Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 31)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 31)
Kinh văn: “Dĩ định huệ lực, hàng phục ma oán”. Đây là tướng thứ năm trong tám tướng thành đạo mà Bồ Tát thành Phật thị hiện. “Ma” là dày vò. Nếu như chúng ta xem thấy quyển kinh viết tay vào thời rất xa xưa, vào thời nhà Đường, chữ “ma” vẫn dùng chữ ma của “chiết ma”, phía dưới là chữ “thạch”. Đem bộ “thạch” này đổi thành một chữ ma, tương truyền là do Lương Võ Đế thay đổi. Lương Võ Đế nói dày vò quá đáng sợ, cho nên đem chữ “thạch” đổi thành chữ “quỷ”. Trong Phật pháp nói ma đều là nói phiền não. BỐN LOẠI MA Trong “Kinh Bát Đại Nhân Giác”, Phật nói cho chúng ta nghe bốn loại ma. • Loại thứ nhất, “Ngũ ấm ma” Ngũ ấm chính là thân thể này của chúng ta. Phật nói không hề sai, bạn có cái thân này thì bạn phải chịu rất nhiều sự dày vò. Có thân thể thì đương nhiên có tâm lý. Thân và tâm, Phật nói cho chúng ta nghe, thân có khổ vui, tâm có lo buồn. Mọi người đều biết thân khổ là sự dày vò, lo buồn trong tâm cũng là sự dày vò, nhưng không biết được cái ưa thích trong tâm, cái vui của thân này cũng là sự dày vò. Vì sao vậy? Hưởng thụ tâm lý bình thường là thanh tịnh, là bình lặng; hỉ, nộ, ai, lạc đều làm cho bạn

Kinh văn: “Dĩ định huệ lực, hàng phục ma oán”.

Đây là tướng thứ năm trong tám tướng thành đạo mà Bồ Tát thành Phật thị hiện. “Ma” là dày vò. Nếu như chúng ta xem thấy quyển kinh viết tay vào thời rất xa xưa, vào thời nhà Đường, chữ “ma” vẫn dùng chữ ma của “chiết ma”, phía dưới là chữ “thạch”. Đem bộ “thạch” này đổi thành một chữ ma, tương truyền là do Lương Võ Đế thay đổi. Lương Võ Đế nói dày vò quá đáng sợ, cho nên đem chữ “thạch” đổi thành chữ “quỷ”. Trong Phật pháp nói ma đều là nói phiền não.

BỐN LOẠI MA

Trong “Kinh Bát Đại Nhân Giác”, Phật nói cho chúng ta nghe bốn loại ma.

  • Loại thứ nhất, “Ngũ ấm ma”

Ngũ ấm chính là thân thể này của chúng ta. Phật nói không hề sai, bạn có cái thân này thì bạn phải chịu rất nhiều sự dày vò. Có thân thể thì đương nhiên có tâm lý. Thân và tâm, Phật nói cho chúng ta nghe, thân có khổ vui, tâm có lo buồn. Mọi người đều biết thân khổ là sự dày vò, lo buồn trong tâm cũng là sự dày vò, nhưng không biết được cái ưa thích trong tâm, cái vui của thân này cũng là sự dày vò. Vì sao vậy? Hưởng thụ tâm lý bình thường là thanh tịnh, là bình lặng; hỉ, nộ, ai, lạc đều làm cho bạn không có được bình lặng, trong lòng khởi lên sóng động, đó chính là sự dày vò. Ngũ ấm ma là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, bất cứ chúng sanh nào cũng đều không thể tránh khỏi. Thân của chúng ta là thân ngũ ấm. Cho nên phàm phu cao cấp thông minh, như Phu Tử đã từng nói: “Ta có đại hoạn vì ta có thân”. Ông nói, ta có mối lo rất lớn, bởi vì ta có cái thân này. Đó chính là một người rất thông minh. Thế nên, người thông minh nhất đẳng không muốn mình có thân. Điều này có thể làm được hay không? Có thể! Trong Phật Kinh nói ba cõi sáu đường, có Dục Giới, có Sắc Giới, có Vô Sắc Giới; người cõi Trời Dục Giới và Sắc Giới đều có thân thể, hay nói cách khác, không thể nào tránh khỏi được cái khổ; thiên nhân của Vô Sắc Giới không có thân, họ biết được thân là gốc khổ, thân là tích chứa, thân là đại hoạn, cho nên họ không cần thân. Thiên nhân tầng trời thứ tư là Vô Sắc Giới không có thân tướng, chúng ta gọi họ là “linh giới”, đó là phàm phu cao cấp nhất trong phàm phu. Họ có được xem là giác ngộ không? Được! Không thể nói họ không giác ngộ, thế nhưng các vị phải nên biết, họ không phải chánh giác. Trong Phật pháp chúng ta, giác ngộ là chánh giác. Chữ “chánh” này chỉ riêng nhà Phật có. Người thế gian tuy giác nhưng không chánh, chúng ta nhìn từ người Trời Tứ Không thì có thể thấy được rất rõ ràng. Không cần cái thân này có thể giải quyết được vấn đề hay không? Vẫn là không thể giải quyết được vấn đề, cho dù sanh đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, tuổi thọ tám vạn đại kiếp, nhưng tám vạn đại kiếp vẫn là có kỳ hạn, tám vạn đại kiếp đến rồi thì họ liền phải đọa lạc. Trong ngạn ngữ thường nói: “Leo càng cao, té càng nặng”, họ vừa đọa thì liền đọa vào trong địa ngục, hơn nữa tuyệt đại đa số đọa lạc trong Vô Gián địa ngục. Ở đây có nguyên nhân, không phải vô cớ. Những người này đều là người tu hành (người không tu hành không đến được cảnh giới cao đến như vậy), tu đến được cảnh giới này thì cho rằng chính mình đã thành Phật, cho rằng chính mình chứng được Đại Niết Bàn. Niết Bàn là không sanh không diệt, đó là thật không phải là giả. Họ đem Trời Tứ Thiền, Trời Vô Tưởng, Tứ Không Thiên cho rằng là Niết Bàn, đó là sai lầm, ngộ nhận. Lỗi lầm là ở chính họ, quyết không phải là do Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát ở trong Kinh điển nói rất tường tận, rất rõ ràng, chúng ta không thể hiểu lầm ý này.

