Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 47)

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 47)
Kinh văn: “Tâm thường đế trụ, độ thế chi đạo, ư nhất thiết vạn vật, tùy ý tự tại, vi chư giá loại, tác bất thỉnh chi hữu”. Lần trước giảng đến đoạn nhỏ này, nhưng bởi vì quan hệ của thời gian, còn có một số ý nghĩa chưa thể nói ra được, hôm nay chúng ta cần phải giảng bổ sung. Chúng ta học Phật, nhất định phải lấy Phật làm tấm gương cho chúng ta. Đặc biệt là đồng tu Tịnh Độ, tấm gương của chúng ta chính là A Di Đà Phật, nhất định phải rất nỗ lực chăm chỉ học tập với Phật A Di Đà, học được giống y như Ngài. A Di Đà Phật ở đâu vậy? Một bộ Kinh chính là A Di Đà Phật. Ngày trước tôi cũng đã từng nói qua với các vị, nếu như chúng ta đối với bộ Kinh này không chỉ có thể tin, có thể hiểu, mà còn có thể làm, nhất định phải làm được. Nếu như làm được một trăm phần trăm thì bạn giống y như Phật A Di Đà, vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định là thượng thượng phẩm vãng sanh, sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Địa vị này thì cao. Nếu như chúng ta không thể học được một trăm phần trăm, có thể học được bảy-tám mươi phần trăm thì cũng có thể nói là quyết định có thể sanh đến cõi Phương Tiện Hữu Dư. Bảy-tám mươi phần trăm cũng học không được, có thể học

Kinh văn: “Tâm thường đế trụ, độ thế chi đạo, ư nhất thiết vạn vật, tùy ý tự tại, vi chư giá loại, tác bất thỉnh chi hữu”.

Lần trước giảng đến đoạn nhỏ này, nhưng bởi vì quan hệ của thời gian, còn có một số ý nghĩa chưa thể nói ra được, hôm nay chúng ta cần phải giảng bổ sung. Chúng ta học Phật, nhất định phải lấy Phật làm tấm gương cho chúng ta. Đặc biệt là đồng tu Tịnh Độ, tấm gương của chúng ta chính là A Di Đà Phật, nhất định phải rất nỗ lực chăm chỉ học tập với Phật A Di Đà, học được giống y như Ngài.

A Di Đà Phật ở đâu vậy? Một bộ Kinh chính là A Di Đà Phật. Ngày trước tôi cũng đã từng nói qua với các vị, nếu như chúng ta đối với bộ Kinh này không chỉ có thể tin, có thể hiểu, mà còn có thể làm, nhất định phải làm được. Nếu như làm được một trăm phần trăm thì bạn giống y như Phật A Di Đà, vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định là thượng thượng phẩm vãng sanh, sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Địa vị này thì cao. Nếu như chúng ta không thể học được một trăm phần trăm, có thể học được bảy-tám mươi phần trăm thì cũng có thể nói là quyết định có thể sanh đến cõi Phương Tiện Hữu Dư. Bảy-tám mươi phần trăm cũng học không được, có thể học được ba-bốn mươi phần trăm thì quyết định có phần vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu như nói tin mà không hiểu, hiểu mà không thể làm, thì không thể nắm được phần vãng sanh, chỗ này gọi là “người niệm Phật nhiều mà người vãng sanh ít”, chính bởi vì không chịu làm theo, không chịu chăm chỉ học tập.

Ngay chỗ này, câu thứ nhất nói: “Tâm thường đế trụ độ thế chi đạo”. Nếu như hợp bổn Kinh lại để nói, chính là bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, mỗi nguyện đều là giúp chúng sanh vãng sanh bất thoái thành Phật. Chúng ta đọc bốn mươi tám nguyện, nhất định phải nương theo tấm gương tốt của Phật Đà, chính mình từ trong nội tâm cũng phải phát ra đại nguyện như vậy, cùng A Di Đà Phật đồng tâm đồng nguyện. A Di Đà Phật không hề vì chính mình, thành thật mà nói, cũng không có cả chính mình, tận hư không khắp pháp giới chính là chính mình, cho nên Ngài mỗi niệm vì chúng sanh. Nếu chúng ta muốn học Phật cũng phải từ ngay chỗ này mà học.

