Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 260)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 260)
**************** ĐỆ THẬP NHỊ: QUANG MINH BIẾN CHIẾU Kinh văn giảng đến chỗ này giới thiệu Thế giới Tây Phương chánh báo trang nghiêm. Kinh văn phân thành hai đoạn, đoạn thứ nhất là chủ, đoạn thứ hai là bạn. Chủ là Phật A Di Đà giáo chủ Tây Phương. Kinh văn: "Phật cáo A Nan: “A Di Đà Phật oai thần quang minh, tối tôn đệ nhất. Thập phương chư Phật, sở bất năng cập, biến chiếu Đông phương hằng sa Phật sát. Nam, Tây, Bắc phương, tứ duy thượng hạ, diệc phục như thị”". Chúng ta xem đoạn Kinh này, đoạn Kinh này trong 48 nguyện chính là sự thành tựu của nguyện thứ 13 và 14. Nguyện thứ 13 là “nguyện quang minh vô lượng”, nguyện 14 là “nguyện xúc quang an lạc”. Thế Tôn ở tại chỗ này đã gọi A Nan và nói với ông, gọi đích danh người đương cơ thì phía sau nhất định là khai thị rất quan trọng, đặc biệt nhắc nhở ông chú ý. Chúng ta biết A Nan tôn giả ở trong pháp hội là người đại biểu cho chúng ta, Phật gọi A Nan, cái ý này chính là gọi đích danh mỗi một người trong mỗi chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy vô cùng thân thiết. Đoạn Kinh văn này, những đồng tu mới học đọc tới thì không có vấn đề, người tu hành lâu đọc đến đoạn Kinh này thì khó tránh sanh hoài nghi. Vì sao vậy? Thế Tôn trước giờ dạy bảo chúng ta đều

****************

ĐỆ THẬP NHỊ:

QUANG MINH BIẾN CHIẾU

Kinh văn giảng đến chỗ này giới thiệu Thế giới Tây Phương chánh báo trang nghiêm. Kinh văn phân thành hai đoạn, đoạn thứ nhất là chủ, đoạn thứ hai là bạn. Chủ là Phật A Di Đà giáo chủ Tây Phương.

Kinh văn: "Phật cáo A Nan: “A Di Đà Phật oai thần quang minh, tối tôn đệ nhất. Thập phương chư Phật, sở bất năng cập, biến chiếu Đông phương hằng sa Phật sát. Nam, Tây, Bắc phương, tứ duy thượng hạ, diệc phục như thị”".

