Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 276)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 276)
Khoa đề: “Canh Nhị – Tại Hư Không”. Kinh văn: “Hữu tại hư không giảng tụng thọ thính giả, kinh hành, tư đạo cập tọa thiền giả”. Hôm qua, trong phần Kinh văn chúng ta đã xem thấy tình trạng đời sống tu học của một số đại chúng Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở trên mặt đất cũng có, ở trên hư không cũng có, không có gì mà không tự tại. Cổ đức nói ở trên mặt đất thì đại khái là người có công phu tu hành kém một chút, ở trong không trung thì có thể là cao hơn một chút. Cách nói này chúng ta cảm thấy có hơi miễn cưỡng. Vì sao vậy? Vì không tương ưng với bổn nguyện của Phật A Di Đà. Ở trong bổn nguyện của Phật A Di Đà đã nói với chúng ta rất rõ ràng, Thế giới Tây Phương Cực Lạc cùng với tất cả Sát Độ của chư Phật, những địa phương không như nhau này thì Thế giới Cực Lạc là một thế giới bình đẳng chân thật. Đây là việc không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Tất cả chúng sanh căn tánh không tương đồng, phiền não tập khí cũng không như nhau, việc này thì mọi người đều biết, mặc dù ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” chúng ta đã xem thấy vẫn là việc không bình đẳng như vậy. Vì sao vậy? Nó có 41 tầng bậc, là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa và Đẳng Giác, đó là sự không bình đẳng

Khoa đề: “Canh Nhị – Tại Hư Không”.

Kinh văn: “Hữu tại hư không giảng tụng thọ thính giả, kinh hành, tư đạo cập tọa thiền giả”.

Hôm qua, trong phần Kinh văn chúng ta đã xem thấy tình trạng đời sống tu học của một số đại chúng Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở trên mặt đất cũng có, ở trên hư không cũng có, không có gì mà không tự tại. Cổ đức nói ở trên mặt đất thì đại khái là người có công phu tu hành kém một chút, ở trong không trung thì có thể là cao hơn một chút. Cách nói này chúng ta cảm thấy có hơi miễn cưỡng. Vì sao vậy? Vì không tương ưng với bổn nguyện của Phật A Di Đà.

Ở trong bổn nguyện của Phật A Di Đà đã nói với chúng ta rất rõ ràng, Thế giới Tây Phương Cực Lạc cùng với tất cả Sát Độ của chư Phật, những địa phương không như nhau này thì Thế giới Cực Lạc là một thế giới bình đẳng chân thật. Đây là việc không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Tất cả chúng sanh căn tánh không tương đồng, phiền não tập khí cũng không như nhau, việc này thì mọi người đều biết, mặc dù ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” chúng ta đã xem thấy vẫn là việc không bình đẳng như vậy. Vì sao vậy? Nó có 41 tầng bậc, là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa và Đẳng Giác, đó là sự không bình đẳng. Thế giới Tây Phương tuy là có bốn độ ba bậc chín phẩm, nhưng mà đó là sự bình đẳng.

Ba đời tất cả chư Phật mười phương đều tán thán đối với Phật A Di Đà là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” không phải là không có đạo lý. Tầng bậc có hay không? Có thứ bậc, nhưng mà nó bình đẳng, họ đều cư ngụ ở trong một hội. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn, thế giới mười phương đều không có, duy chỉ có Thế giới Cực Lạc là có. Đây là ở trong bổn nguyện đã nói thường là những người được vãng sanh “đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát”. Ở chỗ này không hề nói thượng phẩm thượng sanh là A Duy Việt Trí, nhưng đã nói “giai thị” thì đã bao gồm Phàm Thánh Đồng Cư Độ hạ hạ phẩm vãng sanh cho đến Thật Báo Trang Nghiêm Độ thượng phẩm thượng sanh, đây mới gọi là “giai thị”. Câu Kinh văn này vô cùng quan trọng.

Chúng ta hiểu được đạo lý, hiểu được chân tướng sự thật, thì ở trên mặt đất hay ở trên không trung là tùy vào sự ưa thích của mỗi người. Tôi thích ở trên mặt đất, người kia thì thích ở trên không trung. Ưa thích việc ở trên không trung thì nhà cửa cung điện của bạn tự nhiên sẽ bay lên không trung, sẽ bay lên trên cao. Cách nói như vậy thì tương ưng với nghĩa nói ở trong Kinh. Vì thế, Thế giới Tây Phương đích thực là nơi đáng để cho chúng ta hướng về, chúng ta phải nên phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ.

Trong chú giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói đến việc tọa thiền, ông đã trích dẫn chú giải của các Đại đức xưa. Việc ngồi thiền phía trước cũng đã nói qua với các vị, nhưng cách nói của các Đại đức xưa thì chúng ta cũng phải biết, đây là thuộc về Phật học thường thức. Thiền là tiếng Phạn, là Thiền Na, ý nghĩa là tĩnh lặng suy nghĩ. Thiền Na là lấy tịch tĩnh làm thể. Tuy là tịch tĩnh, nhưng nó có tác dụng quán chiếu.

Sự việc này rất khó hình dung, cho nên người xưa thường hay dùng nước để làm ví dụ. Nước ở trong trạng thái tĩnh lặng thì cũng như là một cái gương soi, cho nên thể của nó phải tĩnh, không thể động. Sau khi tĩnh lặng thì nó mới quán chiếu, giống như cái gương soi vậy, sơn hà đại địa đều phản chiếu bên trong rất rõ ràng, rất minh bạch. Chúng ta muốn có cảnh giới này thì phải tĩnh, phải định mà quán chiếu, đây là chiếu. Đây là ý nghĩa của thiền.

