Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 43)

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 43)
Chào chư vị đồng tu, chào mọi người. Hôm qua tôi giảng đến “Thi ân bất cầu báo, dữ nhân bất truy hối”. Hai chữ “thi ân” chúng ta phải chú ý, “thi ân” là bố thí ân đức, làm thiện cho người, ở trong các buổi giảng chúng tôi thường nói. Tóm lại là phải thường giữ tâm thuần thiện, ý nghĩ thuần thiện, niệm niệm suy nghĩ cho người khác, đây là bố thí ân đức. Bố thí ân đức là cách nghĩ của ông, là cách nói của ông. Nếu như bản thân chúng ta vẫn còn có một niệm tâm bố thí ân đức là sai rồi. Sai ở đâu vậy? Chúng ta dính tướng rồi. Dính tướng là không viên mãn, dính tướng là nhân thiện ở trong tam giới lục đạo, không tương ưng với tánh đức. Cái đạo lý này rất sâu, rất rộng, người học Phật không thể không biết. Nếu bạn không biết thì tâm thanh tịnh của bạn không có được. Quí vị phải biết rằng, tâm thanh tịnh mới là chân thiện, là đại thiện. Hôm qua chúng tôi tham gia buổi đại hội biểu dương các bà mẹ vĩ đại của Hồi Giáo. Chúng tôi không biết trong buổi lễ này lại là nơi tập trung những người có địa vị. Có ba vị bộ trưởng, có sự tham dự của tiền tổng thống Singapore và ứng cử viên tổng thống sắp tuyển cử, tiên sinh Nạp Đan cũng có tham dự, còn có một số đại sứ của đại sứ

Chào chư vị đồng tu, chào mọi người.

Hôm qua tôi giảng đến “Thi ân bất cầu báo, dữ nhân bất truy hối”. Hai chữ “thi ân” chúng ta phải chú ý, “thi ân” là bố thí ân đức, làm thiện cho người, ở trong các buổi giảng chúng tôi thường nói. Tóm lại là phải thường giữ tâm thuần thiện, ý nghĩ thuần thiện, niệm niệm suy nghĩ cho người khác, đây là bố thí ân đức.

Bố thí ân đức là cách nghĩ của ông, là cách nói của ông. Nếu như bản thân chúng ta vẫn còn có một niệm tâm bố thí ân đức là sai rồi. Sai ở đâu vậy? Chúng ta dính tướng rồi. Dính tướng là không viên mãn, dính tướng là nhân thiện ở trong tam giới lục đạo, không tương ưng với tánh đức. Cái đạo lý này rất sâu, rất rộng, người học Phật không thể không biết. Nếu bạn không biết thì tâm thanh tịnh của bạn không có được. Quí vị phải biết rằng, tâm thanh tịnh mới là chân thiện, là đại thiện.

Hôm qua chúng tôi tham gia buổi đại hội biểu dương các bà mẹ vĩ đại của Hồi Giáo. Chúng tôi không biết trong buổi lễ này lại là nơi tập trung những người có địa vị. Có ba vị bộ trưởng, có sự tham dự của tiền tổng thống Singapore và ứng cử viên tổng thống sắp tuyển cử, tiên sinh Nạp Đan cũng có tham dự, còn có một số đại sứ của đại sứ quán các nước. Chúng tôi trò chuyện ở trong phòng khách quý. Họ gặp tôi đều rất hoan hỷ. Họ nói với tôi, xem ra tôi rất trẻ, hỏi tuổi tác của tôi và sau đó hỏi tôi bảo dưỡng như thế nào. Tôi bèn nói với họ là “thanh tâm quả dục”. Thanh tâm quả dục không phải là không làm việc, việc gì cũng làm cả, làm rất nhiệt tâm, làm rất cần mẫn, nỗ lực, nhưng làm bằng cách nào? Không dính tướng, chú tâm mà làm. Làm mà niệm niệm không quên, điều này thì không được.

Tôi giảng thanh tâm quả dục, giảng buông xả vọng tưởng, chấp trước, họ nghe xong đều hiểu. Khó! Không dễ dàng làm được. Nói thực ra, có gì khó đâu? Khó ở chỗ là chưa có thật sự hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh, khó là ở chỗ này. Cho nên khi Thế Tôn năm xưa còn tại thế, 49 năm hằng ngày vì chúng ta khai thị, chẳng qua là nói rõ cái sự thật này. Sự thật đã hiểu rõ rồi thì không khó. Sự thật là gì vậy? Năng đắc và sở đắc đều không thể được. Nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không”, bạn vẫn còn khởi vọng tưởng sao?