Sự dày vò của ngũ ấm mỗi một người chúng ta không thể tránh khỏi, cho dù là Phật Bồ Tát ứng hóa ở trong sáu cõi. Chư Phật Bồ Tát ứng hóa mà đến, hiện ra cái thân tướng cũng là thân ngũ ấm. Loại thị hiện này chính là trong “Hoa Nghiêm” đã nói “thay chúng sanh chịu khổ”. Chúng ta muốn hỏi, những vị Phật Bồ Tát này thị hiện có phải chịu khổ hay không? Trên hình tướng mà nói thì họ cũng phải chịu khổ, thế nhưng trên thực tế các Ngài không hề có khổ. Đó là chư Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian này của chúng ta, hoàn toàn khác với chúng ta khi chúng ta đến. Chúng ta thấy trên hình tướng, ăn mặc, đi đứng, đời sống của các Ngài không hề khác với chúng ta. Phàm phu chúng ta có khổ có vui, các Ngài cũng có khổ có vui, biểu diễn ở bên ngoài nhưng trên thực tế tâm của các Ngài vĩnh viễn là thanh tịnh, quyết định không có khổ. Không có khổ nhưng phải làm ra dáng vẻ khổ để cho phàm phu chúng ta xem, để phàm phu chúng ta xem thấy hình tượng của các Ngài mà có được sự giác ngộ. Mục đích của Ngài là để hóa độ chúng sanh, là đến thị hiện, không phải chân thật đang chịu khổ. Việc này chúng ta phải nên biết.

  • Loại thứ hai, “Phiền não ma”

Phiền não có quá nhiều. Vô lượng vô biên phiền não dày vò chúng ta. Trong phiền não bao gồm cả thất tình ngũ dục, phạm vi rất rộng.

  •  Loại thứ ba, “Tử ma”