Thiền là Phật tâm. Chúng ta nghe đến danh từ “Phật tâm” này đừng nên nghĩ rằng Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật, tất cả chư Phật. Tâm của mỗi một người trong chúng ta cùng với Phật tâm không có khác nhau. Phật tâm chính là chân tâm, chính là thiền tâm. Ý nghĩa này của thiền thì chúng ta đã hiểu rồi, thanh tịnh bất động lại có thể chiếu kiến, cho nên nó không phải là chết cứng mà nó là sống động. Nếu như chỉ có định không có chiếu thì không gọi là thiền, đó chỉ có thể gọi là định chứ không thể gọi là thiền định.

Trong việc thiền định nhất định phải có sự quán chiếu, vì có trí. Quán chiếu là trí huệ Bát Nhã vốn có của tự tánh. Cái chiếu này chúng ta rất khó mà tưởng tượng được. Vì sao vậy? Dùng nước để làm ví dụ, dùng gương soi để làm ví dụ, nó chỉ có thể chiếu được bề ngoài, không thể chiếu xuyên thấu được, còn tác dụng của thiền tâm là nó nhìn thấu được. Cái năng lực nhìn thấu đó chúng ta không có cách gì tưởng tượng được. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, ở bên trong một hạt vi trần, một sợi lông, một lỗ chân lông có vô lượng vô biên thế giới chư Phật, tuyệt đối không chỉ là hạt cải chứa núi Tu Di.

Hạt cải là hạt của cây cải, nó vẫn rất lớn, hạt của nó vẫn còn lớn lắm, ở trong hạt cải có chứa núi Tu Di, núi Tu Di không có thu nhỏ, hạt cải lại không có phình to. Núi Tu Di nằm được ở hạt cải, chúng ta rất khó mà tưởng tượng. Phật nói với chúng ta chân tướng sự thật, hạt vi trần so với hạt cải thì nhỏ hơn quá nhiều quá nhiều. Hạt vi trần thì mắt thường chúng ta nhìn không thấy, ở trên Kinh Phật thường hay nói, để cho chúng ta từ trong ví dụ của Phật mà tưởng tượng ra hạt vi trần.

Phật đã nói như thế nào? Phật từ bụi lông trâu (con trâu thì chúng ta đã thấy qua), trên cái đầu nhọn của lông con trâu có hạt bụi không thể rơi xuống được, vậy vẫn còn lớn, tôi nghĩ đại khái mắt thường mà thật tinh anh thì có thể nhìn thấy được. Trên đầu nhọn của sợi lông có một hạt bụi, đem hạt bụi lông trâu phân thành bảy phần, một phần bảy đó gọi là bụi lông dê. Lông con dê thì nhỏ hơn lông con trâu nhiều. Hạt bụi dính trên đầu sợi lông con dê cũng không rơi xuống được, nó nằm dính trên đó rất chắc chắn. Một phần bảy của hạt bụi lông dê lại chia làm bảy lần nữa, một phần bảy này được gọi là bụi lông thỏ. Lông con thỏ thì lại càng nhỏ hơn. Một phần bảy của bụi lông thỏ gọi là bụi nước. Hạt bụi này ở trong nước, giữa các hạt nước có khe hở, ngày nay thì chúng ta gọi là mật độ, mật độ của các hạt nước không lớn lắm nhưng nó có khe hở, cái hạt bụi này ở trong nước có thể tự do hoạt động mà không bị chướng ngại. Hạt bụi nước lại chia thành bảy phần, Phật nói là bụi vàng. Vàng là kim loại, mật độ của phân tử kim loại thì nhiều hơn rất nhiều, nhưng mà hiện nay chúng ta biết, dưới kính hiển vi kỹ thuật cao mà xem kim loại thì bên trong vẫn là có rất nhiều khe hở, chúng ta xem thấy giống như là từng ô từng ô ở trên của sổ vậy, vẫn còn khe hở. Bụi vàng không bị chướng ngại ở trong các khe hở đó. Hạt bụi vàng lại phân ra làm bảy, một phần bảy này mới gọi là vi trần, vì thế vi trần thì nhất định là mắt thường chúng ta nhìn không thấy. Nó vẫn chưa phải là nhỏ nhất, Phật nói thiên nhãn của A La Hán có thể nhìn thấy được vi trần. Vi trần còn có thể phân nữa, lại phân ra thì một phần bảy được gọi là Sắc Tụ Cực Vi, Bồ Tát mới có thể nhìn thấy, A La Hán thì không nhìn thấy. “Sắc Tụ Cực Vi” vẫn còn có thể phân chia, lại phân thành bảy thì một phần bảy này gọi là Cực Vi Chi Vi. Không chia thêm được nữa, chia nữa thì sẽ không còn, vì thế Cực Vi Chi Vi cũng gọi là “Lân Hư Trần”, nó cùng với hư không là hàng xóm, phân thêm nữa thì sẽ không còn. Đây là Phật thường nói với chúng ta ở trên Kinh.