Trong “Ba Bậc Vãng Sanh”, điều kiện nói với chúng ta là “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Phát tâm Bồ Đề mà chỗ đó nói cũng có thể chỉ bốn mươi tám nguyện. Bốn mươi tám nguyện chính là tâm Bồ Đề chân thật. Nếu như có thể y giáo phụng hành, chúng ta với “tất cả vạn vật” tự nhiên liền “tùy ý tự tại”. “Tùy ý tự tại” ở chỗ này nói chính là tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp, như trên “Kinh Phạm Võng” Thế Tôn đã nói: “Thiên bá ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật”. “Thiên bá ức” là đồng thời. Đồng thời có thể hóa ngàn trăm ức thân. Ngàn trăm ức thân này có phải là một hình dáng không? Không phải. Nếu như chỉ một hình dáng thì năng lực của Phật vẫn còn có hạn. Ngàn trăm ức thân là ngàn trăm ức loại thân phận. Mỗi một thân phận đều không như nhau, mỗi một thân tướng cũng không như nhau. Cái thân đó của Ngài làm thế nào hiện ra? Là vô tâm biến hiện. Vô tâm là tùy theo tâm niệm của chúng sanh mà biến hiện ra. Tâm niệm của mỗi một chúng sanh không như nhau, cho nên đức tướng của Phật cũng không như nhau, nhất định là mãn tâm nguyện của chúng sanh. Không chỉ hiện sắc tướng mãn tâm nguyện của chúng sanh, mà nói pháp cũng mãn tâm nguyện của chúng sanh, đó gọi là tùy ý tự tại.

Một câu Kinh văn phía sau này thì tốt rồi: “Vị chư giá loại, tác bất thỉnh chi hữu”.

Thông thường chúng ta gọi “giá loại” là chuyên chỉ tất cả đại chúng trong nhân gian. Ý nghĩa ở chỗ này rộng, có thể bao gồm chín pháp giới. Từ trong cảnh giới của Phật mà nói, chúng sanh chín pháp giới đều có thể nói là giá loại. Thông thường chúng ta gọi là mười pháp giới. Trong mười pháp giới đều có thể gọi là giá loại, then chốt chính là “tác bất thỉnh chi hữu”. Những chúng sanh đó không hề mời bạn nói pháp, bạn phải đi đến. Làm như vậy có phải trái với sư đạo hay không? Thế xuất thế gian pháp, chúng ta biết được đều là thuộc về sư đạo, thầy nhất định phải được tôn trọng, tôn sư trọng đạo.

Lão Pháp sư Ấn Quang nói với chúng ta: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, hai phần thành kính được hai phần lợi ích”. Tu học của chúng ta, chúng ta có thể có được bao nhiêu không ở thầy giáo dạy, mà ở người làm học trò chúng ta khéo học. Chúng ta phải biết học. Biết học là dùng một loại tâm chân thành, thanh tịnh mà tiếp nhận thì chúng ta mới có thể đạt được.

Ngày trước tôi ở Đài Trung, thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lão sư Lý lên lớp, học trò đại khái có bảy-tám chục người. Ngay trong nhiều học trò như vậy, mọi người đều nghe lão sư dạy học, giảng Kinh, nhưng mỗi một người tiếp thu được đều không như nhau, thọ dụng không giống nhau. Chỗ này quyết không phải gọi là căn tánh có lợi độn. Căn tánh lợi độn nhiều ít cũng có chút liên quan, nhưng không quan trọng, quan trọng nhất là thành kính. Quả nhiên có tâm chân thành cung kính, cho dù căn tánh ngu độn cũng có thể khai ngộ.

Việc này năm xưa khi Thế Tôn còn ở đời, trong học trò có người rất ngu độn. Các vị đọc Kinh đều biết Châu Lợi Bàn Đà Gia. Tôi nghĩ nếu các vị so sánh với ông, các vị thông minh hơn nhiều so với ông. Ông đọc một bài kệ, đọc câu trước thì quên câu sau, dạy ông câu sau thì ông lại quên câu trước. Tôi nghĩ, các vị vẫn chưa đến trình độ này. Ông ở trong hội của Thế Tôn có thể chứng được quả A La Hán, có thể được biện tài vô ngại là đạo lý gì vậy? Thành kính. Điểm này chúng ta phải biết được.