Tử ma là nói sanh tử dày vò. Chúng sanh chưa ra khỏi sáu cõi không cách gì tránh khỏi việc này. Có sanh thì nhất định phải có tử. Sau khi chết thì lại đi đầu thai, tuyệt đối không thể nói chết rồi là hết. Nếu như chết rồi là hết thì chúng ta không cần phải học bất cứ thứ gì, chúng ta không cần phải khổ cực để tu hành, vì tu hành cũng không dùng được. Thực tế mà nói, nhất định không phải chết rồi là hết. Đây là thật, không phải là giả. Các vị tỉ mỉ mà đọc “Kinh Địa Tạng” thì sẽ biết được cái chết này thật là đáng sợ. Chết tuyệt nhiên không đáng sợ, nhưng sau khi chết thì phiền phức thật to lớn, tùy nghiệp thọ báo. Chúng ta thử nghĩ xem, ngay trong một đời này của chúng ta, quá khứ đời đời kiếp kiếp đã tạo ra nghiệp gì? Tạo nghiệp thiện thì nhất định có quả báo của ba đường thiện, tạo nghiệp ác thì nhất định có quả báo của ba đường ác. Ba đường ác thật đáng sợ, rất dễ dàng đọa lạc, thoát ra là việc vô cùng khó khăn. Ngay chỗ này Phật dạy cho chúng ta một khái niệm cơ bản, phương pháp tu học cơ bản là “năm giới, mười thiện”. Tam phước trong “Quán Kinh” xếp hai điều này ở phía trước. Mười thiện gồm thân ba, khẩu bốn, ý ba. Thân không sát sanh, không trộm cắp, đồng tu tại gia không tà dâm. Bốn khẩu nghiệp là không nói dối, không hai chiều, không ác khẩu, không thêu dệt. Ý ba nghiệp là không tham, không sân, không si. Chúng ta nghĩ lại xem, chúng ta ở ngay trong một đời, mười điều này đã làm được bao nhiêu? Đó là Phật pháp nói ra pháp căn bản cho chúng ta. Mười điều này có thể làm được, năm giới đương nhiên liền bao gồm ngay trong đó, như vậy bạn mới có thể có lại được thân người. Con người sau khi chết muốn được lại thân người thì thật khó. Phải làm đến được tiêu chuẩn nào thì mới được lại thân người? Nếu là lấy điểm số để nói, nhất định phải đạt đến 80 điểm thì mới có thể nắm chắc được đời sau được thân người. Nếu bạn chỉ làm đến được phân nửa thì không đáng tin, không nắm chắc. Chí ít bạn phải có thể làm đến được 70 điểm trở lên thì mới có thể có lại được thân người. Nếu như bạn làm đến được một trăm phần trăm, có thể làm được tròn đầy, vậy thì chúc mừng bạn, quả báo của bạn không ở nhân gian, bạn ở trên trời hưởng phước, phước báo lớn hơn nhiều so với nhân gian. Đó là Phật dạy pháp tắc căn bản cho chúng ta, nhất định không thể xem thường.

Ngược lại với mười thiện chính là mười ác. Mười ác chính là thân tạo ra sát, đạo, dâm; miệng nói dối, nói hai chiều, thêu dệt, ác khẩu; ý thì tham-sân-si. Tạo ra mười loại ác nghiệp này thì phiền phức lớn, nhẹ thì đọa làm ngạ quỷ, súc sanh; nặng thì đọa vào địa ngục. Chúng ta không nên quan tâm người khác, mà phải cố gắng phản tỉnh, dò xét kiểm điểm chính chúng ta. Mỗi ngày từ sớm đến tối, từ mồng một tháng giêng đến ba mươi tháng chạp, chúng ta rốt cuộc làm mười thiện nhiều hay là tạo mười ác nhiều? Rốt cuộc là sức mạnh nghiệp thiện lớn, hay là sức mạnh ác nghiệp lớn? Người tu hành phải phản tỉnh từng giờ, kiểm điểm từng giờ. Thân người khó được mà dễ mất, thân người rất dễ bị mất đi, sau khi mất đi rồi chúng ta phải làm sao? Việc này không thể không suy nghĩ đến. Cho nên Phật ở trong Kinh điển một mực khuyên bảo chúng ta, phải trân trọng sức khỏe thân thể hiện tại. Tất cả điều kiện đều đầy đủ thì phải chăm chỉ nỗ lực mà tu học.

Tử ma là phiền phức rất lớn. Cả đời này của chúng ta tu hành có được công phu tốt, sau khi chết rồi, đời sau cũng không tệ, có công phu đời sau được thân người, nhưng khi được thân người, khi phải nhập thai thì công phu đời trước đã tu thảy đều quên hết sạch, ngay đời này phải bắt đầu lại từ đầu. Đó gọi là dày vò. Không thể đời đời kiếp kiếp tiếp nối mà làm, vừa gián đoạn thì chí ít phải gián đoạn hết 20 năm. Đó là bị mê khi cách ấm, bạn bị quên hết sạch trơn. Cho nên, thế gian tu hành khó. Vì sao Phật nói phải tu ba A Tăng Kỳ kiếp, tu vô lượng kiếp? Đạo lý chính ngay chỗ này. Nếu như tu học của chúng ta quả như có thể giữ được không cho gián đoạn, không thoái chuyển thì phàm phu thành Phật làm gì phải mất thời gian dài đến như vậy? Không cần thiết. Đây chính là do ở trong sáu cõi, thời gian thoái chuyển quá dài. Nếu như đọa đến ác đạo, tuổi thọ trong địa ngục rất dài, trên Kinh đều nói vô số kiếp, trong thời gian dài đến như vậy không nghe được Phật pháp. Trên cõi Trời Dục Giới còn được tốt một chút. Từ Sắc Giới trở lên cũng không dễ, phước báo quá lớn, lo hưởng phước nên xem nhẹ đi việc tu hành, “giàu sang học đạo khó”, khiến chúng ta nghĩ ngay đến sanh tử đại sự, tử ma rất phiền phức.