Chúng ta xem đoạn Kinh này, đoạn Kinh này trong 48 nguyện chính là sự thành tựu của nguyện thứ 13 và 14. Nguyện thứ 13 là “nguyện quang minh vô lượng”, nguyện 14 là “nguyện xúc quang an lạc”. Thế Tôn ở tại chỗ này đã gọi A Nan và nói với ông, gọi đích danh người đương cơ thì phía sau nhất định là khai thị rất quan trọng, đặc biệt nhắc nhở ông chú ý. Chúng ta biết A Nan tôn giả ở trong pháp hội là người đại biểu cho chúng ta, Phật gọi A Nan, cái ý này chính là gọi đích danh mỗi một người trong mỗi chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy vô cùng thân thiết. Đoạn Kinh văn này, những đồng tu mới học đọc tới thì không có vấn đề, người tu hành lâu đọc đến đoạn Kinh này thì khó tránh sanh hoài nghi. Vì sao vậy? Thế Tôn trước giờ dạy bảo chúng ta đều nói rằng Phật pháp là bình đẳng, mười phương ba đời tất cả chư Phật trí huệ bình đẳng, đức năng bình đẳng, tướng hảo bình đẳng, không có gì là không bình đẳng, vậy tại sao mà Phật A Di Đà lại trở thành tối tôn đệ nhất? Cái vấn đề này thật sự hỏi rất có lý, không phải không có đạo lý. Không những người hiện tại có vấn đề này, mà đã có từ xưa rồi. Từ xưa chư Tổ sư Đại đức thường nói, chúng sanh tu hành chứng quả đoạn phiền não đều như nhau, kiến tư phiền não đoạn tận, trần sa phiền não đoạn tận, vô minh phiền não cũng đoạn tận, như vậy mới chứng được quả vị cứu cánh viên mãn, do đó quả thật là tương đồng, không có sai biệt, Phật Phật đạo đồng, nhưng mà trong sự tương đồng vẫn có sự bất đồng. Bất tương đồng ở chỗ nào? Hạnh - nguyện bất tương đồng. Mỗi một vị Phật đều phát nguyện khác nhau, do đó mà thấy, trong tương đồng cũng có dị biệt, trong bất đồng cũng có tương đồng. Những đạo lý những chân tướng sự thật này, chúng ta đều phải nên đem chúng làm cho rõ ràng, cho minh bạch thì mới có thể đoạn nghi sanh tín. Ở trong số tất cả chư Phật, thực tại hoằng nguyện mà Phật A Di Đà đã phát không hề giống với những vị Phật khác. Sự việc này chúng ta không hề thấy khó hiểu. Ví dụ như ở thế gian này của chúng ta, có một số người rất giàu sang phú quý, địa vị của họ tương đồng, trí tuệ cũng tương đồng, năng lực cũng tương đồng, của cải cũng tương đồng, thế gian này của chúng ta, những người như vậy có thể tìm được, nhưng mà nguyện vọng của mỗi một người không giống nhau, cũng chính là nói, tuy là đức năng và trí huệ của họ có thể đều tương đồng, nhưng sự cống hiến của họ đối với xã hội thì không tương đồng. Trong xã hội chúng ta đều có thể nhìn thấy. Đương nhiên chư Phật Như Lai đều không có tự tư tự lợi, đều viên mãn chứng được chúng sanh quốc độ trong hư không pháp giới là chính mình, đây là khẳng định đều đã chứng được. Do vậy, chư Phật Như Lai bất luận các Ngài đã phát nguyện gì thì cũng không ngoài việc vì chúng sanh mà phục vụ, cũng chính là chúng ta thường nói tứ hoằng thệ nguyện. Tứ hoằng thệ nguyện là đại nguyện chung của hết thảy chư Phật Như Lai, thật sự là bình đẳng, không có sai biệt. Phật A Di Đà phát 48 thệ nguyện đó chính là biệt nguyện, đây là hoằng nguyện đặc biệt của vị tôn Phật này, có một chút khác biệt so với các vị khác, người thông thường chúng ta gọi là đại đồng tiểu dị. Phật A Di Đà đã phát cái nguyện này quá viên mãn, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai đều tán thán, đều cổ vũ cho Ngài, thế là Ngài đã trở thành tối tôn đệ nhất, sự tình chính là như vậy. Vậy thì chúng ta thắc mắc, tất cả chư Phật Như Lai mười phương có phát cái hoằng nguyện của Phật A Di Đà hay không? Khẳng định là đều phát, nhưng mà chung quy là Phật A Di Đà dẫn đầu, Ngài phát trước tiên, Ngài phát đầu tiên hết, sau đó mới phát nguyện theo Ngài, cho nên Ngài vẫn là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, đạo lý là ở chỗ này.

