không phục được phiền não. Từ sáng đến tối vẫn cứ khởi vọng tưởng, cho nên cơ thể rất nặng, hai người nâng cũng không nổi. Người công phu đắc lực cơ thể nhẹ. Để những người tu hành chân chánh này biểu diễn cho chúng ta xem thử, làm chứng minh cho chúng ta, ở trong tôn giáo thông thường gọi là kiến chứng. Nói thực ra, người công phu giống bà như thế này nhiều, không phải không có. Ở nơi nào có người tu hành chân chánh thì nơi đó được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần phù hộ. Nơi mà người tu hành chân chánh ở chính là trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là “Phước thành”, người ở nơi này có phước.

Đạo tràng Cư Sĩ Lâm này rất tốt. Thông thường khi người bên ngoài đến tham quan, phỏng vấn nhìn thấy, đối với Tịnh Tông đều tán thán. Chúng ta tự mình hiểu rõ, chúng ta làm chưa đủ, còn kém rất xa, phải không ngừng nâng cao lên thêm. Chúng ta phải cố gắng nỗ lực, Niệm Phật đường phải nâng cao, giảng đường phải nâng cao, đa nguyên văn hóa này của chúng ta phải nâng cao. Giáo dục tôn giáo, chúng tôi ước mong chín tôn giáo lớn đều ra giảng Kinh thuyết pháp, giáo dục tôn giáo phải nâng cao. Singapore chính là đất phước, Singapore chính là phước thành. Chúng ta sống ở nơi này có trách nhiệm, có nghĩa vụ, phải chăm chỉ nỗ lực mà tu học.

Ở trong nguyện văn nguyện thứ bốn mươi mốt nói: “Dục kiến chư Phật, tịnh quốc trang nghiêm, tất ư bảo thọ gian kiến, do như minh cảnh, đổ kỳ diện tượng”. Đây là điều tôi vừa mới nói, chúng ta người vãng sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Bồ Tát ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ là người phục phiền não đi vãng sanh, tình chấp chưa đoạn. Chưa đoạn thì sẽ thế nào? Là sẽ nhớ nhà. Đến Thế giới Cực Lạc có khi sẽ nhớ đến chúng ta từ Thế giới Ta Bà đến. Thế giới Ta Bà nơi đó còn có cha mẹ, anh em, chị em, còn có một số bạn bè thân thích, có khi cũng nghĩ xem họ hiện nay như thế nào rồi. Bạn chỉ vừa động ý nghĩ thì cảnh giới này liền hiện tiền. Hiện ở đâu vậy? “Thấy ở trong rừng cây báu”, giống như chúng ta hiện nay xem truyền hình vậy. Chúng ta hiện nay xem truyền hình, tay còn phải cầm điều khiển từ xa, ở nơi đó không cần, ý nghĩ vừa động thì kênh hình liền hiện tiền, bạn nhìn thấy tình trạng ở Thế giới Ta Bà. Cho nên, tình trạng ngày nay của chúng ta, người Thế giới Tây Phương Cực Lạc thấy rất rõ ràng như ngay trước mắt. Chúng ta ngày nay xem truyền hình, màn hình là mặt phẳng, người ta là hình lập thể, thật sự là giống như ở ngay trước mặt. Đây là pháp giới sự sự vô ngại. Đến lúc này mới thật sự sáng tỏ, mười phương cõi nước chư Phật vô lượng vô biên, mỗi một cõi nước, mỗi một thế giới, bạn muốn xem thì thảy đều có thể xem được, bạn muốn học thảy đều có thể học được. Ở trong cõi nước chư Phật, có Tịnh độ, có uế độ, có tịnh uế tạp cư độ, mỗi hình mỗi sắc, bạn thảy đều có thể nhìn thấy.

