Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 259)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 259)
**************** Người học tập thì nhiều, người và người biết tôn trọng lẫn nhau, biết kính yêu lẫn nhau, biết hợp tác lẫn nhau thì xã hội an định thế giới hòa bình. Từ trong nhà của mình mà bắt đầu làm. Công đức này không thể nghĩ bàn. Chúng ta ngày nay sống trong ngũ trược ác thế cũng có thể làm được công đức không thể nghĩ bàn. Các đồng học giảng Kinh, các đồng học lớp bồi huấn của chúng ta giảng Kinh ở tại nơi này, chúng ta phải nhiệt tình ủng hộ để thành tựu cho họ. Ủng hộ như thế nào? Là đến nghe, chỉ cần có thời gian thì hãy đến nghe, để cho những pháp sư trẻ tuổi này tăng thêm lòng tin ở trên giảng đài. Họ nhìn thấy người đến nghe cũng không ít, bản thân sẽ có lòng tin, đại khái thấy mình giảng cũng không tệ, nên có nhiều người đến tham dự như vậy. Nếu như nhìn thấy không có mấy người đến nghe, tinh thần liền sa sút, lòng tin không còn nữa, giảng Kinh sẽ rất khó, “bạn xem, đâu có ai đến nghe, có lẽ tôi không phải người làm việc này”, họ liền thoái tâm. Cho nên chúng ta đến nghe là đã cho họ một sự khích lệ, đã cho họ một sự tin tưởng. Tương lai họ thành tài rồi, hoằng pháp lợi sanh tại thế gian này đều có một phần công đức hộ trì của chúng ta. Cơ hội kiểu như vậy ở nơi khác đều không có

****************

Người học tập thì nhiều, người và người biết tôn trọng lẫn nhau, biết kính yêu lẫn nhau, biết hợp tác lẫn nhau thì xã hội an định thế giới hòa bình. Từ trong nhà của mình mà bắt đầu làm. Công đức này không thể nghĩ bàn. Chúng ta ngày nay sống trong ngũ trược ác thế cũng có thể làm được công đức không thể nghĩ bàn. Các đồng học giảng Kinh, các đồng học lớp bồi huấn của chúng ta giảng Kinh ở tại nơi này, chúng ta phải nhiệt tình ủng hộ để thành tựu cho họ. Ủng hộ như thế nào? Là đến nghe, chỉ cần có thời gian thì hãy đến nghe, để cho những pháp sư trẻ tuổi này tăng thêm lòng tin ở trên giảng đài. Họ nhìn thấy người đến nghe cũng không ít, bản thân sẽ có lòng tin, đại khái thấy mình giảng cũng không tệ, nên có nhiều người đến tham dự như vậy. Nếu như nhìn thấy không có mấy người đến nghe, tinh thần liền sa sút, lòng tin không còn nữa, giảng Kinh sẽ rất khó, “bạn xem, đâu có ai đến nghe, có lẽ tôi không phải người làm việc này”, họ liền thoái tâm. Cho nên chúng ta đến nghe là đã cho họ một sự khích lệ, đã cho họ một sự tin tưởng. Tương lai họ thành tài rồi, hoằng pháp lợi sanh tại thế gian này đều có một phần công đức hộ trì của chúng ta. Cơ hội kiểu như vậy ở nơi khác đều không có, chúng ta ở nơi này thì có. Ở nơi này không tổ chức lớp bồi huấn thì cơ hội này bạn cũng sẽ không có. Bởi vì có lớp bồi huấn, đồng học luyện tập giảng Kinh ở tại nơi này. Singapore là có cơ hội như vậy. Cơ duyên này không thể để mất đi. Bạn đến nghe giảng Kinh sẽ có công đức rất lớn, đây là thành tựu cho pháp sư giảng Kinh, bồi dưỡng cho pháp sư giảng Kinh, dành cho pháp sư giảng Kinh sự tin tưởng, vả lại còn cho pháp sư giảng Kinh một sự góp ý. Bạn nghe họ giảng, sau khi nghe xong có chỗ nào nghi hoặc thì hỏi họ, đem sự nghi vấn của bạn viết ra tờ giấy, gửi lên cho họ để họ làm tham khảo, giúp đỡ họ cải tiến. Ở chỗ nào, những điểm nào mà họ giảng sai thì phải nhắc nhở họ, công đức sẽ vô lượng vô biên. Chúng ta phải đem thế giới này chuyển biến thành Tịnh Độ của chư Phật.

Kinh văn: “Kỳ quốc chúng sanh, công đức thiện lực, trụ hạnh nghiệp địa, cập Phật thần lực, cố năng nhĩ nhĩ”.