Phật pháp là sư đạo. Thị hiện thân phận của Phật độ chúng sanh thì tương đối không thuận tiện, nhất định còn phải tìm các chư Phật Như Lai khác để thị hiện làm học trò, giúp đỡ việc giáo hóa chúng sanh, cho nên gọi là “một Phật thị hiện, ngàn Phật ủng hộ”, còn phải có một ngàn vị Phật đến thị hiện làm học trò. Những học trò này không phải là người thông thường, rất nhiều là chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ tái sanh, họ thị hiện ra thân phận đệ tử Phật. Làm đệ tử Phật thì thuận tiện, có thể “vị chư giá loại, tác bất thỉnh chi hữu”. Bởi vì họ không phải thị hiện thân phận của lão sư, họ thị hiện ra là thân phận học trò, thân phận huynh trưởng, vậy thì dễ nói chuyện, không cần phải bó buộc đến như vậy. Hiểu rõ đạo lý này, chúng ta mới bỗng nhiên hiểu ra, tại vì sao Bồ Tát sau khi thành Phật còn phải thừa nguyện tái lai, trở lại làm địa vị của Bồ Tát. Chính vì câu này. Cho nên, đó là từ bi đến cùng cực. Nhất định sẽ quay lại. Tùy loại hóa thân thì mới có thể phổ độ chúng sanh, đầy đủ hoằng nguyện khi bạn phát ra ở nơi nhân địa.

Một câu Kinh văn này chúng ta chính mình phải tỉ mỉ tư duy, làm thế nào áp dụng ngay trong cuộc sống thường ngày. Điểm này rất quan trọng. Đó là chân thật hành Bồ Tát đạo, chân thật thực hiện hoằng nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, nhất định phải thường giữ tâm này. “Tâm thường đế trụ”, phải thường làm đến được. “Làm bạn không mời của chúng sanh” chính là bạn đã làm được. Làm bằng cách nào? Phương tiện khéo léo vô lượng vô biên, bạn nhất định phải hiểu được quán cơ, vào lúc nào, ở nơi chốn nào, đối với chúng sanh như thế nào, ở trong hoàn cảnh như thế nào, bạn dùng phương thức gì để giúp đỡ họ? Khế cơ khế lý. Đó là linh động, hoạt bát, không phải khô cứng. “Kinh Hoa Nghiêm” từ đầu đến cuối, loại linh động hoạt bát này quá nhiều, đó là một quyển sách hay. Bổn Kinh đã nói là nguyên tắc, là cương yếu, trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là tế hạnh, tế tiết phải nên làm thế nào. Có một nguyên tắc quan trọng, chính là bạn thật có lòng, thật chịu làm mới được. Câu nói này lặp lại rất nhiều lần, bởi vì quá quan trọng. Ngày nay chúng ta học Phật, đối với cái tầng này, thực tế mà nói là đã lơ là. Cái tâm này, bạn nói không có lòng vẫn thật có lòng, nói có lòng lại không thấy hành động. Ngày nay, lòng tin của chúng ta không đủ kiên định, tâm nguyện vẫn không đủ mạnh, gặp được sự việc còn do dự, không chịu nỗ lực mà làm, nhất là không thể chủ động đi làm. “Vì các loại chúng sanh mà làm bạn không mời” là chủ động đi làm, đó mới là Bồ Tát. Nếu như có người khuyên bảo bạn đi làm, xúc tiến bạn đi làm, bạn miễn cưỡng đi làm, đó là người Tiểu Thừa, không phải là Đại Thừa. Đại Thừa nhất định là chủ động. Điểm này chúng ta phải chăm chỉ mà học tập.

***************

Kinh văn: “Thọ trì Như Lai, thậm thâm pháp tạng, hộ Phật chủng tánh, thường xử bất tuyệt”.