Tiên sinh Viên Liễu Phàm hiểu rồi, ông hiểu vẫn chưa phải là đạo lý rất sâu này, chỗ ông hiểu chẳng qua là đạo lý nhân quả báo ứng, “giọt nước hạt cơm đều do tiền định”, đây là sự tướng trên sự. Bạn ở trong đời này, công danh, phú quý, yểu thọ, bần tiện đều là do trong đời quá khứ tu mà có, quả báo cảm được trong đời này không mảy may sai chạy. Đây là chân tướng rất thô thiển trên sự tướng, ông hiểu rồi. Sau khi hiểu rồi, ông liền như như bất động, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tuy chưa có đoạn, nhưng nhẹ rồi, so với người bình thường đã nhẹ hơn rất nhiều, rất nhiều rồi. Ông đã ngồi ở trong thiền đường với Thiền sư Vân Cốc ba ngày ba đêm, không khởi một vọng tưởng nào. Nguyên nhân gì vậy? Ông hiểu rồi, ông hiểu “giọt nước hạt cơm đều do tiền định” nên ông buông xả rồi. Thế nhưng đây vẫn chưa phải là chân tướng sự thật. Người hiểu rõ chân tướng sự thật, tâm mới thật sự thanh tịnh. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi gặp được Thiền sư Vân Cốc, Ngài đã khai thị cho ông. Ông phát tâm đọc sách, cầu đạt được công danh, cải tạo vận mệnh của mình. Ông là tấm gương tốt của người thế gian, tấm gương tốt của chúng sanh lục đạo, chưa phải là người học Phật, tuy không phải học Phật, nhưng đó là cơ sở tốt cho việc học Phật. Học Phật quả thật xây dựng từ trên cơ sở này, đây là điều không thể phủ nhận.

Phật pháp là đại thiện thế xuất thế gian. Đại thiện nhất định xây dựng trên căn bản của tiểu thiện, đạo lý này hiện nay rất ít người hiểu được. Vào thời xưa người hiểu được nhiều, nhưng chưa chắc có thể làm được. Tại sao làm không được vậy? Có hai nguyên nhân, thứ nhất là hiểu chưa đủ triệt để, thứ hai là tập khí phiền não buông không được, không ngăn nổi sự cám dỗ của danh vọng lợi dưỡng. Chúng ta hiểu rõ rồi, sau khi hiểu rõ rồi thì phải biết làm như thế nào. Phải nương theo lời dạy của Phật thì chắc chắn không sai, dùng thiện tâm thiện hạnh giúp đỡ người khác. Người ta lừa gạt chúng ta, chúng ta vẫn phải dùng thiện tâm, thiện hạnh đối xử với họ, quyết không thể bởi vì họ lừa gạt ta, mà ta bèn lẫn tránh, không muốn quan tâm họ, vậy chúng ta vẫn là khởi tâm động niệm, chúng ta vẫn là rơi vào trong phân biệt, chấp trước. Người ta có thành ý đối với ta hay là lừa gạt ta, chúng ta không thể không biết, không biết là mê muội, mọi thứ rõ ràng, một chút cũng không mê muội, chúng ta vẫn dùng tâm chân thành đối xử với người, đây là Phật Bồ Tát, hạnh Bồ Tát, đây là chân thật thi ân.

