Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 5)

Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 5)
Chào các vị bằng hữu, buổi chiều tốt lành! Buổi giảng của chúng tôi ngày hôm qua đã nêu đến mối quan hệ ngũ luân, gọi là “luân thường đại đạo”. Khóa trình của chúng ta ngày hôm nay là thâm nhập để liễu giải luân thường đại đạo. Trong các mối quan hệ của ngũ luân này, chúng ta nên chung sống hòa thuận vui vẻ với nhau như thế nào? Ngày hôm qua đã nhắc đến mối quan hệ của ngũ luân là “Đạo”, vậy cái gì là “đức”? Trong lúc chúng tôi giảng nghĩa đã giải thích đối với chữ “đức”. Giáo dục nhân loại làm thế nào để thuận theo phép tắc của đại tự nhiên, không vượt quá mà làm người, đây chính là “đức”. Khi chúng ta tuân theo mối quan hệ cha con, cũng không ngoài việc tận hết thiên chức của người làm cha, tận hết sức của bản thân người làm con, bổn phận của con cái, người như vậy chính là có “đức hạnh”. Cho nên ở trong “phụ từ tử hiếu” thì chữ “từ” chính là đức của cha, “hiếu” chính là đức hạnh của con. NGŨ LUÂN Luân thứ nhất, “Phụ từ tử hiếu” Chúng ta xem luân thứ nhất trong ngũ luân: “Phụ từ tử hiếu”. Các vị bằng hữu, mối quan hệ cha con có phải là do một ai đó quy định ra hay không? Không phải, mà nó là trật tự của tự nhiên. Một người làm cha, khi đứa trẻ

Chào các vị bằng hữu, buổi chiều tốt lành!

Buổi giảng của chúng tôi ngày hôm qua đã nêu đến mối quan hệ ngũ luân, gọi là “luân thường đại đạo”. Khóa trình của chúng ta ngày hôm nay là thâm nhập để liễu giải luân thường đại đạo. Trong các mối quan hệ của ngũ luân này, chúng ta nên chung sống hòa thuận vui vẻ với nhau như thế nào? Ngày hôm qua đã nhắc đến mối quan hệ của ngũ luân là “Đạo”, vậy cái gì là “đức”? Trong lúc chúng tôi giảng nghĩa đã giải thích đối với chữ “đức”.

Giáo dục nhân loại làm thế nào để thuận theo phép tắc của đại tự nhiên, không vượt quá mà làm người, đây chính là “đức”. Khi chúng ta tuân theo mối quan hệ cha con, cũng không ngoài việc tận hết thiên chức của người làm cha, tận hết sức của bản thân người làm con, bổn phận của con cái, người như vậy chính là có “đức hạnh”. Cho nên ở trong “phụ từ tử hiếu” thì chữ “từ” chính là đức của cha, “hiếu” chính là đức hạnh của con.

NGŨ LUÂN

Luân thứ nhất, “Phụ từ tử hiếu”

Chúng ta xem luân thứ nhất trong ngũ luân: “Phụ từ tử hiếu”. Các vị bằng hữu, mối quan hệ cha con có phải là do một ai đó quy định ra hay không? Không phải, mà nó là trật tự của tự nhiên. Một người làm cha, khi đứa trẻ sinh ra đời, có ai quy định rằng bạn phải từ ái đối với đứa con này hay không? Không có. Khi người làm cha vừa nhìn thấy được đứa bé mới sinh ra này thì sẽ không tự chủ được việc sinh ra lòng từ ái và quan tâm đối với đứa bé một cách vô hạn. Có người cha nào nhìn thấy đứa trẻ mới sinh ra mà trong tâm lại suy nghĩ rằng đứa trẻ này phải mua cho ta một căn nhà lớn, mua cho ta một chiếc xe hơi đắt tiền, có ai lại nghĩ như vậy hay không? Đều không có, chỉ suy nghĩ rằng làm thế nào để đứa trẻ này có thể được lớn lên một cách khỏe mạnh. Đây là một loại quan tâm và từ ái mà bậc làm cha làm mẹ nào cũng sanh khởi ra một cách tự nhiên. Đứa trẻ từ nhỏ đối với cha mẹ cũng vô cùng quyến luyến, lòng yêu thương đối với cha mẹ đó cũng là thiên tánh. Chúng ta nhớ lại một chút, rất nhiều đứa trẻ một - hai tuổi, khi cha mẹ phạt chúng, càng đánh chúng thì chúng càng lao vào lòng của cha mẹ, bạn đánh càng mạnh thì chúng ôm càng chặt. Sự lưu luyến đó đối với cha mẹ cũng là thiên tánh. Cho nên chúng ta xem thấy trẻ nhỏ hễ mở miệng nói đều là “ba tôi nói, mẹ tôi nói”. Cho nên “phụ từ tử hiếu” giữa cha con với nhau, mẹ con với nhau, loại tình thân này là tự nhiên.

Chúng ta hãy xem thử, hiện nay cha con có tình thân hay không? Vì sao từ tự nhiên lại trở thành ra như vậy? Chúng ta nhất định phải tìm ra nguyên nhân. Phụ từ thì từ ái như thế nào với con? Việc này rất quan trọng. Giả như từ ái dùng phương pháp sai, có thể chúng ta cảm thấy rằng như vậy tốt cho con cái, nhưng khi dạy ra thì có thể sẽ không giống như sự tưởng tượng của chúng ta. Cho nên việc làm cha mẹ có cần phải học hay không? Cho nên không chỉ là “học vi nhân sư”, mà còn phải “học vi nhân phụ, học vi nhân mẫu”.

Trong “Tam Tự Kinh” nói: “Nuôi không dạy, lỗi của cha”. Phương pháp bạn giáo dục chúng sai thì cũng là lỗi của người làm cha làm mẹ như chúng ta. Rất nhiều người mẹ nói “lỗi của cha”, vậy thì không có liên can gì đến chúng tôi. Chữ “lỗi của cha” này đã bao hàm ở trong đó cả cha lẫn mẹ rồi.

Tôi cũng thường hay hỏi bạn bè: “Các vị là người làm cha làm mẹ người khác như vậy thì có biết giáo dục là gì hay không?”. Giáo dục là gì? Rất nhiều phụ huynh sau khi bị tôi hỏi như vậy xong, đột nhiên cũng sững người ra, dường như là chưa từng suy nghĩ qua vấn đề như vậy. Dường như đứa trẻ vừa sanh ra thì bận rộn chăm lo nó rồi, thoáng cái cũng đã năm – bảy năm trôi qua, trước giờ cũng chưa nghĩ qua giáo dục là gì? Có vị nào nói thử xem, bạn cảm thấy cái gì là giáo dục?