Hai câu nói này quan trọng. “Như Lai thậm thâm pháp tạng” chính là chỉ bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này. Then chốt ở hai chữ “Thọ trì”. “Thọ” là tiếp thọ, thật tin, thật hiểu, thật có thể đi làm, đó gọi là thọ. “Trì” là giữ gìn, vĩnh viễn không thể đánh mất. Vậy thì bộ Kinh điển này, đặc biệt là bổn hội tập của Hạ lão cư sĩ, chúng ta xem thấy không sâu, nhưng Ngài nói là “Thậm thâm pháp tạng”, chúng ta đều có thể xem hiểu được, đó là chỗ hay của Kinh này. Hội tập rất hay! Bởi vì tác dụng của bộ Kinh này là phải phổ độ pháp giới tất cả chúng sanh. Pháp giới chúng sanh, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát căn tánh lanh lợi, có trí tuệ, có thần thông; phàm phu sáu cõi chúng ta, đặc biệt là chúng sanh ác đạo, căn tánh ngu kém, Phật dùng phương pháp gì có thể phổ độ những chúng sanh này? Trên đề Kinh này chúng ta đã nói qua, bộ Kinh này thật hy hữu, tất cả chư Phật đều tán thán, đạo lý chính ngay chỗ này, đó là có thể khiến cho chúng sanh năm đường bình đẳng thành Phật. Năm đường chính là chỉ sáu cõi. Chúng sanh sáu cõi đều có thể bình đẳng thành Phật. Người xưa còn gọi năm đường là Ngũ Thừa. Ý nghĩa của Ngũ Thừa thì rất viên mãn. Thanh Văn, Duyên Giác, người, trời, thực tế mà nói, bộ Kinh này còn bao gồm chúng sanh địa ngục. Chín pháp giới tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật, đó chân thật là không thể nghĩ bàn. Cho nên người sâu xem ra cũng rất sâu, người cạn thì xem thấy được cạn, đó là diệu. Cho nên có thể phổ cập, có thể nhận hoan nghênh của tất cả đại chúng, đạo lý chính ngay chỗ này. Mỗi một người xem thấy hoan hỉ, không luận là loại căn tánh nào, thật là như người xưa đã nói “trùm khắp ba căn, lợi độn đều thâu”, các loại căn tánh khác nhau tiếp xúc đều sanh tâm hoan hỉ. Đương nhiên việc này có liên quan với pháp duyên của Phật A Di Đà. Tất cả chúng sanh từ kiếp lâu xa đã kết duyên sâu dày với Phật A Di Đà, cho nên nghe đến danh hiệu, tiếp xúc Kinh điển liền xúc động thiện căn, lòng hoan hỉ của họ mới có thể sanh khởi.

Nói bộ Kinh này sâu sắc cũng cần phải lược nói qua, sợ là đồng tu mới đến nghe Kinh chưa tránh khỏi có nghi hoặc, bởi vì lật qua quyển Kinh này cảm thấy không quá sâu. Không chỉ là bộ Kinh này, mà càng cạn càng rõ ràng hơn là “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”. Có rất nhiều người đều tụng qua, đều có thể thuộc lòng. “Kinh A Di Đà” giống như kể một câu chuyện, chúng ta xem dường như rất cạn, không sâu, thế nhưng các vị xem chú giải của Đại Sư Ngẫu Ích, xem chú giải của Đại Sư Liên Trì thì trái lại xem không hiểu. Kinh thì rất dễ dàng xem hiểu, chú giải thì lại xem không hiểu, đây là do nguyên nhân gì? “Pháp tạng thậm thâm”. Bộ Kinh này ngày trước tôi đã từng giảng qua nhiều lần, thường nói nếu như Thế Tôn tỉ mỉ làm chú giải cho Kinh Vô Lượng Thọ, có quyển chú giải này hay không? Có! Là quyển nào vậy? “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” chính là chú giải cho Kinh này. “Kinh Hoa Nghiêm” đích thực là sâu. “Hoa Nghiêm” là chú giải cho Kinh này, Kinh này là nguyên văn thì đương nhiên phải sâu hơn “Hoa Nghiêm”. Vậy “Kinh Hoa Nghiêm” có giảng giải hay không? Có! Tất cả Kinh mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra trong 49 năm chính là chú giải của “Kinh Hoa Nghiêm”. Cho nên các vị phải nên biết, ngày nay chúng ta đem toàn bộ “Đại Tạng Kinh” rút gọn lại, thì đó chính là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. “Kinh Hoa Nghiêm” lại rút gọn lại thì chính là “Kinh Vô Lượng Thọ”.