Vậy chúng ta sẽ thắc mắc, hết thảy chư Phật Như Lai nói với tất cả chúng sanh, nói rất nhiều những loại pháp môn với chúng sanh trong mười phương thế giới, sau cùng có phải là dẫn về Thế giới Cực Lạc hay không? Trong tưởng tượng của chúng ta, việc này nhất quyết khẳng định là như vậy, mà Phật Thích Ca Mâu Ni là một ví dụ. Thế Tôn xuất hiện ở thế gian này, giảng Kinh thuyết pháp 49 năm là vì chúng sanh ở thế giới này của chúng ta, tất cả pháp đã nói ra trong 49 năm, đến sau cùng dẫn quy về Cực Lạc. Bạn muốn hỏi, những lời này là ai nói vậy? Tôi không dám nói những lời này, mà lịch đại Tổ sư Đại đức bất luận là ở tông phái nào cũng đều đã công nhận. Có lẽ bạn sẽ nói “cũng chưa chắc”, nếu bạn nói “còn chưa chắc” thì là bạn học giáo đã qua loa đại khái. Bạn để tâm mà quan sát tỉ mỉ thì bạn sẽ nhìn thấy. Sự quy túc sau cùng của 84.000 pháp môn, mọi người đều hiểu được Nhất Chân Pháp Giới và Hoa Tạng Thế giới. Cho nên, Đại đức thời Tùy Đường đã làm một nghiên cứu quan sát hết sức tỉ mỉ, mọi người công nhận trong tất cả Kinh điển thì “Hoa Nghiêm” là số một, “Hoa Nghiêm” là pháp luân căn bản, tất cả Kinh đều là quyến thuộc của “Hoa Nghiêm”, là cành lá của “Hoa Nghiêm”. Các vị nghĩ xem, có chiếc lá, có cành nhánh nào mà không nối liền với gốc? Lá rụng thì về cội, tự quy về gốc thì đều quy về “Hoa Nghiêm”. “Hoa Nghiêm” thì quy về đâu? “Hoa Nghiêm” đến sau cùng, Phổ Hiền Bồ Tát Thập Đại Nguyện Vương dẫn quy về Cực Lạc. Các vị nghĩ xem, việc này không phải đã quá rõ ràng rồi sao? Bất luận bạn tu học pháp môn nào, đến sau cùng hết thảy đều quy về Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở chỗ này thì chúng ta phải hiểu được, Tịnh Độ là trực tiếp quay về Thế giới Cực Lạc, những pháp môn khác đều không tránh khỏi việc phải đi vòng vèo, làm việc ở ngoài cành ngoài lá phải lòng vòng quanh co, đến cuối cùng vẫn phải quay về cái cội này, không có ngoại lệ. Phật Thích Ca Mâu Ni độ hóa chúng sanh như vậy, thì chúng ta nghĩ đến mười phương ba đời tất cả chư Phật độ hóa chúng sanh không có ngoại lệ. Chúng sanh trong thế giới mười phương căn tánh không tương đồng, cho nên chư Phật nói pháp môn đương nhiên không như nhau, nhưng mà bất luận là vị Phật nào, bất luận ở tại pháp môn nào, thuyết pháp với một chúng sanh nào, không ai không giảng Tịnh Độ tam Kinh, cũng chính là nói, ba Kinh Tịnh Độ khẳng định là phải thuyết giảng, “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” khẳng định cũng phải giảng. Việc này trở thành như thế nào? Đã trở thành khóa mục chung để cho hết thảy chư Phật giáo hóa chúng sanh. Nếu như chúng ta có thể thể hội được ý nghĩa này thì bạn mới biết sự thù thắng của Tịnh Độ, trực tiếp vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, vì thế mà oai thần quang minh của Phật A Di Đà là “tối tôn đệ nhất”.

Cái “tối tôn đệ nhất” này của Ngài là từ đâu mà đến? Nếu bạn nói là Ngài tự mình tu lấy, Ngài mạnh hơn những người khác, vậy thì lời nói đó nói sẽ không thông, sự “bình đẳng” của Phật pháp sẽ nói không thông. Đại nguyện, đại hạnh của Phật A Di Đà nhận được sự tán thán của chư Phật Như Lai, nhận được sự ủng hộ của chư Phật Như Lai, cho nên quang minh oai thần của Ngài là chư Phật đã gia trì cho Ngài, là như vậy mà ra. Cũng như thế gian có một người lãnh đạo rất tốt, được người dân cả đất nước ủng hộ, uy đức của người đó là từ đâu mà có? Người cả nước ủng hộ người đó uy đức mới có, nếu không thì người đó cũng như người thông thường mà thôi, người đó thì có gì khác đâu chứ? Oai đức quang minh của Phật A Di Đà là được sự ủng hộ của tất cả chư Phật Như Lai. Làm sao chúng ta biết được? Bởi vì chúng ta đã xem thấy Phật Thích Ca Mâu Ni ủng hộ Phật A Di Đà. Các vị nghĩ xem, Phật Thích Ca Mâu Ni không có dạy chúng ta niệm danh hiệu của Ngài, tại vì sao chúng ta không niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật? Tại vì sao phải niệm Nam Mô A Di Đà Phật? Ở chỗ này chúng ta phải chú tâm mà thể hội, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta niệm A Di Đà Phật, chúng ta niệm A Di Đà Phật thì Thích Ca Mâu Ni Phật hoan hỷ, vì chúng ta nghe lời. Nếu bạn cứ khăng khăng giãy nảy với Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Phật Thích Ca Mâu Ni là bổn sư của chúng con, Phật A Di Đà là của thế giới tha phương, ở cách chúng ta quá xa, chúng ta tại vì sao không lạy lão sư của chính mình mà đi lạy lão sư của người khác?”. Những lời này tôi đã nghe rất nhiều, không phải là cư sĩ nói với tôi mà là pháp sư nói với tôi. Họ niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, họ không niệm A Di Đà Phật, trong Phật đường của họ cúng dường tượng của Thích Ca Mâu Ni Phật, cúng A Nan, cúng Ca Diếp, họ không cúng Tây Phương Tam Thánh. Quả thực có một hàng đệ tử Phật chấp trước như vậy. Vậy trong sự tưởng tượng của chúng ta, nếu Thích Ca Mâu Ni Phật nhìn thấy những hàng học trò này, nhất định cũng chau mày nhíu mặt, cũng hết cách đối với họ, cũng đành tùy họ mà thôi. Nhưng chúng ta hiểu được, họ đi đó là một con đường quanh co vòng vo, xem họ đến lúc nào thì lá rụng về cội. Nếu như mà lỡ đánh một vòng rất lớn, sự chấp trước kiên cố này không thể nào buông bỏ được, họ cũng có thể thành tựu, sau cùng họ sanh đến Nhất Chân Pháp Giới, sanh đến Hoa Tạng Thế giới, thời gian rất dài, không phải ngắn. Sanh đến Hoa Tạng Thế giới, chúng ta xem thấy trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Sơ Trụ Bồ Tát đã nhập Nhất Chân Pháp Giới, bắt đầu tính từ ngày chứng được Sơ Trụ, ở Hoa Tạng Thế Giới thành Phật phải tu hành ba đại A Tăng Kỳ kiếp. Các vị đồng tu phải nhớ kỹ, ba đại A Tăng Kỳ kiếp không phải nói với chúng ta, mà là từ khi bạn sanh đến Hoa Tạng Thế Giới, tính từ ngày bạn chứng được Viên Giáo Sơ Trụ, chúng ta hiện tại tu hành chưa được tính.