Nếu như chúng ta không muốn chết, thì “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là dạy cho chúng ta vô lượng thọ, bạn y theo pháp môn này mà tu học thì ngay trong một đời này, bạn quyết định không chết. Cho nên, pháp môn này trong lúc chúng ta giảng giải đã nói rất nhiều lần (lời tôi nói đều là lời thật, không phải lời giả), mỗi giờ mỗi phút đều khuyên bảo mọi người là pháp môn này không già, không bệnh, không chết. Đáng tiếc người tin thật quá ít, đúng như chư Phật đã nói là “pháp khó tin”, chân thật khó tin. Có lẽ có người muốn hỏi: “Bạn nói không chết, nhưng chúng tôi thấy người niệm Phật chết cũng không ít, vậy thì tại sao nói là không chết?”. Kỳ thật, người niệm Phật không chết, họ đi đến Thế giới Cực Lạc, họ vứt bỏ đi cái thân thể này, không cần cái thân này; khi ra đi rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo; khi lâm chung thấy Phật đến rước; không có đau khổ, hoan hỉ vui vẻ mà đi theo Phật. Sau khi xả bỏ cái thân này, đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mang thân mới giống y như thân của A Di Đà Phật, sắc thân tử ma vàng thật. Trên Kinh Phật nói với chúng ta “đầy đủ 32 tướng”, đó là tùy thuận phàm phu chúng ta mà nói, trên thực tế thì thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mãi mãi không còn già nữa, vĩnh viễn sẽ không bị bệnh, tất cả sự mong cầu là tùy tâm sở nguyện, chân thật là tâm tưởng sự thành. Bạn nói xem, ở nơi đó tốt đến dường nào! Người đại phú đại quý ở thế gian này của chúng ta so với người hạ hạ phẩm vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư của Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng không thể so được. Không những nói người phú quý ở nhân gian chúng ta không thể so sánh, trên Kinh nói với chúng ta, cho dù là người trên trời (chúng ta gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế) cũng không thể sánh vào đâu, mới là Dục Giới tầng trời thứ hai, là chủ Trời Đao Lợi. Đại Phạm Thiên Vương cũng không thể sánh được với phước báo của người hạ hạ phẩm vãng sanh ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên, các vị muốn chân thật hưởng phước báo lớn thì nhất định phải vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nhất là ở thời đại hiện tại này của chúng ta, thời đại tai nạn triền miên, người trung niên trở lên phải thường hay nghĩ đến nơi nào là chỗ chúng ta quay về? Sau khi già rồi thì phải làm sao? Đi đến nơi nào? Ở nơi đây, Lý cư sĩ phát khởi muốn xây dựng Thôn Di Đà. Hôm nay ông đem biên bản hội nghị về Thôn Di Đà này cho tôi xem, đại hội Cư Sĩ Lâm đã thông qua. Đó là chỗ quay về hiện tại của chúng ta. Một người thông minh, một người giác ngộ đến nơi nào thì tốt nhất? Thôn Di Đà! Thôn Di Đà tương lai nhất định thấy được A Di Đà Phật, nhất định vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ. Cả đời này của chúng ta không hề luống qua, vô lượng kiếp đến nay là cơ duyên hy hữu khó gặp, chúng ta ở ngay trong đời này xem là đã đợi được. Đây không chỉ là đại sự một đời, mà đời đời kiếp kiếp vô lượng kiếp đến nay, chúng ta đã nghĩ đến việc lớn này. Cho nên, chết là sự dày vò.

  • Loại sau cùng là “Thiên Ma”

Trong kinh Phật nói cho chúng ta, thiên ma là Ma Vương Ba Tuần.