Đây là phần tổng kết của đoạn này. “Kỳ quốc” là nói Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Ở điểm này chúng ta phải chú ý, “kỳ quốc chúng sanh”, chúng sanh của Thế giới Cực Lạc là từ đâu đến? Là từ thế giới chư Phật mười phương vãng sanh đến. Phía trước tôi đã nói qua với các vị, Thế giới Cực Lạc là quốc độ thành tựu do nguyện lực của Phật A Di Đà, là quốc độ mới xây dựng, ở nơi này không có cư dân bản xứ, tất cả cư dân đều là từ thế giới mười phương niệm Phật mà vãng sanh đến. Mỗi một người niệm Phật tâm địa đều thanh tịnh. Tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Nếu tâm không thanh tịnh thì nhất định không thể sanh Tịnh Độ. Không phải nói niệm Phật thì có thể vãng sanh, lời nói này vốn dĩ không có sai, chỉ là sợ bạn hiểu sai ý của nó. Tôi ngày ngày niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật…”, thì tôi khẳng định vãng sanh, vậy thì bạn đã hiểu sai cái ý của câu này. Dùng phương pháp niệm Phật để giúp đỡ chúng ta khôi phục tâm thanh tịnh. Niệm Phật là phương pháp, là phương tiện, mục đích là tâm thanh tịnh. Chúng ta ở trong cuộc sống thường ngày, xử sự đối người tiếp vật, trong tâm mà khởi một niệm tham là không thanh tịnh rồi, liền niệm “A Di Đà Phật” đem ý niệm này trừ bỏ; khởi một cái tâm sân hận là tâm không thanh tịnh, một tiếng “A Di Đà Phật” này đã trừ bỏ đi cái ý niệm sân hận. Câu “A Di Đà Phật” này là phương pháp, là một phương tiện đem tất cả ý niệm bất thiện, ý niệm không thanh tịnh hết thảy đều trừ bỏ, đây gọi là niệm Phật, đây gọi là biết niệm. Tâm tịnh thì Phật độ tịnh, như vậy mà cầu nguyện vãng sanh cùng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc hoàn toàn tương ưng. Cho nên, chúng ta dùng một câu Phật hiệu này để tu tâm thuần tịnh, tu tâm thuần thiện, chân thật là không để chút bất thiện nào xen tạp, không để cho chút bất tịnh nào xen tạp. Dụng công là cái công phu này, đây gọi là biết dụng công. Cho nên phàm là người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi một người bất luận họ sống ở quốc độ nào, họ là phẩm vị như thế nào, nói cho cùng đều là “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”.

Ý nghĩa của câu “một lòng chuyên niệm” nhất định phải rõ ràng, phải thấu đáo, chính là quyết định không để cho một chút bất tịnh, bất thiện xen tạp, thì công phu niệm Phật của chúng ta sẽ đắc lực. Đây là chánh hạnh. Còn các loại trợ hạnh đều là ở trong cuộc sống thường ngày, khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm, Phật dạy chúng ta làm, chúng ta chăm chỉ nỗ lực mà làm; Phật dạy chúng ta không thể làm, thì chúng ta quyết định không thể vi phạm. Đệ tử Phật, bất luận tại gia hay xuất gia nên biết, nhất định phải tu thuần tịnh thuần thiện. Thuần tịnh - không có ô nhiễm, thuần thiện - không có ác niệm. Ác niệm còn không có thì làm gì có cái hành vi ác chứ? Phải làm đến thân tâm hoàn toàn trong sạch, đây mới là không còn giống người ở thế gian này. Người ở thế gian này thân tâm không trong sạch, đó là cái gì? Là tâm luân hồi. Thân luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Hiện nay cả thế giới đều đang tôn sùng sự riêng tư, pháp luật chính phủ nước ngoài có luật quyền riêng tư, riêng tư thì liền không còn trong sạch, không dám thấu tỏ ra bên ngoài. Chư Phật Bồ Tát hoàn toàn trong sạch, không có một việc gì mà không thể nói với người khác, trong cả cuộc đời không hề có một bí mật gì, tâm địa quang minh chính đại. Chúng ta phải đi con đường như vậy. Nếu như chúng ta vẫn còn điều không thể nói cho người khác nghe, còn việc không thể để người khác thấy, vậy thì chúng ta phải biết rằng, đời sau của chúng ta vẫn là luân hồi sáu cõi. Người không học Phật thì không hiểu, người học Phật thì hiểu rất rõ ràng, luân hồi sáu cõi còn có thể tiếp tục sao? Thật sự không muốn tiếp tục luân hồi sáu cõi nữa thì chúng ta phải làm trái ngược với những điều mà người thế gian đang làm. Người thế gian tự tư tự lợi, ta thì đại công vô tư. Người thế gian mưu cầu danh lợi, chúng ta thì không chiếm lấy một chút danh lợi gì. Người thế gian tham đồ hưởng thụ ngũ dục lục trần, chúng ta đối với hưởng thụ ngũ dục lục trần, tất cả đều tùy duyên, tuyệt đối không phan duyên. Người thế gian tham - sân - si - mạn, chúng ta thì nhất định phải làm được không tham - không sân - không si, đối người đối việc thì cung kính khiêm nhường. Cách làm này chúng ta có thể làm được như vậy, đây chính là giáo hóa chúng sanh, là thân giáo, hiện thân thuyết pháp. Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa còn tại thế, phương pháp giáo hóa chúng sanh quan trọng nhất là thân giáo, lấy thân làm gương. Ngài làm không được thì Ngài tuyệt đối không nói, những gì Ngài nói Ngài đều đã làm được rồi, hay nói cách khác, mỗi câu mỗi chữ nói ở trên Kinh Ngài đều đã làm được rồi. Chúng ta ngày nay học tập tại nơi này, đương nhiên quan trọng nhất là hiểu được ý nghĩa chính xác của Kinh văn, đây là quan trọng nhất, sau khi hiểu rồi thì phải thật làm, phải thật sự học tập Phật Thích Ca Mâu Ni, học tập chư Phật Bồ Tát. Các Ngài có cái tâm thế nào, các Ngài suy nghĩ như thế nào, các Ngài ngôn luận như thế nào, làm việc xử sự đối người tiếp vật như thế nào, đều đã có ghi chép ở trong Kinh điển, đây là việc mà chúng ta phải học tập.