A Tăng Kỳ kiếp thứ nhất chứng được ba bậc hiền vị là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng. Đến A Tăng Kỳ kiếp thứ hai chính là “Địa Thượng Bồ Tát” của Hoa Tạng Thế Giới, chứng được Sơ Địa. A Tăng Kỳ kiếp thứ hai chứng bảy bậc, từ Sơ Địa đến Thất Địa. Đến A Tăng Kỳ kiếp thứ ba chứng thêm ba bậc là Bát Địa, Cửu Địa và Thập Địa, là Bồ Tát Pháp Vân Địa. Tu mãn ba đại A Tăng Kỳ kiếp rồi thì mới là Bồ Tát Pháp Vân Địa, tu mãn rồi liền chứng được Đẳng Giác, vẫn chưa có thành Phật. Chúng ta ở trên “Kinh Hoa Nghiêm”, đọc đến đoạn Bồ Tát Địa Thượng ở Hoa Tạng Thế Giới “thủy chung bất ly niệm Phật”, họ đã quay về cội. “Thủy” là Sơ Địa, “chung” là Đẳng Giác, 11 tầng bậc này, Thế giới Hoa Tạng từ Sơ Địa đến Đẳng Giác, không một người nào không niệm A Di Đà Phật. Phải đi một vòng lớn đến như vậy, phải dùng thời gian lâu đến như vậy mới tìm được gốc rễ.

Phải biết rằng Tịnh Tông là cội gốc. Người tu hành chứng được Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, trí huệ đã khai rồi, chân tướng vũ trụ nhân sanh minh bạch rồi thì sẽ không hoài nghi nữa, vào lúc này chân chánh niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ. Ai là người dẫn đầu? Phổ Hiền và Văn Thù dẫn đầu. Chúng ta ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” xem thấy hai vị đại Bồ Tát này phát nguyện vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới, làm cho các Pháp Thân Đại Sĩ của Hoa Tạng Hải Hội xem. Những vị Pháp Thân Đại Sĩ này, tính từ Sơ Trụ Bồ Tát 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ; người có căn lợi nhìn thấy Văn Thù, Phổ Hiền thì liền lập tức tiếp nhận, hay nói cách khác, họ sanh Hoa Tạng chính là sanh Cực Lạc; Bồ Tát căn tánh độn nhìn thấy Văn Thù, Phổ Hiền vãng sanh Thế giới Cực Lạc, họ vẫn chưa thấy động lòng, vẫn chưa có khởi lên cái ý niệm này, vậy từ từ đợi đến khi họ tu hành được một A Tăng Kỳ kiếp, đến A Tăng Kỳ kiếp thứ hai, họ chứng được quả vị “Địa Thượng Bồ Tát” nhất định giác ngộ được, họ đã phá được 31 phẩm vô minh, được rồi, Văn Thù, Phổ Hiền khuyên họ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới, lúc này thì sẽ không có vấn đề gì. Những đại Kinh đại luận này chúng ta hãy tỉ mỉ mà tham cứu, thì chúng ta mới hiểu được, mới rõ ràng được, đoạn nghi sanh tín.