Thi ân mà bản thân vẫn không có ý nghĩ thi ân thì đâu có nghĩ đến cầu đền đáp. Giúp đỡ người khác, thành tựu cho người, bố thí cúng dường người khác, tuyệt đối không có ý nghĩ hối hận. Hôm qua tôi đã nói rồi, có ý nghĩ cầu đền đáp là tâm tham chưa đoạn, nên bố thí chưa có viên mãn. Bố thí Ba-la-mật, bạn có bố thí mà chưa có Ba-la-mật. Bạn cho người, nhưng về sau lại hối hận, là tâm tham lam, keo kiệt của bạn vẫn còn, keo kiệt chưa chuyển hóa hết, đây là cái đứng đầu của tam độc. Phiền não tham không thể đoạn thì Phật dùng phương pháp bố thí này, giúp chúng ta nhổ bỏ tham lam keo kiệt. Nếu như bạn có tâm cầu báo đáp, có tâm hối hận thì phiền não tham lam keo kiệt không thể trừ bỏ, có bố thí, mà không thể gọi là bố thí Ba-la-mật. Bồ Tát là tu bố thí Ba-la-mật, phàm phu chúng ta tu bố thí mà thôi, chưa đạt đến Ba-la-mật. Nhưng mà nếu không tu bố thí Ba-la-mật thì chúng ta chắc chắn không thể vượt qua lục đạo, nhất định không thể đoạn phiền não, không thể khai trí tuệ. Trí tuệ là cái vốn có, ở trong tự tánh tất cả chúng sanh vốn dĩ đầy đủ, nhưng tại sao trí tuệ không khai? Chính là bị những phiền não này che phủ kín rồi, cho nên trí tuệ không thể hiện tiền. Phật dạy chúng ta đem phiền não trừ hết thì trí tuệ liền hiện tiền. Loại phiền não nghiêm trọng nhất chính là tham lam, keo kiệt.

Hai câu nói này là dạy chúng ta phải thật cần mẫn, thật nỗ lực mà học. Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay tập khí phiền não rất nặng, ý nghĩ cầu đền đáp, hối hận thường có. Có lẽ các bạn đã từng nghe tôi kể về Giản Phong Văn ở Đài Bắc, đường Nam Hàng Châu. Ông đem giảng đường đó tặng cho tôi, về sau ông rất thẳng thắn nói với tôi là ông đã hối hận một năm rưởi, thường xuyên ngủ nửa đêm thì tỉnh dậy, suy nghĩ “tại sao số tiền nhiều như vậy mất hết rồi?”. Sau một năm rưởi, mỗi ngày ông nghe Kinh, dần dần hiểu rồi mới không hối hận. Thật không dễ dàng! Cho nên hiện tượng này là bình thường. Nếu như bạn không có hiện tượng này, vậy thiện căn, phước đức của bạn không phải người bình thường có thể sánh bằng.

Chịu bố thí đã là không dễ dàng rồi. Cầu báo đáp, hối hận là hiện tượng rất bình thường. Nhưng mà chúng ta phải biết, nếu như vẫn có cái ý nghĩ này là phiền não chưa đoạn hết, nên trí tuệ không thể hiện tiền. Phải thường xuyên nghĩ đến sự thật này. Tham, sân, si mạn, thị phi, nhân ngã đều buông xả rồi thì tâm địa của bạn mới thanh tịnh. Tâm thanh tịnh sẽ sanh trí tuệ. Sau đó bạn mới biết, thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn sanh phiền não, không sanh trí tuệ.

Chúng ta muốn khai trí tuệ, thì hai câu nói này là quá hay rồi. Phải thường xuyên đi làm việc thi ân, thường xuyên đi giúp đỡ người khác; dùng trí tuệ giúp đỡ người, dùng sức lao động giúp đỡ người, dùng tài lực giúp đỡ người, mọi thứ đều phải xả. Quí vị phải biết, tài càng xả càng nhiều, không phải xả là mất hết, càng xả càng nhiều. Xả là nhân, được càng nhiều đó là quả. Tu nhân đâu có đạo lý nào không được quả báo? Nhưng mà không được phép có ý nghĩ cầu quả báo. Tại sao vậy? Ý nghĩ cầu quả báo là tâm tham. Quả báo hiện tiền đó là chân lý, nhân quả nhất định tương ưng. Sau đó bạn sẽ biết, bố thí thể lực của bạn thì cơ thể của bạn càng khỏe mạnh. Bố thí trí tuệ của bạn thì bạn thường hay có ý nghĩ hay, tư tưởng hay, biện pháp hay, giúp đỡ người khác giải trừ nguy nan, bạn tu nhân này thì sẽ tăng trí tuệ.