Sự hình thành của Thế giới Cực Lạc, mặc dù là bổn nguyện của Phật A Di Đà, nhưng cũng là “công đức thiện lực” của tất cả chúng sanh vãng sanh đến. Cái công đức thiện lực này chính là học tập ở Phật A Di Đà. Có thể nói đích chỉ bản Kinh này, một đời này của chúng ta, chuẩn mực về tư tưởng, kiến giải, ngôn hành chính là tại bộ Kinh này. Nhất thiết phải đem những đạo lý đã nói trong bộ Kinh này làm thành chuẩn mực quy tắc tư tưởng của chúng ta, những giáo huấn đã nói ở trong Kinh điển là tiêu chuẩn hành vi của chúng ta, chăm chỉ nỗ lực mà làm, đây chính là “công đức thiện lực”. Chúng ta có đủ “công đức thiện lực” như vậy, đương nhiên sẽ được vãng sanh. Quả nhiên đã đầy đủ rồi, hiện tại vẫn chưa vãng sanh, vẫn còn chưa đi, nhưng đã được ghi tên, đã được đăng ký ở nơi đó rồi, bất cứ lúc nào cũng có thể đến đó, Thế giới Cực Lạc luôn chào đón. Nếu bạn không có “công đức thiện lực” thì làm sao được?

Phía sau nói đến “trụ hạnh nghiệp địa”. Trụ hạnh nghiệp địa, “nghiệp địa” này là cách nói như thế nào? Địa là hành nghiệp chi địa, Phật nói là sự thành tựu đại nguyện - đại hành - đại nghiệp của Ngài, xây dựng Thế giới Cực Lạc đó là sự nghiệp lớn, đại nguyện - đại hạnh - đại nghiệp của Di Đà. Tất cả chúng sanh Thế giới Cực Lạc vì có vô lượng “công đức thiện lực” tương ưng với nguyện lực - thiện lực - nghiệp lực của Phật A Di Đà, cho nên họ mới có thể an trụ trong Di Đà nguyện hạnh đại nghiệp thành tựu chi địa. Cái địa này chính là Thế giới Cực Lạc. Vì vậy, nói “trụ hạnh nghiệp địa”, hạnh nghiệp địa chính là Phật A Di Đà xây dựng thế giới. Vậy chúng ta suy nghĩ hàm nghĩa của nó trong Kinh văn này, tư tưởng của chúng ta, kiến giải của chúng ta, lời nói hành vi của chúng ta, nếu như đi ngược lại với Phật A Di Đà, thì bạn sao có thể vãng sanh? Đại nguyện - đại hạnh - đại nghiệp của Phật A Di Đà là ở đâu? Đều đã được ghi chép ở trong bộ Kinh này, phía trước chúng ta đã đọc qua. Nhất định phải thật làm, cơ duyên quá khó gặp được, trên “kệ khai Kinh” đã nói không quá đáng một chút nào.