Hiện tại chúng ta là phàm phu sát đất, một phẩm phiền não cũng chưa phá, nhưng mà duyên phần của chúng ta tốt, rõ là như Thiện Đạo Đại Sư đã nói “chín phẩm vãng sanh chung quy là do gặp duyên không đồng”. Những lời này nói rất hay. Cửu phẩm có thượng thượng phẩm vãng sanh. Những người thượng thượng phẩm đó, những người hạ hạ phẩm này vì sao mà không đồng vậy? Gặp duyên không đồng, không phải nguyên nhân nào khác.

Cái duyên mà chúng ta gặp ngày nay là vô cùng thù thắng, thành thật mà nói, mọi người phải chăm chỉ nỗ lực học tập. Chúng ta gặp được là duyên gì vậy? Duyên thượng phẩm thượng sanh, không phải thượng phẩm trung sanh. Nhân duyên vô cùng hiếm có, chỉ cần bạn nghe hiểu được hết những loại Kinh giáo Đại thừa này, nghe được rõ ràng, chân thật phát tâm, Phật dạy cho chúng ta phải buông xả mà chân thật buông xả được, sau đó “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, thì chúng ta lấy được thượng phẩm thượng sanh. Cái cơ duyên này phải trân trọng.

Bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này lần này giảng tại Singapore là lần thứ mười một rồi, trước đây tôi đã giảng qua mười lần rồi, đây là lần thứ mười một rồi. Lần này bởi vì không bị hạn chế về thời gian, chúng tôi sẽ giảng tường tận. Các vị đồng tu cũng hoan hỷ với cách làm này, thời gian không gấp gáp, vậy từ từ mà làm.

Người niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới phải ghi nhớ, “Kinh Vô Lượng Thọ” là giấy bảo đảm mà Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni đã trao truyền cho chúng ta, bảo đảm cho bạn ngay trong một đời vãng sanh bất thoái thành Phật, là giấy bảo đảm. Bảo đảm bạn đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới là phẩm vị như thế nào? Tôi đã từng nói qua rất nhiều lần, bạn có thể đem những đạo lý đã nói ở trong “Kinh Vô Lượng Thọ” thật sự biến thành tư tưởng kiến giải của chính mình, đem 100% những giáo huấn mà Phật đã nói ở trên Kinh, có nghĩa là, những việc nào Phật dạy chúng ta làm, thì chúng ta cần phải làm được toàn bộ; những việc nào Phật nói không thể làm, thì một điều chúng ta cũng không phạm, vậy thì bạn vãng sanh thượng thượng phẩm, giấy bảo đảm vãng sanh thượng thượng phẩm. Nếu như bạn vẫn chưa thể nào đoạn được sạch sẽ phiền não tập khí, những lý luận phương pháp giáo huấn ở trong bộ Kinh này có thể làm được đến 90%, còn 10% làm không được, có thể làm được 90% thì đã khá lắm rồi, thì bạn vãng sanh thượng phẩm trung sanh. Nếu như bạn chỉ có thể làm được 80%, thì thượng phẩm hạ sanh. Có thể làm được 70%, còn 30% không làm được, thì trung phẩm thượng sanh. Chiếu theo tiêu chuẩn như vậy mà giảm xuống, hạ phẩm hạ sanh thì phải làm được bao nhiêu? Có thể làm được 20%, còn 80% làm không được, bạn có thể làm được 20% thì hạ hạ phẩm vãng sanh. Nếu 20% mà cũng không làm được thì bạn sẽ không thể vãng sanh, trong đời này chỉ có thể kết pháp duyên cùng với Phật A Di Đà, với “Kinh Vô Lượng Thọ”, quyết định không thể vãng sanh. Do đó, các đồng tu chúng ta cần phải có lòng cảnh giác cao độ, chúng ta không thể đặt tiêu chuẩn là 20%, mục tiêu 20% quá nguy hiểm, nếu lỡ làm không được vậy thì xong rồi, cuộc đời này sẽ luống uổng. Tiêu chuẩn đó tốt nhất là phải đặt 80%, cho là trừ hao một nửa vẫn còn 40%, bạn vẫn còn là trung phẩm trung sanh hoặc bạn vẫn còn là hạ phẩm thượng sanh, 40% thì được hạ phẩm thượng sanh. Cho nên, tiêu chuẩn thấp nhất chúng ta phải đặt đến 80%.