Trong một hạt vi trần có đại thiên thế giới, không phải một cái đại thiên thế giới mà có vô lượng vô biên đại thiên thế giới trong một hạt vi trần. Ở trong số những đại thiên thế giới này có vô lượng vô biên chư Phật, có vô lượng vô biên Bồ Tát, còn có vô lượng vô biên chúng sanh mười pháp giới. Chúng ta ở tại thế giới này trong mỗi một hạt vi trần đều có chúng ta. Ai có thể nhìn thấy được? Bồ Tát Phổ Hiền có thể nhìn thấy, không những nhìn thấy mà Bồ Tát Phổ Hiền còn có thể vào. Cho nên thế giới là trùng trùng vô tận, là lập thể. Đến khi thật sự có công phu thiền định thậm thâm, hết thảy bạn đều có thể chiếu kiến. Không những có thể chiếu kiến mà còn có thể khế nhập giống như Bồ Tát Phổ Hiền. Cho nên ở trong Đại Kinh thường nói, Bồ Tát không tu Phổ Hiền hạnh thì không thể viên thành Phật đạo. Viên thành Phật đạo thì có thể nhìn thấy trùng trùng vô tận thế giới ở trong vi trần. Thế nào là trùng trùng vô tận? Trong một hạt vi trần thì có thế giới, vậy trong thế giới có vi trần hay không? Trong vi trần còn có vi trần, trong hạt vi trần đó lại có thế giới nữa. Tình trạng này thật sự là không dễ hiểu.

Xưa kia vào những năm đầu triều nhà Đường, Hiền Thủ Quốc sư giảng “Kinh Hoa Nghiêm” ở trong cung đình, giảng đến đoạn thế giới trùng trùng vô tận, quốc vương và đại thần nghe không hiểu. Hiền Thủ Quốc sư rất thông minh, xin Hoàng đế làm một cái đình bát giác, làm một cái đình nhỏ tám góc, là có tám mặt, mỗi một mặt đặt một tấm gương. Tám tấm gương này phản chiếu lẫn nhau, không phải là bạn không hiểu thế nào là trùng trùng vô tận hay sao? Sau đó mời Hoàng đế đi vào trong giữa đình mà đứng. Bạn hãy xem thử cảnh đó, bỗng nhiên liền ngộ ra, liền hiểu được. Lúc chúng ta đứng ở trong giữa tám tấm gương soi vào nhau, thì sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình trùng trùng vô tận, vô lượng vô biên đếm không nỗi. Thế giới là giống như vậy, chúng ta không có cách nào để tưởng tượng. Cho nên “Kinh Hoa Nghiêm” Phẩm Nhập Pháp Giới, bạn xem đề Kinh của 40 quyển Hoa Nghiêm: “Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới”, cảnh giới này là không thể nghĩ bàn. “Phổ Hiền Hạnh Nguyện”, bất tư nghị cảnh giới là sở nhập, Phổ Hiền hạnh nguyện là năng nhập, cho nên tu Phổ Hiền hạnh có thể nhập vào cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn. Trùng trùng vô tận thế giới, sự việc này vào lúc bình thường thì Phật không giảng. Vì sao vậy? Quá thâm sâu, quá vi diệu, phàm phu rất khó mà thể hội được, cho nên công phu thiền định sâu.

Chúng ta nói đến tu hành, ở chỗ này là nói đến hành đạo, nói đến tư đạo, nói đến tọa thiền, mấy câu nói này vô cùng quan trọng. Đây gọi là chân tu. Tu cái gì? Tu tâm thanh tịnh, chính là sáu căn ở trong cảnh giới sáu trần tu cái gì? Tu không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đây gọi là tọa thiền, thật sự là tọa thiền. Cảnh giới bên ngoài vẫn rất rõ ràng minh bạch, đó gọi là chiếu kiến. Cho nên ý nghĩa của thiền là tịnh lự. “Tịnh” chính là “như như bất động”, còn “lự” là rõ ràng sáng suốt. Tịnh là định, lự là huệ, định và huệ là một không phải hai. Cũng giống như nước vậy. Thanh tịnh là định. Thanh tịnh tự nhiên liền khởi khả năng chiếu, cho nên chiếu chính là huệ. Định và huệ là cùng một sự việc, định càng sâu thì huệ càng lớn, không có định thì quyết định không có trí huệ. Cho nên người thế gian chúng ta nói thông minh trí tuệ thì Phật không thừa nhận, Phật nói người thế gian những phàm phu lục đạo, những người thông minh trí tuệ đó gọi là thế trí biện thông, không phải là chân trí huệ. Chân trí huệ là từ trong thiền định mà sinh ra, bạn có tiểu định thì có tiểu huệ, bạn có đại định thì có đại huệ, bạn không có định thì quyết định không có trí huệ.

Định tu được từ đâu? Không nhất định là xếp bằng quay mặt vào vách, định chân chánh chính là sáu căn ở trong cảnh giới sáu trần, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, nhất định phải học rõ ràng minh bạch, như như bất động. Thực tế mà nói, chính là phần sau cùng “Kinh Kim Cang”, Thế Tôn đã dặn dò Tôn giả Tu Bồ Đề hai câu nói: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”. Bất thủ ư tướng là không trước tướng, tướng rõ ràng minh bạch thông suốt thấu đáo, quyết định không thể nào chấp trước, không thể nào phân biệt, không thể nào động niệm. Động cái ý niệm thì là vọng tưởng. Người này gọi là chân tu hành, chân thật tu thiền định, cho nên đi đứng nằm ngồi đều phải dụng công, công phu trước sau không hề bị gián đoạn.