Bốn loại ma chướng này, ba loại trước đều là tự thân chúng ta đầy đủ. Ngũ ấm là tự thân ta, phiền não cũng là tự thân, sanh tử vẫn là tự thân, chỉ có một loại là bên ngoài. Loại ma bên ngoài này rốt cuộc là gì? Dùng lời hiện đại mà nói thì mọi người dễ hiểu, hiện tại thế giới muôn màu ở bên ngoài, tất cả người và sự vật mà bạn thấy được, bạn nghe được, bạn tiếp xúc được đều đang mê hoặc bạn, làm cho thân tâm của bạn vĩnh viễn không được an bình, đó chính là ma. Do đây có thể biết, ma này chính là trong có phiền não, ngoài có mê hoặc, bạn làm sao có thể chịu nổi chứ? Đó là ý nghĩa của ma, đơn giản mà giới thiệu với các vị đến đây.

 “Oán” là oan gia đối đầu. Oan gia có hai loại. Một loại gọi là hoan hỉ oan gia, đó cũng là những việc phiền phức, không cần nói ngày ngày chọc bạn sanh phiền não là oan gia, mà ngày ngày làm cho bạn hoan hỉ cũng là oan gia, luôn làm cho tâm của bạn không thể buông bỏ được, trong tâm của bạn có vướng bận. Dường như là hai năm trước, khoảng thời gian tết tôi ở Đài Loan, có một vị lão cư sĩ đến chúc tết tôi. Ông nói với tôi: “Pháp sư à! Trong những năm qua tôi niệm Phật cũng không tệ, bất cứ thứ gì tôi cũng đều có thể buông bỏ, chỉ có đứa cháu là tôi không thể buông bỏ, vậy phải làm sao?”. Đứa cháu đó chính là oan gia của ông, ông không quên nó được. Chỉ cần một việc không thể buông bỏ thì không thể vãng sanh. Khi A Di Đà Phật đến tiếp dẫn bạn, bạn nói “việc này con chưa buông bỏ, việc kia vẫn chưa thể buông bỏ”, A Di Đà Phật không đợi bạn, Ngài liền đi mất.

Do đó, ở chỗ này Phật nói với chúng ta, phải dùng định, phải dùng huệ; định huệ có lực thì có thể “hàng phục ma oán”. Bạn có định, có huệ thì liền có năng lực đối phó với những ma oán này. Người có định, có huệ thì cũng có thể hàng phục ngũ ấm ma. Hàng phục loại ngũ ấm ma nào?

Thứ nhất là thân thể khỏe mạnh không bị bệnh. Bị bệnh là do bốn đại không điều hòa. Thành thật mà nói, nếu bạn có bệnh tức là bạn không có công phu; người thật có công phu mà bị bệnh, đó là thị hiện. Cư sĩ Duy Ma thị hiện giả bệnh, Ngài giả bệnh là phương tiện hóa độ chúng sanh, không phải Ngài thật bị bệnh. Vậy bạn bị bệnh rốt cuộc là giả bệnh hay bệnh thật vậy? Việc này chính bạn phải rõ ràng. Cho nên thân thể nhất định phải khỏe mạnh, đó chính là hàng phục ngũ ấm ma.

Thứ hai là dung mạo không dễ bị suy già, bởi vì đây cũng là thuộc về ngũ ấm ma. Bạn có định có huệ thì tâm địa thanh tịnh. Hiện tại có rất nhiều người đang chú trọng dưỡng sinh, phải ăn thực phẩm gì để khỏe mạnh, phải trị liệu thế nào về sinh lý, vận động thế nào để bảo dưỡng thân thể, tôi thấy đều không có hiệu quả gì. Trong Phật pháp nói đạo dưỡng sinh là tu định. Tu định có phải là mỗi ngày ngồi chéo gối, xếp bằng quay mặt vào vách hay không? Đích thực có một số người nghe nói đến tu định thì cho rằng mỗi ngày nhất định phải ngồi xếp bằng mấy giờ đồng hồ. Những người tu định đó tôi cũng thấy qua, tướng mạo của họ năm sau không bằng năm trước, thân thể cũng như vậy. Điều đó chứng tỏ gì? Mỗi ngày tuy là ngồi mấy giờ đồng hồ, nhưng trong lòng vẫn là nghĩ tưởng lung tung, vậy thì làm gì gọi là định chứ? Các vị phải nên biết, định là trong tâm không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mới gọi là định, không nhất định chéo gối ngồi xếp bằng. Chúng ta xem thấy ở trong “Đàn Kinh”, Đại Sư Huệ Năng - Tổ thứ sáu của Thiền tông là một người thật cừ khôi, trên “Đàn Kinh” dường như không có ghi chép là một ngày Ngài ngồi mấy giờ đồng hồ, mà là ghi chép số lượng công việc mỗi ngày của Ngài rất nhiều. Ngài ở Hoàng Mai, ở trong nhà bếp bửa củi, giã gạo, Ngài làm những công việc thô nặng này. Nếu Ngài xếp bằng quay vào vách thì đạo tràng này không có cơm ăn, vì Ngài là người giã gạo mà. Đạo tràng nhiều người đến như vậy phải ăn cơm, bạn liền biết được lượng công việc của Ngài nhiều thế nào, Ngài làm gì có thời gian để ngồi thiền? Vậy chúng ta muốn hỏi, Ngài thật có tọa thiền hay không? Có! Làm việc chính là tọa thiền. Ngài nói với chúng ta ý nghĩa của tọa thiền, “tọa” là lấy cái ý bất động, không phải thật bảo bạn một ngày từ sớm đến tối ngồi ở đó. Bạn ngồi ở đó thì ai hầu bạn, phước báo của bạn bao lớn? Phật dạy người phước huệ song tu, bạn ngồi ở đó hưởng phước thì làm sao được? Bạn phải biết được tu phước.