Ví dụ hôm nay bạn đi trên một con đường ở dưới quê, đúng lúc nhìn thấy một người nông dân đang cày ruộng, đang lúc cắt lúa thu hoạch (tuần trước tôi đến Khánh Môn diễn giảng, ruộng lúa đúng lúc đang gặt), bạn hỏi các vị nông dân đó cách trồng lúa như thế nào? Họ sẽ nói với bạn: “Anh hãy cho tôi thời gian khoảng một giờ, tôi suy nghĩ rõ ràng rồi sẽ báo với anh”, họ sẽ làm như vậy hay không vậy? Sẽ không. Họ sẽ không cần làm bản thảo, vì sao vậy? Bởi vì đó đều là công việc mà họ làm thường ngày, là công việc mà họ quen thuộc nhất, cho nên họ rất là rõ ràng.

Các vị bằng hữu, chúng ta là người làm cha làm mẹ thì mỗi ngày đang làm là những gì? Là dạy dỗ con cái của chúng ta. Chúng ta đều đã làm được bảy - tám năm rồi, thậm chí có người cũng làm được mười mấy năm rồi, người ta vừa hỏi “giáo dục là gì” thì chúng ta có thể trả lời được hay không? Công việc làm hàng ngày mà không thể trả lời được, vậy thì một mẫu ruộng tâm của trẻ này trong bảy - tám năm qua chúng ta đã trồng những gì rồi? Những thứ trồng đó là loại tốt hay là loại xấu? Kỳ thực bảy - tám năm trở lại đây, những hạt giống này đã bắt đầu nảy mầm hay chưa? Đã bắt đầu kết quả hay chưa? Có đấy! Chúng ta không biết là đã trồng xuống bao nhiêu hạt giống tốt hay hạt giống xấu, nhưng mà nó có mọc lên, nó vẫn kết thành quả như thường. Cho nên hiện tại có rất nhiều phụ huynh, con cái của họ mười mấy tuổi rồi, mà tôi nhìn thấy chúng trên mặt cũng đều có chữ ai oán, buồn tủi. Thật sự vậy, hành vi của trẻ đã trở nên rất khó khống chế, khó thay đổi. Cho nên, biết trước có ngày hôm nay thì từ trước đã không làm như vậy. Chúng ta ngày nay nhất định phải học tập cho tốt. Thế nào là giáo dục? Làm sao để có thể dạy dỗ trẻ cho tốt? Mau chóng trồng ngay cho chúng những hạt giống tốt quan trọng nhất trong đời này, thì mới có thể thành tựu được cho chúng thái độ làm người xử sự chính xác.

Hiện tại vấn đề nghiêm trọng trong việc giáo dục của cha mẹ chỉ có một chữ, xin hỏi các vị bằng hữu là chữ gì vậy? “Nuông chiều”. Tờ báo của đặc khu Thẩm Quyến số ngày 19 tháng 10, có một cặp vợ chồng tự tìm đến tòa soạn báo, sau đó đem những hành vi bất hiếu của con họ đối với họ mà báo cáo với tờ báo. Vì sao họ lại muốn báo cáo việc này? Vì họ muốn để lại một sự cảnh giác đối với những người làm cha làm mẹ sau này. Họ trình bày, bởi vì vợ chồng họ có con rất muộn, cho nên họ đối với đứa con này chiều chuộng trăm bề. Ngay cả thầy cô ở trường mẫu giáo và trường tiểu học đều phản ứng những hành vi con của họ đã trở nên quá thiên lệch rồi, rất là vô lễ, vậy mà họ còn biện minh cho nó, nói rằng “mai mốt nó sẽ tốt thôi!”. Rất nhiều phụ huynh đều cảm thấy con cái về sau chắc cũng sẽ tốt hơn, thậm chí là còn nghe lời thầy đoán mạng con họ đến năm mười lăm tuổi sẽ trở nên tốt, vì vậy trước năm mười lăm tuổi đều không tốt. Có vở kịch nào mà lại diễn như vậy không? Không thể nào. Làm gì lại có chuyện đứa con của bạn đột nhiên tỉnh giác trở lại chứ? Từ không hiểu chuyện nháy mắt lại trở nên hiểu chuyện, đó chỉ có thể là sự việc xảy ra khi nằm mơ mà thôi, trong tình cảnh hiện thực thì không thể nào xảy ra được. Bởi vì đứa con được nuông chiều mà hư hỏng. Hiện tại đứa con muốn lấy vợ, muốn đuổi vợ chồng họ ra khỏi nhà. Cho nên đứa con được nuông chiều thì nó nhất định sẽ bất hiếu.

Ở Sơn Đầu có một đôi vợ chồng sanh ra được sáu đứa con. Sau khi chúng lớn lên, cha mẹ mua cho sáu đứa con sáu căn nhà, cưới cho sáu đứa con mỗi đứa một cô vợ. Sau đó, vợ chồng họ cũng không còn nơi để ở, vì sao vậy? Vì sáu đứa con đều không cho họ ở. Cặp vợ chồng như vậy cả đời có vất vả hay không? Quá vất vả. Phải lăn xả làm việc ngày đêm kiếm tiền mua sáu ngôi nhà, cuối cùng nhận được kết quả là gì vậy? Đến chỗ ở cũng không có nữa. Cuối cùng đứa con cả mới cất một căn chòi bên cạnh chuồng heo để cho vợ chồng họ ở. Những người hàng xóm xung quanh nhìn thấy mà không thể chịu được, liền nói với vợ chồng họ: “Các vị hãy đi kiện sáu đứa con của các vị đi”. Các vị bằng hữu, có cần phải đi kiện hay không? Phải đi kiện hay sao? “Người một nhà không tranh tụng”. Đây là “Chư Tử Trị Gia Cách Ngôn” đã nói trong gia đình điều kiêng kỵ nhất chính là kiện nhau ra tòa. “Tụng tắc chung hung”, vừa kiện ra tòa thì gia phong trong gia đình nhất định sẽ bại hoại, sẽ không thể có được kết quả tốt. Chúng ta suy nghĩ một chút, nếu thật sự kiện tụng rồi, tòa án phán quyết sáu đứa con này phải phụng dưỡng đôi vợ chồng này, mỗi một đứa con thay phiên nhau nuôi hai tháng. Họ ở nhà đứa con cả vừa ngồi xuống thì đứa con dâu nói: “Cầm lấy mà ăn, ăn nhanh đi, con sắp dọn dẹp rồi”, họ mỗi ngày đều lo sợ không yên. Vốn dĩ họ có thể sống được mười năm, sau cùng vì mỗi ngày áp lực quá lớn, tế bào thay đổi có thể trong ba năm thì bị bệnh ung thư rồi. Trong tâm áp lực quá lớn thì rất dễ bị bệnh ung thư, cho nên ngày tháng như vậy thật không dễ sống. Đích thực khi con người đi đến chỗ kết cục thì sẽ có rất nhiều điều không biết làm sao.

Cho nên, dạy dỗ trẻ nhỏ phải thận trọng mà bắt đầu. Từ nhỏ nhất định phải dạy cho đúng. Tất cả mọi việc bạn đều ôm lấy hết, hết thảy làm thay cho bọn trẻ, lâu dần rồi thì trẻ nhỏ trong tâm sẽ cảm thấy cha mẹ làm thay chúng đều là việc nên làm. Mua nhà cho ta, lấy vợ cho ta, đều là nên làm, có phải vậy không? Cho nên, có làm đến chết đi nữa thì vẫn là không có chút công lao nào. Vì vậy hiện tại có rất nhiều trẻ nhỏ, bảy - tám tuổi khi nói ra đều là tài sản đó của ba tôi, đều là của tôi cả, có đáng sợ hay không ạ?