“Kệ khai Kinh” trong nhà Phật là do Võ Tắc Thiên làm ra. Võ Tắc Thiên trong lịch sử tuy rằng có rất nhiều người phê bình bà, nhưng bài kệ này của bà thật sự mà nói, từ xưa đến nay các vị Đại đức muốn làm một bài khác cũng làm không ra, có không ít người đã viết kệ khai Kinh nhưng không bằng bài kệ của bà, vẫn là dùng bài kệ này của bà, không thể nói bà không có trí tuệ. Lai lịch của bà như thế nào, chúng ta không biết rõ, nhất định không phải là người thông thường. “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, câu nói này quan trọng. “Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, không nên cho rằng gặp được Phật pháp là rất dễ dàng, cái ý nghĩ này là sai lầm. Gặp Phật pháp là việc vô cùng không dễ dàng, sau khi gặp được, nhất định không thể bỏ lỡ, nhất định phải nắm chắc lấy cái cơ duyên này, chăm chỉ nỗ lực học tập.

Quyển “Kinh Vô Lượng Thọ” này là vô thượng pháp bảo, chúng ta có mấy người biết quý trọng nó? Đã xem quyển Kinh này như những quyển sách thông thường, tuy rằng niệm Phật, tuy rằng học tập, mà chỉ kết pháp duyên với Phật A Di Đà, với Thế giới Cực Lạc, trong đời này muốn vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới thì rất khó nói, không đáng tin. Chân thật đem nó xem thành vật chi bảo, từng giờ từng phút không rời, có thời gian thì mở ra đọc tụng. Cho nên chúng tôi cũng đã cho in ra thành rất nhiều những quyển nhỏ, thuận tiện cho mọi người mang theo, có thể bỏ ở trong túi, có thể để trong ví tiền, mang theo bên mình, có thời gian thì mở ra đọc thuộc. Khi đọc tụng thì lập tức phải nghĩ đến câu nói này của Phật ta đã làm được hay chưa? Thời thời khắc khắc xem quyển Kinh này, kiểm điểm tâm hành của chính mình, đây là tu hành thật sự, là đệ tử Phật thật sự. Đọc thuộc, đọc nhuần nhuyễn rồi cũng không thể rời bỏ, mỗi ngày ít nhất ôn lại một lần. Khi đọc thuộc rồi thì dễ tu hành, trong cuộc sống thường ngày mặc áo ăn cơm, từng li từng chút trong cuộc sống thường ngày đều phải tương ưng với Kinh giáo, như thế bạn mới có tâm hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn. Hoan hỷ là từ đâu mà đến? Khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm, từng li từng tí đều tương ưng với giáo huấn của Phật, vậy mới hoan hỷ, không có nghi hoặc, không có do dự, không có phiền não. Phật dạy ta làm thế nào ta đều lão lão thật thật làm theo. Thời gian làm được lâu rồi thì tâm của bạn sẽ định. Tâm như thế nào? Không khởi phiền não, không sanh vọng niệm. Chúng ta ngày nay, nếu nói hoàn toàn không sanh vọng niệm thì khó, mà là vọng niệm ít rồi, trí tuệ sẽ tăng trưởng. Trí tuệ tăng trưởng rồi, cuộc sống của chúng ta tự tự nhiên nhiên liền tự tại, liền viên dung, biểu hiện ra ngay trong cuộc sống thường ngày rất rõ ràng, bạn làm việc sẽ rất viên dung, làm người rất viên dung, lời nói rất viên dung. Nếu như những người bạn này của bạn thường thường ở cùng với bạn, họ sẽ bày tỏ sự cảm động, bạn không còn giống như bạn một hai năm về trước, thật sự không còn như trước. Vì sao vậy? Hai năm trước tùy thuận phiền não, tùy thuận tập khí, tùy thuận thế duyên, hiện tại hai năm này học Phật đã có được công phu, công phu đắc lực rồi, không còn tùy thuận phiền não nữa, không tùy thuận thế tục nữa, tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ Tát, vả lại, càng làm càng tự tại. Khi bắt đầu làm thì miễn cưỡng, miễn cưỡng mà học, càng học càng tự nhiên, càng học càng tự tại, như vậy mới có thể trụ Di Đà đại hạnh - đại nghiệp - đại nguyện chi địa. Đây chính là vãng sanh Tịnh Độ.

Kinh văn: “Cập Phật thần lực, cố năng nhĩ nhĩ”.