Ngày nay chúng ta tu hành khó, khó ở chỗ nào vậy? Khó ở chỗ bạn sẽ khởi tâm động niệm. Bạn không hiểu được chân tướng sự thật, bạn sẽ khởi tâm động niệm. Chân tướng sự thật là cái gì? “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Kinh này của chúng ta đến phẩm mười bảy, ở trong phần ao suối công đức, đoạn Kinh văn phía sau: “Vô tính vô tác vô ngã thanh”, đến đoạn ấy thì sẽ nói với các vị sự việc này, “nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”, nói rõ chân tướng vũ trụ nhân sanh. Sau khi hiểu được chân tướng thì bạn sẽ không động tâm nữa, bạn nhìn thấy điều thiện không động tâm, nhìn thấy điều ác cũng không động tâm. Vì sao mà không động tâm? Bởi vì chân tướng sự thật, tất cả những hiện tượng, tất cả những chân vọng, tất cả những thị phi, hết thảy đều không có tồn tại. Những thứ này từ đâu mà đến? Đều là từ vọng tưởng của bạn mà sanh ra, trên thực tế không có những sự việc này. Vì sao chứ? Vì tất cả hiện tượng không trụ một sát na nào. Phàm phu chúng ta đã thấy sai, cho rằng là thật có.

Phó chủ nhiệm Ban Phóng sanh của Cư Sĩ Lâm chúng ta - cư sĩ Lâm Hưng Phúc đã vãng sanh vào sáng ngày hôm nay. Ông đã thị hiện cho chúng ta xem sự vô thường. Thật hiếm có. Ông không bị bệnh, buổi sáng làm thời khóa sáng, nghe nói ông lạy Phật vừa lạy xuống thì không đứng dậy nữa, liền đã đi rồi, đã đi vào thời khóa tụng buổi sáng. Việc này chúng ta người thông thường nói là bệnh tim đột phát, ra đi rất nhanh. “Kinh Bát Đại Nhân Giác” vừa mở đầu đã nói với chúng ta: “Thế gian vô thường, quốc độ mong manh”, là giả, đều không phải là thật, việc gì phải so đo tính toán? Việc gì phải phân biệt? Việc gì phải chấp trước? Vì sao không học Bồ Tát? Bồ Tát tất cả đều tùy duyên, bạn nói là tốt thì họ gật đầu với bạn, bạn nói không tốt họ cũng gật gật đầu, rốt cuộc dù tốt hay là không tốt họ cũng đều gật đầu đối với bạn, tuyệt đối sẽ không khởi tâm động niệm, tuyệt đối không có vọng tưởng phân biệt chấp trước. Đó là Thánh nhân. Chỉ có phàm phu mới khởi vọng tưởng, mới khởi phân biệt, mới khởi chấp trước, là tự mình chuốc lấy khổ, trên thực tế không có sự việc này. Chúng ta nhất định phải làm cho rõ ràng, làm cho minh bạch.

Tu hành có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Tám vạn bốn ngàn pháp môn không như nhau, phương pháp không như nhau, tu cái gì? Hết thảy đều tu thiền định. Chúng ta niệm Phật cũng là như vậy. Chúng ta niệm Phật là chấp trước danh hiệu, là niệm danh hiệu Phật A Di Đà, tu cái gì? Tu nhất tâm bất loạn. Các vị hãy nghĩ xem, nhất tâm bất loạn có phải là thiền định hay không? Chính là thiền định. Đây là dùng phương pháp không như nhau. Phương pháp này đích thực là vô cùng phương tiện, vô cùng thù thắng. Khi chúng ta vừa mới động cái ý niệm, thì lập tức khởi niệm A Di Đà Phật, đem ý niệm đó loại bỏ đi. Bất luận đó là ý niệm thiện hay là bất thiện, suy cho cùng cũng đều là vọng niệm. Cái gì mới là chánh niệm? Chánh niệm nghĩa là không có cái ý niệm nào. Cảnh giới thiền định gọi là chánh niệm, bên ngoài rõ ràng tường tận, bên trong “như như bất động”, đây gọi là chánh niệm. Chánh niệm là vô niệm. Dùng lời thì rất khó để nói. Vì sao vậy? Vì sợ mọi người hiểu sai ý, nói vô niệm, được thôi, tôi ý niệm gì cũng đều không có. Đó có phải là chánh niệm không? Đó cũng là sai rồi, cái ý niệm gì cũng không có thì đã trở thành Vô Tưởng Định rồi. Cho nên bất đắc dĩ phải nói lại với bạn, vô niệm là vô tà niệm. Nhưng không tà niệm thì bạn sẽ lại nghĩ đến có chánh niệm, bạn vẫn là còn đang phân biệt, vẫn là còn đang chấp trước, vậy thì quá khó rồi. Vì thế, sau cùng Phật nói với bạn một câu chân thật: “Ngôn ngữ đạo đoạn tâm hành xứ diệt”. Phương diện ngôn ngữ này nói không ra, không có cách nào để nói. Tâm hành xứ diệt là bạn cũng nghĩ không ra, bạn đừng có suy nghĩ, bạn nghĩ thì quyết định sẽ nghĩ sai, cho nên nói là không thể nghĩ, là không thể tưởng, không thể nghị chính là không thể nói. Không thể nghĩ, không thể bàn, đó là thật không phải là giả. Nhưng mà con người không biết nó vẫn là giả, họ đặt vào sự việc gì họ cũng không nghĩ, họ cũng không niệm, cho rằng đó chính là đắc đạo. Vẫn là giả, vẫn không phải là thật.

