Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 19)

Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 19)
Xin chào các bạn, chào mọi người! Chúng ta vừa nói đến những cảnh giới của học vấn, cho nên cầu học vấn phải không ngừng nâng cao cảnh giới của mình. Phương pháp nâng cao không có gì bằng phải ham học, dũng cảm sửa sai, phải có thể không ngừng nỗ lực thực hiện, như vậy là có thể không ngừng nâng cao cảnh giới của mình. Phu Tử ở trong “Trung Dung” có nói: “Hiếu học cận hồ tri”. “Trí - nhân - dũng” là “tam đạt đức”, bạn chỉ cần tuân thủ “tam đạt đức” này để cầu học vấn thì nhất định có thể không ngừng nâng cao cảnh giới. Cho nên người ham học là gần cái gì vậy? Là gần với trí huệ. Chúng ta vừa nói đến: “Cộng học, thích đạo”, tiếp theo: “Khả dữ lập” và “Khả dữ quyền”. Bốn cảnh giới này vừa mở đầu chính là “học”, chữ “học” trong học tập. Cho nên “khả dữ cộng học, vị khả dữ thích đạo”, bạn có học tập chưa chắc có thể thật sự áp dụng được vào chánh đạo. “Vị khả” là nói với bạn chưa chắc, nhưng nó cũng đồng thời nói, bạn chỉ cần chịu ham học là có thể nâng cao cảnh giới, đạt đến “thích đạo”. Bạn tiếp tục ham học thì lại có thể từ “thích đạo” nâng cao đến cảnh giới đứng hiên ngang bất động. Bạn tiếp tục ham học,

 Xin chào các bạn, chào mọi người!

Chúng ta vừa nói đến những cảnh giới của học vấn, cho nên cầu học vấn phải không ngừng nâng cao cảnh giới của mình. Phương pháp nâng cao không có gì bằng phải ham học, dũng cảm sửa sai, phải có thể không ngừng nỗ lực thực hiện, như vậy là có thể không ngừng nâng cao cảnh giới của mình. Phu Tử ở trong “Trung Dung” có nói: “Hiếu học cận hồ tri”. “Trí - nhân - dũng” là “tam đạt đức”, bạn chỉ cần tuân thủ “tam đạt đức” này để cầu học vấn thì nhất định có thể không ngừng nâng cao cảnh giới. Cho nên người ham học là gần cái gì vậy? Là gần với trí huệ.

Chúng ta vừa nói đến: “Cộng học, thích đạo”, tiếp theo: “Khả dữ lập”“Khả dữ quyền”. Bốn cảnh giới này vừa mở đầu chính là “học”, chữ “học” trong học tập. Cho nên “khả dữ cộng học, vị khả dữ thích đạo”, bạn có học tập chưa chắc có thể thật sự áp dụng được vào chánh đạo. “Vị khả” là nói với bạn chưa chắc, nhưng nó cũng đồng thời nói, bạn chỉ cần chịu ham học là có thể nâng cao cảnh giới, đạt đến “thích đạo”. Bạn tiếp tục ham học thì lại có thể từ thích đạo nâng cao đến cảnh giới đứng hiên ngang bất động. Bạn tiếp tục ham học, lại có thể từ đứng hiên ngang bất động nâng cao đến tùy cơ ứng biến. Cho nên chính yếu ở trong câu giáo huấn này vẫn ở chữ “học”. Một người chỉ cần mọi lúc mọi nơi duy trì cái tâm học tập, mọi lúc mọi nơi quan sát ưu điểm của người khác, nâng cao bản thân, thì học vấn của họ nhất định có thể không ngừng nâng cao cảnh giới. Cho nên, ham học là mấu chốt cho sự thành bại học vấn của một con người.

Ngoài ham học ra cũng cần dũng cảm sửa sai, cho nên nói: “Tri sỉ cận hồ dũng”. Chúng ta không ngừng học tập, nhưng sau đó lỗi lầm của mình cũng không sửa đổi thì giống như bạn lấy một cái thùng bị thủng đáy đi đựng nước, nước có thể đựng đầy được không? Không thể đựng đầy. Cho nên cũng phải đồng thời điều chỉnh lỗi lầm của mình mới có thể khiến đạo đức chúng ta nâng cao. Cho nên phải “Tri sỉ cận hồ dũng, lực hành cận hồ nhân”,. Chỉ sau khi bạn thật sự nỗ lực làm rồi, dùng giáo huấn của Thánh Hiền để đối xử với người nhà của bạn, để đối xử với bạn bè thân thích của bạn, bạn mới có thể biết được nhu cầu của người khác ở chỗ nào. Khi bạn không quan tâm con cái của bạn thì bạn cũng không biết chúng có rất nhiều nhu cầu. Bạn thật sự gần gũi chúng, thật sự suy nghĩ thay cho chúng, bạn mới có thể cảm nhận được, hóa ra chúng có nhiều nhu cầu như vậy.

Thông thường có rất nhiều vị thầy cũng hay hỏi tôi: “Thầy Thái! Tại sao thầy có nghị lực như vậy, ý chí như vậy, không sợ vất vả, đi mở rộng phát triển văn hóa Trung Quốc?”. Họ cũng cảm thấy có khi tràn đầy sinh lực, sau ba ngày lại như bong bóng xì hơi. Tôi nói với họ: “Nếu như bạn từng bị ông lão nhân ttám mươi tuổi van xin với bạn, tôi tin bạn ngủ cũng không thể ngủ hơn bảy giờ đồng hồ. Tại vì sao vậy? Bởi vì bạn cảm nhận được nhu cầu của người khác là bức thiết đến như vậy .