Phía sau lại thêm một câu, không nên cho rằng toàn là thiện lực của chúng sanh, “công đức thiện lực” bên trong nó đích thực là có oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Việc này chúng ta phải cảm kích đối với ân đức của Phật. Những người vãng sanh ấy đã vãng sanh bằng cách như vậy.

Hiện tại xã hội động loạn bất an, trong xã hội có rất nhiều bệnh tật nghiêm trọng, có thể nói là không có cách gì trị khỏi, chư Phật Bồ Tát có đến cũng không có cách. Chúng ta phải nhìn cho rõ ràng, chúng ta phải có sự cảnh giác cao độ. Quan trọng nhất là phải độ mình trước, bản thân chúng ta mới có thể tránh khỏi tai nạn.

Làm sao mới có thể thật sự tránh khỏi kiếp nạn này? “Y giáo phụng hành”. Tịnh Tông đích thực rất thù thắng, cái này thì không phải giả, chúng ta ở trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, trong “Vãng Sanh Truyện” đều đã xem thấy, chỉ sợ bạn không thật làm. Chúng tôi đã làm một sự thống kê khái lược, người tu học Tịnh Độ cần thời gian bao lâu để thành tựu? Có đến gần một nửa số người từ 3 năm đến 5 năm liền thành công. Vậy chúng ta hiện tại có người đã tu mấy mươi năm mà cũng không thể thành công, rốt cuộc là vì sao? Vì không thật làm. Giống như phương pháp tôi vừa mới nói, bạn quả nhiên thật làm, 3 đến 5 năm nhất định sẽ có thành tựu. “Thật làm” thì các vị phải nhớ, tổng nguyên tắc là phải khiến tâm hành của chúng ta thuần tịnh, thuần thiện, không để chút bất tịnh, bất thiện gì xen tạp, bạn mới có thể thành công. Vậy phải dùng phương pháp gì để đạt được mục tiêu này? Chính là niệm Phật. Trong cuộc sống thường ngày, ý niệm vừa khởi lên, liền niệm “A Di Đà Phật” để dẹp bỏ nó đi. Các Đại đức trong Tông Môn đã nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Câu Phật hiệu này của Tịnh Độ tông chúng ta chính là giác. Không sợ niệm khởi, ý niệm vừa khởi lên, ý niệm thứ hai liền niệm A Di Đà Phật, liền đem ý niệm trước loại trừ đi. Vì vậy nhất định phải ở ngay trong cuộc sống thường ngày, mỗi một chỗ nhỏ nhặt nào cũng nhất định không thể để cho có một chút bất thiện bất tịnh nào xen lẫn. Lúc ăn cơm thì cũng không được quên, thấy món ăn này ngon hơn một chút thì liền “A Di Đà Phật”, vì sao vậy? Cái “ngon” đó chính là tâm tham đã khởi lên. Món ăn này nấu không hợp khẩu vị, tâm sân hận đã khởi lên. Cái ly trà này thì nóng quá, có phải bạn muốn tôi bị phỏng không? Cái ly trà này quá lạnh, cũng khởi tâm động niệm. Cái ý niệm đó vừa khởi liền A Di Đà Phật, mau chóng đè nén ý niệm đó xuống. Bạn không dụng công như vậy thì sao được? Dụng công được như vậy thì hai ba năm thì sẽ thành tựu. Nếu không dùng cách dụng công như vậy thì 20 năm, 200 năm cũng không thể thành tựu. Vì sao vậy? Không biết dụng công, bạn không biết niệm Phật, việc niệm Phật đó của bạn là hữu khẩu mà vô tâm. Người ta biết cách dụng công, niệm Phật là tâm và khẩu tương ưng, chân thật là đoạn phiền não, chân thật là phá vô minh. Bạn phải giỏi thì mới được. Vô minh, nghiệp chướng tập khí của chúng ta nặng như vậy, biểu hiện ở chỗ nào? Biểu hiện ở trên thân thể, trên thân thể thì bị nhiều bệnh, tinh thần không thể phấn chấn, đặc biệt là mùi ở trên cơ thể rất khó ngửi, đây là nghiệp chướng. Chính mình đối với bản thân còn bất tri bất giác. Quả thật có tu hành, công phu đắc lực, thì cái thể chất này sẽ thay đổi.