Cách tu như thế nào? Ngày ngày phải đọc Kinh, ngày ngày phải nghe Kinh, ba ngày không nghe Kinh thì bạn đã thoái lui không biết là bao nhiêu. Vì sao chứ? Phiền não tập khí nặng, sức mê hoặc của ngũ dục lục trần quá lớn, bạn không thể nào không thoái chuyển. Lúc trước, cư sĩ Hứa Triết ở bên này đã nói với chúng tôi, người thông thường như chúng ta mà nổi giận một phút thì cái thân thể này mất ba ngày mới có thể hồi phục. Chỉ nổi giận một phút thôi, mà sự tổn hại đối với cơ thể đến ba ngày sau mới hồi phục trở lại. Bà nói lời này là thật, không phải giả. Chúng ta ba ngày không đọc Kinh, tùy thuận những phiền não tập khí này thì e rằng 30 ngày sau cũng không thể chuyển trở lại. Đây là thật, một chút cũng không giả. Bạn bình thường công phu đã đắc lực, Tịnh Tông thì gọi là công phu thành phiến, thành phiến là được đắc lực, tâm địa thanh tịnh, đem công phu tu hành của ba năm gác lại, đi nghỉ mát ba ngày, chỉ đi nghỉ mát ba ngày, bạn không tin, bạn trở về xem, trong một tháng có thể khôi phục trở lại như cũ hay không? Lời tôi nói không phải giả dối. Người tu hành không thể đi nghỉ mát, vừa đi nghỉ mát thì liền xong rồi. Thường thường đi nghỉ mát thì cả cuộc đời cũng không thể hồi phục trở lại. Người không dụng công thì không biết, người dụng công thì đều hiểu.

Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm cho chúng ta một sự thị hiện, trong cả cuộc đời không hề có nghỉ ngơi. Đến khi nào thì có thể nghỉ ngơi tham học? Cái đó thì không phải là nghỉ ngơi, mà là tham học. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói cho chúng ta một cái tiêu chuẩn, “phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân”, đến lúc này thì có thể tham học. Vì sao vậy? Bạn đi nghỉ dưỡng thì cũng không sao cả, vì bạn tuyệt đối không bị tiêm nhiễm bởi hoàn cảnh bên ngoài. Họ có cái bản lĩnh này, có cái định huệ như vậy. Đây là địa vị gì vậy? Vừa lúc nãy đã nói là địa vị Viên Giáo Sơ Trụ, “phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân”, bạn mới đủ tư cách bước ra đi tham học. Hiện tại người trẻ tuổi làm sao có thể hiểu được đạo lý này? Khi tôi còn trẻ thì tôi cũng không biết, đến khi tôi đi cầu học với lão sư Lý, đại khái cũng khoảng chừng năm đến sáu năm, tôi xuất gia ba, bốn năm thì có một cơ duyên. Trong đạo tràng có một vị cư sĩ có một cái biệt thự ở trên núi, không có ai ở, là ngôi nhà kiểu Nhật Bản, xây dựng vào thời thế chiến thứ hai, xây dựng trên một ngọn núi ở thôn quê, phía sau nhà là một cái hầm trú ẩn, vào lúc đó để nấp bom do quân Liên Minh ném, có lẽ là vào lúc người Nhật Bản còn đang thống trị. Sau khi chiến tranh kết thúc, nơi đó của họ thì không có ai đi đến nữa. Ngôi nhà được xây dựng rất tốt. Ông muốn đem ngôi nhà đó cúng dường cho chúng tôi (chúng tôi có mấy người đã xuất gia). Tôi liền đem sự việc này báo cáo với lão sư Lý, tôi nói chúng tôi lên núi ở, cũng giống như ở lều tranh trên núi tu hành vậy, hoàn cảnh rất thanh tịnh, hiện tại có cái duyên này. Lão sư Lý cũng không nói với tôi một lời nào cả. Lúc giảng Kinh, thầy tuyên bố với tất cả mọi người (trên thực tế thì là nói đối với tôi), thầy đã nói điều gì? Nói việc bế quan và tu ở núi, trong Phật pháp là phải có điều kiện, không phải là không có điều kiện. Bế quan ở núi thì rất tốt, hưởng thanh phước. Lão sư lấy ví dụ của người xưa, “Triệu Châu 80 tuổi còn vân du”. Hòa thượng Triệu Châu, lần trước Pháp sư Tịnh Huệ đã có đến nơi này, đạo tràng Bạch Vân Tự của Pháp sư Tịnh Huệ chính là Hòa thượng Triệu Châu kiến lập. Hòa thượng Triệu Châu 80 tuổi, tại vì sao ông lại không bế quan, vì sao ông không cất lều tranh? Vì không đủ điều kiện. Điều kiện gì vậy? Lão sư Lý nói, tham thiền đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh mới có đủ tư cách ở lều tranh, mới có tư cách bế quan. Giáo hạ nghiên cứu Kinh giáo được đại khai viên giải mới có tư cách. Tịnh Độ Tông thì phải niệm đến lý nhất tâm bất loạn, sự nhất tâm thì vẫn chưa được, vẫn chưa đủ tư cách. Lão sư đã nói như vậy, đương nhiên chúng tôi chưa đủ tư cách, vẫn còn kém rất xa. Tiếp đến lão sư nói với tôi, sau khi bản thân thành tựu thì phải giáo hóa chúng sanh, làm gì còn có thời gian để bế quan ở lều tranh? Vậy thì bạn đã đi ngược lại bổn nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” của mình, bạn không độ chúng sanh rồi, bạn lo chạy đi hưởng thanh phước của mình rồi. Vậy rốt cuộc điều kiện là gì mới có thể bế quan, mới có thể lên núi ở? Sau khi triệt ngộ, sau khi đại khai viên giải mà không có pháp duyên, hay nói cách khác, không có ai mời bạn giảng Kinh thuyết pháp, lúc này thì phải làm sao? Lúc này thì bế quan, cất lều tranh ở. Những người đi tham học trong thiên hạ thường nói là tầm sư học đạo. Ai là chân thiện tri thức? Những người này đi dò hỏi người nào sống ở lều tranh, người nào bế quan, thì người đó là chân thiện tri thức, đến thân cận họ, đi khắp nơi nghe ngóng xem nơi nào có người sống ở lều tranh. Nếu như thân cận họ, họ không phải chân thật khai ngộ, không có năng lực dạy bạn, bạn mở cửa của họ ra, “ra đây, ra đây cùng nhau tham học với tôi, bạn vẫn chưa có tư cách bế quan”. Bế quan ở lều tranh là bậc thầy trời người, đây chính là tuyên bố với xã hội đại chúng, đạo nghiệp của họ thành tựu rồi, đã minh tâm kiến tánh rồi, là tuyên bố với đại chúng: “Các vị nếu như muốn cầu pháp thì đến chỗ của tôi. Tôi ở nơi này chờ các vị, đợi đến khi nhân duyên thành thục”, là sự việc như vậy. Nếu không thì Phật Thích Ca Mâu Ni tại vì sao không bế quan? Phật Thích Ca Mâu Ni tại vì sao không ở lều tranh? Chúng tôi mới hoát nhiên đại ngộ, về sau ở trước mặt lão sư Lý không còn dám nhắc đến việc này nữa.

Hiện tại người trẻ tuổi không có thân cận thiện tri thức, không có ai chỉ dạy họ, tuổi còn trẻ xuất gia chưa bao lâu thì liền bế quan, liền lên ở núi, liền ở nhà tranh, họ sẽ có được thành tựu gì? Nghe Kinh chưa minh bạch được ý nghĩa ở trong Kinh điển, nghe suông thôi.

Năm xưa, tôi ở Đài Loan tham gia buổi giảng tọa Từ Quang đại chuyên của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lão sư Lý muốn tôi đứng thay một tiết học, giúp các đồng học giải đáp vấn đề, mỗi ngày trả lời câu hỏi hai giờ. Giảng tọa có khoảng hơn 100 đồng học, tôi còn nhớ rất rõ ràng, có sáu người học trò ở sở nghiên cứu. Mỗi ngày tôi ở trên giảng đài để cho họ hỏi hai giờ đồng hồ, nhưng cũng không hề gì, nếu tôi không trả lời được, có lão sư Lý ở phía sau chống đỡ. Tôi thay lão sư để giải đáp, tôi có thể giải đáp thì tôi trả lời, tôi không thể giải đáp thì để lại cho lão sư. Thời gian chúng tôi học tập là bốn tuần. Bốn tuần lễ này, hơn 100 người mỗi ngày hỏi tôi hai giờ đồng hồ, lại chưa có ai hỏi khó được tôi, không có một vấn đề nào là khó đối với tôi. Tôi rất cảm thán. Người xưa thường nói: “Hậu sinh khả úy”, tôi nói xem ra các vị đều chẳng khả úy. Có một lần, họ nêu ra một vấn đề, cũng là có liên quan với chúng ta ở nơi này, các đồng học mới học Phật đều tránh không khỏi, đặc biệt là thành phần trí thức thì vấn đề đặc biệt nhiều, có một số vấn đề chúng tôi cũng không ngờ tới. Do vậy, nghi nhất định phải đoạn, phải hỏi, học hỏi, đoạn nghi sanh tín, giữ vững lòng tin của mình, “lòng tin là mẹ đẻ của mọi công đức”.