“Tọa” là ý bất động, không phải thân bất động, mà là tâm bất động, đây gọi là tọa. “Thiền” là không dính mắc, không dính mắc là thiền, không động tâm là tọa. Cho nên thân có thể động, thân một ngày từ sớm đến tối làm việc, bận rộn đến quên hết tất cả, trong lòng thì không hề có khởi tâm động niệm. Bản lĩnh này cao, tâm địa vĩnh viễn thanh tịnh. Không luận làm bất cứ công việc gì, công việc có khổ hơn, công việc có nặng nề hơn, họ làm ra đều là nhẹ nhàng, đều là rất thư thái. Vì sao vậy? Họ không dính mắc. Phàm phu chúng ta làm những công việc nặng nề này cảm thấy rất mệt, đây là do nguyên nhân gì? Do dính mắc, bạn có phân biệt chấp trước, bạn liền cảm thấy công việc này rất khổ. Nếu như không dính mắc thì bạn không có cảm xúc. Không chỉ cái tướng của công việc cũng không dính mắc, mà ngay đến tướng của thân cũng không dính mắc. Trên “Kinh Kim Cang” nói rất hay: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”. Công việc là ở trong tướng chúng sanh, thọ giả tướng là thời gian. Thời gian làm việc có dài hơn, Ngài cũng sẽ không cảm thấy mệt mỏi. Ngày nay chúng ta chỉ hơi cực một chút thì mệt đừ ra, rất mệt mỏi, đây là do dính lấy bốn tướng. Cho nên phải có định, phải có huệ. Huệ là hiểu rõ các pháp không tướng, chân thật hiểu rõ đạo lý này, tất cả pháp, tướng là huyễn có, diệu hữu, thể là chân không, đó là trí tuệ. Sau khi hiểu rõ chân tướng sự thật thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mới có thể chân thật đoạn dứt được. Cho nên huệ giúp cho định, định giúp cho huệ; định và huệ là thành tựu lẫn nhau, có năng lực hàng phục ma oán.

Trong ma oán, phiền não nhất là nhân sự. Từ xưa đến nay, cách ngôn nói rất hay: “Làm việc khó, làm người càng khó”, nhất là người hiện đại, lòng người khó lường, ý niệm thiên biến vạn hóa, chính là trên “Kinh Địa Tạng” đã nói “tánh thức bất định”. Lòng người thế gian bất định, không thể dò tìm, cho nên ứng phó người mà không có trí tuệ thì không được. Phàm hễ là người tiếp xúc với chúng ta, ở trên kinh Phật nói, luôn không ngoài bốn loại duyên là báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Ngay trong đời này của chúng ta tiếp xúc quen biết tất cả mọi người đều là thuộc bốn loại quan hệ này. Khi chúng ta đi bộ trên đường, nếu gặp được người rất hòa nhã, gật đầu chào hỏi bạn có (thể cả đời chỉ gặp được một lần, sau khi đi qua rồi một đời này cũng không gặp lại), đó là thiện duyên từ trong đời quá khứ, là cái duyên nhiều nhất, ngay trong một đời chỉ gặp có một lần, đó là duyên tốt. Cũng gặp một số người không quen biết, nhìn thấy bạn rất không vừa lòng, trợn mắt với bạn một cái, đó cũng là duyên, có thể ngay trong một đời cũng chỉ gặp qua một lần, đó là duyên bất thiện tương đối mỏng. Nếu như duyên kết được sâu thì phiền phức liền lớn, họ thường sẽ theo bạn, thường hay gây phiền phức cho bạn. Vậy bạn phải làm thế nào để cùng sống với họ? Thực tế thật là khó. Người học Phật có nguyên tắc, tuân thủ lời giáo huấn của Phật, trong đó dạy cho chúng ta “Tam Phước, Lục Hòa, Lục Độ”, đó là dạy cho chúng ta tổng nguyên tắc đối nhân xử thế tiếp vật. Tổng cương lĩnh, những nguyên lý nguyên tắc này đều không rời khỏi “định - huệ”, nếu không phải cửa định sở nhiếp thì là cửa huệ bao hàm lấy, định huệ cùng học. Học ở đâu vậy? Học ngay trong cuộc sống thường ngày, ở trong đối nhân xử thế tiếp vật tu định tu huệ. Cho nên công phu của Bồ Tát từ trước đến giờ chưa từng gián đoạn qua, chỗ này gọi là “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”, chưa từng bị gián đoạn. Công phu chân thật dùng được đắc lực là ở ngay khi khởi tâm động niệm.