Tôi có một người trưởng bối họ Lư, là chú Lư. Ông nói với con của ông: “Tất cả tiền của cha đều lấy từ xã hội, cho nên về sau cha cũng phải dùng cho xã hội, hiến tặng lại cho quảng đại quần chúng. Cha sẽ thành lập một quỹ công ích. Cho nên, một đồng tiền ta cũng sẽ không để lại cho con. Nhưng nếu như con cố gắng học tập, chăm chỉ học hành, con muốn học đến đâu thì cha sẽ lo đến đó”. Vì vậy đã khiến cho đứa trẻ từ nhỏ đã cảm nhận được tấm lòng của cha mẹ là vô cùng rộng rãi và vô tư. Con cái của người đó đã bội phục tận đáy lòng đối với cha mẹ của mình. Con của vị đó sau này đi đến Mỹ du học, tuy rằng kinh tế của ông rất tốt, nhưng những kinh phí cho đứa con này cũng kiềm chế rất gắt gao. Bởi vì biết được người xưa có câu: “Giàu có không quá ba đời”. Hiện tại thì câu nói này không còn linh nữa, một đời thôi còn chịu không nổi. Bởi vì ngày xưa còn có nền tảng của Thánh Hiền, cả gia đình, cả xã hội đều vẫn còn có những mỹ đức tốt đẹp để cho trẻ nhìn thấy từ nhỏ. Hiện tại các em từ nhỏ mắt đã nhìn thấy đều là xa hoa phung phí, từ nhỏ đã biết tiêu tiền rồi. Cho nên đối với con của ông, ông nắm vấn đề kinh tế rất chặt. Khi muốn đi ra nước ngoài du học, ông nói với con của mình: “Tiền mà ta dành cho con đều đã tính xong rồi, nếu con dùng không đúng thì tự mình giải quyết lấy. Sau này nếu như con đưa một cô người da đen hay là một người da trắng về nhà thì cha con chúng ta xem như cắt đứt”. Những lời xấu xí này phải nói ngay từ đầu, bởi vì con cái từ nhỏ là do cha mẹ nuôi lớn lên, nên biết được cha mình hễ nói là làm, vì thế cũng không dám khinh suất. Đúng lúc đứa con này sau khi du học xong chuẩn bị trở về nước, gọi một cuộc điện thoại cho mẹ của nó, nói với mẹ nó: “Mẹ ơi, con không còn đủ tiền nên không có cách nào để đi máy bay về nhà được”. Người mẹ vừa nghe xong, sáng sớm ngày hôm sau lập tức liền đem tiền đi chuyển khoản. Kết quả người chú này đã lập tức nói với vợ của mình: “Đợi đã”, sau đó đã gọi vợ của mình quay lại. Ông nói: “Con cái có vấn đề mà em cũng không phân biệt được là đúng hay là sai, tâm lập tức cuống cuồng cả lên. Một câu nói của nó đã khiến cho em tâm tình thấp thỏm rồi”. Ông bảo vợ của mình ngồi xuống, nào để anh tính cho em xem. Chúng ta cho nó tiền vừa đủ để nó có thể mua vé máy bay trở về, con cái vì sao lại xin tiền em vậy? Bởi vì nó biết khi nó trở về thì anh sẽ không cho nó tiền, cuộc sống của nó sẽ rất là thiếu thốn, cho nên nó hy vọng có thể chuẩn bị trước một bước để về xoay trở dễ dàng hơn, nếu không sẽ thở không nổi nữa. Cuối cùng ông nói với vợ ông là không được chuyển tiền. Cuối cùng đứa con gọi điện thêm hai - ba lần nữa mà cũng không nhận được tiền, sau đó thì cũng đành ngoan ngoãn mà bay trở về. Kết quả người cha đã nói với nó: “Con đã lớn rồi, nhà này con không thể ở thêm nữa, bản thân trước tiên nên tự lực cánh sinh đi”.

Các vị bằng hữu, nếu như các vị làm người cha như vậy có làm nổi hay không? Việc này có phải là từ ái hay không? Tiếp theo chúng ta xem, đứa con này bởi vì từ nhỏ đã được người cha rèn luyện rồi, tự mình đi tìm công việc. Chủ tịch Hội đồng Quản trị đích thân phỏng vấn, với lại còn là một mắc xích trong cơ cấu giáo dục. Kết quả vốn dĩ buổi chiều hôm đó còn có năm - sáu người phải phỏng vấn, khi phỏng vấn đến cậu con trai này thì những người phía sau đó không được phỏng vấn nữa. Ngài chủ tịch đã nói chuyện với cậu suốt hai - ba tiếng đồng hồ. Trong quá trình nói chuyện đã nói với cậu: “Không thể nào mà một người hai mươi lăm – hai mươi sáu tuổi như cậu lại có thể viết ra được một kế hoạch kinh doanh như thế được”. Từ nhỏ đã được người cha rèn luyện. Kết quả là từ trong nội dung của kế hoạch kinh doanh lấy từng câu từng câu một mà hỏi cậu ta, cậu đối đáp trôi chảy. Sau đó Chủ tịch đã nói với cậu một câu: “Cậu muốn được hưởng lương bao nhiêu thì cậu cứ việc nói”. Các vị bằng hữu, các vị có mong muốn con cái của mình về sau đi làm việc mà ông chủ nói muốn được lương bao nhiêu thì cứ nói đi không? Họ trân trọng tài hoa của bạn. Cho nên khi đứa trẻ có được năng lực và đức hạnh đó thì chúng sẽ đứng vững, bất bại rồi.

Trong vấn đề kinh tế thì Chú Lư này không hề giúp đỡ con của mình, nhưng mà ông có sự bàn giao con của mình đối với những trưởng bối của con mình. Những người anh người chị này đều đã từng được cha của cậu dẫn dắt trong công ty, bởi vì công việc của Chú Lư là Tổng giám đốc chuyên nghiệp. Chú giúp công ty chỉnh đốn xong (ví dụ như hai - ba năm sau), thì giao lại cho Chủ tịch Hội đồng Quản trị, bản thân Chú liền rời khỏi công ty đó. Nhưng mà những viên chức trong các công ty này cũng đều tiếp tục học tập với người Chú họ Lư này. Người Chú này cũng rất sẵn lòng dẫn dắt những người đi sau, vì vậy mỗi chủ nhật hàng tuần đều đưa những người viên chức trẻ tuổi mà Chú từng dìu dắt qua cùng nhau đi leo núi. Trong cuộc sống, trong công việc chỉ cần họ có vấn đề gì thì Chú sẽ cho họ sự chỉ dẫn. Cho nên, những người anh chị này đều rất quen thuộc với cậu. Vì thế Chú Lư đã giao phó lại cho họ, ông nói: “Nếu như con tôi chịu đựng không nổi mà đi mượn tiền của các bạn, các bạn có thể cho nó mượn, nhưng mà không thể được vượt quá 2.000 đồng”. Các vị xem, Chú cũng đã tính đến luôn rồi. Tháng đầu tiên con trai Chú quả thực là không vượt qua nổi, bởi vì tiền nhà rất đắt, thế là hai vị trong số các trưởng bối đó (một người anh và một người chị), mỗi người cho mượn 2.000 đồng. Chú Lư dặn dò rằng: “Nó nói khi nào thì trả lại cho các bạn thì các bạn nhất định phải gọi điện đi đòi nó”. Thế là sau đó thật sự đến ngày hẹn thì cậu đều trả hết cho hai vị đó. Sau khi trả xong thì từ đó về sau không còn mượn tiền thêm nữa. Cho nên con trai của Chú đã vượt qua được, năng lực đã được rèn luyện hơn.