Khi tôi giảng dạy đến ngày thứ ba ở Thiên Mục Sơn - Hàng Châu, sau khi ăn cơm trưa xong, vừa mới bước ra, có một cụ già tám mươi tuổi nhìn thấy tôi lập tức liền quỳ xuống. Động tác của tôi cũng rất nhanh (bởi vì trước đây tôi là người chơi cầu lông, cho nên tốc độ cứu cầu đã trở thành không cần suy nghĩ), lập tức bổ nhào người qua, hai chân cũng quỳ xuống, kịp thời dìu ông lão đứng dậy. Tôi liền giữ ông lão nói: “Ông ơi! Xin ông đứng lên nói, đừng làm như vậy!”. Cuối cùng ông vừa đứng lên nói: “Thầy Thái! Thầy nhất định phải đồng ý với tôi hai yêu cầu. Ông nói yêu cầu thứ nhất: Tôi là người Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương. Ở Tân Cương không có giáo huấn Thánh Hiền hay như vậy để nghe, thầy nhất định phải đến Tân Cương để giảng dạy. Ông cũng đã tám mươi tuổi rồi, cái quỳ đó của ông là quỳ vì ai vậy? Quỳ vì lão bá tánh. Đúng rồi! Cho nên không phải tôi đang dạy ông, mà là ông đang dạy những người tuổi trẻ này của chúng ta. Ông không vị kỷ. Con của ông đang làm thầy giáo ở đại học, ông đời này không lo chuyện ăn mặc nữa, nhưng mà ông niệm niệm là nghĩ vì nhân dân. Ông nói điều thứ hai: Nhất định phải đem đĩa mà các thầy giảng dạy tặng cho tôi một bộ, tôi còn phải đi tặng cho người khác”. Cho nên, tôi nói với những người thầy đang phổ biến văn hóa của chúng tôi: “Khi bạn thật sự đang tiếp xúc với đông đảo quần chúng như vậy, từ trong nội tâm thật sự cảm nhận được nhu cầu của họ, khát vọng của họ đối với học vấn Thánh Hiền, thì lòng nhân từ đó của bạn đã được nâng cao”. Chân thật khi bạn càng thực tiễn tư tưởng Thánh Hiền, càng thực tiễn giáo huấn Thánh Hiền, thì bạn có thể nhìn thấy trách nhiệm của mình ở nơi nào, như vậy bạn có thể lúc nào cũng nghĩ thay cho người, lúc nào cũng giúp đỡ nhu cầu của người khác. Tam đạt đức trí - nhân - dũng là một thái độ rất quan trọng nâng cao đạo đức đối với chúng ta.

Quan hệ ngũ luân cuối cùng chúng ta có thể dùng ba chữ để tổng kết. Bạn chỉ cần mọi lúc có thể dùng được ba chữ này để quán chiếu ngôn ngữ hành vi, khởi tâm động niệm của mình thì bạn rất nhanh chóng có thể đem ngũ luân này làm viên mãn. Ba chữ này có thể nói là ba vật báu của văn hóa chúng ta. Ba chữ nào vậy? “Quân - thân - sư”. “Quân - thân - sư” và “thiên - địa” là năm địa vị ngang hàng. Ở trong vạn vật, cái tôn quý nhất chính là “thiên - địa - quân - thân - sư”. Mà “quân - thân - sư” là phải đem cái đức của trời đất diễn ra, như vậy mới có thể thật sự khiến người ta tôn kính.

Rốt cuộc bản chất của “quân - thân - sư” là đại biểu điều gì vậy? Nhìn ở bên ngoài thì “quân” là đại biểu cho người lãnh đạo, “thân” là đại biểu cho những bậc làm cha mẹ, “sư” là thầy. Bản chất tầng sâu; “quân” đại biểu cho lãnh đạo, đại biểu lấy mình làm gương. Đây là hàm nghĩa quan trọng của “quân”. “Thân” đại biểu cha mẹ dùng tình cảm quan tâm, dùng tình cảm thương yêu. Đây là bản chất của “thân”. “Sư” đại biểu chỉ dẫn họ, dạy bảo họ mọi mặt, chính là vai trò ngôn giáo. Cho nên “quân - thân - sư”, ba vai trò này đặc biệt quan trọng đối với cả đời một con người.

Hiện nay, có hiện tượng là bậc làm cha mẹ cảm thấy con cái rất khó dạy bảo, người làm cấp trên cảm thấy nhân viên không chịu nghe lời, người làm thầy cô giáo cảm thấy học trò không chịu học, rất khó dạy, cho nên là ai có vấn đề vậy? Là con trẻ có vấn đề, là học trò có vấn đề, là nhân viên có vấn đề, như vậy có đúng hay không? Như vậy rất khó khế nhập giáo huấn Thánh Hiền. Giáo huấn Thánh Hiền chúng ta có một câu tâm pháp: “Làm không được phải soi lại chính mình”. Thực ra, bậc làm lãnh đạo, bậc làm cha mẹ, bậc làm thầy cô giáo chỉ cần đem “quân - thân - sư” làm được thì nhất định có thể dạy được con trẻ, chỉ dạy được học trò, bồi dưỡng được nhân viên.

Chúng ta hãy xem, tại vì sao hiện nay nhân viên không nghe lời ông chủ vậy? Bởi vì, khi họ làm “quân”, họ có làm được lấy mình làm gương hay không? Họ chưa có làm được. Họ có thể chỉ là có tiền, yêu cầu cấp dưới, dùng quyền uy ép người khác. Khi ép như vậy, vẻ bề ngoài nhân viên rất nghe lời, đợi đến khi không có người chủ ở đó, họ bằng mặt không bằng lòng. Cho nên, không được dùng quyền thế ép người.

“Đệ Tử Quy” nói: “Thế phục nhân, tâm bất nhiên. Lý phc nhân, phương vô ngôn” (Thế phục người, người không phục. Lý phục người, tâm mới phục). Bạn cần phải dùng đạo lý, dùng tấm gương tốt của mình để cảm hóa, để dẫn dắt nhân viên, đây mới là vai trò của “quân”. Cho nên bậc làm lãnh đạo, chữ “quân” trên cơ bản chưa có làm được.

Sau đó thử xem họ có làm được chữ “thân” hay không, có đối xử với nhân viên như là người thân của mình hay không? Khi một người chủ đối xử nhân viên của mình như là người thân thì bầu không khí trong toàn bộ công ty của họ sẽ như thế nào? Tuyệt đối là quan tâm lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta - bậc làm lãnh đạo đi ra ngoài du lịch cả tuần về, ví dụ đi Hải Khẩu, những cấp dưới này của bạn đều biết bạn đi Hải Khẩu về. Cuối cùng, khi bạn trở về hai tay không, đại biểu khi bạn đi ra cũng không biết nghĩ đến họ. Họ vốn dĩ nghĩ: “Chắc có thể có kẹo dừa ăn, cuối cùng chẳng có gì. Nếu như chúng ta vừa trở về, lập tức đem kẹo dừa, cà phê, những đặc sản này đem về để ở trong văn phòng: “Khi nào muốn uống hãy tự pha nhé!”. Họ từng giây từng phút có thể cảm nhận được bạn quan tâm đối với họ, cho nên cái bầu không khí làm việc đó là rất khác nhau. Khi bầu không khí làm việc của nhân viên tốt thì hiệu suất làm việc tự nhiên sẽ tốt. Nếu như bầu không khí không tốt, rất nhiều nhân viên làm việc lâu dài ở chỗ này có thể ngay cả sức khỏe cũng trở nên tồi tệ. Cho nên bầu không khí làm việc phải dựa vào bậc làm lãnh đạo có loại thái độ quan tâm, đối xử như người thân với cấp dưới.