Nguyện này với quán thứ mười sáu trong “Quán Kinh” thảy đều có thể tương ưng. Ở trong “Quán Kinh”, “Bảo Thọ Quán” cũng nói đến cảnh giới này, nói cặn kẽ hơn, nói đến cây báu, cây ra hoa, có hoa kỳ diệu, hoa lại kết quả, hoa quả đều có ánh sáng, từ trong ánh sáng hiển hiện ra vô lượng vô biên cõi nước chư Phật. Cho nên nói cặn kẽ hơn so với chỗ này. Chúng ta có thể hợp chung lại xem, có thể nhìn thấy vô lượng vô biên thế giới chư Phật. Tu học Phật pháp, cách thức này mới có thể thành tựu hậu đắc trí, không gì không biết. Những cảnh giới này đối với Bồ Tát của Thế giới Tây Phương Cực Lạc có tính cám dỗ hay không vậy? Nếu như Bồ Tát Thế giới Tây Phương nhìn thấy cõi nước mười phương mà còn bị cám dỗ, thì họ không thể đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi. Chúng ta đọc Kinh văn này phải nên biết rằng, không cần nói là ngày nay một chút ngũ dục lục trần này của nhân gian chúng ta phải buông xả, hoàn toàn không đáng để tâm đến, mà ngay cả diệu lạc cõi trời cũng không thể làm động tâm chúng ta thì mới được. Đến Thế giới Cực Lạc, nhìn thấy diệu lạc ở trong cõi nước chư Phật hơn hẳn Thế giới Ta Bà chúng ta không biết là gấp bao nhiêu lần. Nếu như cảnh giới này hiện tiền, tâm vừa động là xong rồi.

Ở Thế giới Tây Phương được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Nói thực ra, ở trong đây quan trọng nhất vẫn là hằng ngày đang lên lớp, hằng ngày đang nghe Kinh, hằng ngày đang học tập, mới có thể phục được phiền não. Đạo lý tương tự như vậy, chúng ta ngày nay ở thế giới hiện nay này, ở xã hội này, khoa học kỹ thuật mỗi ngày một đổi mới, tôi ở trong các buổi giảng thường nói, những phát minh khoa học kỹ thuật này đều là ma, đều là đang cám dỗ. Những thứ mỗi ngày một đổi mới này chờn vờn ngay trước mặt bạn, đang lôi kéo tâm bạn, tâm của bạn là bị nó kéo chạy rồi, tiền kiếm rất vất vả đều cúng dường nó rồi. Sống là vì cái gì vậy? Sống là vì chúng nó, chứ đâu phải vì mình. Đến khi nào chúng ta cũng có thể làm được “không động tâm” thì công phu của chúng ta mới đắc lực được. Chúng ta ngày nay công phu tại sao không đắc lực? Điều này chúng ta phải suy nghĩ nhiều một chút.

Cư sĩ Hứa Triết công phu đắc lực rồi. Căn cứ vào đâu vậy? Căn cứ vào “không bị cám dỗ”. Danh vọng lợi dưỡng, tài sắc danh thực thùy bày ngay trước mắt bà, bà cũng không thèm để ý đến, ở trong tâm hoàn toàn không có, cho nên người ta công phu đắc lực.

Pháp sư Thường Tuệ tại sao công phu đắc lực? Cũng giống như thế. Pháp sư Minh Tục đã kể cho tôi nghe một câu chuyện. Năm ngoái, bà ở trong thất, có một người đem tiền đến cúng dường bà, người này đã cầm một tờ năm đồng Nhân dân tệ, bà không để ý. Sau đó người này lại tặng một tờ mười đồng, bà lại không để ý; lại tặng tiếp một tờ 100 đồng, bà vẫn không để ý. Cuối cùng đem 100 đồng ngân phiếu rải khắp ngay bên thân bà, bà vẫn không để ý. Sau đó, người đó bỏ đi và nói: “Pháp sư Thường Tuệ! Không có cách gì, không thể cám dỗ bà”. Sau đó có người vào căn thất này của bà, nhìn thấy ngân phiếu đầy đất, nhặt nó lên đếm thử lại, là hơn sáu ngàn đồng, là thật, không phải giả. Thường trụ đem đi rồi, bà không hề động tâm. Tài sắc danh thực thùy, cái gì cũng không động tâm thì công phu của bạn mới có thể đắc lực. Chúng ta rất muốn công phu thành khối, rất muốn công phu đắc lực, mà cái chướng ngại này không khử sạch thì sao có thể thành tựu?