Trí tuệ của Phật tại sao lớn như vậy? Phật hằng ngày giảng Kinh thuyết pháp, bố thí biện pháp hay, dạy người phá mê khai ngộ, cho nên trí tuệ mới lớn như vậy. Bản thân chúng ta có một chút gì tốt thì rất keo kiệt, chỉ sợ người khác học được, vậy bạn làm gì có trí tuệ được? Cho nên có rất nhiều người đem một số sách, trước tác của pháp sư tặng cho tôi, bạn biết cái đầu tiên tôi nhìn là gì không? Tôi xem trang bản quyền ở phía sau, nếu ở trên đó in “Sở hữu bản quyền, cấm in sao” thì sách này tôi xếp lại, không xem. Tại sao vậy? Tâm lượng của họ quá nhỏ, họ có thể viết ra cái gì hay được chứ? Chỉ làm mất thời gian của tôi. Tâm lượng quá nhỏ thì không có trí tuệ. Bản thân có một chút gì hay, đem quyền lợi của mình nắm thật chắc. Quyền tài sản trí tuệ gì chứ, họ làm gì có trí tuệ? Người thật sự có trí tuệ thì vạn duyên buông xả, bản quyền cũng buông xả, không cần nữa, người này mới có trí tuệ. Nguyên tắc đọc sách của tôi là như vậy, không lãng phí thời gian. Cho nên phải học Phật Bồ Tát, nhiệt tâm giúp đỡ người. Nếu thật sự làm được không mong cầu quả báo, không hối hận, nhất định phải thâm nhập Kinh tạng, lý sự đều phải thấu triệt, nhất định thực hiện vào trong đời sống, cần mẫn nỗ lực mà làm.

Ở trong chú giải có mấy câu nói nói vô cùng hay. Ông nêu một ví dụ trong kinh Phật, người lấy tiền của giúp đỡ người khác, bên trong không thấy có “ta là người bố thí”, quên mất “ngã” rồi, bên ngoài cũng không có bận tâm đến “người tiếp nhận sự bố thí của ta”, ở giữa cũng quên mất “vật mà ta bố thí”, đây gọi là “Tam Luân Thể Không”. Chư Phật Bồ Tát hoàn toàn là giúp đỡ người như vậy, dùng tài thí, dùng pháp thí, dùng vô úy thí, tâm địa vĩnh viễn là thanh tịnh, bình đẳng, thí nhỏ mà được phước báo lớn. Ở trong ví dụ nói, bố thí một đấu gạo, được vô lượng vô biên phước báo, đây là thật, một chút cũng không giả. Tại sao vậy? Vì xứng tánh, họ được vô lượng vô biên phước báo là họ đem tánh đức mở ra rồi. Đạo lý là như vậy. Thí xả một xu có thể tiêu trừ tai nạn 1.000 kiếp, lời nói này đều là sự thật, không phải giả. Chúng ta ngày nay tu phước, đạt được quả báo rất nhỏ, cũng không cách gì tiêu trừ tai nạn, nguyên nhân do đâu vậy? Tâm không thanh tịnh, cho dù bố thí nhiều đi nữa, vẫn cứ là cách một lớp với tánh đức, cho nên vẫn cứ phải sống khổ ở trong lục đạo như xưa, cũng chính là chúng ta còn tồn tại ý nghĩ cầu quả báo, vì vậy chúng ta tu như thế nào cũng bị thua kém rất xa so với Phật Bồ Tát, nhất là hối tiếc, đây là một cái mấu chốt lớn. Nếu như làm việc ác mà hối hận, cái đó tốt, cái niệm ác đó dần dần sẽ chấm dứt. Nếu như làm việc thiện mà hối hận, cái gốc thiện này bị đoạn mất, sau này sẽ không biết tu thiện nữa.

Hiện nay người thế gian tu thiện, có phải là chân tâm tu thiện không? Chắc chắn phía sau có quả báo, họ thấy đúng rồi, giống như đánh bạc, họ đánh ra con bài này, có khi cũng thấy sai rồi, không phải dùng tâm thanh tịnh, không phải dùng tâm thiện chân chánh, không có gì không phải tự tư tự lợi, việc có lợi ích cho bản thân thì muốn làm nhiều. Việc thiện mà Phật Bồ Tát làm, bên trong tuyệt đối không có lợi ích cho bản thân, cho nên tâm của các Ngài thanh tịnh, các Ngài sinh trí tuệ, có phước đức lớn, vô lượng vô biên phước đức. Chúng ta ngày nay không những bản thân hiểu đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật này, giảng cho người khác nghe, còn phải tự mình thật sự làm cho người khác thấy. Giảng cho người khác nghe, làm cho người khác thấy, mục đích làm gì vậy? Quyết không có mục đích của mình, chỉ hy vọng người khác tốt, hy vọng xã hội tốt, hy vọng mọi người sống hòa thuận, bản thân vẫn không nhiễm mảy bụi, vẫn là thanh tịnh vô vi, đây là đệ tử Phật, người này là học Phật chân chánh. Nếu như bạn giúp đỡ người mà bạn lại hối hận, trái lại không bằng không giúp người. Tại sao vậy? Sợ thiện căn của mình từ đây bị đoạn mất.