Từ ngay chỗ này bạn liền có thể thể hội, Kinh này đích thực là pháp tạng thậm thâm. Nếu như nói triệt để thông đạt tường tận, Phật nói được rất hay: “Chỉ Phật với Phật mới có thể cứu cánh”. Triệt để thông đạt tường tận, việc này Chư Phật Như Lai thì được, hay nói cách khác, Bồ Tát Đẳng Giác cũng không được. Bồ Tát Đẳng Giác còn phải được Phật lực gia trì thì họ mới có thể hiểu, mới có thể chứng. Ngày nay chúng ta trong hội này cũng đang nghiên cứu thảo luận, dường như cũng có thể nói, cũng có thể nghe. Không sai, chúng ta ở nơi đây có thể nói, có thể nghe, có thể hiểu, có thể thể hội đại ý của Kinh vẫn là do được oai thần bổn nguyện gia trì của chư Phật Như Lai. Nếu như không được Phật lực gia trì, phàm phu chúng ta không thể nói. Không chỉ chúng ta không có được năng lực nói, mà chúng ta cũng không có được năng lực nghe hiểu. Bạn có thể nghe hiểu được, có thể nghe được hoan hỉ, đều là thiện căn trong đời quá khứ, hiện tiền được Phật lực gia trì, cho nên mới có thể thọ trì Như Lai pháp tạng thậm thâm.

“Hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt”. Câu nói này, đối với chúng ta mà nói, rất quan trọng. “Phật chủng tánh” là gì? Trên Kinh Phật nói với chúng ta “Phật chủng tùng duyên sanh”, đây là nói trong A Lại Da Thức hàm chứa hạt giống thành Phật. Nếu như bạn có thể giữ gìn hạt giống này, để nó tiếp nối không dứt (không dứt chính là không gián đoạn), bạn ngay trong một đời này nhất định thành Phật. Chúng ta tu hành tại vì sao không thể chứng quả, vì sao không thể thành tựu? Do thường bị gián đoạn.

Ý nghĩa của hai chữ “Phật chủng” này rất rộng, không chỉ rộng mà cũng rất sâu. Mỗi một vị đồng tu chúng ta có duyên phận đến nơi đây nghe Kinh hai giờ đồng hồ, đến niệm Phật đường niệm Phật một giờ đồng hồ, đều là Phật chủng của bạn khởi hiện hành. A Lại Da Thức trong đời quá khứ, nếu như không có hạt giống làm Phật, ngày nay bạn không thể nào ngồi đây được hai giờ đồng hồ, ngồi chưa đến năm phút thì bạn phải mau chạy ra bên ngoài. Cho nên, chứng minh thiện căn-phước-đức nhân duyên của các vị đồng tu ngay trong một đời này viên mãn đầy đủ. Đầy đủ thì có cơ hội làm Phật. Chỉ cần bạn nắm chắc được câu này thì bạn liền có cơ hội làm Phật.

Mỗi một chúng sanh (chúng ta không nên nói mỗi một người, nói mỗi một người phạm vi rất nhỏ, nói mỗi một chúng sanh phạm vi lớn, hướng lên trên bao gồm Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, hướng xuống thì bao gồm địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thảy đều bao gồm đến, nói chúng sanh là bao gồm hết), tất cả chúng sanh chủng tánh của mười pháp giới thảy đều có, có chúng sanh nào mà không có giống Phật, không có giống Bồ Tát, không có giống Thanh Văn, Duyên Giác? Ngày nay chúng ta tuy là ở cõi người nhưng nhất định phải nên biết, chúng ta cũng có giống của địa ngục, cũng có giống của súc sanh, cũng có giống của ngạ quỷ, thảy đều đầy đủ. Con người sau khi chết rồi đi đến cõi nào, việc này thì không định, xem thử một niệm khi họ lâm chung, loại hạt giống nào mạnh. Trong Kinh Phật thường nói: “Kẻ mạnh đến trước”, cái nào mạnh hơn thì lôi kéo họ đi thọ báo, cho nên lâm chung đại sự nhân duyên.