Bậc làm lãnh đạo nếu như lại có thể làm được “sư”; bởi vì cấp dưới của chúng ta không phải vừa đến là năng lực gì cũng biết, cũng phải thông qua sự chỉ dẫn từng li từng tí của lãnh đạo, tính nhẫn nại của lãnh đạo để nâng cao năng lực của cấp dưới. Khi chúng ta có loại thái độ của người thầy này đối với cấp dưới thì cấp dưới đi theo chúng ta sẽ cảm thấy mình có sự tiến bộ và trưởng thành rất nhiều, sẽ luôn luôn nghĩ đến cái phần ân đức mà lãnh đạo đã chỉ dạy cho họ. Cho nên khi một vị lãnh đạo làm tốt vai trò “quân”, làm tốt “thân”, lại làm tốt “sư” thì tuyệt đối sẽ giành được sự mến yêu của cấp dưới. Cho nên bậc làm lãnh đạo phải nghĩ xem mình có làm được “quân - thân - sư” hay chưa?

Rất nhiều bậc làm cha mẹ cảm thấy con trẻ không nghe lời, vậy chúng ta hãy thử xem họ “quân - thân - sư” có làm tốt hay chưa? Trước tiên, xin hỏi bậc làm cha mẹ có yêu thương con trẻ hay không? Yêu thương con trẻ vẫn phải học tập, không phải bạn muốn dạy như thế nào là dạy như thế đó, như vậy sẽ giống như “Đệ Tử Quy” nói: “Đãn lực hành, bất học văn, nhậm kỷ kiến, muội lý chân” (Nếu gắng làm, không học văn. Theo ý mình, mù chân lý). Bạn đều dùng cách nghĩ của bạn để chăm sóc con trẻ, kết quả không chỉ không giúp ích cho con trẻ, mà có khả năng làm hại con trẻ. Cho nên phải học làm cha, học làm mẹ, bạn không có quan niệm chính xác sẽ rất khó dạy tốt con cái ở trong xã hội này.

Ví dụ, rất nhiều cha mẹ rất yêu thương con cái, rất sợ chúng quá mệt mỏi, quá nhiều áp lực, cho nên việc gì cũng giúp chúng làm đến nơi đến chốn, như vậy có yêu thương chúng hay không? Cho nên chúng ta nghĩ xem, người trẻ tuổi hiện nay có thể đảm đương khó khăn, có thể đảm đương áp lực hay không? Không có. Khi họ không có năng lực này thì đời này họ có thể trải qua thông suốt hay không? Đời này có thể không biết họ sẽ sụp đổ ở cái khâu nào. Cho nên, người thật sự yêu thương con trẻ cần phải biết sáng tạo thật nhiều cơ hội để cho con trẻ tôi luyện, để cho con trẻ rèn luyện mới đúng.

Mấy ngày trước, chúng tôi đã nêu ví dụ con của chú Lư. Chú sáng tạo rất nhiều cơ hội cho con chú tôi luyện. Con chú đi tìm việc, được Chủ tịch Hội đồng Quản trị nói: “Anh cần bao nhiêu lương tự mình yêu cầu. Nếu trước đây phụ thân không có cho anh ấy nhiều rèn luyện như thế thì năng lực của anh ấy có thể có được không? Cho nên yêu thương con trẻ bạn phải có lý trí, phải biết lo xa nghĩ rộng. Cho nên bậc làm cha mẹ yêu thương con trẻ cũng cần trải qua học tập, nếu không thì cha mẹ ngay cả vai trò “thân” này cũng không làm được. Hơn nữa, bậc làm cha mẹ phải làm “quân”, cũng chính là lấy mình làm gương cho con trẻ xem.

Chúng tôi thường hay nêu ví dụ cha mẹ yêu cầu con trẻ phải ham học, còn họ thì ngồi ở đó xem ti vi, sau đó nói: “Con mau mau đi học cho mẹ, mẹ đếm đến ba nếu không đi mẹ sẽ đánh con”. Con trẻ cứ ngồi lì ở đó, còn ôm vách tường, ôm cột ghì ở đó không chịu đi. Sau đó nói “thông điệp cuối cùng” nó mới chịu chạy đi. Khi chạy đi như vậy ở trong đầu nó nghĩ gì vậy? Nghĩ cái vai chính nữ, cái vai chính nam đó hiện nay như thế nào. Chúng ngồi ở trên bàn có thể tĩnh tâm mà xem sách hay không? Không được. Cho nên, người làm cha mẹ chúng ta đều lấy yêu cầu của Thánh Hiền để yêu cầu con trẻ mà hoàn toàn không có yêu cầu chính mình, cho nên khi cha mẹ không có lấy mình làm gương, xin hỏi con cái chúng ta có phục hay không? Không phục. Cái oán khí đó sẽ bắt đầu tích lũy, tích lũy đến khi chiều cao của chúng cao bằng bạn thì chúng sẽ không nghe bạn nói gì nữa. Quả đấm của anh lớn thì quả đấm của tôi sẽ càng lớn hơn anh, đến lúc này sẽ xuất hiện hiện tượng phản nghịch. Cho nên, rất nhiều người nói hiện tượng phản nghịch là bình thường, câu nói này có đúng không? Hiện nay trong xã hội lưu truyền những quan niệm này, phần lớn đều giống như đúng mà không đúng, thực ra đều là sai.