Tôi năm xưa học Phật, Đại sư Chương Gia nói với tôi: “Ở trong cửa Phật có cầu ắt ứng”. Nhưng, khi bạn cầu không thể có được cảm ứng là ở trong đây có chướng ngại. Bạn cần phải tìm cho ra chướng ngại, đem chướng ngại tiêu trừ thì cảm ứng liền hiện tiền. Đạo lý chính là như vậy. Chúng ta ngày nay tu hành công phu không đắc lực là do không chịu tìm ra nhân tố của không đắc lực ở chỗ nào, không chịu đem cái nhân tố này tiêu trừ, cho nên làm cả đời công phu cũng không đắc lực, trong quá trình tu học không có được pháp hỷ. Cho nên quí vị tu hành, quý vị rốt cuộc có đắc lực hay không, được bao nhiêu, tôi đều biết rõ. Tôi thử xem diện mạo của bạn, thử xem hành động bước đi của bạn, tôi liền biết ngay. Có cần phải hỏi bạn không? Người công phu đắc lực, cái hiện tướng đó không giống như thế. Nhất định phải biết đạo lý này.

Làm sao đem cảnh giới chuyển trở lại? Bất kể cảnh giới hiện tiền như thế nào, cảnh giới không ngoài bốn loại là thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên. Ở trong thuận cảnh, ở trong thiện duyên, quyết định không khởi tâm tham, quyết định không khởi niệm tham, điều này vô cùng quan trọng. Nghịch cảnh, ác duyên quyết định không có tâm sân hận, không khởi niệm sân hận, điều này là quan trọng hơn hết, đây là công phu chân thật. Chúng ta đem lời giáo huấn của Phật Đà thực hiện, điều quan trọng nhất là thực hiện ở chỗ này. Ở trong tất cả cảnh duyên tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của mình là tương ưng rồi. Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng là tương ưng với tánh đức. Tông môn thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Bạn hiện nay không thể thấy được tánh, nhưng đã gần kề với tâm tánh. Thường xuyên kề cận thì sẽ có một ngày hoát nhiên khai ngộ kiến tánh. Quí vị nên biết rằng, kiến tánh là niệm Phật đạt “Lý nhất tâm bất loạn”. Chúng ta có thể ở trong cảnh duyên thuận nghịch tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, đây là gần kề với công phu thành khối rồi, sự tu học của bạn mới thật sự đắc lực, thật sự có thọ dụng. Đến khi bạn đắc lực, có thọ dụng, ở trong Phật pháp thường nói “pháp hỷ sung mãn”. Cái hỷ duyệt đó là từ trong nội tâm lưu xuất ra, chứ không phải do danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần kích thích. Người được ngũ dục lục trần, loại sung sướng đó là gì vậy? Là hít heroin, chích mocfin, loại sung sướng đó thì hậu hoạn vô cùng. Cái hạnh phúc của người tu hành chân chánh không hề quan hệ gì với danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, mà pháp hỷ sung mãn đó là chân lạc, tiền đồ một vùng sáng sủa.

Chúng ta đọc câu nguyện văn này, đây là sự việc của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng mà chúng ta cũng có thể xoay trở lại nhìn cảnh giới hiện tại của chúng ta. Ở trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta cần phải làm thế nào, cần phải học tập ra làm sao, để tương lai đến Thế giới Tây Phương là đã chuẩn bị tốt, một mảy may cũng không bỡ ngỡ. Tuy chúng ta ở Niệm Phật đường, ở trong Niệm Phật đường không có truyền hình, cũng không có internet, niệm đến khi thân tâm mình thanh tịnh, cũng có rất nhiều cảnh giới không thể tưởng tượng hiện tiền, bạn có thể nhìn thấy cảnh giới mà người bình thường không thể nhìn thấy. Sự việc này có, chắc chắn có, mỗi người đều có cả. Gặp phải cảnh giới này không nên sinh tâm hoan hỷ, cũng không nên sợ hãi. Cảnh giới này hiện tiền, trong tâm liền nghĩ đến lời giáo huấn mà Phật dạy chúng ta: “Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”, đây chính là cảnh giới tốt. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” Phật thường nói, chỉ cần không để ý nó thì đều là cảnh giới tốt. Nếu như vừa để ý, liền dính vào cảnh ma. Cho nên ngoại cảnh, xin thưa với quí vị, không Phật cũng không ma. Phật với ma chính là sự chuyển biến ở trong tâm; một niệm giác là cảnh giới Phật, một niệm mê là cảnh giới ma, chỉ trong khoảng giác - mê. Ngoại cảnh quả thực là không Phật cũng không ma, chúng ta luyện bản thân ở chỗ này.