Trong Phật pháp không phải nói là sanh tử đại sự, mà là tử sanh đại sự. Nói sanh tử đó là nói một giai đoạn, nói tử sanh là nói thời gian dài, chết rồi thì sanh, sanh rồi lại chết, không hề ngừng dứt, vĩnh viễn không dứt. Hai chữ này đảo ngược lại thì ý nghĩa hoàn toàn không như nhau. Sau khi chết rồi bạn đi đến nơi đâu để thọ thân, đó gọi là việc lớn. Sanh tử không phải là việc lớn, đó gọi là việc nhỏ, tử sanh mới là việc lớn, đều quyết định ở ngay trong bốn chữ “Thường sử bất tuyệt” sau cùng này. Bốn chữ này làm chủ tể.

Vậy thì “Phật chủng” là gì? Ở trên Kinh này Phật nói cho chúng ta nghe rất rõ ràng, rất tường tận: “Một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật” là Phật chủng. Trong lòng chúng ta đích thực là có, chúng ta chỉ cần có A Di Đà Phật thì chúng ta liền có hạt giống của Phật. Bạn xem người Trung Quốc, nhà nhà đều thờ Bồ Tát Quán Thế Âm. Bạn có Quán Thế Âm, bạn liền có hạt giống của Bồ Tát. Nghe nói ngày trước ở Singapore còn diễn qua “Tế Công Truyện”. Trong đầu của bạn có một Tế Công, bạn có hạt giống của A La Hán. Hạt giống của ngạ quỷ là tham ái, san tham là hạt giống của ngạ quỷ, sân hận là hạt giống địa ngục, thảy đều có hết. Hiện tại ở ngay trong cuộc sống thường ngày, loại hạt giống nào thường hay hiện tiền, quan hệ này vô cùng to lớn. Ở ngay chỗ này Phật dạy chúng ta, tốt nhất là “giữ hạt giống Phật”. Tại vì sao chúng ta xây niệm Phật đường? Tại vì mỗi ngày phải niệm Phật 12 tiếng đồng hồ, chính là thực hiện câu nói “hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt” này. Loại niệm Phật đường này cần phải ở được ba năm, bạn liền có thể vỗ ngực, tôi vãng sanh nhất định sẽ có phần. Điều này một chút cũng không giả. Thời gian ba năm, cái hạt giống này của bạn sanh ra sức mạnh. Bạn không có thời gian huân tu dài như vậy, tuy có giống Phật, nhưng hạt giống này cũng không đủ mạnh.

Hiện tại, Hội trưởng Lý vì mọi người chúng ta mỗi ngày đều đang bận rộn, nằm mộng cũng không quên nghĩ đến xây dựng Thôn Di Đà. Hiện tại trong đầu của ông chỉ nghĩ đến Thôn Di Đà, ngoài ra không có thứ nào khác. Hơn nữa đó là Tam Bảo gia trì, chúng sanh ở phương này có phước, tìm được một miếng đất rất lý tưởng. Tôi nghĩ có không ít đồng tu đều đã đi xem qua, Phật Bồ Tát an bài. Vốn dĩ chúng ta nhắm vào một tòa nhà cạnh bên, nhưng Thượng Đế không để chúng ta sử dụng miếng đất đó của Ngài, xếp đặt cho chúng ta một nơi được tốt hơn, đó là ý của Thượng Đế. Nghe nói hiện tại người chủ này mỗi ngày đang khóc, ngày ngày đang chảy nước mắt. Ông là tín đồ Ki Tô giáo, do Thượng Đế an bài nên ông không còn cách nào.