Khi tôi còn là thanh niên, còn chưa học Phật, lúc mới bắt đầu học cũng đi giảng Kinh thuyết pháp ở bên ngoài, có một vị đồng học cũ là người Phúc Châu, tuổi tác đã cao, vào lúc đó dáng vẻ đại khái cũng khoảng 70 tuổi, chúng tôi thì mới hơn 30 tuổi, còn chưa tới 40 tuổi. Khi tôi được thế độ xuất gia, ông có nhìn thấy. Thư viện của chúng ta được thành lập, việc xây dựng thư viện, là tôi đã giảng Kinh 20 năm mới có một cái “Thư viện Hoa Tạng”. Ông đã đến thư viện thăm tôi, nói với tôi một câu: “Pháp sư à, mấy năm giảng Kinh tu hành này của pháp sư, đại khái công phu cũng khá lắm”. Tôi hỏi: “Sao ông biết được?”. Ông nói: “Khi pháp sư vừa mới xuất gia tại chùa Lâm Tế, mùi ở trên thân thể của pháp sư khi ấy rất khó ngửi, nhưng bây giờ thì hoàn toàn không còn nữa”. Chính bản thân tôi cũng không biết, người khác thì đều biết. Lão cư sĩ là người có tu dưỡng nên không nói ra. Đến khi tôi thật sự đã thay đổi (mà tôi cũng không biết mình đã thay đổi), ông mới nói tôi biết. Việc này ở trong nhà Phật nói là hiệu ứng hiệu quả, đích thực là đã thay đổi dung mạo, thay đổi thể chất. Chúng ta cũng không nên tác ý, cũng không nên tu hành vì cái việc này, một mực thành tâm thì sẽ thay đổi trở lại một cách tự nhiên mà không hề hay biết. Cố ý để mà chuyển thì e rằng sẽ khó. Vô ý mà lại cảm ứng một cách tự nhiên, chân chánh phát tâm. Hai câu nói này đã nói quả thật rất hay.

“Cập Phật thần lực”, chúng ta hiện tiền thì được thần lực của Phật gia trì. Nếu chúng ta không được thần lực của Phật gia trì thì làm sao chuyển được nhanh như vậy chứ? Làm sao lại chuyển được rõ ràng như vậy? Cho nên từ từ khế nhập cảnh giới, bản thân chúng ta sẽ cảm nhận được sự hộ niệm của chư Phật, sự giúp đỡ của Long Thiên Thiện Thần, bản thân sẽ cảm thấy được điều đó.

Chúng ta xem tiếp phần cuối cùng của đoạn này, đây là đoạn sau cùng của phẩm Kinh này.

Kinh văn: “A Nan bạch ngôn: “Nghiệp nhân quả báo, bất khả tư nghị. Ngã ư thử pháp, thật vô sở hoặc, đản vị tương lai chúng sanh phá trừ nghi võng, cố phát tư vấn””.

A Nan tôn giả rất là dễ thương, những câu này đã biết mà vẫn hỏi. Ngài nêu ra không phải Ngài không biết, mà ai không biết vậy? Vô vàn chúng sanh đều không biết, Ngài thay chúng ta nêu câu hỏi. Cái lý của nghiệp nhân quả báo thì quá sâu quá dày, cái sự của nghiệp nhân quả báo thì quá rối rắm, phức tạp.

“Ngã ư thử pháp, thật vô sở hoặc”, chúng ta liền biết được A Nan không phải là người thông thường. Sự việc này, chúng ta có thể nói Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát đều không thể lý giải được thấu triệt, A Nan có thể biết. Nếu như A Nan không phải chư Phật Như Lai thị hiện, thì cũng nhất định là Pháp Thân Đại Sĩ tái lai, đây là khẳng định. Pháp Thân Đại Sĩ “phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân”, thì đối với sự việc này mới rõ ràng mới tường tận được. Người không phá vô minh thì không có cách nào. Trong mười pháp giới, chúng ta nói pháp giới bốn Thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, Phật ở trong mười Pháp giới cũng chưa có phá vô minh, chưa có chứng pháp thân, đối với sự việc này hiểu biết chưa đủ thấu triệt, không thể triệt để. Câu nói này của A Nan cũng là đã ngầm để lộ ra thân phận của Ngài.