Chúng tôi tham gia một số buổi tọa đàm, rất nhiều thầy giáo cấp hai - cấp ba nói: “Trẻ em đến cái tuổi này xuất hiện hiện tượng phản nghịch là tất nhiên”. Lời nói còn phải chờ tranh luận. Ở trong lịch sử mấy ngàn năm của chúng ta hoàn toàn không có ghi chép trẻ em trong độ tuổi thiếu niên nhất định có hiện tượng phản nghịch. Cái này là kết quả, trong mấy chục năm kết thành kết quả này. Cái quả này ở trong mấy ngàn năm không thể kết thành được, vậy người trong thế hệ này của chúng ta cũng thật lợi hại, bỗng chốc kết thành cái quả ác này. Tổ tiên xưa mấy ngàn năm của chúng ta không có kết thành cái loại quả này, nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Nguyên nhân ở tổ tiên xưa mấy ngàn năm rất xem trọng giáo dục, và ở trong giáo dục cái được xem trọng hàng đầu là đạo hiếu. Bậc làm cha mẹ đều đem hiếu diễn cho con cái xem, cho nên con cái của họ từ nhỏ đã có thái độ hiếu thuận, tôn kính bậc trên. Từ nhỏ đã có cái tâm hiếu kính với cha mẹ, làm gì có hiệu ứng phản nghịch được, làm gì có hiện tượng phản nghịch được. Không tìm ra được nguyên nhân đích thực, mỗi ngày lo lắng con cái tôi sau này nhất định sẽ phản nghịch, không biết sợ hãi sinh ra bao nhiêu thứ bệnh. Cho nên, thế hệ của phụ thân tôi đâu có hiện tượng phản nghịch này. Thế hệ phụ thân thấy cha mẹ vất vả như vậy nên luôn luôn nghĩ phải học cho tốt để có thể phụng dưỡng cha mẹ, đâu có người nào phản nghịch. Người tuổi giống như tôi đây hầu như có 60% - 70% là có phản nghịch. Tôi không có. Tôi còn đi hỏi mẹ của tôi để làm chứng: Hiện nay đều nói có phản nghịch, con có hay không mẹ?”. Mẹ tôi suy nghĩ một lúc nói: “Không có, xem như là đạt tiêu chuẩn”. Cho nên, khi chúng ta từ nhỏ có cái tâm kính sợ đối với cha mẹ, từ nhỏ cha mẹ đều là lời nói đi đôi với việc làm, lấy mình làm gương, thì trong nội tâm của chúng ta chỉ có kính, chỉ có sợ đối với cha mẹ, làm gì có phản nghịch.

Lúc chúng tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi ăn cơm xong nghỉ ngơi một chút liền vào trong phòng đọc sách, vậy ba người con chúng tôi này có thể ngồi ở trên ghế sofa để xem ti vi hay không? Không dám, ngoan ngoãn đi đọc sách ngay. Nhà chúng tôi hoàn toàn không có bảo con cái đọc sách. Mẹ của tôi mỗi lần lên lầu đều bảo chúng tôi mau mau đi ngủ, không nên xem nữa. Thường tiếng bước chân của mẹ tôi vẫn chưa lên lầu thì chị của tôi đã đem âm thanh của chị truyền đi: Đi ngủ thôi, không nên xem nữa. Bởi vì cha mẹ lấy mình làm gương, cho nên con trẻ rất tự nhiên sẽ làm theo.

Cổ nhân nói: “Thân giáo giả tùng”, thân giáo thì con cái sẽ làm theo bạn. “Ngôn giáo giả tụng”, bạn chỉ yêu cầu trên cửa miệng, bản thân còn chưa làm được, đến cuối cùng người trong nhà nhất định sẽ sinh ra cãi cọ, con cái nhất định sẽ không phục sự chỉ dẫn của bạn. Cho nên hiện nay tại sao con cái dạy không được? Bởi vì người lớn lấy mình làm gương chưa tốt. Thậm chí, con cái còn khuyên: “Mẹ à, không nên chơi bài mạt chược nữa”, bạn còn đánh nó một trận, sau này nó có nghe lời bạn nữa không? Dứt khoát không thể nghe bạn, cũng dứt khoát không thể tôn trọng bạn. Cho nên cha mẹ “thân” chưa làm được, “quân” chưa làm được, “sư” chưa làm được, khi có những chuyện cần dạy bảo con cái, chúng cũng ngoảnh mặt làm ngơ, như vậy cũng chưa làm được trách nhiệm giáo dục con cái.

Còn có phụ huynh khoa trương hơn, không có độ nhạy cảm giáo dục. Một vị quan chức giáo dục ở Thiểm Tây có một người bạn nói với ông: “Con trai tôi rất thông minh. Bởi vì có một hôm nó xin tôi hai đồng, tôi đã lấy một tờ hai đồng cho nó”. Nó nói: “Ba à, con cần hai tờ một đồng. Ba của nó liền hỏi: “Thế chẳng phải giống nhau sao? Tại sao phải cần hai tờ một đồng chứ?”. Cậu liền nói với ba: Bởi vì hai t thì con có thể đưa cho phòng giáo vụ, phòng huấn đạo hai lần, mỗi lần có thể cộng thêm 10 điểm không nhặt của rơi. Ba của cậu rất vui mừng nói: Anh thấy con của tôi thông minh chưa vậy. Vị quan chức giáo dục này khi nghe xong chỉ biết: “Than ôi!”. Độ nhạy cảm giáo dục của cha mẹ có hay không vậy? Không có, họ còn muốn nói đầu óc của con họ rất tốt. Con của họ đã bắt đầu nói dối, không thành thật rồi, cái họ cần là cái hư danh. Cho nên bậc làm cha mẹ lúc cần dạy thì phải dạy cho đàng hoàng.

Tại sao con cái hiện nay dạy không được vậy? Người làm cha mẹ chúng ta chưa có làm được “quân - thân - sư”. Người làm thầy có làm được “quân - thân - sư” hay chưa vậy? Thầy thường hay đập bàn: “Học trò thật không biết nghe lời. Thực ra chúng ta cần xoay trở lại thử nghĩ mình chỗ nào làm không tốt. Chúng ta thấy hiện nay người làm thầy giống như có đang dạy bảo các em, mỗi ngày chỉ thấy: Tại sao em làm bài kiểm tra kém như vậy, đưa tay ra đây”, tất cả chỉ là lấy điểm. Bạn chỉ lấy điểm, không dạy các em làm người, các em sẽ không tôn kính bạn.