Sau khi xây xong Thôn Di Đà, nếu như có thể thường trụ ở Thôn Di Đà, thực tế mà nói, tương lai còn phải nghiên cứu phải làm cách nào, rất có thể dùng một kỳ hạn ba năm tính là một giai đoạn. Ở ngay chỗ này thân tâm thế giới tất cả buông bỏ, niệm được ba năm có thể nói đích thực có năng lực tự tại vãng sanh, muốn lúc nào đi thì đi, muốn ở thêm vài năm cũng quyết định không ngại gì, chân thật có thể đạt đến sanh tử tự tại. Việc này một chút cũng không giả. Có loại công phu này, chúng ta có thể dời đến các niệm Phật đường khác để niệm Phật, Thôn Di Đà thì có thể nhường cho người khác, hy vọng thành tựu thêm một số người. Ba năm quyết định có thể đạt đến sanh tử tự tại. Tôi khẳng định mà nói câu nói này, cũng là lấy câu Kinh văn này làm căn cứ. Chúng ta bình thường công phu niệm Phật không có lực, chính là công phu cũng thường hay gián đoạn, thường hay xen tạp, cách niệm như vậy có niệm 300 năm cũng không đáng tin, đừng nói 30 năm, 30 năm thật là không đáng tin. Nhất định phải thảy đều buông bỏ, một lòng một dạ, như trên “Kinh Lăng Nghiêm”, Bồ Tát Đại Thế Chí nói cho chúng ta nghe phương pháp: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Ở Thôn Di Đà, ở trong niệm Phật đường đích thực có thể làm được, đó chính là chân thật làm được “hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt”. Nhất định không được gián đoạn, không thể xen tạp, Phật hiệu quyết định là 24 giờ không gián đoạn, bạn đem hết thảy tạp niệm, lo lắng, vướng bận đều xả bỏ hết, đó mới là hộ Phật chủng tánh. Chủng tánh của chín pháp giới khác, chúng ta đều viễn ly, chỉ hộ trì Phật chủng tánh. Cho nên, câu “thậm thâm pháp tạng” này là chỉ “Kinh Vô Lượng Thọ”. “Hộ Phật chủng tánh” chính là niệm Phật, trì danh niệm Phật, ngay trong đời này quyết định vãng sanh bất thoái thành Phật. Như vậy thù thắng đến dường nào, bất cứ một pháp môn nào đều không thể so sánh.

Lại xem tiếp đoạn sau. Phía trước nói là tự thành tựu, tự lợi. Tự lợi còn phải lợi tha. Thực tế mà nói, ở trên Kinh Phật cũng là dạy bảo chúng ta như vậy. Sau khi tự lợi mới có thể lợi tha. Chính mình chưa thành tựu mà muốn thành tựu người khác, ở trên Kinh Phật thường nói là “vô hữu thị xứ”, không hề có đạo lý này. Nếu bạn muốn độ chúng sanh, trước tiên bạn phải độ chính mình. Chính mình chưa được độ thì không cách gì độ chúng sanh. Chính mình được độ, ở trong Tịnh Tông chính là bạn nắm chắc được phần vãng sanh. Bạn chính mình được độ rồi, thật được có phần vãng sanh, phẩm vị vãng sanh không cần phải để ý, phẩm vị cao thấp không hề gì. Nếu như chính mình một mực chấp trước tôi phải vãng sanh phẩm vị cao, thì cái nguyện độ chúng sanh của bạn không có, hay nói cách khác, bạn có thể được vãng sanh phẩm vị cao hay không? Chưa chắc. Tại vì sao có cách nói này? Bởi vì bạn có phân biệt, bạn có chấp trước, bạn còn hướng vọng cao xa, cho nên cho dù bạn có thể vãng sanh nhưng phẩm vị của bạn không cao. Trái lại không bằng những người mà trong lòng không có chút dính mắc, không cầu bất cứ thứ gì, trung thực thành thật niệm một câu A Di Đà Phật đến cùng, những người đó phẩm vị cao. Vì sao vậy? Họ không có phân biệt, chấp trước.