Đứa trẻ được nuông chiều thì sẽ tạo thành bất hiếu, nhưng nếu bạn biết cách huấn luyện nó, thì đây là kinh nghiệm cho bản lĩnh của cả đời nó. Cho nên thế nào mới chân thật là từ ái, chúng ta phải thật sự suy nghĩ cho thật kỹ. Có lúc việc bạn yêu thương đó lại là một việc hại nó, mà tình yêu thương này là phải có lý trí, không phải là cảm tình. Dùng cảm tình thì sẽ biến thành ra nuông chiều, biến thành cưng chiều.

Các vị bằng hữu, con cái không thể nuông chiều thì còn có ai có thể nuông chiều? Ai cũng không được nuông chiều, nuông chiều hư hỏng thì không được.

Chồng có thể nuông chiều hay không? Nếu chiều chồng đến hư rồi, đến lúc đó bạn ở nhà ăn ngủ không yên, khóc than một mình. Anh ta sẽ lưu luyến ở bên ngoài quên cả lối về, không biết đường về nhà. Cho nên chồng cũng không thể nuông chiều. Trong quá trình vợ chồng sống với nhau, những lời cần tuyên bố với chồng thì chúng ta phải tuyên bố nói rõ, phải nhắc nhở, không thể để cho anh ta không biết kiêng nể ai để rồi làm ra một số sự việc không tốt. Đương nhiên giữa vợ chồng phải thấu hiểu nhau cho tốt, cũng cần phải xây dựng trong sự tín nhiệm lẫn nhau. Ví dụ làm người vợ, bình thường chúng ta tự mình phải làm tốt các công việc trong nhà, làm cho tốt bổn phận của mình. Trong tâm trí của người chồng sẽ rất cảm ơn đối với bạn, rất tín nhiệm bạn. Vào lúc này mà bạn cho họ lời khuyên thì họ sẽ rất dễ tiếp nhận, họ sẽ không dễ dàng thiên lệch. Cho nên chúng tôi nói phụ nữ phải giúp chồng dạy dỗ con cái. Giúp chồng chính là nên đưa ra ý kiến với người chồng, khi cần nên khuyên bảo thì nhất định phải khuyên bảo. Cho nên, chồng cũng không được nuông chiều.

Vậy làm vợ có thể được chiều chuộng hay không? Tiếng Mân Nam có câu: “Kẻ được cưng hay gây chuyện”, chính là người vợ mà sau khi được nuông chiều, dù có chuyện hay không thì cũng một là khóc lóc, hai là la lối, ba là đòi chết. Bạn đến công ty làm việc thì ngồi có được yên hay không? Mỗi ngày đều suy nghĩ hôm nay không biết là lại diễn ra cái vở kịch gì nữa đây, vì thế trong lòng liền cảm thấy không yên. Cho nên nếu như trong gia đình mà bất an thì sự nghiệp nhất định sẽ không dựng nổi. Cho nên vợ cũng không thể nuông chiều. Đương nhiên đã lấy vợ thì phải lấy cho tốt, nếu không sau khi bạn kết hôn đau đầu nhức óc thì bạn sẽ rất phiền phức. Cho nên lấy vợ phải căn cứ vào điều gì? Phải lấy cái “hiền đức” của cô ấy. Cho nên mới hay gọi là hiền thê. Phải lấy vợ “hiền”.

Một trong những Kinh điển quan trọng nhất của chúng ta là “Thi Kinh”. Một quyển Kinh điển quan trọng như vậy mà chương mở đầu là gì vậy? Trong đó ghi: “Quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”. Quyển “Thi Kinh” là một quyển Kinh điển rất quan trọng, nhưng mà vì sao mới mở đầu thì nó đã lấy đoạn “quan thư” này vậy? “Tứ Thư Ngũ Kinh" đều là nói đến đại đạo lý của nhân sanh, vậy vì sao lại mở đầu là “quan thư” vậy? Cùng với việc mà chúng ta thảo luận ngày hôm qua là như nhau. Trong mối quan hệ của ngũ luân thì đâu là mấu chốt nhất? Là vợ chồng. Cho nên “quan thư” nói đến chính là nguyên tắc để tìm một đối tượng.

Khi tôi diễn giảng ở một trường trung học, tôi đã hỏi thế nào là “yểu điệu thục nữ”? Có một bạn nữ giơ tay lên nói: “Đó là một người phụ nữ có vóc dáng và dung mạo vô cùng xinh đẹp”. Như vậy ý nghĩa của Thánh nhân truyền cho đến hiện nay thì đã bị thay đổi hết rồi. Cho nên chúng ta có trách nhiệm vì vãng Thánh mà tiếp nối tuyệt học. Tiếp nối từ đâu? Phải bắt đầu dạy cho chính xác ngay từ trong gia đình của mình. Cho nên nếu bây giờ bạn có con cái thì phải nói với chúng, lấy vợ thì phải lấy người thế nào? Hiền đức.

Vì sao lại lấy loài chim “quan thư” này để mô tả? Trong đó có hàm ý rất sâu xa. Bởi vì loài chim “quan thư” này sau khi đã tìm được bạn đời của mình rồi, cả đời không đổi, vô cùng thủ tiết. Giữa nam và nữ đều là có đạo nghĩa, có ân nghĩa. Lý do vì sao dùng quan thư để tự thuật lại đạo nghĩa giữa vợ chồng với nhau? Bởi vì chúng ta đều biết điều đáng quý nhất, quan trọng nhất của người trưởng thành là gì vậy? Là mặt mũi của họ. Cho nên bạn mà trực tiếp nói với họ: “Sao anh lại đối xử với vợ của mình tệ như thế?”, “Sao chị lại đối xử với chồng mình tệ như thế?”, họ nhất định sẽ thẹn quá hóa giận: “Bạn làm gì lại quản việc của tôi như vậy?”. Cho nên trong quyển “Thi Kinh” đã lợi dụng phương pháp ẩn dụ để mà nhắc nhở bạn, để điểm tỉnh cho bạn, nói cho bạn biết ngay cả loài chim mà còn biết hết lòng với bạn đời của nó, vậy chúng ta làm người thì càng phải hết lòng vì bạn đời của mình. Cho nên ý nghĩa là muốn nói với bạn, con người chúng ta không thể lại không bằng loài chim, con người lại không bằng loài chim được sao? Thật sự hiểu được rồi thì vừa nghe xong liền cảm thấy hổ thẹn, chúng ta có thể còn không bằng loài chim. Nhưng mà người không chịu tiếp nhận thì nếu dùng phương pháp như vậy nhắc nhở họ cũng sẽ không kết oán thù với họ. Cho nên hiểu được thì đã hiểu, thì có thể tự phản tỉnh.