Tôi từ nhỏ học cấp hai, học cấp ba đều xem như là học trường rất tốt. Lúc học ở cấp hai thật là bị dồn ép khủng khiếp! Tôi còn nhớ có một lần tôi làm kiểm tra môn Anh văn đã làm được 100 điểm, rất vui mừng. Vui mừng chưa được ba phút, thầy của tôi đã nói một câu: “Lần kiểm tra tháng sau, sụt một điểm đánh một roi. Tôi từ vui mừng biến thành đau buồn, bởi vì tôi lần sau chắc chắn bị đánh. Sau đó, kiểm tra 91 điểm, đã bị đánh chín roi. Tôi từ nhỏ có sự chỉ dạy của cha mẹ, cho nên thường thường đối với người đều rất hiền hậu, vì vậy hoàn toàn không có oán trách người khác. Từ nhỏ đến lớn  cha mẹ tôi không có nói qua chuyện thị phi của một người nào trước mặt chúng tôi. Cho nên, thường chị em chúng tôi khi xảy ra chuyện, phản ứng đầu tiên là kiểm điểm lại mình. Nhưng mà những bạn học khác thì không như vậy, khi thầy chửi mắng như vậy, đánh như vậy, đối với lòng tự ái của họ sẽ tổn hại rất lớn. Rất nhiều bạn học của tôi chỉ số thông minh đến 140, 150, tôi mới 118, cho nên đầu óc của họ phản ứng cũng tốt hơn tôi rất nhiều. Cuối cùng, bởi vì thầy thường đều mắng, đều đánh, họ bắt đầu xuất hiện hiện tượng chán học, cấp ba cũng không thi tốt. Rất nhiều bạn học ngay cả cấp ba cũng chưa học xong, đã nghỉ học rồi. Cho nên, dạy cũng phải dạy đúng. Bạn làm thầy người ta mà dạy sai như vậy, đã tổn hại tâm của các em. Khi các em không có tâm cung kính đối với thầy cô thì bạn đồng thời cũng đã cắt đứt đạo nghiệp học vấn cả đời của các em. Cho nên, tôi nhìn thấy những bạn học này của tôi, trong lòng tôi cảm thấy rất thương tiếc! Nhưng tôi suy nghĩ những vị thầy này của chúng tôi cũng cảm thấy họ rất đáng thương. Họ thật sự: “Người trong giang hồ, thân bất do kỷ”. Toàn bộ hoàn cảnh lớn là yêu cầu họ điều gì? Anh cứ là ép số điểm lên. Khi thi đậu vào trường tốt, học trò càng nhiều thì trường của chúng ta càng thành công. Phải cần suy nghĩ cẩn thận. Người hiện nay cần là thành công, rốt cuộc có phải thật sự thành tựu cuộc đời của các em hay không? Người làm thầy chúng ta thật sự cần tĩnh tâm lại mà suy nghĩ xem, rốt cuộc giáo dục mấy chục năm của chúng ta có phải là thành tựu cho các em hay không? Không được phép mê lầm ở trong dòng nước lũ này.

Phần lớn người hiện nay phương hướng theo đuổi đối với cuộc đời bị thiên lệch. Chúng ta cần phải cẩn thận, không được nước chảy bèo trôi. Khi người làm thầy chúng ta thật sự nắm được tư tưởng quan niệm chính xác cho việc thành tựu cuộc đời của các em, đó mới là việc quan trọng nhất của người làm thầy, chữ “sư” này của bạn mới bắt đầu đi trên phương hướng chính xác. Hàn Dũ nói: “Sư giả, sở dĩ truyền đạo, thọ nghiệp, giải hoặc dã”. Phải truyền cái đạo làm người thật sự chính xác, phải giải cho được mối nghi hoặc trong cuộc đời của các em, đây mới là người thầy chân thật.

Chúng tôi diễn giảng ở Hàn Châu, vị cảnh sát quân sự đó bốn mươi tuổi rồi mới biết đúng sai của cuộc đời. Nếu như anh ấy lúc mười mấy tuổi đã biết rồi thì cuộc đời của anh sẽ hoàn toàn khác. Lương tri của người làm thầy chúng ta không được để cho sự hối tiếc trong cuộc đời của rất nhiều người học trò chúng ta tiếp tục xảy ra. Đây là cái lương tri của một người làm thầy. Cho nên, từ trong chữ “sư” này, chúng ta trước tiên phải nắm được “giáo” là gì.

Hơn nữa, người làm thầy cũng phải suy nghĩ bản thân chúng ta có lấy mình làm gương hay chưa? Khi một người thầy ham học, trong lúc người thầy giảng bài đều có thể dẫn chứng phong phú, nêu ra rất nhiều câu chuyện lịch sử, học trò nhìn thấy loại thái độ dạy học này của chúng ta thì sẽ hấp dẫn chúng rất sâu. Cho nên khi chúng ta ham học thì học trò tự nhiên ham học.

Tiếp theo là Thân. Người làm thầy chúng ta có lúc nào cũng đối xử học trò của mình giống như xem con em người thân của mình hay không? Khi chúng ta có thái độ như vậy thì sự tín nhiệm của các em đối với chúng ta sẽ rất sâu và những lời giáo huấn mà bạn nói, chúng cũng sẽ tiếp thu rất chăm chỉ, rất chú tâm. Khi một người thầy thật sự làm được “quân - thân - sư”, họ sẽ tuyệt đối đem công việc làm thầy của họ làm rất viên mãn. Cho nên, chúng ta từng giây từng phút ở trong quan hệ ngũ luân cần suy nghĩ bản thân có làm được “quân - thân - sư” hay chưa. Quan hệ cha con, chúng ta làm cha có làm được “quân - thân - sư” hay chưa?

Con cái đối với cha mẹ có được phép là “quân - thân - sư” hay không? “Đại đạo bất khí”, đạo lý lớn của vũ trụ nhân sinh là chiếu khắp muôn nơi đều đúng. Nếu bạn đem bổn phận, vai trò làm con cái này của bạn làm thật viên mãn thì bạn cũng có thể làm “quân - thân - sư”. Cho nên khi bạn lấy mình làm gương, bạn dùng đức hạnh để cảm động cha mẹ của bạn, hy vọng cha mẹ của bạn cũng có thể nhận được giáo huấn Thánh Hiền, để cho tuổi về chiều của họ thân tâm có thể nhẹ nhàng an ổn, thì đạo đức học vấn của bạn phải như thế nào vậy? Phải tốt hơn cha mẹ của bạn. Cho nên bạn phải làm “quân”. Tiếp đó, bạn phải làm “thân”, phải mọi lúc mọi nơi quan tâm cha mẹ. Bạn phải làm “sư”, đối với rất nhiều đạo lý bạn phải biết dung thông, phải biết nắm lấy thời cơ để hướng dẫn cha mẹ. Bởi vì sự trưởng thành tư tưởng quan niệm của một con người tuyệt đối không phải một sớm một chiều, cho nên trong quá trình hướng dẫn, đương nhiên người làm con cái chúng ta diễn chữ “sư” này thái độ không được giống như thầy mắng học trò, nếu không là bạn học chưa có linh hoạt. Chữ “sư” này là nắm được cơ hội hướng dẫn cha mẹ, nhưng mà trên thái độ là vẫn phải “mặt ta vui, lời ta dịu”, thái độ phải đúng. Cho nên, quan hệ cha con cần làm “quân - thân - sư”.