Do đây có thể biết, chúng ta bình thường tùy duyên hóa độ, đối với chính mình niệm Phật vãng sanh không có chướng ngại, không những không có chướng ngại mà còn có công đức. Đại Từ Bồ Tát đã nói được rất hay: “Bạn có thể khuyên hai người niệm Phật thì thù thắng hơn chính bạn tu hành”. Nhưng bạn phải ghi nhớ, hai người này phải chân thật được vãng sanh thì mới tính đến, không phải nói bình thường ta khuyên mấy người đến niệm Phật, kéo vài người đến nghe Kinh, kéo mấy người đến niệm Phật đường niệm Phật, như vậy thì không tính. Bạn ở ngay trong một đời giúp hai người thành Phật, công đức của bạn thật to lớn, bạn thử nghĩ xem bạn tương lai có được vãng sanh hay không? Quyết định được sanh Tịnh Độ. Khi bạn lâm chung, bạn thấy trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói được rất rõ ràng, người của Thế giới Tây Phương Cực Lạc trí tuệ đức năng thần thông của họ gần giống với Phật A Di Đà Phật. Việc này chúng ta ở trong 48 nguyện ở trên Kinh thấy được rất rõ ràng, việc này nhất định không thể nào giả. Khi chúng ta sắp vãng sanh họ đều xem thấy, cho dù chúng ta chính mình kém một chút, giải đãi một chút, trong A Lại Da Thức chúng ta chủng tánh Phật này cũng tương đối mạnh, hai người ở Thế giới Cực Lạc này còn không mau kéo Phật A Di Đà cùng đến tiếp dẫn. Họ sẽ nói với Phật A Di Đà là hai người chúng tôi đến được nơi đây làm Phật là do họ khuyên, hiện tại họ sắp lâm chung rồi, chúng ta phải mau đi tiếp họ. Người đồng tâm này, tâm đồng lý này, chính là đạo lý này. Cho nên Đại Từ Bồ Tát nói, bạn có thể khuyên mười mấy người, mấy mươi người vãng sanh, chân thật vãng sanh, phước báo đó của bạn là vô lượng vô biên. Bạn có thể khuyên được mấy trăm người, mấy ngàn người thì bạn chân thật là Bồ Tát rồi. Cho nên, Kinh văn chỗ này trước dạy cho chúng ta “bi diễn tế độ”.

***************

Kinh văn: “Hưng đại bi, mẫn hữu tình, diễn từ biện, thọ pháp nhãn, đỗ ác thú, khai thiện môn”.

Sáu câu này là dạy chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày tùy duyên tùy phận tiếp dẫn chúng sanh. Phật tương lai tiếp độ chúng ta, chúng ta phải tiếp dẫn chúng sanh có duyên. Cái duyên này cũng là trong đời quá khứ, họ có thiện căn-phước đức. Trong đời quá khứ đã từng học tập qua pháp môn này, đáng tiếc họ không gặp được duyên. Không gặp được duyên họ không tin tưởng, thiện căn không thể hiện tiền. Chúng ta phải khuyên bảo họ, giúp đỡ họ phát triển thiện căn, công đức này sẽ rất lớn. Cho nên điều kiện thứ nhất, bạn phải có lòng “bi” (“bi” là cứu khổ). Cho dù người đó là bạn của bạn, bạn quen biết người đó, hiện tại họ là đại phú đại quý, không phải là người bần tiện thông thường. Tuy là trước mắt đại phú đại quý, chúng ta đưa mắt nhìn xa một chút thử xem, ngay đời này hành nghiệp của họ tạo ra có bị đọa vào ba đường hay không, có phải vẫn cứ lưu chuyển luân hồi hay không? Nếu như là như vậy, họ sẽ rất đáng thương, tiền đồ của họ tối tăm, Bồ Tát liền phát khởi lòng đại từ bi thương xót họ. Phú quý trước mắt rất là tạm bợ, tiền đồ tương lai là một mảng tối tăm, đó là “kẻ đáng thương” mà trên Kinh thường nói. Trước tiên bạn phải nhận biết, trước tiên phải tường tận, sau đó dùng trí tuệ của bạn, dùng phương tiện khéo léo của bạn “diễn từ biện”. “Diễn” là biểu diễn, “biện” là nói rõ, phải làm ra kiểu dáng để cho họ xem, đó là chân thật từ bi. Từ bi dùng lời hiện tại mà nói là thương yêu, quan tâm, toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ.

A Di Đà Phật.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 47)

Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