Phía sau “quan thư” có hai câu nói:“Sâm si Hạnh thái, tả hữu thể chi, sâm si Hạnh thái, tả hữu mạo chi”. “Hạnh thái” là một loại thực vật. Loại rau này khi bái tế tổ tiên thì phải hái nó về để dâng cúng. Các vị bằng hữu, rau “Hạnh thái” này đều là do ai hái vậy? Bạn nghĩ thử xem, ai đi hái vậy? Người vợ. Đúng vậy, là người vợ, đều là con dâu đi hái. Nàng dâu đi hái về để cúng bái tổ tiên, ý nghĩa này vô cùng sâu xa. Cho nên ở Sán Đầu có một câu nói: “Con trai hiếu không bằng con dâu hiếu”. Bởi vì nàng dâu này rất có hiền đức, khi cô đi hái rau Hạnh về tế bái tổ tông gia tộc nhà mình, tổ tông ở trên trời nếu linh thiêng nhìn thấy người con gái này có hiền đức, vậy thì gia tộc của chúng ta có thể hưng vượng mấy đời? Ít nhất cũng hưng vượng được ba đời. Ngược lại, nếu như người con dâu này không có hiền đức, hái loại rau Hạnh này về thì tổ tông linh thiêng trên trời đều chảy nước mắt. Cho nên nói lấy được nàng dâu tốt thịnh vượng ba đời, lấy phải nàng dâu không tốt thì suy bại ba đời. Cho nên lấy vợ phải chú trọng ở “hiền đức”.

Sau cùng nói đến con gái cũng không được chiều chuộng. Con gái của bạn được chiều chuộng hư hỏng rồi, khi gả nó vào nhà người ta thì sẽ như thế nào? Sẽ khiến cho nhà người ta chó gà cũng không yên. Ngày nào cũng giận dỗi rồi nói: “Tôi muốn về nhà cha mẹ tôi”. Kết quả là cô chạy về nhà mẹ mình. Người cha vợ lúc này còn bênh vực cho cô ấy như thế nào? Được rồi về đi, về đi rồi cha sẽ lo cho con. Như vậy đối với đứa con gái có tốt hay không vậy? Thật sự thì đã hại cả đời của nó rồi. Một cô con gái được gả vào trong một gia đình thì quan trọng nhất là nhất định phải có khoảng thời gian thích ứng, bởi vì đến từ một ngôi nhà khác. Cho nên vào lúc này công phu cần rèn luyện là gì? Là “nhẫn”. Công phu này mà không luyện cho tốt thì cuộc sống sẽ rất khó khăn.

Văn tự tiếng Hoa rất có trí tuệ. Các vị bằng hữu, hãy xem chữ “hội ý” này, gồm một chữ “tâm” và một “con dao”, cho nên nhẫn thì phải nhẫn đến cảnh giới như thế nào? Con dao mắc vào trong tim của bạn, mà bạn thì vẫn cứ “như như bất động”, đều có thể nhẫn chịu được. Đây không phải là nói lấy con dao từ trong tim của bạn, mà chính là nói nếu như chồng của bạn khi dùng những ngôn từ gay gắt nhất mà công kích bạn, thì bạn cũng có thể nhẫn chịu được trước tiên. Vì sao phải nhẫn? Nhẫn được thì biển rộng trời cao. Đúng vậy, xin cho vị bằng hữu này một tràng pháo tay!

Trước đây, lúc tôi diễn giảng, có một người mẹ nói: “Văn hóa truyền thống thì rất hay, chẳng qua là chữ nhẫn này rốt cuộc là phải nhẫn đến khi nào đây?”. Khi cô nói những câu này thì đôi chân mày của cô đã chau lại. Tôi liền nói với cô: “Cách nhẫn này của cô bảo đảm nhẫn đến núi lửa cũng phát nổ, vả lại sau khi phát nổ thì tất cả những công phu nhẫn của trước đây đổ sông đổ biển hết”. Cho nên nhẫn không phải là dồn nén lại, loại nhẫn này vấn đề ở thời gian sớm hay muộn mà thôi. Nhẫn là mang sự minh bạch, mang sự khoan dung rộng lượng. Ví dụ như nói những thói quen cuộc sống của người chồng có phải là chỉ một - hai ngày đã tập thành hay không? Không phải. Các cô xem thấy cũng rất rõ ràng, đó là những thói quen đã tạo thành trong quá trình trưởng thành, khi các cô khơi thông với họ, thì cũng phải từ từ để cho họ chuyển đổi những thói quen này, làm gì có thể nào trong chốc lát mà khiến cho chúng mất sạch hết được. Cho nên bạn phải mang sự minh bạch, mang theo một loại khoan dung tha thứ, vậy thì giữa vợ chồng với nhau mới nhẫn nhường, khiêm nhường lẫn nhau được. Cho nên việc này phải nhẫn được một cách minh bạch, phải biết khoan dung.

Tiếp theo là phải nhẫn là vì suy nghĩ cho đại cục. Đại cục là gì? Gia đình hòa ái là đại cục, nhân cách của con cái trưởng thành là đại cục. Vì thế vợ chồng cãi vã nhau trước mặt con cái có ảnh hưởng tới con cái hay không? Ảnh hưởng rất lớn. Khi vợ chồng thường xuyên cãi nhau thì nội tâm của đứa trẻ sẽ không thể nào an định được, đều cảm thấy rất là khủng hoảng. Cho nên rất nhiều vợ chồng khi vừa cãi nhau thì con cái lập tức khóc rất to.

Có một cặp vợ chồng vừa mới bắt đầu cãi nhau thì đứa trẻ chỉ mới hơn một tuổi đang ở bên cạnh liền khóc lên rất lớn. Vợ chồng họ khi nghe đứa trẻ khóc to lên như vậy liền ngưng lại không tranh cãi nữa, liền đi chăm sóc đứa bé, kết quả là đứa trẻ đó đôi tay như ra hiệu là bảo họ lại gần nhau. Kết quả khi hai vợ chồng đầu chạm đầu với nhau thì đứa trẻ liền không khóc nữa. Các vị xem, một đứa trẻ mới hơn một tuổi đã cảm nhận được cãi nhau là không tốt, phải tương thân tương ái thì mới tốt được. Cho nên chúng ta phải vì đại cục con cái trưởng thành mà suy nghĩ.