Đến chỗ lý luận sâu hơn, đó không phải cảnh giới hiện tại của chúng ta, nhưng mà những lý luận này, ở trong Kinh Đại Thừa chúng ta cũng có thể học tập, không phải không được học. Cảnh giới chân thật trên quả địa Như Lai chính là điều mà trong “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói: “Một tức tất cả, tất cả tức một”, một không phải chuyên nhất, mà là mỗi một. Bất kỳ một pháp nào cũng viên dung hàm nhiếp tất cả pháp. Phật ở trong Kinh thường nói lỗ chân lông, đầu lông. Lỗ chân lông, đầu lông là một pháp, tận hư không khắp pháp giới đều hàm nhiếp ở trong đó. Cho nên, Phật ở trong Kinh nói: “Chuyển đại pháp luân trong đầu một sợi lông”. Đầu sợi lông này không có phóng đại, đại hội mà chư Phật giảng Kinh thuyết pháp không hề thu nhỏ lại. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, là cảnh giới chân thật, là chân tướng sự thật. Đến khi nào chúng ta mới có thể nhìn thấy, chúng ta mới có thể lý giải thấu triệt vậy? Trong Đại Kinh thường nói là Bồ Tát Bát Địa. Dựa vào năng lực tu học của cá nhân chúng ta, từ bây giờ phải tu đến địa thứ tám thật sự là quá khó, quá khó rồi, có thể nói là vô lượng kiếp. Nhưng mà chúng ta ngày nay gặp được pháp môn Tịnh Độ, chúng ta ở trong một đời cầu sanh Thế giới Cực Lạc. Đến Thế giới Cực Lạc tuy còn là ở Phàm Thánh Đồng Cư Độ, nhưng mà được bản nguyện Di Đà gia trì, ở trong hàng cây bảy báu có thể nhìn thấy mười phương vô lượng vô biên cõi nước chư Phật. Không gian cây báu không hề phóng đại, mười phương cõi nước không hề thu nhỏ lại. Loại cảnh giới này rõ ràng ngay trước mắt, không thể nghĩ bàn. Cho nên, đến Thế giới Tây Phương thành tựu quả thật mà nói là việc rất dễ dàng, không phải là việc khó. Đây là nói rõ, một người hiểu biết, một người thông minh, làm sao có thể không đi Thế giới Tây Phương Cực Lạc được? Đâu có loại đạo lý này? Quyết định khao khát về Tây phương Tịnh Độ.

*************

Nguyện thứ bốn mươi hai: “TRIỆT CHIẾU THẬP PHƯƠNG NGUYỆN”

Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, sở cư Phật sát, quảng bát nghiêm tịnh, quang oánh như cảnh. Triệt chiếu thập phương, vô lượng vô số, bất khả tư nghị, chư Phật thế giới. Chúng sanh đổ giả, sanh hi hữu tâm. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh giác”.

Đây là thứ mười “Hương quang phổ nhiếp” ở trong đoạn lớn của 48 nguyện. Ở trong đây có hai nguyện: Nguyện thứ bốn mươi hai và bốn mươi ba. Đây là giới thiệu hoàn cảnh cư trú của bản thân Phật A Di Đà.

“Quảng bát nghiêm tịnh”. “Quảng bát” là rộng lớn vô biên. “Nghiêm tịnh” là trang nghiêm thanh tịnh. Chúng ta từ hai câu này liền có thể thể hội được sự tốt đẹp của hoàn cảnh cư trú. “Quang” là quang minh. “Oánh” nghĩa là chiếu, sạch sẽ, giống như một tấm kính vậy.