Thế gian này có rất nhiều người đem Phật pháp để lừa gạt chính mình, lừa gạt chúng sanh, chúng ta không thể không biết. Bạn không biết thì bạn sẽ rất dễ bị người khác lừa gạt, bạn mà không biết thì bản thân sẽ không biết phải dụng công như thế nào, như lý như pháp mà dụng công thì bạn không biết. Cho nên, Kinh giáo không thể không đọc tụng, không thể không nghe. Phải thường nghe, có khi phải nghe đến mấy chục lần, mấy trăm lần thì mới thật sự hiểu được. Khi mới bắt đầu nghe, nghe được một hai lần thì cho rằng đã hiểu, kỳ thực thì không phải, nhưng mà không có sao, chỉ cần công phu của bạn không bị gián đoạn, bạn khiêm tốn mà học tập, người xưa nói “đọc sách nghìn lần nghĩa kia tự hiểu”. Là thật, không có công phu một vài ngàn lần thì rất khó nói là bạn hiểu được. Trong Tông môn thường hay nói là “biết không”? Chữ “biết” này thật không đơn giản, chữ “biết” này nghĩa là thật sự hiểu được, chân chánh khế nhập, đây chân thật phải có công phu. Chân công phu phải được rèn luyện ở ngay trong cuộc sống thường ngày.

*************

Kinh văn: “Hoặc đắc Tu Đà Hoàn, hoặc đắc Tư Đà Hàm, hoặc đắc A Na Hàm, A La Hán. Vị đắc A Duy Việt Trí giả, tất đắc A Duy Việt Trí”.

Đoạn Kinh văn này, trên khoa đề chúng ta là “Đắc Quả Tự Tại”. Ở trong chú giải của Hoàng lão cư sĩ, ông nói đoạn giải thích này, cư dân của Thế giới Tây Phương Cực Lạc “tùy sở học tập các đắc kỳ quả”. Học tập kỳ thực là họ sẽ mang theo qua một số tập khí học tập ở tha phương thế giới. Vì sao vậy? Vì đới nghiệp vãng sanh! Cái tập khí này chưa có đoạn mà đã đới nghiệp vãng sanh, đi đến bên đó vẫn còn những tập khí này. Học Tiểu Thừa, thực tại mà nói người học Tiểu thừa rất nhiều, họ sẽ mang theo tập khí của người học Tiểu thừa.

Ở trong Tiểu thừa, thứ nhất là chứng quả Tu Đà Hoàn. Những danh từ này đều là Phạn Ngữ. “Tu Đà Hoàn” dịch ra có ý nghĩa là nhập lưu. Cái lưu này là Thánh nhân chi lưu, họ có tư cách tham gia vào hàng Thánh nhân, những người này không phải là phàm phu. Cũng giống như chúng ta hiện nay, trong xã hội đều có rất nhiều câu lạc bộ, bạn tham gia trở thành hội viên, bạn là hội viên của câu lạc bộ này. Ở chỗ này chính là câu lạc bộ của người Tu Đà Hoàn, bạn có thể tham dự vào cái đoàn thể này của họ. Đây chính là nhà Phật chúng ta thường nói là “chuyển phàm thành Thánh”. Tu Đà Hoàn không phải phàm nhân mà là Thánh nhân, là địa vị thấp nhất trong hàng Thánh nhân, là vừa mới nhập vào Thánh nhân chi lưu.

Phật ở trên Kinh nói với chúng ta, có điều kiện gì thì mới có thể nhập vào câu lạc bộ này? Cần phải nên đoạn “tam giới 88 phẩm kiến hoặc”. Chữ “hoặc” này là mê hoặc, phiền não. Tam giới là Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Kiến phiền não, kiến là cái gì? Nói cách khác, đó là kiến giải sai lầm, cách nhìn sai lầm. Bạn có thể đem hết thảy cách nhìn sai lầm với chúng sanh tam giới đều tu sửa trở lại, cách nhìn của bạn chính xác rồi, những cách nhìn sai lầm này hoàn toàn không còn nữa, thì bạn đã nhập Tu Đà Hoàn rồi. Thật không dễ dàng. Nếu như nói ra hết 88 phẩm kiến hoặc của tam giới thì bạn sẽ thấy rất phiền phức, Phật Bồ Tát vì chúng ta mà giảng Kinh thuyết pháp, các Ngài có thiện xảo phương tiện, các Ngài đem 88 phẩm kiến hoặc này quy nạp thành năm đại loại, vậy thì sẽ dễ nói.

Năm Kiến Giải Sai Lầm:

Đầu tiên là thân kiến. Bạn xem tam giới chúng sanh thật sự là bao gồm cả Sắc Giới, Vô Sắc Giới, có ai mà không chấp trước cái thân này là chính mình? Chúng ta đều cho rằng cái thân này là chính mình, đây là quan niệm sai lầm đầu tiên. Thân không phải là chính mình! Thân không phải là ta thì là cái gì? Thật sự mà nói thì thân chính là của ta, là cái của ta. Giống như bộ đồ này, bộ đồ này là cái ta sở hữu, cái xâu chuỗi này là cái của ta, nó không phải là ta. Đến lúc nào thì bạn có thể giác ngộ được cái thân này là sở hữu của ta chứ không phải ta. Là cái quan niệm đầu tiên. Cho nên đây là một sai lầm rất lớn, là sai lầm căn bản. Đem cái thân này xem thành ta, ngày ngày vì cái thân này mà tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Sai lầm rồi! Sai lầm quá mức rồi! Giống như ta mặc quần áo trên người, ta không biết bộ quần áo này là sở hữu của ta, lại đem nó cho là chính ta, ngày ngày đều phải chăm sóc nó, đã làm ra những chuyện tổn người lợi mình, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp là vì bộ quần áo mà ra. Tạo cái nghiệp này bạn nói xem có oan uổng hay không? Chúng sanh sáu nẻo làm ra những sự việc oan uổng này.