Quan hệ vua tôi có thể làm “quân - thân - sư” hay không? Bạn nói, tôi là cấp dưới, tôi làm sao làm “quân - thân - sư” được? Thực ra bạn chỉ cần có đức hạnh thì cấp trên của bạn sẽ học tập theo bạn. Bạn lúc nào cũng nghĩ cho cấp trên, xem họ giống như người trong một nhà, các bạn quý mến lẫn nhau, lúc cần phải khuyên can họ, lúc cần dùng ngôn giáo, phải nắm được thời cơ để khuyên nhủ họ, thì bạn cũng làm được “sư”. Như thế người lãnh đạo, cấp trên của bạn nhất định sẽ vô cùng trọng bạn, cũng sẽ cố gắng đề bạt bạn. Cho nên quan hệ cha con có thể làm “quân - thân - sư”, quan hệ vua tôi cũng có thể làm “quân - thân - sư”.

Thế quan hệ vợ chồng thì sao? Cũng làm “quân - thân - sư” được. Khi một nửa kia của bạn từ trong nội tâm khâm phục bạn, bạn cũng lấy mình làm gương thì lời nói của bạn rất có trọng lượng. Luôn luôn quan tâm, làm được vai trò “thân”, nắm đúng thời cơ gợi mở cho họ, khuyên nhủ họ, đây chính là vai trò của “sư”.

Anh em cũng vậy. Cuối cùng bạn bè, thậm chí là đồng nghiệp cũng có thể làm “quân - thân - sư”.

Chúng ta thường hay nghe một số bạn bè nói: “Tôi vào công ty này bởi vì có anh đồng nghiệp này hướng dẫn cho tôi rất nhiều trong trong công việc, thậm chí trong phương diện giá trị cuộc sống của tôi cũng có cho tôi rất nhiều gợi ý”. Bạn có từng nghe bạn bè của bạn nói về bạn bè khác của họ kiểu như vậy không? Không có à! Tôi có nghe nói. Một số bạn bè tôi nói: “Tôi chính là gặp được anh đồng nghiệp này, cuộc đời tôi mới thay đổi như vậy. Tại vì sao họ đối với anh đồng nghiệp này có cảm nhận sâu như vậy, cảm tạ sâu như vậy? Nhất định bạn bè của họ làm được “quân - thân - sư”, làm tấm gương tốt cho họ trong công việc, trong đời sống, sau đó ở trong đời sống còn quan tâm họ rất nhiều. Khi họ làm việc không hiểu rõ, rất nhiều năng lực còn thiếu sót, đồng nghiệp còn chủ động hướng dẫn họ, cho nên họ mới có thể có cảm tạ sâu như vậy đối với đồng nghiệp này.

Khi chúng ta ở trong bất kỳ mối quan hệ giữa người với người cũng có thể làm được “quân - thân - sư” thì mỗi thân hữu tiếp xúc với bạn cũng sẽ khâm phục bạn, nhìn thấy bạn cũng đều rất ưa thích, tán thán. Cho nên ba chữ “quân - thân - sư” này, ba thái độ này, chúng ta luôn luôn lấy ra quán chiếu bản thân có làm được hay không? Nếu như có thể quán chiếu được như vậy, đảm bảo đạo đức học vấn của bạn sẽ được nâng lên rất nhanh.

Quan hệ ngũ luân đến chỗ này đã báo cáo xong một giai đoạn, tiếp sau đây chúng ta cần tiến sâu vào trình tự học tập.

Trình Tự Học Tập: “Học Chi Tự; Bác Học, Thẩm Vấn, Thận Tư, Minh Biện, Đốc Hành”

Học vấn, học cái gì? Học đạo đức, học đạo lớn ngũ luân. Toàn bộ khóa trình phía trước của chúng ta chính là giảng giải cái đạo lớn ngũ luân này. Sau khi hiểu rõ đạo lý rồi cần phải tiến đến thực hành, cho nên toàn bộ trình tự học tập này cũng rất then chốt.

Trong giảng nghĩa có viết: Học chi tự; bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện. Cái cuối cùng là gì vậy? “Đốc hành”. Chúng ta hãy xem qua “bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện”, bốn trình tự này. Thực ra, điều quan trọng nhất chính là cần đem đạo lý làm cho rõ ràng. Đạo lý làm rõ ràng, gọi là bộ phận “tri”. Trình tự sau cùng là cần phải làm cho được, phải thực tiễn đạo lý rõ ràng, cho nên gọi là “Đốc hành”, như vậy mới có thể “tri hành hợp nhất”. Học vấn điều quan trọng nhất chính là phải “tri hành hợp nhất”. Khi bạn biết rất nhiều nhưng đều chưa có làm, như vậy có học vấn hay không? Như vậy không chỉ không có học vấn, vả lại còn có hại. Người biết càng nhiều mà không làm thì nhất định sẽ rất ngạo mạn. Cho nên ở trong “Đệ Tử Quy” có hai câu gợi mở rất quan trọng đối với cầu học vấn, chúng ta nhất định phải nhớ kỹ hai câu này:

“Không gắng làm, chỉ học văn,

Chỉ bề ngoài, thành người nào.

Nếu gắng làm, không học văn,

Theo ý mình, mù chân lý”.