Trong tiểu chú có ví dụ, cũng có thuyết pháp, nói hay. Ở trong đoạn thứ hai, ông nói bố thí có ba loại, pháp thí, tài thí và tâm thí. Điều này với cách nói bình thường phổ thông của chúng ta có chút sai khác. Bình thường chúng ta nói bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, cách nói này là nhiều nhất. “Tâm thí” là chân tâm. Chân tâm bố thí thế nào? Dạy người khác cũng hiểu rõ có chân tâm. Chân tâm của họ cũng có thể do bạn giáo hóa, diễn thuyết mà được gợi mở, chân tâm của họ bộc lộ ra được. Đây là tâm thí, đây là việc khó khăn nhất, nhưng mà công đức là không có bờ mé, không có cùng tận. Việc này chỉ có chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ mới làm được. Thế nhưng ở trong chú giải thì nói cạn. Cạn là gì vậy? Chúng ta không có năng lực bố thí, nhưng mà có cái tâm này, ngạn ngữ có câu “tâm có dư mà sức không đủ”, không phải chúng ta không có tâm, thường giữ tâm ấy, thường xuyên có tâm bố thí, thường xuyên có nguyện vọng giúp đỡ người khác, nhưng mà chúng ta không có năng lực, cái tâm này vĩnh viễn không mất đi. Đây là nghĩa cạn của tâm thí, chúng ta có thể bắt tay vào làm. Thế nhưng ở trong hoàn cảnh đời sống hiện nay của chúng ta, chỉ cần đem công việc bổn phận của mình chăm chỉ làm thì chính là tâm thí.

Chúng ta xuất gia rồi, việc người xuất gia làm là gì? Ngành nghề này, công việc bổn phận là gì vậy? Vì người diễn thuyết. “Diễn” là biểu diễn. Chúng ta sống là biểu diễn. “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, đây là biểu diễn. Sư là mẫu mực, phạm là mô phạm. Đời sống của chúng ta là chuẩn mực sống cho tất cả chúng sanh. Chúng ta mặc y phục phải chuẩn mực, mặc y phục là mặc cho mọi người, y phục phải sạch sẽ, phải chỉnh tề, rách chẳng có sao cả, rách có thể vá lại một chút, nhưng nhất định phải sạch sẽ, phải chỉnh tề. Chúng ta ăn cơm là chuẩn mực của ăn cơm, ăn cơm cũng có phép tắc, có phong thái. Thử nghĩ, ta ăn cơm phong thái kiểu này có thể làm chuẩn mực cho người khác không? Đây chính là Phật pháp. Phật pháp là giáo dục đời sống, từng li từng tí đều phải làm tấm gương tốt cho chúng sanh, chúng ta có làm được chưa?