Vì thế, khi dạy con gái không nên nuông chiều, phải nói với chúng, khi đến một hoàn cảnh mới hoặc là được gả vào nhà chồng nhất định là phải “xem nhiều, nghe nhiều mà nói ít”. Đi đến một hoàn cảnh mới bắt đầu mà nói chỗ này chưa tốt, chỗ kia chưa được, người ta sẽ cảm thấy thế nào? Sẽ cảm thấy rất khó tiếp nhận, còn chưa hòa nhập vào thì có thể đã bị gạt bỏ trở ra. Mà những đạo lý này không chỉ là dành cho những người làm dâu phải biết, bản thân của chúng ta đi đến một công ty mới nào, đi đến một đoàn thể mới nào đó thì cũng phải ghi nhớ “xem nhiều, nghe nhiều, nói ít”. Còn một điểm nữa là “làm nhiều, ra sức nhiều”. Bạn làm nhiều, ra sức phục vụ nhiều mà bạn lại xem nhiều, nghe nhiều cho nên sẽ không làm hỏng việc. Bởi vì bạn ra sức đều là vì sự cần thiết của ngôi nhà này hay đoàn thể này, dần dần họ đối với bạn sẽ càng ngày càng tín nhiệm. Đến sau cùng lời mà bạn nói họ đều có thể tiếp nhận hết.

Tôi chưa hề làm dâu, vậy những đạo lý này làm sao mà tôi có thể hiểu được vậy? Những đạo lý này là từ mẹ mà tôi phát hiện ra được. Các vị bằng hữu, hãy đoán thử xem mẹ tôi nói chuyện phải nhẫn bao lâu mới mở miệng? Theo quan sát của tôi cũng gần hai mươi lăm năm, đợi cha chồng mẹ chồng không còn lời nào để nói với mẹ nữa. Bởi vì các chú và các cô của tôi khi nhỏ đi học mẹ tôi còn phải dùng tiền lương cung cấp kinh phí cho họ. Cho nên một người con dâu tâm lượng càng lớn thì những năm cuối đời phước càng lớn. Cho nên mẹ của tôi còn rất trẻ tuổi đã nghỉ hưu rồi. Cha mẹ chồng đối với mẹ đều rất tốt, con cái vì nhờ có mẹ làm gương nên cũng không đến nỗi tệ. Các cô các chú thường hay nhớ lại chuyện khi xưa thời còn học cấp ba vẫn là nhờ có chị dâu giúp đỡ về tiền bạc, thậm chí là khi thi liên kết cấp ba vẫn là mẹ của tôi đưa họ đi thi. Vì thế tâm lượng lớn thì phước lớn. Mẹ nhẫn suốt hơn hai mươi năm. Tất cả mọi người trong gia đình dòng tộc đều đủ tín nhiệm với mẹ tôi, lúc này thì lời nói ra liền có sức nặng. Cho nên công phu nhẫn đối với một đời chúng ta, đối với một người làm vợ rất là quan trọng.

Khi còn nhỏ tôi cũng đã từng thấy qua một chuyện về đạo làm dâu. Khi nhỏ thì tôi thấy mà không hiểu là chuyện gì. Bà ngoại của tôi đến nhà chúng tôi có thể đếm được trên mười đầu ngón tay, rất ít khi đến. Nhưng mỗi một lần bà ngoại của tôi đến nhà chúng tôi, lúc vào nhà còn chưa ngồi xuống thì bà đã nắm lấy tay của bà nội tôi mà nói: “Chị ơi, đứa con gái này của tôi tay chân chậm chạp lắm, đứa con gái của tôi miệng mồm cũng không biết ngọt ngào, không biết nói lời nào cho dễ nghe”, liền một mạch như vậy mà kể ra những khuyết điểm của mẹ tôi, cứ như vậy mà nói một hơi. Kết quả là sau khi nói như vậy xong thì ngồi xuống, liền tới phiên bà nội của tôi nói: “Ôi chao, đứa con dâu này tốt lắm”. Tốt ở chỗ nào vậy? “Làm việc rất là chăm chỉ”, liền bắt đầu khen mẹ của tôi. Vào lúc đó tôi mới bảy - tám tuổi, xem mà rối cả lên không hiểu gì cả. Bây giờ bản thân đi làm giáo dục đột nhiên mới cảm thấy đây là cuộc sống nhân sanh có trí huệ rất cao, có công phu hiểu đời hiểu người. “Điều khuyết điểm phải tự mình nói ra, để cái tốt cho người khác nói”. Cho nên con gái của mình hư chỗ nào phải tự nói ra, để những ưu điểm cho người mẹ chồng tự khen ngợi. Vì vậy, đích thực là học vấn triết học giữa con người với nhau phải dựa vào việc chúng ta tỉ mỉ mà thể hội.

Cho nên, “nuông chiều” là một điều kiêng kỵ rất lớn trong việc dạy dỗ con cái.

Những đứa trẻ hiện nay do vì được nuông chiều đã sản sinh ra những vấn đề gì?

Chúng ta lại xem tiếp, những đứa trẻ hiện nay do vì được nuông chiều đã sản sinh ra những vấn đề gì? Việc này chúng ta nhất định phải làm cho rõ ràng. Ở Trung Quốc có một quyển sách triết học giáo dục nổi tiếng nhất, gọi là “Lễ Ký - Học Ký Thiên”. Quyển sách triết học giáo dục này đã được lưu truyền mấy nghìn năm, nhưng mà rất nhiều người chưa có đọc qua. Lý luận nhắc đến trong quyển triết học giáo dục này trong mấy nghìn năm qua lại là những điều mà người Tây Phương nêu ra trong thời cận đại này, trong khi đó đã được lão tổ tông truyền lại mấy nghìn năm rồi. Sau đó người Phương Tây lại đem những lý luận này ra đóng dấu lên đó, nói: “Đây là do tôi phát hiện ra, tất cả bản quyền là của tôi, những lý luận này là do tôi phát minh ra”. Có thể trách họ được không? Cũng không thể nào trách họ được, bởi vì họ không có xem qua quyển “Lễ Ký- Học Ký” này của chúng ta. Tin rằng sau khi họ nhìn thấy thì sẽ cảm thấy như thế nào? Có thể họ sẽ cảm thấy đỏ mặt, sẽ cảm thấy hổ thẹn.

Vì sao mà lão tổ tông truyền thừa những thứ trí tuệ cao như vậy ngược lại trước giờ lại không có khoe khoang ra? Đây là một mỹ đức rất tốt của chúng ta, là khiêm tốn. Trong số những Thánh nhân lão tổ tông của chúng ta, quan trọng nhất là Khổng Phu Tử đã làm ra tấm gương tốt cho những người đọc sách ở đời sau. Ngài nói cả đời của Ngài là:“Thuật nhi bất tác”. Phu Tử nói cả đời Ngài đều là trình bày lại những giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền, tuyệt đối không có chuyện Ngài sáng tạo ra điều gì. Cho nên Phu Tử nói “thuật nhi bất tác”, làm tấm gương này, truyền thừa đã mấy nghìn năm rồi. Cho nên “giữ bản quyền tất cả” không phải là thái độ của một người đọc sách chúng ta. Những người đọc sách được lưu danh sử xanh đều là người dùng trí tuệ tích lũy được cả đời của mình viết ra thành văn chương, hy vọng đời sau được lợi ích, hy vọng có thể khiến con cháu trong đời sau không cần phải đi con đường vòng. Đây là cái tâm của họ khi viết ra văn chương. Cho nên khi chúng ta đối diện với những giáo huấn này của cổ Thánh tiên Hiền thì bạn nhất định sẽ vô cùng cung kính mà đọc tụng. Những loại văn chương đó đều là trí huệ của cả một đời họ.