“Bất lực hành, đãn học văn” (không gắng làm, chỉ học văn), nghĩa là không làm mà chỉ cứ mãi học thì sẽ “trưởng phù hoa, thành hà nhân” (chỉ bề ngoài, thành người nào), tuyệt đối không thể thành tựu học vấn được. Nhưng chỉ làm mà không có học tập: “Đãn lực hành, bất học văn” (nếu gắng làm, không học văn), thế là “nhậm kỷ kiến, muội chân lý” (theo ý mình, mù chân lý), chỉ dựa vào cách nghĩ, cách nhìn của mình để làm, kết quả làm ra sự việc cũng không làm tốt, bản thân còn rất nhiều oán giận, đó chính là: “Nhậm kỷ kiến”, không có thuận theo giáo huấn Thánh Hiền. Rất nhiều người trong đời cũng rất chăm chỉ, cũng rất nỗ lực, nhưng quan hệ giữa người với người của họ trước sau không chung sống tốt, cái này chính là không có học tập. Cho nên chúng ta nhất định phải thông qua “bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện”, đem đạo lý làm cho rõ ràng, bước kế tiếp thực hiện thi hành.

Khi thực hiện phải thực hiện ở ba phương diện.

Thứ nhất, thực hiện vào trong tu thân (lập thân). Đây là tự mình tu dưỡng nâng cao.

Thứ hai, thực hiện vào trong xử sự. Phải thực hiện vào trong xử lý sự việc, trong xử sự.

Thứ ba, thực hiện vào trong tiếp vật, tức là trong chung sống với người.

Cho nên, học vấn phải ở trong đời sống của bạn, ở trong công việc của bạn, ở trong đối nhân xử thế của bạn, cần thật sự làm được. Thậm chí, người biết tu học còn ở trong chủ tâm của mình, ở trong khởi tâm động niệm của mình mà quan sát chính mình, yêu cầu chính mình. Thái độ cầu học vấn của người xưa như thế nào vậy? Cái này đáng để chúng ta học tập.

Thái độ cầu học vấn của người xưa

Rất nhiều người cầu học vấn cũng rất có tâm nguyện. Thường nghe bạn bè khuyên nhủ, hoặc giả nghe xong được buổi diễn giảng về, cảm thấy đạo đức học vấn rất quan trọng, lập tức về đến nhà liền nhanh chóng đem những sách ở trên kệ xuống, xếp ra bảy - tám quyển nói: “Lần này tôi nhất định phải cố gắng đọc hết số sách này”. Nhiệt huyết này duy trì được mấy ngày? Có thể sau ba ngày lại không biết đi về đâu. Chúng ta thường hay lập chí phải cố gắng đọc sách, nhưng cũng thường thường xao lãng hết. Cho nên người xưa nói: “Quân tử lập thường chí, tiểu nhân thường lập chí”. Quân tử một khi hạ quyết tâm nhất định phải thành tựu học vấn thì họ suốt đời không đổi, rất bền chí, rất có quyết tâm, kiên trì đến cùng. Người không có thái độ này thường hay nói: “Tôi trận này nhất định phải cố gắng đọc hết sách, cuộc đời tôi nhất định phải ham học bắt đầu từ bây gi. Nhưng sau đó như thế nào? Lại không thấy. Loại chí hướng này thường sẽ không thấy, đến cuối cùng mình có niềm tin đối với chính mình hay không? Không còn niềm tin nữa.

Chí hướng của một con người có thể kiên trì tiếp được còn có một  nguyên tắc quan trọng, chính là trước tiên bạn phải xác định được chí hướng, thì cái học tập này của bạn mới có thể quán triệt được. Đời người không có mục tiêu, bạn nỗ lực cho thật nhiều đến cuối cùng là không có động lực.

Thực ra, tôi thường hay lập chí, thường hay hạ quyết tâm phải cố gắng đọc sách. Tôi nhớ thi cấp ba cũng vậy, hoặc giả thi đại học cũng vậy, mỗi lần thi xong tôi luôn nói: “Lần sau tôi nhất định cố gắng học bài”. Tôi còn nhớ lần thi đại học, cuối bài thi thầy đều hay viết: “Anh (ch) có cảm nhận như thế nào đối với việc học tập trong học kỳ này?”. Chúng tôi liền bắt đầu phát lồ sám hối, bắt đầu nói chúng em không đủ chăm chỉ, kỳ nghỉ hè này em nhất định cố gắng học tập, sau đó viết ra. Thầy xem xong còn cảm thấy có chút an ủi, là không có bán đứng thầy. Cho nên, cũng là thường hay lập chí, nhưng trước sau không có thật sự kiên trì.

Tôi ra ngoài xã hội làm việc cũng đã thay đổi bảy - tám công việc, cho nên cha tôi cảm thấy tôi cũng là người nhiệt huyết nhất thời. Các bạn có nhìn ra không vậy? Các bạn quá nhân từ, đều không có gây khó xử cho tôi. Tôi chính là người nhiệt huyết nhất thời, nóng một chút liền nguội ngay. Nhưng xin thưa các bạn, tại sao tôi lại nguội vậy? Bởi vì mỗi lần tôi nhiệt tâm với một thứ gì đó, sau đó phát hiện nó không phải là thứ tôi muốn cần, tôi liền rời xa. Tôi đã từng có thời gian hai năm ở trong cơ quan huấn luyện giáo dục, chuyên làm rất nhiều khóa trình để cho học viên học. Kết quả, khi vào học cũng là mấy ngàn đồng, thậm chí có cái đến vạn đồng. Tôi rất nóng lòng, tại vì sao vậy? Bởi vì nếu như họ tiếp nhận những khóa trình này mà thay đổi cuộc đời, thì loại công việc này rất có ý nghĩa. Cho nên, tôi là người có công trạng tốt nhất trong công ty của chúng tôi. Nhưng mà làm tiếp được mấy tháng, tôi phát hiện rất nhiều người học xong cuộc đời có thay đổi hay không vậy? Không có thay đổi. Không chỉ không có thay đổi, họ còn vất vả hơn nữa, bởi vì bỏ ra số tiền đó thì áp lực kinh tế sẽ càng nặng hơn. Cho nên tôi thấy không được, tôi kiếm tiền là tạo ra đau khổ cho họ. Sau đó, tôi liền rời việc huấn luyện giáo dục. Đương nhiên quá trình này tôi cũng nhìn thấy một số hiện tượng, tức là người diễn giảng nói một đường mà làm một nẻo, cho nên sau đó chúng tôi cũng không muốn tiếp tục làm.