Rốt cuộc cái gì mới là ta? Chúng tôi xin để lại đến phẩm kế tiếp sẽ báo cáo một cách tường tận với các vị. Đó là quan niệm sai lầm đầu tiên.

Kiến giải sai lầm thứ hai là biên kiến. Chúng sanh tam giới đều có loại kiến giải sai lầm này. Biên kiến hiện tại nhà khoa học gọi là “thuyết tương đối”, quan niệm hai bên. Bạn xem, chúng ta đều sống ở trong sự biên kiến của cảnh giới này. Hai bên là ta và đối lại với ta là người, đối lại với nhỏ là lớn, đối lại với dài là ngắn, đối lại với thiện là ác, đối lại với chân là vọng, hết thảy đều sống ở trong cảnh giới tương đối. Quan niệm này là sai. Ở trong sáu cõi hết thảy đều có cách nhìn sai lầm này. Ở trong cảnh giới chân thật thì tuyệt đối không có sự đối lập, chính là không có tương đối. Lìa bỏ tương đối ngày nay chúng ta gọi là tuyệt đối. Tuyệt đối cùng với tương đối vẫn là đối lập, cho nên ở trên Kinh Đại Thừa thường nói “lưỡng biên bất lập”, hai bên đều không lập thì không phải có một đường trung đạo rồi sao? “Trung đạo bất tồn” thì cũng không có trung đạo. Biên kiến của bạn thì đã phá bỏ rồi, cả hai bên đều lìa bỏ, thiện ác hai bên đã lìa bỏ, chân vọng hai bên đã lìa bỏ, chánh tà hai bên cũng đã lìa bỏ, liền cho rằng là trung đạo, trong ý niệm vẫn còn chấp trước cái trung đạo này, còn phân biệt cái trung đạo, vẫn là sai lầm, bạn vẫn là chưa có thoát ly. Bạn mới hiểu được việc này là khó, chứng quả Tu Đà Hoàn thật không dễ dàng.

Năm xưa lúc tôi mới bắt đầu học Phật, trong “Kinh Bát Nhã” nói lìa bốn tướng, lìa bốn kiến, chúng tôi luôn cho rằng đó là pháp Đại Thừa, đó nhất định là Bồ Tát Đại Thừa, Tiểu Thừa có lẽ chưa lìa được. Tôi đọc “Kinh Kim Cang” bao nhiêu năm trời, trước sau cũng có cái quan niệm như vậy, Tiểu Thừa đại khái là chưa lìa được. Tôi đã đọc tụng hết mười mấy - hai mươi năm, khi giảng “Kinh Kim Cang” thì mới phát hiện Tu Đà Hoàn đã lìa được bốn tướng. Trên “Kinh Kim Cang” nói chính là Phật Thích Ca Mâu Ni nói, gọi Tu Bồ Đề: “Ư ý vân hà, Tu Đà Hoàn năng tác thị niệm, ngã đắc Tu Đà Hoàn quả bất”. Tu Đà Hoàn có cái ý nghĩ ta được Tu Đà Hoàn rồi, ta chứng được quả vị Tu Đà Hoàn rồi hay không? Đây là Phật Thích Ca Mâu Ni kiểm tra Tu Bồ Đề, cũng như trong Tông Môn nói là bạn biết không, bạn hiểu không? Là để thử ông. Tu Bồ Đề quả nhiên là đã hiểu được, Tu Bồ Đề nói: “Bất dã Thế Tôn hà dĩ cố, Tu Đà Hoàn danh vi nhập lưu nhi vô sở nhập”. Bạn cho rằng thật sự đã nhập rồi sao? Nhập vào đâu? “Nhi vô sở nhập, bất nhập sắc thanh hương vị xúc pháp, thị danh Tu Đà Hoàn”. Chúng tôi từ chỗ này mới bỗng nhiên ngộ ra, Tu Đà Hoàn đã lìa khỏi được ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Vậy ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến thì sao? Không chắc lắm, chúng tôi không dám kết luận, nhưng bốn tướng thì họ lìa rồi, họ quyết định sẽ không chấp trước ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Nếu họ trước tướng thì họ không phải Tu Đà Hoàn. Chúng ta mới hiểu được, trên Kinh Đại Thừa nói thì có đoạn Kinh văn này làm chứng cứ. Quả thực đây không phải là một việc dễ dàng. Đây là nói đến biên kiến.

Thứ ba là kiến thủ kiến.

Thứ tư là giới thủ kiến.

Hai loại kiến giải sai lầm này, chúng tôi đem gộp lại mà nói thì chúng ta gọi là thành kiến, thành kiến rất sâu. Hai loại này là thuộc về thành kiến. Thành kiến vì sao lại nói hai loại? Một loại là thành kiến ở trên nhân, một loại là thành kiến ở trên quả. Kiến thủ kiến là thành kiến ở trên quả, giới thủ kiến là thành kiến ở trên nhân, tu nhân, đều là thuộc về kiến giải sai lầm.