Trong “Lễ Ký - Học Ký” đối với việc giáo dục có một câu khai thị vô cùng quan trọng, “giáo dã giả”, giáo dục là gì vậy? “Trưởng thiện nhi cứu thất”. Giáo dục là “trưởng thiện”, lại thêm vào “cứu thất”, câu nói này đã nắm lấy được hai cái trục chính quan trọng nhất của giáo dục.

Chúng ta vừa mới nhắc đến, đứa trẻ được nuông chiều hư rồi, sau khi cưng chiều mà hư thì chúng sẽ hình thành rất nhiều lỗi lầm và thói quen xấu, gọi là “thất”. Thói quen xấu và lỗi lầm thì phải làm sao đây? Các vị bằng hữu, phải làm sao đây? Phải nhanh chóng cứu, không thể đợi được. Học như bơi thuyền ngược nước, không tiến thì ắt phải lùi.

Rất nhiều phụ huynh nói con tôi không có học xấu, mà cũng không có học tốt, có chuyện như vậy hay không? Tuyệt đối là không có. Việc học vấn của con người như bơi thuyền ngược nước, khi mà bạn không làm gì hết thì sẽ lùi về phía sau. Chúng tôi có một vị thầy có một thể hội rất là sâu sắc, thầy nói thầy cảm thấy một ngày mà không dạy tốt con cái của mình thì con cái của ông liền khiến ông cảm thấy một ngày đó bị thối lùi. Cho nên thầy có một sự thể hội, thầy nói con cái của thầy ngay cả nghỉ hè nghỉ đông thầy tuyệt đối cũng không cho nghỉ, nhất định là mỗi ngày đều dạy chúng. Đây là một phụ huynh rất rõ ràng, một người thầy rất rõ ràng, vì sao vậy? Vì ông đã nhìn thấy được xã hội này là một cái chảo nhuộm rất lớn, nếu không nhanh chóng tạo dựng cho con trẻ năng lực phán đoán thì cái chảo nhuộm này chỉ cần nhuộm qua một cái đã bị nhuộm hết rồi. Cho nên ông có tâm cảnh giác này, đây là sự mẫn cảm trong việc giáo dục con cái của ông. Vì thế trưởng dưỡng điều thiện của trẻ, cứu lấy lỗi lầm của chúng là một việc cấp bách không được chậm trễ.

Trẻ con hiện tại gặp những vấn đề gì?

Vậy chúng ta hãy xem trẻ con hiện tại có những phương diện nào mà chúng ta cần phải nhanh chóng cứu lấy lỗi lầm của chúng? Những thói xấu nào cần phải được sửa chữa? Đạo đức học vấn của một người phải bắt đầu từ việc sửa lỗi trước tiên.

Có vị bằng hữu nào nói thử xem, trẻ con hiện tại có những vấn đề gì? Kiêu ngạo. Đúng. Còn gì nữa không? Tự đại, tự ngã. Tự ngã thì nói rất dễ nghe. Rất nhiều danh từ đều là học từ Phương Tây, để bạn nhìn thấy được có lúc cũng không có nắm được trọng điểm, kỳ thực nói cho trắng ra thì chính là tự tư. Còn có gì nữa không? Không có lễ phép, rất tham. Tâm tham, chúng việc gì cũng nghĩ đến chính mình, có chỗ nào mà không tham chứ. Còn gì nữa không? Bất hiếu. Còn nữa gì nữa không? Các vị không nên khách khí, cứ nói hết. Lười biếng. Được rồi! Tôi cũng thường tiếp xúc một số phụ huynh, bởi vì chúng tôi có một Trung Tâm Quốc Học Vỡ Lòng tại Hải Khẩu, đều là đặc biệt vì dạy dỗ trẻ nhỏ mà đã làm ra những khóa trình này. Rất nhiều phụ huynh, con cái cũng có một số tình trạng, họ đến trung tâm để cùng thảo luận với chúng tôi. Mỗi khi họ đến, khi còn chưa bước vào trong văn phòng, chưa vào ngồi ghế, vừa từ cổng bước vào thì liền đưa họ vào trong trung tâm, trên đường đi họ liền bắt đầu nói: “Con tôi lại tự tư, con của tôi tính tình không tốt”, cứ như vậy mà nói cả năm phút đồng hồ. Sau khi nói xong tôi sợ họ khát nước, tôi liền rót một ly nước mời họ uống: “Hãy uống một ly nước đi rồi ngồi xuống nói chuyện nhé”.

Nguyên nhân là gì?

Sau khi để cho họ nói xong những vấn đề của con cái họ, tiếp đến tôi liền bắt đầu hỏi. Tôi nói: “Con của anh hiện tại rất tự tư là kết quả, nguyên nhân ở chỗ nào?”. Con của anh hiện tại tính khí rất xấu là kết quả, nguyên nhân ở chỗ nào? Tôi xem thấy biểu cảm của họ như là tôi sống tới từng tuổi này dường như chưa có ai hỏi qua tôi vấn đề như vậy. Đột nhiên quá nên chưa tiếp nhận được, gương mặt cứ sững lại, rất kinh ngạc, “tôi làm sao lại chưa nghĩ qua”. Sau đó lại hỏi anh: “Trẻ nhỏ không có lễ phép là kết quả, nguyên nhân là ở đâu vậy?”. Con trẻ bất hiếu, lười nhác là kết quả, nguyên nhân là ở đâu? Bạn biết được nguyên nhân thì mới có thể tùy bệnh mà cho thuốc được.

Thế gian này có hai loại thầy thuốc. Một loại là thầy thuốc trị bệnh thân thể của con người, một loại thầy thuốc là trị bệnh tư tưởng quan niệm của con người. Vậy thầy cô và những bậc cha mẹ chính là người thầy thuốc trị tư tưởng quan niệm cho trẻ nhỏ, mà bạn thì cũng không biết tư tưởng quan niệm của bọn trẻ nguồn gốc sai lầm ở chỗ nào? Bạn mỗi ngày chỉ là ở đó để nhìn thấy kết quả mà thôi, mỗi ngày cứ ở đó mà lo lắng mà phiền não. Cho nên nhất định phải đem nhổ bỏ đi hết những hạt giống sai lầm đã trồng, sau đó trồng lại những hạt giống tốt. Lại trải qua hai - ba năm nữa, thì những hạt giống tốt này mới nảy mầm kết quả. Cho nên giáo dục con trẻ không thể vội, phải dùng lý trí để mà tìm cho ra nguyên nhân.