Ngài là vì chúng ta mà hỏi: “Đản vị tương lai chúng sanh phá trừ nghi võng”. Hiện nay có thể nói là con người trên toàn thế giới đối với sự việc này cũng đã đưa ra để thảo luận. Chúng ta hiện nay nhìn thấy có rất nhiều những loại sách được xuất bản, sách triết học, sách khoa học, sách tôn giáo, đều nêu ra sự việc luân hồi nhân quả báo ứng. Sự việc luân hồi nhân quả báo ứng này được nêu ra sớm nhất là Bà La Môn giáo. Về sau, Ấn Độ giáo và Phật giáo đều nói đến rất nhiều. Chúng ta xem tôn giáo khác như Do Thái giáo, Ki Tô giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Singapore chúng ta còn có Thần Lửa giáo, Đạo giáo, hầu như cả thế giới mỗi một tôn giáo đều có cách nói khẳng định về luân hồi nhân quả, chỉ là nói rõ ràng và giản lược có khác nhau. Khác nhau ở chỗ xem trọng vấn đề này mà làm trước hay là làm sau, nhưng đều có nói tới. Hiện tại, khoa học kỹ thuật phát triển, công thương nghiệp phát triển, đời sống vật chất của con người trở nên sung túc, đời sống tinh thần thì trống rỗng, cho nên người nghiên cứu thảo luận vấn đề này càng ngày càng nhiều. Phật dạy chúng ta không những nghiên cứu thảo luận vấn đề này, mà còn muốn chúng ta thực chứng. Từ chỗ nào có thể chứng minh? Từ thiền định. Ngày nay người nghiên cứu thảo luận nhiều, nhưng họ không có công phu thiền định, hay nói cách khác, cái tâm họ không thể đạt đến thuần tịnh, thuần thiện. Thuần tịnh, thuần thiện chính là thiền định. Thuần tịnh là định, thuần thiện là tuệ. Tuệ khởi dụng nhất định là thuần thiện. Tâm địa đạt được thuần tịnh, nói các vị biết, giới hạn của mười pháp giới liền đột phá được, tình trạng ở trong mười pháp giới, bạn sẽ nhìn thấy, bạn sẽ biết rõ ràng.

Người thế gian thường nói đến ma quỷ, vậy rốt cuộc là có hay không? Hầu hết chúng ta đối với sự việc này đều nửa tin nửa ngờ, không dám khẳng định. Vài người bạn đồng tu của chúng ta thì họ khẳng định. Vì sao vậy? Họ đã nhìn thấy, thường xuyên nhìn thấy. Một vị lão đồng tham khi xưa của tôi là Pháp sư Minh Diễn, ông học Mật Tông. Mật Tông chú trọng việc ngồi thiền nhập định, ngồi thiền để tu tâm thanh tịnh. Ông đã học được khoảng ba năm, có thể nhìn thấy quỷ, ông đến nói với tôi. Đối với việc hoằng pháp lợi sanh, ông rất là coi trọng. Ông thấy tôi giảng Kinh giảng vất vả như vậy, ông nói: “Cái này ông không học”. Tôi hỏi: “Vậy ông tính làm sao?”. Ông nói ông học thần thông, ông dùng thần thông vừa biến hiện thì mọi người đều tin, còn tôi thì giảng đến đau cả lưỡi mọi người đều không tin, ông dùng thần thông để giáo hóa chúng sanh, cho nên chúng tôi đi hai con đường khác nhau, tôi thì học giáo với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, ông thì học Mật với thượng sư Âu Dương Quang. Quả nhiên chỉ trong thời gian 3 năm, ông nói với tôi, mỗi ngày buổi chiều khoảng chừng 5 giờ, mặt trời còn chưa lặn, lúc mặt trời sắp sửa lặn xuống, thì trên đường đã có ma quỷ đi lại rồi, người và ma lẫn vào nhau, nhưng lúc này thì rất ít, đây là buổi sáng sớm của quỷ mà, sáng sớm thì người thức dậy rất ít, có một số quỷ đã đi lại ở trên đường rồi; đến chừng 9 - 10 giờ đêm thì đầy hết cả đường đi, rất náo nhiệt. Ông là người bạn thân của tôi, con người này rất thành thật, trì giới rất nghiêm, nhất định không hề nói vọng ngữ. Lúc mới đầu ông nhìn thấy thì sợ hãi, sau này xem lâu rồi, ngày ngày đều nhìn thấy nên cũng không còn thấy sợ nữa, lại còn có thể qua lại với quỷ, cũng có thể nói chuyện. Ông đến nói với tôi những sự việc này. Tôi nói, ông thần thông vẫn còn chưa học xong mà quỷ thông thì học được rồi, vẫn là như câu nói trong nhà Phật: Nhân không chánh thì quả không tròn. Mục tiêu của ông không phải là tu giới định tuệ, mà mục tiêu là cầu thần thông, cái ý niệm này sai rồi, cái nhân địa đã sai, tuy rằng việc tu trì rất tốt. Tôi thấy tướng của ông mập có vẻ bủng beo, thân thể không có rắn chắc, vả lại trên mặt lại có phần u ám, đại khái là vì đã tiếp xúc lâu dài với quỷ. Tôi đến Đài Trung đem tình hình của ông báo cáo với lão sư Lý, lão sư Lý lắc đầu nói với tôi: “Mỗi người một nhân duyên, nếu đã vậy thì hết cách, nhân duyên mỗi người mà”. Tôi khuyên ông đến Đài Trung học giáo, ông không chịu nghe. Ông bằng tuổi với tôi, vận mạng cũng tương đồng, 45 tuổi thì ông đã mất rồi. Vào lúc đó rất nhiều người đoán mạng nói ba người chúng tôi (ba người cùng tuổi) đều nói sẽ không thể qua khỏi tuổi 45. Có một vị, là Pháp sư Pháp Dung, vào năm 45 tuổi đó đã mất vào tháng hai, còn ông thì khoảng chừng tháng 4 là mất, đến tháng 7 thì tôi lâm bệnh. Tôi nghĩ chắc là đến phiên tôi rồi, đâu còn cách nào khác, số mạng tới rồi, cho nên tôi cũng không đi tìm bác sĩ, cũng không uống thuốc. Tôi đã suy nghĩ thấu đáo, bác sĩ chỉ có thể trị bệnh chứ không thể trị mạng, số mạng tới rồi thì còn gì để nói nữa? Cho nên đóng cửa lại để niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ. Vào năm đó, tôi ở tại Cơ Long Đại Học Tự an cư kiết hạ, giảng “Kinh Lăng Nghiêm”. Tôi đã giảng được ba quyển trong bộ “Kinh Lăng Nghiêm” thì bị bệnh, trở về đóng cửa phòng niệm Phật. Niệm được một tháng cũng chưa chết mà bệnh thì lại khỏi. Tôi không có cầu sống lâu, không có muốn sống lâu, niệm được một tháng thì bệnh liền khỏi.