Như Lai định huệ viên mãn, cho nên tất cả oan gia trái chủ, Phật đều giúp đỡ họ phá mê khai ngộ, giúp đỡ họ tu hành chứng quả, đó chính là Phật làm ra tấm gương tốt cho chúng ta. Chúng ta không luận đối với người thân cận hay đối với những oan gia trái chủ của chính chúng ta (chính mình cũng có một số oan gia trái chủ), chúng ta phải giống như Phật vậy, dùng sức định huệ để độ họ, giúp đỡ họ giác ngộ, giúp đỡ họ thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi sanh tử, ở ngay trong một đời này vãng sanh bất thoái thành Phật. Việc này phải nhờ vào định huệ của chính mình.

Có một số đồng tu nói, chúng ta chính mình học Phật, người trong nhà rất khó độ. Người trong nhà vì sao khó độ? Bởi vì bạn chưa có định, chưa có huệ. Độ người trong nhà chân thật là không dễ dàng, vì sao vậy? Bạn phải có tu hành chân thật, bạn mới có thể độ được người nhà của bạn, làm ra một tấm gương tốt nhất cho người nhà bạn, để người nhà bạn nhìn thấy được rất tường tận trước khi bạn học Phật và sau khi bạn học Phật đích thực là không giống nhau. Trước khi học Phật có rất nhiều lỗi lầm tập khí khiến cho người chán ghét, sau khi học Phật rồi thì những lỗi lầm tập khí này đều không còn, đều thay đổi hết, ngôn hạnh cử chỉ của bạn khiến cho người hoan hỉ, khiến cho người tôn kính, thì bạn mới có thể độ được người nhà của bạn. Đạo lý này phải hiểu. Người nhà là mỗi ngày cùng ở chung với nhau, lỗi lầm nhỏ của bạn ngày ngày họ nhìn thấy, công phu tu hành của bạn kém một chút thì họ khinh thường bạn. Thân thích bạn bè bên ngoài dễ độ, vì lỗi lầm nhỏ của bạn người bên ngoài không nhìn thấy, họ chỉ xem thấy bạn khi tiếp xúc với họ rất qui củ, dáng vẻ rất giống, không xem thấy được mặt sau. Khi bạn ở nhà thì mặt sau của bạn người nhà thấy rất rõ ràng, như ở trong bàn tay.

Muốn độ chúng sanh, bạn xem trong Kinh điển Phật nói với chúng ta, trước tiên phải độ người nhà. Ý này là bảo chúng ta chân thật làm đến được trong ngoài như nhau; người ngoài, người trong đều không khác, dạy chúng ta công phu thận trọng, chỉ riêng một mình cũng rất thận trọng, cũng rất cung kính, không dám phóng túng, không dám tùy tiện. Quả nhiên bạn có thể làm được như vậy thì người trong nhà làm sao mà không độ được chứ? Sẽ không khó độ.