“Thuyết” là nói rõ cho chúng sanh. Người ta nhìn thấy cái hình ảnh này, muốn hướng về bạn để thỉnh giáo, bạn giải thích cho họ, nói rõ cho họ. Họ nhìn thấy rồi, họ tin. Họ nghe thấy rồi, họ hiểu. Hiểu là giải. Họ có tín, có giải, họ cũng sẽ làm theo, họ cũng sẽ học. Phật pháp không phải chỉ nói, mà Phật pháp là phải giải - hành tương ưng, hành và giải quan trọng như nhau. Ở trong Kinh Đại Thừa, đem “Hành” đặt ở hàng đầu, “Giải” xếp ở hàng thứ hai. Tịnh Độ chính là như vậy. Bồ Tát Quan Âm xếp ở hàng đầu, Bồ Tát Đại Thế Chí đặt ở thứ hai. Quan Âm đại biểu cho “Hành”, Đại Thế Chí đại biểu cho “Giải”. Ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phổ Hiền đại biểu cho “Hạnh”, xếp ở vị trí thứ nhất, Văn Thù đại biểu cho “Giải”, xếp ở vị trí thứ hai. “Giải - Hạnh” là một sự việc. Đặc biệt chú trọng ở pháp hành, nói được thì nhất định phải làm được, chúng ta mới có được sự thọ dụng đích thực. Sự thọ dụng đích thực này là pháp hỷ sung mãn. Cái hỷ duyệt này không phải do bên ngoài kích thích. Hiện nay người thế gian hưởng lạc là gì vậy? Là hưởng thụ cái vui do ngũ dục lục trần kích thích, cái vui đó là từ bên ngoài đến, là giống như uống thuốc kích thích, chích morphine vậy, cái vui đó không phải chân lạc. Ở trong Phật pháp nói lạc là giống như dòng suối trong nội tâm tuôn trào ra vậy, đây là chân lạc, đây gọi là pháp hỷ sung mãn, chúng ta chưa đạt được. Tại sao chưa đạt được vậy? Chưa có làm được. Đem lời dạy của Phật thực hiện vào trong đời sống, trong đời sống sản sinh ra hỷ duyệt, đây là chân lạc. Cái lạc này không phải đến từ bên ngoài. Hơn nữa, xin thưa với quí vị, cái lạc này là nguồn bổ dưỡng thù thắng nhất của nhân sinh. Người thế gian cũng có người hiểu được, cái gọi là “người gặp việc mừng, tinh thần sảng khoái”, sảng khoái xuất hiện ngay. Cho nên Phật Bồ Tát vĩnh viễn không mỏi, không chán. Không mệt mỏi, không phiền chán là đạo lý gì vậy? Hỷ duyệt.

Chúng ta làm việc, tại sao thường hay mệt mỏi, phiền chán vậy? Không có hỷ duyệt. Chúng ta tu học Phật pháp, không đạt được pháp hỷ, làm sao có thể có tiến bộ được? Nếu như sau khi bạn đạt được pháp hỷ rồi, bạn quả thật có bước tiến bộ dài, bạn sẽ không thoái chuyển. Bạn chưa đạt được pháp hỷ thì rất dễ dàng thối chuyển. Pháp hỷ nhất định là ở trong giải hành đều coi trọng như nhau, bạn mới có thể đạt được, lệch về một bên thì không thể đạt được. Có giải, không hành thì không thể đạt được, có hành không giải cũng không thể đạt được. Thanh Lương nói trong chú giải “Kinh Hoa Nghiêm”: “Hữu giải vô hành, tăng trưởng tà kiến. Hữu hành vô giải, tăng trưởng vô minh”, đều không đạt được pháp hỷ. Pháp hỷ nhất định phải “Giải - Hạnh” tương ưng. Ở trong Thiền tông gọi là định tuệ đẳng học, ở trong đây bạn mới có được pháp hỷ. Định tuệ không cân bằng thì không thể đạt được, giải hạnh không cân bằng không thể đạt được, nhất định phải cân bằng, ở trong đây mới có thể sản sinh.

Hai câu này là giảng về “Hạnh”. Hy vọng chúng ta cần lưu ý, phải cần mẫn mà thể hội, mà tư duy, nỗ lực làm, nhất định phải thực hiện vào trong đời sống. Chúng ta ngày nay thi ân với người, nhất định phải dùng Phật pháp, lấy Phật pháp làm chủ. Chúng ta không dùng tiền tài, đến sau này bạn tiếp nhận người ta bố thí, vậy là tài đến rồi. Đến rồi thì lập tức chuyển tay, liền phải thí trở ra, tuyệt đối không được lưu giữ. Bạn lưu giữ sẽ có sai lầm, sai lầm sẽ nảy sinh ngay. Tại sao vậy? Phiền não sẽ khởi lên, sẽ tăng trưởng tham sân si mạn, cho nên phải buông xả sạch sẽ, nhất định không nên để phiền não tăng trưởng, mà phải để trí tuệ của mình tăng trưởng. Chúng ta phải nhớ kỹ, chỉ có trí tuệ mới có thể giải quyết vấn đề lục đạo, giải quyết vấn đề sinh tử. Muốn giải quyết tất cả vấn đề của thế xuất thế gian, cần phải trí tuệ chân thật.

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (tập 43)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Thời gian: Năm 1999

Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