Bởi vì vẫn còn một chút lương tri này, cho nên có thể Tổ Tiên đã âm thầm chúc phúc. Sau khi tôi rời khỏi, tôi liền mở Kinh điển Thánh Hiền ra. Kết quả khi mở xem, cái tâm trạng đó không có cách gì hình dung được, ngồi cũng ngồi không được, đứng lên đập bàn nói: “Giáo huấn hay như vậy, hai tay dâng tặng cho bạn, bạn không cần, còn đi phí một đống tiền. Cho nên cảm thấy mình thật sự là rất ngu si, cũng rất vui mừng, cuối cùng có một phần sứ mệnh là phải khiến cho giáo huấn Thánh Hiền lợi ích cho nhiều người hơn nữa. Nhiệt huyết nhất thời của tôi từ đó biến mất, bởi vì đã tìm được mục tiêu chân thật đáng theo đuổi trong cuộc đời đích thực.

Trong mấy tháng bắt đầu học tập đó, cha của tôi thường hay bước vào thư phòng của tôi xem, sau đó liền nói với tôi: “Sách con đọc mấy tháng nay còn nhiều hơn mười mấy năm nay cộng lại. Cha tôi rất kinh ngạc. Đứa con trai nhiệt huyết nhất thời này tại sao thay đổi rồi? Tôi chỉ nhìn cha tôi, cũng không đáp lại lời nào (bởi vì tôi cần biểu hiện đến trình độ nào đó mới là thời cơ nói chuyện, không nên nói nhiều, cần lắng khí xuống), chỉ mỉm cười và tiếp tục xem sách. Trong năm - sáu năm sau này, mục tiêu phương hướng không thay đổi nữa và cũng trong thâm nhập Kinh điển có thể cảm nhận được thái độ của người cổ đại đối với cầu học vấn là chỉ cần hạ quyết tâm, suốt đời không thay đổi, quả thật chúng ta không bằng. Ở trong “Trung Dung” có một câu đã nhắc đến thái độ cầu học của bậc Thánh Hiền, chúng ta hãy xem:

“Hữu phất học, học chi phất năng, phất thố dã”.

Hữu phất vấn, vấn chi phất tri, phất thố dã”.

“Hữu phất tư, tư chi phất đắc, phất thố dã”.

“Hữu phất biện, biện chi phất minh, phất thố dã”.

“Hữu phất hành, hành chi phất đốc, phất thố dã.

“Nhân nhất năng chi kỷ bách chi, nhân thập năng chi kỷ thiên chi, quả năng thử đạo h.

“Hữu phất học”, thật sự muốn học; “học chi phất năng”, sau khi học rồi chưa có học được; “phất thố dã”, tuyệt đối không gián đoạn. Rất có quyết tâm. Học nhất định phải học đến làm được, biết được mới thôi học. Cho nên đoạn giáo huấn này đối với người hiện đại thường đều bằng mặt không bằng lòng, đích thực là phương pháp đối trị tốt nhất. Bởi vì khiếm khuyết nhất của chúng ta chính là bền chí, mà bền chí là mấu chốt quan trọng cho việc thành bại của cầu học vấn. Cho nên, bác học là phải học đến làm được.

Hữu phất vấn”, có chuyện cần thỉnh giáo người khác; “vấn chi phất tri”, sau khi hỏi rồi mà chưa biết, chưa hiểu rõ ràng; “phất thố dã”, chữ “thố” này chính là không từ bỏ. Cho nên, bạn hỏi người khác, thỉnh giáo người khác, nhất định phải hỏi cho ra ngọn nguồn sự việc, nhất định phải hỏi đến hiểu. Rất nhiều người hỏi người khác, chưa hiểu liền cho qua, cho nên học vấn thường thường biết nửa vời. Biết nửa vời không quan trọng, người khác hỏi bạn, bạn còn không rõ mà nói thì lại hại đến người khác. Cho nên, hỏi nhất định phải hỏi đến biết. Chúng ta hãy xem thái độ cầu học đó của người xưa, quả thật chúng ta phải học.

“Hữu phất tư”, là suy nghĩ; “tư chi phất đắc”, là sau khi suy nghĩ rồi mà chưa có kết luận, chưa có suy xét rõ ràng thì như thế nào? Cũng không từ bỏ, “Phất thố dã”. Nhất định phải suy nghĩ đến khi nào biết chắc, suy nghĩ đến mức mình phải bắt tay làm như thế nào, nếu không sẽ giống như chúng ta mở rất nhiều hội nghị hai - ba giờ đồng hồ, đến cuối cùng nói: “Được rồi, lần sau bàn tiếp!”. Đâu có nhiều thời gian như vậy để ở đó lần sau bàn tiếp, cho nên suy nghĩ nhất định phải đến mức xác định, đến mức chắc chắn mới được.

“Hữu phất biện”, có biện biệt; “biện chi phất minh, phất thố dã”, bạn phân biệt một số người, phân biệt một số sự vật, nhất định phải phân biệt rõ ràng mới được buông tay. Bạn chưa có phân biệt rõ ràng, tuyệt đối không từ bỏ. Nếu không, bạn chẳng phải phân biệt uổng công, phán đoán uổng công sao.

Sau cùng, “hữu phất hành”, bạn có nỗ lực thực hiện giáo huấn Thánh Hiền; nhưng “hành chi phất đốc”, là làm không vững vàng, không đủ chắc chắn, như vậy cũng không được. Thánh Hiền dạy bạn phải hiếu thuận cha mẹ, bạn mới làm 20 điểm như vậy có được không? Như vậy không được. Cho nên, nhất định phải làm đến vô cùng chắc chắn, thiết thực, vững vàng mới có thể được xem là làm tốt chuyện học vấn.

Sau cùng nói đến: “Nhân nhất năng chi kỷ bách chi”. Người khác một lần là làm được rồi, không sao cả, chúng ta đừng nản lòng, cần cù bù thông minh. Họ một lần làm được rồi, ta có quyết tâm làm 100 lần cũng phải làm cho được. “Nhân nhất năng chi kỷ bách chi”, “Nhân thập năng chi kỷ thiên chi”. Người ta làm mười lần là làm được rồi, không sao, ta làm 1.000 lần cũng phải làm cho được. Khi người có quyết tâm cầu học vấn như vậy, quả năng thử đạo h, tuy đần độn cũng sẽ biết, cũng khai trí tuệ, tuy mềm yếu cũng chắc chắn có thể trở thành một người mạnh mẽ, một người rất có nguyên tắc làm việc. Đoạn văn này cung cấp cho chúng ta thái độ tu học rất quan trọng.

Tiết học sau chúng ta sẽ tiến vào toàn bộ trình tự học tập. Trước tiên chỉ học đến chỗ này. Cảm ơn mọi người!

A Di Đà Phật!

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 19)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