Oan gia trái chủ rất khó ở chung với nhau. Trên kinh Phật nói với chúng ta, những oan gia trái chủ này đã kết oán nhiều đời nhiều kiếp, chỉ có thể đem cái oán kết này hóa giải. Oán không nên kết nữa, “oan gia nên giải không nên kết”, phải giải oán kết này. Muốn giải oán kết này thì phải có tánh nhẫn nại rất lớn, phải có trí tuệ cao độ, nơi nơi đều nhường nhịn thì liền có thể hóa giải. Quyết định không thể có tâm oán hận, quyết định không nên có tâm báo thù. Nếu như bạn có tâm này thì oan gia này kết chặt, không thể hóa giải. Đời này họ báo thù ta, đến đời sau ta báo thù lại họ, càng diễn càng tàn khốc, mỗi lần báo thù nhất định là vượt hơn lần trước. Nếu như các vị xem “An Sĩ Toàn Thư”, “Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn” thì biết, Văn Xương Đế Quân chính mình nói rõ, mười bảy đời trước, ông làm thầy thuốc, đã tạo ra oan nghiệp, đời đời kiếp kiếp báo thưởng không thôi, rất là thống khổ, tàn khốc. Sau đó may mà gặp được Phật pháp, hiểu rõ được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật, mới nhẫn chịu hãm hại của oan gia, không khởi tâm báo thù, không khởi tâm oán hận, cái oán này liền giải, sổ nợ này liền tính xong. Việc này chúng ta phải nên học tập, nhất định phải tường tận. Chúng ta có ân với người khác, không nên cầu người ta báo đáp; nếu chúng ta có oán với người khác thì phải mau hóa giải, ngay trong một đời này quyết không kết oán thù với bất cứ người nào. Đó là một nguyên tắc căn bản.

  • Tướng thứ sáu là “Thành đạo”

Kinh văn: “Đắc vi diệu pháp, thành tối chánh giác”.

Đây là tướng thứ sáu “thành đạo”: “Đắc vi diệu pháp, thành tối chánh giác”. Đây chính là dáng vẻ Bồ Tát thị hiện thành Phật. Bạn xem, Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời chính là trải qua như vậy. Từ Trời Đâu Xuất giáng sanh ở hoàng cung, sau đó xả bỏ phú quý xuất gia tu hành, đến khắp nơi tham học, tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh, sau đó ở dưới cội Bồ Đề thị hiện hàng ma, sau cùng ma không còn quấy nhiễu, áp bức dẫn dụ đều không động tâm. Đó là chân thật trải qua được khảo nghiệm, “ngoài không dính mắc, trong không động tâm”, xem thấy thế xuất thế gian tất cả pháp như huyễn như họa, như mộng như ảnh, cho nên có thể như như bất động.

“Đắc vi diệu pháp”, Ngài ở dưới cội Bồ Đề thị hiện thành Phật. Ngài được vi diệu pháp gì vậy? Tôi nghĩ mọi người chúng ta đều rất muốn biết, Ngài được vi diệu pháp gì mà thành Phật? Về việc này, Đại Sư Ngẫu Ích trong “Yếu Giải” nói rất hay cho chúng ta nghe, Thích Ca Mâu Ni Phật vì sao mà thành Phật? Ngài Niệm A Di Đà Phật mà thành Phật. Vi diệu pháp chính là niệm A Di Đà Phật, pháp môn niệm Phật. Lời nói này từ xưa đến nay Tổ sư đại đức chưa từng nói qua, đây là do Đại Sư Ngẫu Ích đã nói ra. Kỳ thật Phật ở trên Kinh điển, tổ sư đại đức xưa nay cũng đã từng nói qua, nhưng nói được rất hàm xúc, không rõ ràng như vậy, chúng ta nghe rồi, thấy rồi, luôn luôn là đại khái qua loa xem thường lướt qua. Đại Sư Ngẫu Ích nói được rõ ràng hơn, vì chúng ta nói toạc ra. Có một số đồng tu xem “Yếu Giải” rồi, đem câu nói của Đại Sư Ngẫu Ích đến hỏi tôi: “Đại Sư Ngẫu Ích nói Thích Ca Mâu Ni Phật là do niệm A Di Đà Phật mà thành Phật, Ngài nói câu nói này căn cứ ở đâu vậy? Ngài dựa vào đâu mà nói vậy?”. Căn cứ của Ngài chính là ở trong “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”. Bạn thấy, chúng ta ngày ngày đọc “Kinh Di Đà”, ngay trong một đời không biết đã đọc qua bao nhiêu lần, nhưng không phát hiện ra, không biết được là câu nói nào. Đại Sư Ngài điểm chỉ cho chúng ta như vậy, chúng ta quay đầu xem lại, quả nhiên không sai: “Niệm Phật thành Phật!”.

Ngày trước tôi đã giới thiệu qua với các đồng tu, điều sau cùng trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là “phát tâm Bồ Đề, thâm tín nhân quả”, câu nói đó tôi tìm tòi nhiều năm cũng nghĩ không ra. “Thâm tín nhân quả” tôi không hiểu? Đến sau này mới bỗng nhiên hiểu ra, nhân quả này là “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Niệm Phật thành Phật là đạo lý nhất định.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 31)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