Một loại sau cùng, bốn loại phía trước này không bao gồm trong đó, tất cả những kiến giải sai lầm quy tại một loại gọi là tà kiến. Ở trong đây cảnh giới bao gồm Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, trong Phật pháp đã đem chúng phân loại thành tổng cộng 88 phẩm, hết thảy đoạn tận rồi, hay nói cách khác là tu sửa lại kiến giải sai lầm, chúng ta nói là chánh tri chánh kiến. Tu Đà Hoàn mới thật sự là chánh tri chánh kiến, siêu phàm nhập Thánh, chỉ cần chứng được quả Tu Đà Hoàn, không ra khỏi được lục đạo, vẫn còn ở trong lục đạo. Vì sao mà không ra khỏi được? Cái duyên của lục đạo chưa có đoạn, bạn đi không được, nhưng cái duyên tam ác đạo thì đã đoạn rồi, hay nói cách khác, tuy ở trong lục đạo nhưng khẳng định không đọa tam ác đạo, cái duyên của tam ác đạo đã đoạn được rồi. Họ ở trong lục đạo nhưng sống ở chốn thiên đường, trên Kinh Phật nói là tái sinh bảy lần. Bảy lần lặp lại ở trên thiên đường, họ liền chứng A La Hán, khẳng định là họ đã siêu vượt lục đạo luân hồi, cho nên họ không phải là phàm phu. Đã được bảo chứng. Cái bảo chứng này chính là vị bất thối, trong tam bất thối thì họ đã chứng được vị bất thối. Nếu như họ đến được đời thứ bảy, tái sinh lần thứ bảy trên trời, thế gian này không có Phật pháp thì họ thành Độc Giác, vẫn sẽ siêu vượt lục đạo luân hồi. Ở trong hàng Duyên Giác có một loại là Độc Giác, gọi là vô sư tự thông. Họ tuyệt đối không cần đợi đến đời thứ tám. Nếu như gặp được lúc có Phật xuất thế, họ liền chứng quả A La Hán, Thanh Văn, chứng tứ quả La Hán. Những đạo lý này chúng ta đều phải biết để không bị người khác lừa gạt.

Xưa kia lúc tôi mới xuất gia, giảng Kinh ở Đài Bắc gặp được một vị lão cư sĩ. Tuổi tác của ông lớn hơn tôi, đại khái lớn hơn tôi khoảng chừng hai mươi mấy tuổi, học Phật có lẽ chưa được bao nhiêu năm. Ông nói với tôi, ông đã chứng quả A La Hán rồi. Ngữ khí vô cùng kiên quyết, không một chút gì hoài nghi, nói với tôi vài lần ông đã chứng được quả A La Hán, làm cho tôi cũng không biết phải làm sao. Sau cùng tôi liền đã nghĩ ra được, người thật sự chứng được Tu Đà Hoàn rồi họ có thiên nhãn thông, có thiên nhĩ thông, chân thật chứng được Tu Đà Hoàn thì đã có rồi. Sáu loại thần thông thì sơ quả chứng được hai loại này, chứng được nhị quả thì có túc mạng thông, tha tâm thông, tam quả thì có thần túc thông, đến lúc được tứ quả thì sáu loại thần thông đều đầy đủ, có lậu tận thông. Tôi liền dùng cái này để hỏi ông. Tôi nói ông là A La Hán có đầy đủ sáu loại thần thông, vậy ông nhất định là có thiên nhãn rồi. Chúng ta hiện tại ở trong căn phòng này, ngồi ở tại đây để thảo luận về Phật pháp, vậy thì ở bên ngoài bức tường người ta đi đi lại lại, ông có nhìn thấy được không? Ông nói nhìn không thấy được. Tôi nói vậy ông không phải là A La Hán rồi, không những không phải là A La Hán mà Tu Đà Hoàn cũng không phải. Như vậy thì ông mới chịu phục. Cách nói như vậy của ông trong Phật pháp gọi là tăng thượng mạn. Ông không phải là lừa gạt người, mà là ông hiểu nhầm, tự cho rằng mình đạt được đến cảnh giới này, đây thuộc về tăng thượng mạn chứ ông không phải có ý muốn gạt người khác. Có ý muốn gạt người khác thì cái tội đó sẽ nặng, đó là đại vọng ngữ. Đại vọng ngữ ở trong Phật môn, các vị xem trong giới Kinh thì sẽ hiểu, sẽ đọa Địa Ngục A Tỳ. Chưa có chứng đắc mà nói với người khác là họ đã chứng đắc; không phải là người tái lai, họ khiến người khác tuyên truyền họ là Bồ Tát gì đó, là người gì đó, là A La Hán tái lai, mục đích đều là muốn có được danh văn lợi dưỡng, đều là do danh văn lợi dưỡng, những người này dù cho trước mắt được một chút lợi ích nhỏ, được một chút danh lợi nhỏ, đời sau sẽ đọa Địa Ngục A Tỳ. Đây là đại vọng ngữ nghiêm trọng nhất ở trong tội vọng ngữ.

Từ khi Phật môn chúng ta có lịch sử đến nay, Tổ sư Đại đức thường hay dạy bảo chúng ta, chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng phi chân nhân. Có Phật Bồ Tát tái lai hay không? Có, thậm chí là ở trong giảng đường này của chúng ta có rất nhiều, bất lộ tướng nên không có ai biết. Nếu như lộ tướng rồi, tôi là Phật gì đó đến hay Bồ Tát gì đó tái lai, khẳng định là giả, tuyệt đối không phải là thật. Có một ví dụ, sau khi bạn nói ra thì liền đi ngay lập tức, đó là thật, không phải là giả.