Lòng tin phải xây dựng từ chỗ nào? Nhất định phải thân cận thiện tri thức mới có thể đoạn nghi sanh tín. Pháp môn Tịnh Tông vì sao lại được tất cả chư Phật xưng tán? Chính là vì không cần đoạn phiền não, đới nghiệp vãng sanh. Hầu hết các pháp môn, nếu như không đoạn phiền não thì nhất định không thể thành tựu, kiến tư phiền não không đoạn thì nhất định không thể siêu vượt sáu nẻo luân hồi, trần sa phiền não không đoạn thì nhất định không thể siêu vượt mười pháp giới, vô minh phiền não không đoạn thì nhất định không thể sanh Nhất Chân Pháp Giới. Đây là đạo lý nhất định. Không đoạn phiền não thì tự tánh trí huệ Bát Nhã của bạn làm sao có thể hiện tiền. Chúng ta hiện tại trí huệ chưa khai. Tại vì sao chưa khai? Phiền não đã che mất tâm tánh, phiền não đã mê hoặc tâm trí, chính là sự việc như vậy.

Tổ sư Đại đức dạy cho chúng ta một phương pháp: “Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Mở lớp giảng tọa Phật học đại chuyên mục đích là gì? Chỉ là để cho các đồng học trồng một chút thiện căn mà thôi. Thiện căn nếu như đã sâu dày thì cái cơ duyên này sẽ khởi phát thiện căn của họ dậy, thiện căn của họ tăng trưởng. Có những đồng học này không? Có, số người không nhiều, tỉ lệ không lớn, chỉ 2% đến 3%, đại đa số đều không được, chỉ có trồng thiện căn cho họ. Sau bốn tuần, đến lúc tốt nghiệp cũng tổ chức một buổi tốt nghiệp. Lão sư Lý ở tại buổi lễ tốt nghiệp này đã rất cảm khái mà nói, các vị đã đi đến nơi này hết bốn tuần, ngày ngày đều tập trung học tập, quả thật đã thay đổi dáng vẻ, không bồng bột, xốc nổi giống như lúc vừa đến đây, đã có một chút quy củ, có một chút dáng vẻ. Lão sư Lý nói, nếu như hôm nay tốt nghiệp mà ngày mai đi xem vài bộ phim điện ảnh thì hỏng hết, bốn tuần lễ trở thành bọt bong bóng. Đây là thật, không phải giả, xem hai bộ phim thì chúng ta đã xong rồi, hoàn toàn lui sụt, đạo tâm liền không còn. Từ đó cho thấy, sự việc này của chúng ta không bỏ để đi nghỉ dưỡng được. Đại Thế Chí Bồ Tát ở trong “Niệm Phật Viên Thông Chương” đã dạy cho chúng ta phương pháp niệm Phật là “Thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương tục”, chúng ta có hiểu hay không? “Tương tục” chính là không gián đoạn, “tịnh niệm” chính là không hoài nghi, không xen tạp. Niệm Phật mà xen tạp vọng niệm thì đã đem công phu niệm Phật phá hỏng hết. Vì vậy, thân tâm thế giới tất cả buông xuống. Công phu đáng quý nhất chính là không xen tạp, không gián đoạn, không ai mà không thành tựu. Hiện tại, khoa học kỹ thuật phát triển đã đem lại cho xã hội nhiều thứ tốt mà cũng có nhiều mặt xấu của nó, mấu chốt là chúng ta lợi dụng như thế nào. Kinh phải có thể liễu giải thấu triệt, chân thật làm được đến không còn nghi hoặc, phiền não nhẹ thì trí huệ tăng.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 260)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