Có rất nhiều đồng tu từ nơi khác đến Singapore để xem thử, đều vô cùng tán thán thành phố Singapore này. Pháp sư Danh Sơn ở trước mặt tôi đã từng nói qua bao nhiêu lần, Singapore là Tịnh Độ trên thế giới này của chúng ta hiện nay. Thành phố này sạch sẽ, nhân dân tuân thủ pháp luật, môi trường không chỉ là trang nghiêm, thật sự là không nhiễm mảy bụi, rất nhiều người tán thán. Hoàn cảnh của Thế giới Tây Phương, chư Phật Như Lai tán thán. Thế gian này của chúng ta, ở nơi đây tuy là hoàn cảnh rất tốt, nhưng mà “chiếu sáng như gương” thì vẫn không thể làm được. Nó khởi tác dụng, chiếu suốt mười phương vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn thế giới chư Phật. Hay nói cách khác, phần trước nói là ở trong hàng cây mà thấy mười phương cõi nước chư Phật, đó là tình chấp, chúng ta nghĩ đến chỗ nào, sẽ nhìn thấy chỗ đó. Ở trong thế giới này, chúng ta muốn nghĩ đến tình cảnh đời đời kiếp kiếp ở trong đời quá khứ của chúng ta thì đều có thể nhìn thấy, cha mẹ đời đời kiếp kiếp, bạn bè đời đời kiếp kiếp cũng đều có thể nhìn thấy. Như vậy mới thật sự biết rõ quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung.

Vô thỉ vô chung là nói theo chiều dọc, không bờ không mé là nói theo chiều ngang, là một thể, một pháp thân. Trong Kinh thường hay tán thán: “Thanh tịnh pháp thân”, vào lúc này đích thực là triệt để giác ngộ rồi, hóa ra hư không pháp giới tất cả chúng sanh với mình là một thể. Trí tuệ Bát Nhã viên mãn ở trong tự tánh bộc lộ ra rồi, không gì không biết. Đức năng của tự tánh biểu hiện ra rồi, không gì không thể. Từ bi vốn có trong tự tánh tự nhiên biểu lộ ra, chân thực, vô tư, thanh tịnh, vô nhiễm yêu thương tất cả, đại từ đại bi, tánh đức bộc lộ viên mãn, đây là vào cảnh giới này. Nếu bạn không khế nhập cảnh giới này thì tánh đức làm sao viên mãn hiện tiền?

“Chúng sanh đổ giả”. Chữ “chúng sanh” này là Bồ Tát của Thế giới Cực Lạc. Họ có một số công phu hoàn thiện rồi. Những người nào vậy? Người vãng sanh về Thực Báo Trang Nghiêm Độ, đây là công phu hoàn thiện, nhìn thấy rồi. Đồng Cư Độ, Phương Tiện Độ thì vô minh chưa phá, nhưng được oai thần bản nguyện của Phật A Di Đà gia trì, cũng có thể nhìn thấy giống như những Bồ Tát lớn này rồi. Chỗ đáng quý của Thế giới Tây Phương, chỗ đáng được chư Phật Như Lai tán thán của Thế giới Tây Phương không phải Thực Báo Trang Nghiêm Độ, mà là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Đây là chỗ mà phàm thánh độ của tất cả cõi nước chư Phật không thể sánh bằng.