Chúng ta xem thấy ở trong Thần Tăng truyện và Cao Tăng truyện thật sự là người tái lai, nhưng mà không nhiều người trong họ lộ thân tướng, bao giờ cũng có cái nhân duyên đặc biệt. Như là Vĩnh Minh Diên Thọ Đại Sư. Khi các Ngài sắp đi, ở đây chúng ta cũng hiểu được họ đều là đang diễn kịch, lúc đó thì Hoàng đế là một đại hộ pháp, muốn tổ chức một buổi Vô Già Đại Hội. Buổi Vô Già Đại Hội này chính là hiện tại chúng ta gọi là buổi yến tiệc, mời người xuất gia đến ăn cơm. Vô Già nghĩa là vô điều kiện, là bình đẳng, chỉ cần là người xuất gia đều có thể đến ứng cúng, Hoàng đế đều bình đẳng tiếp đãi. Đây là việc tu phước ở trong Phật môn, là một phương pháp tu phước báo thù thắng, dùng tâm bình đẳng để tu cúng dường cúng trai. Vào ngày đó người xuất gia đến rất nhiều. Trong buổi đại tiệc này cũng phải có người làm chủ tọa. Cái chức chủ tọa này ai cũng không chịu làm, đều vô cùng khiêm tốn, đều nhường đẩy cho nhau, mọi người đều ở đó nhường cho nhau. Vào lúc mọi người đang nhường cho nhau, bên ngoài bước vào một vị Hòa thượng ăn mặc rách rưới, là một vị Hòa thượng nghèo. Nhìn thấy mọi người đều đang nhường nhau, ông liền đi đến ngồi vào ghế dành cho chủ tọa. Đều là người xuất gia cả mà, hôm nay lại là Vô Già Đại Hội bình đẳng, ai nấy đều miễn cưỡng liền ngồi xuống ăn cơm. Sau khi ăn xong, vị Hòa thượng này cũng liền đi mất. Tan hội thì đi rồi.

Hoàng đế liền hỏi Đại Sư Vĩnh Minh là hôm nay đại hội này của chúng ta có Thánh nhân đến ứng cúng hay không? Ngài nói là có. Hoàng đế hỏi là vị nào vậy? Là Định Quang Cổ Phật hôm nay đã đến ứng cúng. Hoàng đế hỏi là người nào? Là vị Hòa thượng đã ngồi ở vị trí chủ tọa ấy. Vị hoàng đế vừa nghe nói xong: “Ồ! vậy sao!”, hôm nay cả Định Quang Cổ Phật cũng đã đến, lập tức phái người đuổi theo. Mọi người cũng không biết được ông tên gọi là gì, ông có lỗ tai rất lớn nên gọi ông là Hòa thượng lỗ tai lớn. Vị Hòa thượng này sau đó đã bị đuổi theo kịp. Sau khi bị đuổi theo kịp, thân phận của Ngài đã bị lộ, biết được đây là Phật Định Quang tái lai, Hòa thượng lỗ tai lớn nhìn thấy những người này đến chỉ nói một câu nói là “Di Đà nhiêu thiệt”, nghĩa là A Di Đà Phật lắm lời, đã đem thân phận của Ngài nói ra rồi. Ngài liền nhập Niết Bàn tại nơi đó, liền đã tọa hóa mất. Mọi người nghe được những lời này thì thấy Phật Định Quang đã đi rồi, biết được Ngài thì Ngài liền đi, thật sự đã đi rồi, vậy “Di Đà nhiêu thiệt” thì Vĩnh Minh Diên Thọ nhất định là A Di Đà Phật rồi, mau mau trở về báo cáo. Họ trở về chỗ của Hoàng đế để báo cáo, nói rằng vị Hòa thượng lỗ tai lớn đó đã viên tịch rồi, nhưng mà Ngài đã nói một câu nói là “Di Đà nhiêu thiệt”, vậy thì Đại Sư Vĩnh Minh Diên Thọ nhất định là Phật A Di Đà tái lai rồi. Hoàng đế nghĩ vị Phật ấy đã nhập niết bàn rồi thì vẫn còn lại một vị Phật sống, liền vội đi bái Đại Sư Vĩnh Minh Diên Thọ. Còn chưa ra khỏi cửa, bên ngoài đã có người đến báo cáo. Người đến này cũng rất vội vàng gấp gáp, suýt nữa thì đã tông ngã vị Hoàng đế. Hoàng đế nói vội vàng như vậy là có việc gì? Vĩnh Minh Diên Thọ Đại Sư đã viên tịch rồi. Cả hai đều đi.

Cho nên thân phận vừa bị lộ thì liền đi ngay, bạn còn ở lại nơi này không phải là thêm nhiêu khê sinh sự hay sao? Vì vậy, chân nhân bất lộ tướng. Đây là thị hiện nói với bạn quả thực là có rất nhiều Phật Bồ Tát ứng hóa tại thế gian. Chúng ta cũng không nên đoán, đoán là khởi vọng tưởng, khởi vọng tưởng thì có ích gì chứ? Bản thân nên lão thật mà y giáo phụng hành, như vậy thì được. Bản thân phải thật sự được lợi ích thì mới có thọ dụng.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 276)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