Thấy quỷ thì không khó, các vị nếu muốn thấy quỷ thì rất dễ, tôi chỉ cho các vị một phương pháp, bạn học cho tốt trong ba năm, bảo đảm bạn ngày ngày đều thấy quỷ. Ở Đài Trung, chúng tôi có một cái Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, tổng cán sự nhiệm kỳ trước là cư sĩ Giản Phong Văn. Trước kia, khi ông còn chưa gặp tôi, ông cũng học Mật tông, ông cũng học Thiền, ngày ngày tọa thiền. Lúc ông vừa nhập định thì nhìn thấy quỷ, ông nhìn thấy Diêm La Vương, Thập Điện Diêm Vương ông đều đã thấy qua. Ông nói Diêm La Vương dáng người không cao lắm, cao cũng khoảng chừng ba thước, ông cũng thường hay qua lại với họ. Về sau học Phật với tôi, tôi nói việc này không thích hợp, cảnh giới này của ông không tốt, nếu cứ như vậy lâu dài về sau, e rằng sẽ đi con đường giống như Pháp sư Minh Diễn. Ông hỏi tôi phải làm sao? Nếu như ông trong lúc ngồi thiền nhập định, cảnh giới như vậy hiện tiền, thì ông có thể xuất định, thì ông không nên tọa thiền nữa, ông hãy nhiễu Phật hoặc là đi lạy Phật, hãy dùng cách như vậy. Tôi chỉ ông dùng phương pháp này sửa lại, đại khái sau khoảng nửa năm thì cảnh giới này không còn nữa. Không có cảnh giới nào là tốt, trong định thường hay thấy quỷ thấy thần thì không phải là việc tốt, đến cả việc thường hay nằm mộng nhìn thấy những người đã chết thì cũng không phải là việc tốt. Vì vậy, đây là chúng ta nói đến quả báo, nói đến luân hồi, đó là thật không phải giả, những sự việc như vậy chúng ta có thể thông qua thiền định. Đối với người niệm Phật chúng ta, chúng ta niệm Phật cũng là tu thiền định, niệm cho đến tâm địa thanh tịnh, chúng ta nói là công phu thành phiến, cảnh giới này liền có thể hiện tiền. Công phu thành phiến thì cũng là có sự định công nhất định rồi, có thể nhiếp tâm, sẽ không phan duyên với bên ngoài. Quỷ đạo, Thiên đạo, Dục Giới thiên, những giới hạn này rất dễ dàng đột phá, bạn có thể qua lại với người của trời Dục Giới, có thể qua lại với ngạ quỷ đạo, không phải là một việc khó.

Từ đây mà biết, A Nan là Bồ Tát thị hiện, có quyền lực thị hiện để giúp đỡ Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hóa chúng sanh, thay chúng ta nêu ra vô vàn những sự nghi vấn. Nói đến “bất tư nghị”, có thể nói bản Kinh này từ đầu đến cuối, mỗi câu mỗi chữ đều không thể nghĩ bàn. Chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 259)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