Chỗ mà chúng ta hiện nay cư trú là Phàm Thánh Đồng Cư Độ của Phật Thích Ca Mâu Ni. Phàm Thánh Đồng Cư Độ của Thế giới Cực Lạc với Thực Báo Trang Nghiêm Độ hầu như không hề khác nhau, cho nên chư Phật tán thán. Ở chỗ này, chúng ta có lẽ sẽ sinh ra nghi vấn, Phật Phật đạo đồng, tất cả chư Phật trí tuệ, thần thông, đạo lực đều tương đồng, tại sao Phật Thích Ca Mâu Ni không đem Phàm Thánh Đồng Cư Độ hiện tại này biến thành giống như Thế giới Cực Lạc vậy? Tôi nghĩ chắc có không ít người sẽ đưa ra vấn đề này. Vấn đề này nếu hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng sẽ trả lời bạn, Phàm Thánh Đồng Cư Độ của Phật A Di Đà không giống với cõi nước chư Phật, bên trong có nhân tố quan trọng, đó là chúng sanh ở trong Phàm Thánh Đồng Cư Độ biết nghe lời, hợp tác với Phật A Di Đà, cho nên Phàm Thánh Đồng Cư Độ không thua kém Thực Báo Trang Nghiêm Độ. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có thể nói: “Các bạn không hợp tác với tôi thì biết làm sao bây giờ? Nếu như các bạn chịu hợp tác, chịu nghe lời tôi, thì Tịnh Độ này của chúng ta cũng có thể chuyển biến giống như Thế giới Cực Lạc vậy”. Lời Phật nói không sai, tôi đồng ý. Tại sao vậy? Y báo chuyển theo chánh báo. Quốc độ Tây Phương là y báo. Chánh báo là gì vậy? Chánh báo là tâm người. Phàm là người vãng sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là niệm Phật mà đi, đều là phục phiền não mà đi cả. Công phu niệm Phật đắc lực, phục được phiền não mà đi. Vậy Phật Thích Ca Mâu Ni thử hỏi chúng ta, Phàm Thánh Đồng Cư Độ của chúng ta, các bạn niệm cái gì đến vậy? Các bạn không phải niệm Phật vãng sanh đến, mà là trong đời quá khứ niệm ngũ giới, thập thiện vãng sanh đến. Nhân địa khác nhau nên quả báo sẽ không giống nhau. Không phải Phật Thích Ca Mâu Ni không làm được, Phật Thích Ca Mâu Ni thật sự có thể làm được. Chúng ta ngày nay thử suy nghĩ, suy nghĩ cho thật kỹ, người không học Phật đương nhiên hoàn toàn không hợp tác với Phật, tâm hạnh đều trái ngược lại với lời giáo huấn của Phật; còn chúng ta là đệ tử Tam Bảo, thậm chí là đã xuất gia, đều đã thọ đại giới tam đàn, chúng ta có hợp tác với Phật Thích Ca Mâu Ni hay không? Lời chỉ dạy của Phật ở trong Kinh cho chúng ta, chúng ta làm được bao nhiêu? Vì vậy, cái đáp án này đã có rồi, đó là nguyên nhân gì vậy? Không hợp tác.

Ở xã hội trước mắt, một bộ Kinh điển quan trọng nhất đối với chúng ta đương nhiên là “Kinh Vô Lượng Thọ”. “Kinh Vô Lượng Thọ” giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc, quả nhiên chúng ta sinh khởi cái tâm khao khát, đây chính là phát tâm Bồ Đề. Phát tâm Bồ Đề, thật thà niệm Phật, vậy thì liền có thể sinh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây là chánh nhân, chánh hành. Người xưa nói “chánh hành”, chữ “hành” này là động từ. Nhưng mà có chánh hành vẫn cần phải có trợ hành, chánh trợ song tu thì chúng ta mới có phần chắc chắn. Ngày nay ở Niệm Phật đường, chúng ta thật thà niệm Phật, chánh hành thì có mà trợ hành thì không, cho nên vẫn chưa đủ chắc chắn.

Trợ hành là gì vậy? Trợ hành là đoạn ác tu thiện. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu cho chúng ta rất nhiều, giới thiệu rất hay, ở nơi đó đều là “các bậc thượng thiện cùng tập trung về một chỗ”. Chúng ta phải thử hỏi, chúng ta có thiện hay không? Niệm Phật rất tốt, Phật A Di Đà là không có vấn đề rồi, cửa này đả thông rồi, nhưng mà chúng ta bất thiện, đại chúng ở bên đó đều là người thiện, nên cửa này không dễ dàng đả thông. Phật A Di Đà cũng không thể làm việc thiên tư, “người niệm Phật này niệm rất tốt, tôi tiếp dẫn họ đến”, nhưng đến rồi thì sao? Hằng ngày cãi nhau với đại chúng, không hợp với đại chúng, vậy thì làm sao được? Từ đó cho thấy, tu thiện là rất quan trọng.

Tiêu chuẩn của tu thiện là gì vậy? Đó là thập thiện nghiệp đạo. Chúng ta phải làm được điều đầu tiên trong tịnh nghiệp tam phước là: “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Phải biết, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát”, ba câu này thực hiện vào ngay trong “thập thiện nghiệp”. Chỉ cần bạn tu thập thiện nghiệp thì ba câu phía trước này bạn đã làm được. Bạn không thể nghiêm túc tu thập thiện nghiệp thì ba câu phía trước là nói suông, mặc dù có tâm có nguyện, nhưng không có thực hiện. Tu thập thiện mới thực hiện.

Cách tu thập thiện này như thế nào vậy? Phật ở trong “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo” nói rất hay. Ngài nói, Bồ Tát có một phương pháp có thể đoạn tất cả khổ của ác đạo. Phương pháp này tuyệt diệu, có thể đoạn tất cả khổ của ác đạo. Phương pháp gì vậy? Phật dạy chúng ta phải “ngày đêm thường niệm, tư duy, quan sát thiện pháp”. Thường niệm là tâm thiện, tư duy là ý nghĩ thiện, quan sát là hành vi thiện; tâm thiện, niệm thiện, hành thiện. Phía dưới một câu rất quan trọng: “Không cho phép mảy may bất thiện xen tạp”. Trong toàn bộ khai thị, đây là chỗ trọng điểm. Chúng ta ngày nay không thể thành tựu chính là vì cho rằng “trong tâm tôi cũng thiện, tư duy cũng thiện, hành cũng thiện”, thế nhưng bên trong còn xen tạp bất thiện, vậy thì phiền phức này lớn rồi. Cho nên công phu thiện của chúng ta không thuần, nên không được xem là người thiện. Công phu thiện của bạn phải thuần, bạn mới là người thiện, dứt khoát không cho phép bất thiện xen tạp ở trong đó. Hay nói cách khác, chúng ta ở trong đời sống thường ngày, đối với người, với sự, với vật, luôn thấy chỗ thiện, không nên thấy chỗ bất thiện; chỉ thấy người khác thiện, chỉ thấy tất cả việc thiện. Chỗ thiện thì chúng ta phải cố gắng học tập, chỗ bất thiện thì nhất định không nên ghi nhớ trong tâm, quyết định không nên để tâm đến; không để ở trong tâm, không để ở trong khẩu, đương nhiên càng không nên để trên thân, đây gọi là không cho phép một mảy may bất thiện xen tạp ở trong đó. Ở trong tâm không được phép xen tạp, khẩu không được phép xen tạp, thân không được phép xen tạp, Phật dạy chúng ta như vậy. Sau đó bạn mới có thể gần gũi chư Phật Như Lai và chư thánh chúng. Câu nói này chính là nói, bạn đã có thể tham dự câu lạc bộ của chư Phật Như Lai rồi, thường xuyên chơi đùa cùng với các Ngài rồi. Câu lạc bộ của chư Phật Như Lai ở đâu vậy? Ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, “các bậc thượng thiện cùng tập trung về một chỗ”, chúng ta đã có thể có tư cách tham gia rồi. Như vậy quí vị mới biết, thập thiện là quan trọng biết bao.

Phàm là người vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc (đây là nói Phàm Thánh Đồng Cư độ), thì ngũ giới thập thiện nhất định thanh tịnh. Cổ đức thường hay khuyên dạy chúng ta trì giới niệm Phật chính là ý nghĩa này. Ở trong Kinh văn này nói, chúng sanh không những là chỉ chúng sanh của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc là tận mắt nhìn thấy rồi, chúng sanh thế giới phương khác chưa có nhìn thấy, nhưng nghe thấy rồi. Phật ở chỗ này nói những lời này chúng ta nghe thấy rồi, nhìn thấy sinh tâm hoan hỷ, nghe thấy cũng sinh tâm hoan hỷ. Chúng ta không những sinh tâm hoan hỷ, mà còn phải sinh tâm ngưỡng vọng, phải phát tâm thật lớn, quyết định ở trong đời này cầu sanh Tịnh Độ, quyết định có tín tâm được sanh Tịnh Độ.

Hôm nay thời gian đã hết rồi, chúng ta chỉ giảng đến đây.

A Di Đà Phật.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 168)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