Cho nên tôi liền nói với vị phụ huynh, trẻ con rất tự ngã, đây là một vấn đề trung tâm. Khi một đứa trẻ rất tự tư thì sẽ trở nên vô lễ, sẽ ngạo mạn, chỉ cần là thứ tôi muốn thì sẽ không cho ai, sẽ lười nhác, sẽ bất hiếu, vậy thì chúng đều sẽ nghĩ đến bản thân mình có đâu nghĩ đến cha mẹ nữa. Vì thế căn nguyên vẫn là ở chỗ này. Thái độ căn bản của nhân sanh là tự tư hay là suy nghĩ cho người khác.

Lúc này tôi nói với vị phụ huynh đó, tôi nói chúng ta hãy trở lại lúc đứa trẻ còn nhỏ, khi nó được một - hai tuổi gì đó, vào những lúc ngồi ăn cơm chung với hai vợ chồng anh và các ông bà, xin hỏi anh khi gắp miếng thức ăn đầu tiên là cho ai vậy? Có tìm ra được nguồn gốc của vấn đề hay không? Mỗi lần mà tôi nói như vậy thì những người mẹ ngồi phía dưới đều cười lên một hồi, tôi cũng không biết họ cười điều gì.

Trong quyển “Đại Học” có một câu nói: “Tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỷ”. Thứ tự trước sau của sự việc mà bạn làm sai rồi thì đạo làm con của bạn cũng đã sai, đạo làm cha mẹ của bạn cũng sai luôn. Cho nên việc gắp thức ăn mà sai thì hiếu đạo của con cái cũng không thể xây dựng nổi, cho nên thứ tự trước sau vô cùng quan trọng. Mà con người muốn hiểu được thứ tự trước sau cái nào quan trọng, cái nào thứ yếu thì phải có trí tuệ mới được. Cho nên phải học. “Chỉ thực hành, không học văn”, bạn không học văn chương của Thánh Hiền thì sẽ “theo ý mình”, thì sẽ tùy theo mình nghĩ thế nào liền làm thế ấy, sẽ “mù lẽ phải”, đã làm sai rồi. Cho nên thức ăn sau khi gắp lên, “Tiểu Minh à, mẹ đặc biệt vì con mà xào đĩa rau này, mau mau ăn nhiều một chút”. Ông bà nội thì cũng rất thương cháu, cũng không chịu thua kém, “cháu ngoan à, hai món này cũng rất ngon đó”, thế là gắp đầy cho nó. Thức ăn của ai đầy nhất vậy? Chén của đứa trẻ sẽ nhiều đồ ăn nhất. Tất cả mọi người trong nhà đều thi nhau phục vụ cho ai? Phục vụ cho đứa trẻ. Cho nên sẽ sản sinh ra điều gì? Sinh ra những tiểu hoàng đế, cũng sinh ra tiểu công chúa.

Tục ngữ có câu: “Làm bạn với vua như làm bạn với hổ”, hầu hạ hoàng đế thì cũng giống như hầu hạ một con hổ, không biết lúc nào nó gầm lên. Vì thế các tiểu hoàng đế này tính khí sẽ đặc biệt không tốt. Hiện nay trong mười đứa trẻ thì có mấy đứa tính khí không tốt? Nói không chừng đến bảy - tám đứa rồi. Cho nên chúng ta đã tìm ra được nguyên nhân hay chưa? Khi thức ăn này bạn gắp cho cha mẹ bạn ăn, đứa con bên cạnh nhìn thấy hành động hiếu đó, thấy bạn hiếu thuận cha mẹ như vậy thì đứa trẻ sẽ sanh ra sự hoan hỷ từ trong nội tâm, vì mỗi con người có tâm hiếu thiện hiếu đức, đó là thiên tánh.

Tôi còn nhớ lúc còn nhỏ, tủ lạnh vừa mở ra, cha mẹ tôi lấy trái cây ra đưa cho ai ăn trước tiên vậy? Nếu như đưa cho tôi ăn trước tiên thì hiện tại tôi không thể nào đứng đây mà chia sẻ với các vị được, tôi nhất định sẽ trở thành đứa con phá sản rồi. Thật sự vậy, tôi là người rất dễ trở thành đứa con phá sản, bởi vì tôi là con trai trưởng, lại là cháu đích tôn, lại là cháu cố trưởng nữa.

Tôi còn nhớ lúc nhỏ ba - bốn tuổi đi tảo mộ, tôi quỳ ở trước mộ của bà cố, nhìn thấy ở trên bia mộ tên đầu tiên khắc là tên của tôi, tôi đột nhiên vô cùng kính cẩn. Cho nên đối với gia tộc bản thân tôi có một sứ mạng cảm. Tôi là cháu trưởng nên ai ai cũng cưng chiều một mình tôi. Nếu như cha mẹ tôi dùng sai phương pháp để dạy tôi thì đảm bảo bây giờ tôi không thể nào đứng nơi đây được, vì thế đã chọn đúng phương pháp rồi. Khi tôi nhìn thấy cha mẹ hiếu kính ông bà nội của mình thì trong tâm rất hoan hỷ, cho nên khi tôi lớn, có đủ sức để mở chiếc tủ lạnh thì khi lấy đồ ra đem đi mời ông bà trước tiên. Khi tôi đem đến cho ông bà thì thấy ông bà đều vô cùng hoan hỷ, xoa xoa đầu của tôi. Tôi thấy cũng rất vui, ông bà thấy rất hoan hỷ, việc này khiến mọi người đều hoan hỷ. Cho nên dùng hiếu để trị gia thì tuyệt đối sẽ khiến gia đình hòa thuận vui vẻ.

Chúng ta từ trên nguồn gốc mà tìm ra, khi chúng ta từ nhỏ dạy trẻ con hiếu thuận người lớn, có thái độ lễ kính đối với người lớn, từng giờ từng phút phải suy nghĩ cho người lớn, thì chúng sẽ không thể tự tư được, chúng cũng sẽ không tham nữa.

Một lần chúng tôi gồm bảy vị giáo viên ngồi lại với nhau thảo luận, có hai đứa trẻ ngồi trong phòng đó nô đùa. Đúng lúc đó lấy ra một hộp bánh, trong đó có mười miếng. Sau khi phát ra hết chín miếng, còn dư lại một miếng. Bởi vì loại bánh đó rất ngon, cho nên bạn đứa trẻ sau khi ăn xong thì chạy lại, nó nói: “Bánh này ăn rất ngon, cho con hỏi còn nữa không ạ?”. Tôi cầm đưa cho nó xem cũng không nói gì, bánh chỉ còn một cái. Đứa trẻ này sau khi cầm lấy bánh, nó liền nói: “Cái bánh này phải đem mời thầy Thái ăn”. Nó không những không nghĩ đến chính mình mà lại nghĩ đến trong những vị thầy cô ở đây nên đưa cho người nào ăn nữa, vậy thì các vị xem nó có tự tư hay không? Không có.

Được rồi, chúng ta chỉ nói đến đây. Xin cảm ơn!

A Di Đà Phật!

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 05)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ.